Trang 1 / 2 12 LastLast
Bài 1 đến 10/12

Chủ đề: Điển tích

  1. #1
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    8.176
    Thanks
    301
    Thanked 3.169 Times in 588 Posts

    Default Điển tích

    Phale mang về đây các điển tích mà các nhà làm thơ thường hay sử dụng. Hy vọng là hữu ích với các anh chị và các bạn.

  2. #2
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    8.176
    Thanks
    301
    Thanked 3.169 Times in 588 Posts

    Default Ðề: Điển tích

    Thần đồng vấn Khổng Tử

    Thần đồng vấn Khổng Tử là câu chuyện Thần đồng Hạng Thác hỏi Đức Khổng Tử nhiều điều mà Ngài không trả lời được, nên chịu phục Hạng Thác làm thầy.

    Đức Khổng Tử cùng một số học trò, trên đường đi qua nước Trần, gặp một đám trẻ nhỏ chơi đùa giữa đường. Ngài ngồi trên xe nhìn đám trẻ, thấy có một cậu bé cặm cụi lấy cát đắp một cái thành nhỏ mà không đùa nghịch. Đức Khổng Tử dừng lại hỏi cậu bé :

    - Sao cậu không chơi đùa với mấy đứa trẻ kia ?

    Cậu bé đáp :

    - Đùa giỡn thì vô ích. Sự đùa giỡn có thể làm rách quần áo, nhọc công mẹ vá khâu và làm buồn lòng đến cha, nên tôi không đùa nghịch.

    Nói xong, cậu tiếp tục đắp thành. Đ. Khổng Tử lại hỏi :

    - Cậu không tránh cho xe của tôi đi sao ?

    Cậu bé thản nhiên đáp :

    - Từ xưa đến giờ, xe phải tránh thành, chớ có bao giờ thành tránh xe.

    Đức Khổng Tử nghe cậu bé trả lời hay quá, thấy cậu bé nầy có vẻ khác lạ, liền xuống xe đến gần cậu bé bàn luận nhiều việc xa xôi. Cậu bé đều trả lời xuôi rót, nhưng có tánh cách biến trá. Đức Khổng Tử trách rằng :

    - Cậu hãy còn bé mà sao đã biến trá lắm vậy ?

    - Người ta sanh ra 3 ngày đã biết tìm vú mẹ, con thỏ sanh ra 3 ngày đã chạy tung tăng trên đồng nội, con cá sanh ra 3 ngày thì biết xuôi ngược khắp sông hồ. Đó là tánh tự nhiên, sao gọi là biến trá ?

    - Cậu ở xóm nào, làng nào, cha mẹ ở đâu ?

    - Tôi sanh tại đây, họ Hạng tên Thác, chưa có tên tự.

    - Ta muốn cậu cùng đi chơi với ta, ý cậu thế nào ?

    - Trong nhà tôi còn có cha, cần phải phụng, còn có mẹ cần phải dưỡng, có anh để phụ tùng, có em phải dạy dỗ, còn có thầy để học hỏi, đâu có rảnh để đi chơi với ông.

    - Trong xe ta có sẵn 32 con cờ, ta muốn cùng cậu đánh cờ, cậu có bằng lòng không ?

    - Thiên tử mê cờ thì bốn biển không người gìn giữ, chư Hầu mê cờ thì chính sự không an, nho sĩ mê cờ thì việc học đình trệ, nông phu mê cờ thì quên việc cày cấy, vì thế tôi không đánh cờ.

    - Ta muốn cùng cậu đàm luận việc bình trị thiên hạ, cậu có bằng lòng không ?

    - Chuyện thiên hạ khỏi phải bình, vì hoặc như núi cao, hoặc như sông hồ, hoặc như vương hầu, hoặc như nô tỳ. Nếu san bằng núi thì chim chóc không nơi trú ngụ, lấp bằng sông hồ thì cá nhờ đâu bơi lội, bỏ chức vương hầu thì dân không người trị, bỏ nô tỳ thì chủ nhân không có người để sai khiến, thế nên tôi không bình luận việc thiên hạ.

