Bài 1 đến 10/12

Chủ đề: Điển tích

Hybrid View

  1. #1
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    8.176
    Thanks
    301
    Thanked 3.169 Times in 588 Posts

    Default Ðề: Điển tích

    Duyên nợ ba sinh

    "Ba sinh" do chữ "Tam sinh" nghĩa là ba kiếp luân chuyển: kiếp này sang kiếp khác. Duyên nợ ba sinh là duyên nợ từ ba kiếp với nhau. Ý nói duyên nợ phải làm vợ chồng với nhau do số kiếp tiền định.

    Trong bài thơ "Khóc ông phủ Vĩnh Tường" của Hồ Xuân Hương có câu:

    Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ôi,
    Cái nợ ba sinh đã trả rồi!

    Trong "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du cũng có câu:

    Ví chăng duyên nợ ba sinh,
    Thì chi đem giống khuynh thành trêu ngươi.

    Sách "Truyền đăng lục" và sách "Quần ngọc chú" có chép:

    Xưa có chàng Tỉnh Lang, một hôm đến chùa Nam Huệ tự, nằm chơi, bỗng ngủ quên, chiêm bao thấy mình đi chơi non Bồng. Tỉnh Lang nhìn thấy một nhà sư ngồi niệm kinh, trước mặt có một cây nhang đương cháy. Tỉnh Lang thấy lạ, hỏi. Nhà sư đáp:

    - Khi trước có một người đi cúng chùa, thắp cây nhang này, khấn nguyện. Nhang hãy còn cháy mà người ấy đã sinh ba kiếp rồi. Kiếp đầu nhà Đường, đời vua Huyền Tông, làm quan Phủ sứ ở đất Kiến Nam. Kiếp thứ hai cũng đời Đường, đời vua Hiến Tông, làm quan đất Tây Thục. Kiếp thứ ba, sinh ra tên Tỉnh Lang.

    Tỉnh Lang nghe đến tên mình bỗng giựt mình tỉnh dậy, nhưng lòng nửa tin nửa ngờ.

    Lại có một điển tích khác.

    Đời nhà Đường (618-907), có nhà sư tên Viên Trạch, một hôm cùng bạn là Lý Nguyên Thiện đi chơi. Gặp một mụ đàn bà gánh nước, Viên Trạch nói:

    - Người đàn bàn này đã có mang ba năm đợi tôi vào làm con. Nay đã gặp đây, không thể nào trốn được. Hẹn ba ngày nữa, bạn đến, ta lấy nụ cười làm tin. Mười ba năm sau, ta lại sẽ gặp nhau tại chùa Thiên Trúc ở Hàng Châu, vào đêm Trung Thu trăng sáng.

    Chiều đó, sư Viên Trạch mất.

    Người đàn bà nọ sinh con trai. Ba hôm sau, Lý đến thăm. Quả nhiên đứa bé thấy Lý thì cười, đúng như lời hẹn. Mười ba năm sau, Lý đến chùa Thiên Trúc ở Hàng Châu, thấy một cậu chăn trâu hát rằng:

    Tam sinh thạch thượng cựu tinh hồn,
    Thưởng nguyệt ngâm phong bất yếu luân,
    Tàm qui tình nhân viễn tương phỏng
    Thử thân tuy dị, tính thường đồng.

    Nghĩa:

    Là tinh hồn cũ đã ba sinh,
    Trăng gió làm chi để bận mình.
    Thẹn với người quen xa viếng hỏi,
    Thân này tuy khác, tính nguyên lành.

    "Ba sinh" có nghĩa là số kiếp tiền định. "Nợ ba sinh" là nợ số kiếp tiền định, duyên số với nhau từ kiếp trước.

    (St)

  2. #2
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    8.176
    Thanks
    301
    Thanked 3.169 Times in 588 Posts

    Default Ðề: Điển tích

    Vành ngoài, vành trong

    Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của Nguyễn Du, đoạn thuật cảnh nàng Kiều sa vào lầu xanh, mụ Tú Bà thong dong dặn dò Kiều cách tiếp đãi khách làng chơi, có những câu:

    Nghề chơi cũng lắm công phu
    Làng chơi ta phải biết cho đủ điều
    và:

    ... ai cũng như ai,
    Người ta ai mất tiền hoài đến đây?
    Ở trong còn lắm điều hay,
    Nỗi đêm khép mở, nỗi ngày riêng chung.
    Này con thuộc lấy nằm lòng,
    Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề.

