Làng cầy tơ mùa dịch


Thường những ngày cuối tháng, khu “liên hiệp các doanh nghiệp thịt chó” ở Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) lại tấp nập người. Họ đến đây cũng bởi sức hút kỳ diệu của đặc sản dương gian “cầy tơ bảy món”. Thế nhưng mùa dịch, “xóm thịt chó” buồn hiu hắt...


Mùa dịch, "xóm thịt chó" buồn hiu hắt...

Rửa tay gác... thớt

Vài ngày sau khi có lệnh tạm đình chỉ việc kinh doanh và giết mổ chó, chúng tôi có mặt tại các “làng cầy tơ” ở Dương Nội. Dù đã vài lần đến “giải đen” ở đây nhưng cũng phải lần mò mãi chúng tôi mới tìm được “chốn xưa một lần đến là cả đời nhớ mãi” ấy. Sở dĩ “thiên đường trần thế” khó tìm là bởi cái không khí tấp nập ngày nào bỗng dưng biến mất. Nếu không có mấy cái cũi trống vẫn được chủ hàng chó xếp ra trước cửa, khó có thể nhận ra những nơi này đã từng có “lịch sử” giết mổ thịt chó nổi tiếng từ hàng chục năm nay.

Ghé vào một cửa hàng có đề tấm biển “Đặc sản thịt chó sống Trường Chinh”, chúng tôi vẫn thấy có 2 con chó vừa được giết thịt đặt trên bàn. Tiếp chuyện chúng tôi, ông Trần Văn Trường - chủ cửa hàng cho biết: “Cửa hàng đã dừng nhập và bán chó từ 3 – 4 hôm nay, sau khi có lệnh cấm của chính quyền. Nhưng nếu ai có nhu cầu, thuê giết thịt chó có nguồn gốc, tôi vẫn thịt thuê. Với lại mấy ngày cuối tháng này, trong làng cũng có nhiều đám xá, bà con nhờ, thì mình thịt hộ thôi”.

Ông Trường cho biết, vào những ngày bình thường, trung bình cửa hàng nhà ông “tiễn” 3 – 4 chú “cẩu”, còn giờ này chiếc cũi có “sức chứa” khoảng 20 con chó nhà ông hoàn toàn tống huơ, trống hoác. Ông Trường nhẩm tính: “Mỗi ngày phải dừng bán chó như thế này, là tôi đi đứt gần 200 nghìn đồng. Mất việc nhưng cũng đành chịu thôi”.

Đối diện với cửa hàng nhà ông Trường là cửa hàng đặc sản thịt chó Hường Phước. Cũng giống như cửa hàng nhà ông Trường, 2 chiếc cũi nhốt chó “chuyên dụng” đặt trước cửa không còn bóng một chú chó nào. Anh Trần Phước - chủ cửa hàng nói: “Năm ngoái, khi dịch tả xảy ra, chúng tôi cũng bị “dính” một đợt cấm rồi. Đến khổ, cứ mỗi khi có tả là các cửa hàng chó lại bị... đổ bệnh, mỗi ngày toi hơn trăm bạc”.

Theo anh Phước, hầu hết các hộ làm nghề giết, mổ chó ở đây chỉ thuần mỗi nghề này, nên khi đã bị cấm, người dân chỉ còn biết... ngồi chơi. Dạo quanh “phố thịt chó” này, đếm vội đã thấy có đến gần 30 cửa hàng chuyên nghề thịt chó, nhưng giờ, cửa hàng nào cũng cửa đóng then cài im lìm. Chị Bùi Thị Hường - chủ cửa hàng chó Thu Hường tiếc rẻ: “Cái nghề bán thịt chó này, chỉ mong sao cho chóng đến những ngày cuối tháng, ai ngờ bị cấm thế này, chỉ còn nước ngồi đợi thôi. Coi như tháng này đi tiêu, hy vọng dịch tiêu chảy nhanh hết để chúng tôi còn làm ăn”.

Không khí kinh doanh thịt chó ở Dương Nội cũng “chìm” hẳn. Hơn 30 hộ trên địa bàn chuyên làm nghề kinh doanh thịt chó cũng đã ngừng hoạt động. Tranh thủ lệnh cấm, các chủ lò chó ở đây tập trung vào việc làm vệ sinh lại nhà cửa, cũi nuôi nhốt và... nằm chờ lệnh cấm được dỡ bỏ. Ông Trịnh Như Hà – Phó Chủ tịch UBND phường Dương Nội cho biết: “Từ ngày 15-5, UBND xã đã có thông báo về việc tạm đình chỉ kinh doanh, buôn bán, giết mổ, vận chuyển chó và sản phẩm từ thịt chó trên địa bàn xã. Thông báo này xã đã chuyển đến 30 hộ giết mổ, chế biến từ thịt chó sống”.

Đồ tể... kêu oan!