    Đức Khổng Tử lại hỏi :

    - Lửa nào không khói ? Nước nào không cá ?
    Núi nào không đá ? Cây gì không cành ?
    Người nào không vợ ? Ai kẻ không chồng ?
    Trâu nào không nghé ? Ngựa nào không con ?
    Trống nào không mái ? Mái nào không trống ?
    Ai là quân tử ? Ai kẻ tiểu nhân ?
    Vật gì không đủ ? Vật gì có thừa ?
    Thành nào không chợ ? Người nào không con ?

    Cậu bé Hạng Thác liền đáp :

    - Lửa đôm đốm không khói. Nước giếng không cá.
    Núi đất không đá. Cây khô không cành.
    Tiên Ông không vợ. Ngọc Nữ không chồng.
    Trâu đất không nghé. Ngựa gỗ không con.
    Trống độc không mái. Mái độc không trống.
    Hiền là quân tử. Kẻ dại tiểu nhân.
    Ngày Đông không đủ. Ngày Hạ có thừa.
    Hoàng thành không chợ. Đứa trẻ không con.

    Sau khi Hạng Thác trả lời xong, Đức Khổng Tử hỏi tiếp :

    - Cậu có biết gì về lẽ Đạo hằng của Trời Đất ?
    Sự cuối cùng của Âm Dương ?
    Đâu là phải ? Đâu là trái ?
    Đâu là trong ? Đâu là ngoài ?
    Ai là Cha ? Ai là Mẹ ?
    Ai là chồng ? Ai là vợ ?
    Gió từ đâu đến ? Mây từ đâu ra ?
    Sương từ đâu có ? Trời Đất xa nhau mấy dặm ?

    Cậu bé Hạng Thác liền trả lời :

    - 9 lần 9 chu kỳ là 81. Ấy là đạo của Trời Đất.
    8 lần 9 là 72. Ấy là Âm Dương cùng cuối.
    Tây là phải. Đông là trái.
    Trong là lý. Ngoài là biểu.
    Trời là Cha. Đất là Mẹ.
    Mặt Trời là chồng. Mặt Trăng là vợ.
    Gió từ cây xao động. Mây trong núi bay ra.
    Sương từ đất dậy. Trời Đất xa nhau ngàn ngàn
    vạn vạn dặm.

    Cậu bé Hạng Thác đã trả lời đầy đủ các câu hỏi của Đức Khổng Tử. Bây giờ cậu bé xin thỉnh giáo Đức Khổng Tử đôi điều :

    - Thưa Ngài, vịt ngỗng sao nổi trên mặt nước ?
    Chim hồng chim nhạn sao lại kêu to ?
    Tùng bách sao ngày Đông vẫn xanh lá ?

    Đức Khổng Tử đáp rằng :

    - Vịt ngỗng vì chân nó banh mà nổi bơi trên mặt nước.
    Chim hồng chim nhạn kêu to là vì cổ nó dài.
    Tùng bách ngày Đông xanh lá là vì ruột nó đặc.

    Cậu bé Hạng Thác cười nói rằng :

    - Chắc không hẳn như vậy đâu.
    Tôm cá vẫn nổi trên mặt nước mà chân nó có banh đâu.
    Ễnh ương, ếch nhái kêu to mà cổ của nó có dài đâu.
    Cây trúc rổng ruột mà ngày Đông vẫn xanh lá.

    Sau khi bắt bẻ các câu trả lời của Đức Khổng Tử, Thần đồng Hạng Thác hỏi tiếp :

    - Trên bầu Trời có sao lấp lánh, vậy thưa Ngài có tất cả bao nhiêu vì sao ?

    - Chuyện dưới đất không thiếu gì sao lại hỏi chuyện trên Trời.

    - Vậy dưới đất nhà cửa san sát có bao nhiêu ngôi nhà ?

    Đức Khổng Tử lại nói rằng :

    - Ta nên nói ngay chuyện trước mắt có phải là thực tế hơn không, cần gì nói chuyện Trời Đất.

    - Vậy thưa Ngài nếu bàn chuyện trước mắt thì Ngài cho biết lông mày có bao nhiêu sợi ?

    Đức Khổng Tử không trả lời, chỉ biết cười mà thôi.

    Ngài quay lại nói cùng các học trò rằng : “ Hậu sanh khả úy.” (kẻ sanh sau đáng sợ thật). Đó là kẻ rất khó tìm thấy trong thiên hạ. Nói xong Ngài trở lên xe đi thẳng.