    "Vành ngoài" là bề ngoài, cách đối đãi bề ngoài với khách.
    "Bảy chữ" là bảy việc ghi bằng bảy chữ để dễ nhớ. Bảy việc này là bảy việc làm ở ngoài để khách say mê:

    1. Khấp là khóc lóc để làm cho khách thương.
    2. Tiễn là cắt tóc, thề nguyền để làm cho khách tin.
    3. Thích là thích tên khách vào cánh tay mình để khách yêu thương.
    4. Thiêu là đốt hương thề nguyền với khách.
    5. Giá là hẹn hò với khách.
    6. Tẩu là giả rủ khách đi trốn.
    7. Tử làm ra bộ liều chết để khách thương yêu, tin cẩn.

    "Tám nghề" là tám cách ân ái với khách:

    1. Tiếp người bé nhỏ thì dùng cách kích cô thôi hoa.
    2. Tiếp người to mập thì dùng cách kim liên song tỏa.
    3. Tiếp người nóng tính thì dùng cách đại xiển kỳ cổ.
    4. Tiếp người chậm chạp thì dùng cách mạn đả khinh khao.
    5. Tiếp người mới vỡ lòng thì dùng cách khẩn thuyên tam trật.
    6. Tiếp người thạo đời thì dùng cách tả trì hữu trì.
    7. Tiếp người si tình thì dùng cách tỏa tâm truy hồn.
    8. Tiếp người lạnh lùng thì dùng cách nhiếp thần nhiệm tỏa.

    Đây là những bí quyết nhà nghề của những ả lão luyện ở lầu xanh để làm khách làng chơi say mê, khó mà cắt nghĩa rõ rệt được.

    (St)

  3. #3
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    8.176
    Thanks
    301
    Thanked 3.169 Times in 588 Posts

    Default Ðề: Điển tích

    Bi ca tán Sở

    "Bi Ca Tán Sở" là một bài hát do Trương Lương đặt ra cho hòa theo tiếng tiêu thổi để làm tan rã quân đội Sở Bá Vương Hạng Võ.
    Trương Lương tự Tử Phòng, người nước Hán, đời Tần Hán (221 trước - 195 sau Dương lịch), phò Hán Bái Công Lưu Bang. Lúc bấy giờ, Hạng Võ bị tướng soái nhà Hán là Hàn Tín bao vây tại Cửu Lý San ở phía bắc thành Từ Châu. Tuy lâm vào tình thế nguy ngập: thiếu lương, nhưng bên cạnh vua còn 8 ngàn tử đệ theo từ lúc ban đầu, ở vào lúc cùng, họ quyết tử chiến mở con đường máu, thẳng về Giang Đông tu chỉnh binh mã để tiếp tục cuộc chiến đấu.
    Như vậy là một mối nguy cho Hán, dù có đại thắng bằng binh lực tất phải trả một giá rất đắt bằng xương máu. Vì thế, Trương Lương hiến kế là tìm cách phân tán 8 ngàn tử đệ để cô lập Hạng Võ. Có thế mới bắt Hạng Võ được.
    Trương Lương liền thừa lúc đêm khuya thanh vắng, trời cuối thu lạnh lẽo, Trương đi qua lại từ Kê Minh san đến Cửu Lý san, vừa thổi tiêu vừa hát:

    "Tiết trời cuối thu chừ, bốn phía đầy sương.
    Trời cao nước cạn chừ, tiếng nhạn bi thương
    Cực người biên thú chừ, ngày đêm bàng hoàng,
    Thoát gươm mắc tên chừ, sa mạc phơi xương.
    Mười năm xa quê chừ, cha mẹ đau buồn.
    Vợ con mong nhớ chừ, gối chiếc chăn đơn.
    Đồng ruộng bỏ hoang chừ, ai người trông nom.
    Xóm có rượu ngon chừ, cùng ai thưởng thức,
    Tóc bạc mong con chừ, tựa cửa sớm hôm,
    Trẻ khóc gọi cha chừ, nước mắt trào tuôn.
    Gió bấc kia thổi chừ, ngựa Hồ nhớ chuồng.
    Người xa quê hương chừ, nỡ quên xóm làng,
    Một sớm giao phong chừ, thân bỏ sa tràng,
    Xương thịt như bùn chừ, trên bãi trong mương.
    Hồn phách bơ vơ chừ, không nơi tựa nương,
    Tráng khí lừng danh chừ, phó trả hoang đường.
    Đêm trường canh vắng chừ, tự hỏi thiên lương,
    Mau bỏ Sở tan chừ, tránh chết tha phương,
    Ta vâng ý trời chừ, soạn ca thành chương,
    Ai biết mạng trời chừ, xin đừng mờ màng,
    Hán Vương nhân đức chừ, không giết quân hàng.
    Ai muốn về quê chừ, tha cho lên đường,
    Chớ giữ trại không chừ, Sở đã tuyệt lương
    Khi Võ bị bắt chừ, ngọc đá khôn lường.
    Mượn tiếng Sở chừ, khuyên quân Sở hàng,
    Phổ thành điệu nhạc chừ theo sáu cung.
    Tiếng tiêu Tử Tư chừ nơi Đan Dương
    Khúc hát Trâu Diễn chừ tại Yên Đường.
    Tiếng tiêu vang chừ, chín từng mây.
    Gió thu về chừ, cuối thu này,
    Sở kia mất chừ, chạy đâu đây!
    Thời không đợi chừ, nhanh tựa bay.
    Lời ca chừ, ba trăm chữ dài
    Câu câu chữ chữ rõ ràng thay.
    Khuyên người nghe cho kỹ càng,
    Chậm tính, uổng đời thân chiến binh.