Trái với nỗi buồn của các chủ hàng giết mổ thịt chó, có lẽ các chú chó là được lợi và mừng hơn cả. Nhờ cái lệnh cấm giết mổ thịt chó, mà hàng trăm chú chó đã thoát chết trong... gang tấc. Với hơn 30 cửa hàng, chỉ riêng ở La Dương, “công suất” tiêu thụ chó lên tới cả 100 – 150 con mỗi ngày, cá biệt những ngày cuối tháng số lượng có thể “đạt” trên 200 con. Nguồn chó nhập về các địa điểm La Dương, Dương Nội chủ yếu được lấy từ Thanh Hoá, Thái Nguyên, Sóc Sơn, Mỹ Đức... Chị Nguyễn Thị Hường - chủ cửa hàng chó Khánh Hường cho biết: “Trước ngày có lệnh cấm bán thịt chó, tôi đã trót nhập 30 con về để phục vụ cho những ngày cuối tháng này. Vậy mà, bất ngờ có lệnh, tôi đành phải gửi số chó trên cho họ hàng nuôi hộ”.

Mặc dù đã có kết luận phẩy khuẩn tả có trong thịt chó, nhưng khi thấy chúng tôi chụp ảnh, cả chục chủ cửa hàng chó xúm lại phân trần: “Các anh là nhà báo viết thế nào để tuyên truyền lại cho chúng tôi, chứ đổ hết bệnh cho chó nhiễm tả thì oan quá”. Chủ một cửa hàng tên Hường nói: “Cấm thì chúng tôi phải thực hiện thôi, chứ về cơ bản, chúng tôi... không phục! Nếu cứ nói chó bị tả, thế sao ngày nào chúng tôi cũng tiếp xúc với chó, xơi 1 – 2 bữa thịt chó mỗi ngày mà chả sao?”.

Theo quan điểm của hầu hết các chủ cửa hàng chó, 5/6 mẫu thịt chó mà Sở Y tế Hà Nội đã lấy mẫu và xét nghiệm có phẩy khuẩn tả, chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Theo anh Phước, phần lớn chó ở đây được bán theo dạng sống, nghĩa là chúng tôi giết, mổ, làm lông rồi bán lại cho người dân về chế biến. Bởi thế, việc nhiễm tả là rất khó xảy ra. Theo anh Phước, nguyên nhân cơ bản khiến “hung thần dịch tả” hoành hành là do người dân đã không tuân thủ nguyên tắc “ăn chín, uống sôi”. Và đã không tuân thủ nguyên tắc đó thì ăn gì cũng thấy thấp thoáng khuôn mặt dữ dằn của ông Tào Tháo”.

Ông Trường - chủ cửa hàng thịt chó Trường Chinh tỉ mỉ phân tích: “Theo phân tích của cơ quan y tế, phẩy khuẩn tả sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 70 độ C, với thời gian đun 30 phút liên tục. Nếu như thế, tôi xin khẳng định 100% rằng, thịt chó sau chế biến không thể có tả được, bởi các món ăn từ thịt chó như nhựa mận, xương, chân giò ninh đều được đun rất kỹ, ngay cả các món hấp, luộc bao giờ cũng phải đun trong vòng ít nhất 30 – 40 phút ở nhiệt độ 100 độ C. Như thế đố... tả nào sống nổi”.

Nếu một ngày không có... thịt chó?

Có đến La Dương, Dương Nội mới thấy một ngày không có thịt chó... thật buồn! Thấy chồng tiếp chuyện chúng tôi, vợ ông Trường vồn vã chen vào: “Nhiều khách vì nhớ món đặc sản dương gian này mà mấy hôm nay, dù biết nhà nước cấm, nhưng cứ gạ gẫm... đòi ăn. Họ bảo cái anh cầy tơ này đã bập vào là nghiện, là không thể nào quên được”.

Chuyện vui, vợ ông Trường bảo, thương nhất là dân... đánh đề. Với họ, “thổ tả” chẳng kinh hoàng bằng vận đen. Họ quan niệm, cuối tháng không thịt chó thì “làm con nào đi con nấy”. Bởi thế, giải đen là mệnh lệnh nóng hôi hổi, không thể không làm. Thấy khách hàng chăm chú... cái lý của vợ ông Trường, mấy bà chủ cửa hàng bên cạnh đang lúc rỗi việc cũng đon đả góp chuyện: “Không giải đen được thì không chỉ những người đánh đề, mà dân buôn bán, chợ búa, thậm chí những ông giám đốc tiền tấn cũng run tay trước mỗi quyết định của mình. Hao tai tốn của nguy lắm!”.

Cái “lý” của các ông bà chủ là mổ thịt chó ở đây là vậy. Ngẫm ra, họ đúng. VÀ tính ra thấy cái món thịt chó cũng quan trọng vô cùng. Tuy nhiên, sức khoẻ của người dân là quan trọng nên tạm thời, theo các chủ lò chó ở đây, cứ “gác thớt rửa dao” cái đã.

Theo Đào Lê