    Bài thi : Thần đồng vấn Khổng Tử :

    Hưu khi niên thiếu thông minh tử,
    Quảng hữu anh tài trí quá nhân.
    Đàm luận thế gian vô hãn sự,
    Phân minh Cổ Thánh hiện kỳ thân.
    Tạm dịch :
    Đừng khinh tuổi trẻ bậc Thần đồng,
    Có lắm anh tài trí quảng thông.
    Luận việc thế gian không giới hạn,
    Thánh xưa hiện rõ thể vừng đông.

    Tối hôm ấy, Đức Khổng Tử ngồi thẩn thờ trước án, ngọn đèn bạch lạp lụn tàn. Tử Lộ mạo muội vào hỏi thầy :

    - Thầy trầm tư về cuộc tranh luận với Hạng Thác ? - Phải.

    - Thầy không vui vì mình yếu lý ? - Không.

    Thấy Tử Lộ có ý hồ nghi, nên Đức Khổng Tử nói tiếp :

    - Nầy Do, bình sanh ta đi chu du thiên hạ để truyền bá Nhơn đạo, mặt luôn luôn hướng thẳng, lòng sáng tợ gương, ý thành, ngôn chánh. Còn miệng lưỡi của Hạng Thác là miệng lưỡi của phường biện sĩ, nên có thể chứng minh ngựa trắng không phải là ngựa trắng. Khi xướng thuyết Liên Hoành cũng thuận, mà bày kế Hợp Tung cũng thông. Xét từ bản chất của ngôn ngữ, cuộc tranh luận vừa qua cũng như nước chảy dòng đôi, xa trăm ngàn đợt sóng nhấp nhô, nhưng kỳ thật không lượn lớn lượn nhỏ nào va chạm. Do làm sao hiểu được !

    (Tử Lộ là học trò giỏi của Đ. Khổng Tử, tên Trọng Do, kêu tắt là Do)Tử Lộ hỏi : - Vậy cớ nào thầy buồn ?

    - Ta buồn vì có Khổng Khâu mà còn phường biện sĩ. Hạng Thác nhắc cho ta nhớ đến vai trò của kẻ biện sĩ. Biện sĩ chỉ thuyết cho sự lợi ích mà không thuyết cho Chơn Lý. Khắp thiên hạ, kẻ cầu lợi đông như kiến cỏ, người hướng về Chơn Lý đốt đuốc khó tìm.Thế sự trôi chảy không ngừng. Chánh đạo của ta liệu truyền lưu được bao lâu nữa ? Đó chẳng phải là điều đáng buồn hay sao ?

    Tử Lộ toan lui ra, Đức Khổng Tử kêu lại hỏi :

    - Trò Do, trò còn nhớ người hiền nước Sở ?

    - Bẩm, có phải là Sở cuồng Tiếp Dư ca hát nghêu ngao.

    - Trò còn nhớ 2 ẩn sĩ họ Kiệt, họ Tràng ?

    - Bẩm, có phải 2 lực điền ở giáp ranh Sở, Thái ?

    - Họ khuyên ta bỏ đi việc chính sự lụy phiền, để làm người tỵ thế. Khuyên ta : Trời không hề nói gì mà vạn vật điều hòa. Ta cũng muốn êm lời, nhưng gặp việc nghĩa mà không làm, biết Chơn Lý mà không nói thì phải sống với đồng loại hay sống với chim muông !

    Tử Lộ ra ngoài nói với các bạn : Thầy nói : Hậu sinh khả úy. Không phải sợ kẻ sanh sau tài giỏi hơn mình, mà sợ họ làm sai lạc Chánh lý bằng ngoa ngôn xảo ngữ vị lợi đó thôi.

    (Sưu Tầm)

  3. #3
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    8.176
    Thanks
    301
    Thanked 3.169 Times in 588 Posts

    Default Ðề: Điển tích

    Gương vỡ lại lành

    Trung Quốc, đời nhà Trần, người hầu cận Thái Tử là Từ Đức Ngôn có tình với Nhạc Xương công chúa.