    (Dựa theo lời dịch của Hải Âu Tử)
    Nguyên văn:

    Cửu ngoạt thâm thu hề tứ dã phi sương,
    Thiên cao thủy hạt hề hàn nhạn bi thương.
    Tối khổ thú biên hề nhựt dạ bàng hoàng,
    Phi kiên chấp nhuệ hề cốt lập sa cương.
    Ly gia thập niên hề phụ mẫu sinh biệt.
    Thê tử hà kham hề độc tú cô phường.
    Tuy hữu du điền hề thục dữ chi thủ,
    Lân gia tửu thục hề thùy dữ chi thường.
    Bạch phát ỷ môn hề vọng xuyên thu thủy,
    Trĩ tử ức niệm hề lụy đoạn can trường.
    Hồ mã tư phong hề thượng chi luyến thổ,
    Nhân sinh khách địa hề ninh vong cố hương
    Nhất đán giao binh hề đạo nhẫn chi tử,
    Cốt nhục vi nê hề suy thảo hào lương.
    Hồn phách du du hề võng tri sở ỷ,
    Tráng chí liêu liêu hề phó chi hoang đường.
    Đương thử vĩnh dạ hề truy tư thoái!
    Cấp tảo tán Sở hề thố tử thù phương.
    Ngã ca khởi đản hề thiên khiển cáo nhử,
    Nhữ kỳ tri mạng hề vật vị diêu mang.
    Hán Vương hữu đức hề hàng quân bất sát,
    Ai cáo qui tình hề phòng nhữ cao tường.
    Vật chủ không doanh hề lương đạo dĩ tuyệt,
    Chỉ nhật cầm Võ hề ngọc thạch câu thương.
    Sở chi thanh hề tán Sở tốt.
    Ngã năng xuy hề hiệp lục luật,
    Ngã phi Tư hề phẩm Đan Dương.
    Ngã phi Trâu hề ca Yên Thất
    Tiên âm triệt hề thông cửu thiên.
    Thu phong khởi hề Sở vong nhật.
    Sở kỳ vòng hề nhữ yên quy
    Thời bất đãi hề như lôi tật.
    Ca hề ca hề tam bách tự.
    Tự cú tự cú hữu thâm ý.
    Khuyến quân mạc tác đẳng nhàn khan
    Nhập nhĩ quan tâm đương thục kỳ.
    Trương Lương tập quân Hán học tiếng Sở hát theo.

    Canh khuya, đêm vắng, khí trời lạnh lẽo, lá vàng rụng bay lả tả, tiếng tiêu thâm trầm, giọng hát bi thảm đồng vọng vào dinh Sở. Ban đầu, Sở quân chỉ buồn bã than thở, nhưng sau cùng, nghe đến chừng nào thì càng cảm thấy như ruột gan tan nát, rồi nước mắt đầm đìa ... đoạn bàn nhau bỏ trốn.
    Chỉ trong một đêm, tám ngàn tử đệ cùng quân sĩ các dinh, mười phần bỏ trốn hết bảy tám.
    Binh Sở không đánh mà tự nhiên vỡ tan để Sở Vương phải ôm hận đầy lòng, buông lời than ai oán:

    Lực bạt san hề khí cái thế,
    Thời bất lợi hề chuy bất thệ...

    Tạm dịch:

    Sức nhổ núi chừ khí hơn đời,
    Thời bất lợi chừ ngựa chẳng đi...

