Cười cợt trước cái chết
Những người già gần tám, chín mươi tuổi thường hỏi thăm tin tức người này người kia.



“Ồ, ông ta vẫn còn sống kia à, vậy mà lâu lắm không trông thấy!?”

Ông ta đáng phải chết lâu rồi! Sao đến giờ vẫn lần khân?”

“Chết” rõ ràng là một từ kiêng ky, song ới họ, nó dường như không gợi lên chút xúc động nào. Những ông bà già bên quan tài đưa bạn về cõi tây phương vẫn nói cười rôm rả, tuyệt không chút bi thương. Nó giống như bữa tiệc tiễn người đi “tiền trạm”.

Thậm chí mấy người già sau khi nhìn người đã khuất lần cuối còn cười: “Tô son, dồi phấn, còn đẹp hơn cả lúc sống!”

“Chiếc áo thọ của bà ta là đi may cùng với tôi đấy! Đẹp lắm, mặc vào rất “oách”!”.

Liệu có thật những người già đó không chút thương cảm cho người đã khuất? Đến tuổi của họ, bạn quy tiên nhiều hơn người ở lại nên họ thấy cái chết cũng thường? Họ thấy mình đã thượng thọ, đã sống đủ rồi nên xử thế ung dung? Hay họ nghĩ, người già lắm bệnh, sống cũng không có gì hay, nên chẳng thà “cưỡi hạc quy tiên”?

Mà những đám tang có con cháy đeo khăn đỏ thiếp vàng còn được gọi là “hỉ táng”. Gọi là “hỉ”, có phải thầm cảm ơn trời ban thượng thọ cho người đã khuất? Hay thầm mừng cho con cháu cất được gánh nặng? Dù sao cũng là cái chết, lẽ nào vì người chết cao tuổi mà người sống không đau lòng?

Hóa ra như một vị “hiếu nam” đã nói ra lý do:

“Nghĩ xem! Cụ nhà hơn chín mươi thì chết, còn tôi cũng đã bảy mươi! Bảy mươi tuổi không biết chầu trời ngày nào, chết cũng chẳng sợ. Lại nói mẹ đi được trước con, con nên mừng mới phải. Nếu tôi đi trước, để bà cụ chín mươi phải chôn cất thì thật đau buồn!”

Lại nghe một ông già cười ha ha, nói:

“Chết đối với thanh niên mới đáng sợ! Hồi hơn ba mươi tuổi, thấy có bạn chết thì rất sợ, cũng rất buồn. Sau này ông bà cha mẹ, rồi đám bạn bè lần lượt ra đi, lòng cũng tê liệt! Vì thế trời đã có ý cho chúng ta từ cái chết của người thân, bạn bè dần dần nhận thức cái chết, xem nó là bình thường!”

Còn nhớ một câu chuyện của phương Tây:

Mấy ông già chung tiền mua một chai rượu cực quý, hẹn nhau để người chết cuối cùng sẽ được hưởng.

Các ông lần lượt ra đi, bình rượu quý đến tay người cuối cùng. Khi mở chai rượu, ông lão mới nhận ra chai chỉ đựng toàn nước lã, trong hộp còn gắn mảnh giấy:

“Xin lỗi vì đã uống trộm rượu! Nhưng ông nên đồng tình với bọn tôi, vì bọn tôi tự thấy không thể thọ hơn ông! Hơn nữa chỉ còn mình ông, uống rượu một mình thì nghĩa gì. Chẳng thà ông hãy xuống đây nhập bọn cùng uống rượu!”

Chết, hóa ra lại phóng khoáng như thế, trong đó còn ẩn chứa một nụ cười mỉm.