    Khi nhà Trần suy loạn, Từ bảo công chúa:

    - Nước mất, nàng tất lọt vào nhà quyền quý. Nếu tình duyên chưa dứt thì còn có ngày được gặp nhau.

    Đoạn, bẻ tấm gương làm đôi, mỗi người giữ một mảnh hẹn nhau đến ngày thượng nguyên sẽ đem gương đến kinh đô bán để tìm nhau.

    Bấy giờ, giặc đánh vào đế đô. Từ chạy thoát, còn công chúa bị tướng giặc là Việt Công bắt ép làm vợ. Đến ngày rằm tháng giêng, Từ đem mảnh gương ra chợ bán, thấy có người cùng bán một mảnh gương giống của mình. Lấy hai mảnh gương ghép lại thì liền nhau như một. Từ bèn gởi cho người bán gương, nhờ đem về cho chủ mảnh gương ấy và kèm theo một bài thơ:

    Người đi gương cũng đi,
    Gương về người chưa về.
    Chị Hằng đâu chẳng thấy,
    Chỉ thấy ánh trăng lòe.

    Nguyên văn:

    Cảnh dữ nhơn câu khứ,
    Cảnh quy nhơn vị quy
    Vô phục Hằng Nga ảnh,
    Không lưu minh nguyệt huy.

    Nhạc Xương công chúa đọc thơ khóc rống lên. Việt Công hỏi, công chúa thuật lại cả. Việt công lấy làm cảm động, thương tình bèn cho cả hai người tái hợp.

    Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du có câu:

    Bây giờ gương vỡ lại lành,
    Khuôn thiêng lừa lọc đã dành có nơi

    (St)

  4. #4
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    8.176
    Thanks
    301
    Thanked 3.169 Times in 588 Posts

    Default Ðề: Điển tích

    Lá gió, cành chim

    Về đời vua Đại Tông nhà Đường (763-780) ở huyện Trường An, tỉnh Thiểm Tây có nhà nho tên Tiết Trịnh, làm quan ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, sinh một đứa con gái tên Tiết Đào. Nàng học hành giỏi, tư chất thông minh, vừa lên sáu đã biết làm thơ. Nhưng ý thơ rất lẳng lơ.

    Năm Tiết Đào lên tám, một hôm vào mùa thu, Tiết Đào đứng chơi bên cạnh cha, gần một cây ngô đồng. Cây đã già, cành lá sum sê đứng sừng sững trước nhà, trông như sát từng mây. Tiết Trịnh ngắm cảnh buột miệng ngâm:

    Đình trừ nhứt cổ đồng,
    Tung cán nhập vân trung.
    Nàng Tiết Đào liền ngâm tiếp:
    Chi nghinh năm bắc điểu
    Diệp tống vãng lai phong.

    Nghĩa:

    Ngô đồng đứng trước sân,
    Thân cây cao vút mây.
    Đàn chim cành nam bắc
    Đưa lá gió sớm chiều.

    Nghe con gái đọc lời thơ lả lơi, Tiết Trịnh thở dài nghĩ:

    - Nghiệp chướng đã vận vào mình rồi. Cứ như lời thơ này con gái ta về sau ắt sẽ là một đứa lãng mạn, bướm ong.

    Hai năm sau, thân phụ Tiết Đào bị bạo bịnh qua đời. Vì làm quan thanh liêm nên sau khi chết, đời sống gia đình họ Tiết rất chật vật. Tiết Đào phải xin vào phường ca kỹ, ngày ngày đàn hát ngâm thơ đón kẻ tao nhân mặc khách, lấy tiền nuôi mẹ già.

    Ở chốn ca lâu, mang tấm thân ngà ngọc, tài học uyên thâm ra để mua vui cho những kẻ có tiền, nàng Tiết Đào buồn rầu, thường sáng tác những bài ca phổ vào nhạc điệu dạy đoàn ca nữ múa hát hay chính nàng nhịp phách ca ngâm.

    Những bài ca của nàng rất tuyệt tác, được truyền tụng trong phường, nên được nhiều người trọng vọng, thường gọi nàng là Tiết tú tài. Những văn nhân tài tử bốn phương nghe danh đổ đến để cùng nàng đề thơ xướng họa, mong được nàng Tiết lưu ý đến họ. Nhưng mắt xanh chẳng lọt vào ai, nàng Tiết vẫn làm nghề ca kỹ.