    (St)

  4. #4
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    8.176
    Thanks
    301
    Thanked 3.169 Times in 588 Posts

    Default Ðề: Điển tích

    Gấm nàng Ban


    Nàng họ Ban, không biết tên, vốn là một cung phi của vua Thành Đế nhà Hán (32-8 trước D.L.). Nàng làm nữ quan, chức Tiệp Dư nên thường gọi nàng Ban Tiệp Dư.
    Nàng đẹp, duyên dáng, được nhà vua sủng ái.
    Nhưng sau, nhà vua say mê Triệu Phi Yến. Bị nàng này gièm pha, nàng Ban sợ nguy cho thân nên xin vua cho hầu bà Thái Hậu ở cung Trường Tín. Từ đó, sự sủng hạnh của vua đối với nàng ngày càng phai lần.
    Tủi cho thân phận lâm cảnh phũ phàng, nàng buồn bã, lấy một thứ lụa bát tơ trắng gọi là Tề Hoàn (lục nước Tề) do nàng tự dệt lấy và làm thành một cây quạt tròn. Trên quạt, nàng đề một bài thơ để tự ví thân phận mình:

    Mới chế lụa Tề trắng.
    Trong sạch như sương tuyết.
    Đem làm quạt Hợp Hoan,
    Tròn hin giống mặt nguyệt
    Ra vào trong tay vua,
    Lay động sinh gió mát.
    Thường sợ tiết thu đến,
    Gió mát cướp nồng nhiệt,
    Ném cất vào xó rương,
    Nửa đường ân ái tuyệt.

    Nguyên văn:

    Tân chế Tề Hoàn tố,
    Hạo khuyết như sương tuyết.
    Tài thành Hợp Hoan phiến,
    Đoàn đoàn tự minh nguyệt.
    Xuất nhập quân hoài tụ,
    Động đạo vi phong phát
    Thường khủng thu tiết chí
    Lương viêm đoạt viêm nhiệt.
    Khí nguyên giáp tư trung,
    Ân tình trung đạo tuyệt.

    Nàng cung nữ họ Ban ấy tự ví mình như cây quạt Hợp Hoan đã từng được nhà vua nâng niu yêu chuộng. Nhưng rồi lại ném cất vào xó rương, vì gió thu mát đã cướp mất gió mát của quạt rồi. Thế là mối tình nửa đường đoạn tuyệt. Nhà vua nỡ say đắm kẻ khác, nghe lời gièm pha để nàng chịu nỗi duyên phận bẽ bàng.
    Vương Xương Linh, một thi hào danh tiếng đời Đường (617-907) cảm xúc nỗi duyên phận ghẻ lạnh của nàng cung phi họ Ban, mà đây cũng là số kiếp chung của khách hồng nhan vô phúc sa vào cung cấm, nên có làm 3 bài, đề là "Trường Tín thu từ" để vịnh nàng:

    I
    Giếng ngọc cành khô rụng lá vàng,
    Buông rèm đêm đã lạnh hơi sương.
    Lò hương, gối ngọc vô duyên quá,
    Lắng giọt đồng rơi xiết đoạn trường.
    (Bản dịch của Lam Giang)

    Nguyên văn:

    Kim tỉnh ngô đồng lạc diệp hoàng,
    Chu liêm bất quyển dạ lai sương.
    Huân lung ngọc chẩm vô nhan sắc,
    Ngọa thích Nam cung xuân lậu trường.

    II
    Ban mai quét tước mở đền vàng,
    Nâng quạt nhìn thôi luống thở than.
    Mặt ngọc không bằng con quạ rét,
    Nó còn sưởi nắng điện Chiêu Dương.

    Nguyên văn:

    Phụng chửu bình minh kim điện khai
    Thả tương đoàn phiến tạm bồi hồi.
    Ngọc nhan bất cập hàn nha sắc,
    Do đái Chiêu Dương nhật ảnh lai.

    III
    Đã đành phận bạc, ôi đau đớn,
    Thấy vua trong mộng, tỉnh nhớ nhung.
    Tây cung rộn rực đêm yến tiệc,
    Mơ màng nhớ lúc được vua ban.

    Nguyên văn:

    Chân thành bạc mệnh cửa tầm tư,
    Mộng kiến quân vương giác hậu nghi.
    Họa chiếu Tây cung tri dạ ấm,
    Phân minh phức đạo phụng ân thì.

    Ba bài theo điệu nhạc phủ. Tác giả tả tâm trạng u hoài của Ban Tiệp Dư: nỗi buồn đêm thu, mối buồn sáng thu lại mối sầu đêm thu.
    Đêm trước u buồn, sáng dậy bâng khuâng, đêm đến sầu não, cả ba bài đều cực tả một nỗi buồn tha thiết. Mà nỗi buồn ấy mãi vương vấn, không bao giờ chịu buông tha người bạc mệnh ở lãnh cung.
    Trong "Cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều, đoạn thuật lời thán oán của nàng cung phi trong cung cấm, có câu:

    Nụ hoa chưa mỉm miệng cười,
    Gấm nàng Ban đã nhạt mùi thu dung.
    "Gấm nàng Ban" lấy ở điển tích trên.

    (St)

Posting Permissions

  • Bạn không thể tạo chủ đề mới
  • Bạn không thể trả lời
  • Bạn không thể dùng tập tin đính kèm
  • Bạn không thể hiệu chỉnh bài
  •