    Nhờ danh tiếng, Tiết Đào kiếm được chút vốn liếng bèn dựng một ngôi nhà bên cầu Vạn Lý. Nàng lại chế ra một thứ giấy ngũ sắc có vẽ cây tùng, cây bách, cây liễu, hoa sen rất đẹp, đặt tên là "Hoa tiên tùng giang". Giấy này dùng để viết thơ do Tiết Đào làm, nên về sau gọi là Hoa tiên Tiết Đào.

    Quan Tư Mã Thiểm Châu là Vương Kiến mến tài nàng Tiết nên thân đến cầu Vạn Lý thăm, và tặng nàng một bài thơ:

    Vạn Lý kiều biên nữ Hiệu Thư
    Tỳ bà hoa hạ bế môn cư.
    Tảo mỵ tài tử tri đa thiểu,
    Quản lĩnh đông phong tổng bất như.

    Dịch:

    Nàng Hiệu Thư Lang ở bến sông,
    Tỳ bà tươi thắm rũ bên sông.
    Ngày xuân cửa đóng hoa ngăn gió.
    Bao kẻ tôi mày đã uổng công.
    (Bản dịch của Bùi Khánh Đản)

    Đời vua Hiến Tông nhà Đường (806-821) có quan Tả Thập Di tên Nguyên Chẩn, một danh nho đương thời, vâng chiếu chỉ thanh tra đất Thục. Nghe danh nàng Tiết những mong được gặp nên nhờ bạn giới thiệu. Đôi bên gặp nhau, xướng họa đối ẩm xem chừng tương đắc. Thế là từ đấy cả hai quyến luyến, chẳng rời.

    Nhưng rồi vì công vụ, Nguyên Chẩn phải trở lại Trường An phục mệnh. Kẻ lên ngựa chẳng yên lòng dứt áo, người ở lại ngậm ngùi nhỏ lệ buồn thương.

    Rồi một điều chẳng may hơn nữa, tướng trấn thủ Tây Xuyên là Lưu Tích tạo phản, đốt phá Thành Đô. Nguyên Chẩn nóng lòng sốt ruột, mướn người đi vào đất Thục tìm nàng Tiết Đào. Nhưng lần nào cũng hoàn toàn thất vọng vì đường bị nghẽn, làm tin tức vắng bặt.

    Nguyên Chẩn buồn bã thương nhớ giai nhân. Tuy quan san cách trở, thời gian qua mau nhưng mối tình kỳ ngộ sâu xa đối với Tiết Đào vẫn canh cánh bên lòng.

    Riêng về nàng Tiết Đào, từ ngày chia tay cùng ý trung nhân thì vẫn mỏi mắt trông chờ tin tức nhưng vẫn bặt tin nhạn cá. Ngày tháng trôi qua, tuổi càng chồng chất, nghĩ buồn thương cho thân phận xấu số vô duyên, nên lui về ở đầm Bạch Hoa, mặc cà sa, ăn chay niệm Phật.

    Năm Thái Hòa thứ 5 (811) đời vua Văn Tông, nàng Tiết Đào bị bạo bịnh mất.

    Trong "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn diễn tả cảnh lầu xanh của mụ Tú Bà, có câu:

    Biết bao bướm lả, ong lơi,
    Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm.
    Dập dìu lá gió cành chim,
    Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Thanh.

    "Lá gió cành chim" xuất xứ ở bài thơ của nàng Tiết Đàọ Và, bài thơ đó chính là một triệu chứng chỉ về vận mạng của nàng vậy.

    (St)

  5. #5
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    8.176
    Thanks
    301
    Thanked 3.169 Times in 588 Posts

    Default Ðề: Điển tích

    Duyên nợ ba sinh

    "Ba sinh" do chữ "Tam sinh" nghĩa là ba kiếp luân chuyển: kiếp này sang kiếp khác. Duyên nợ ba sinh là duyên nợ từ ba kiếp với nhau. Ý nói duyên nợ phải làm vợ chồng với nhau do số kiếp tiền định.

    Trong bài thơ "Khóc ông phủ Vĩnh Tường" của Hồ Xuân Hương có câu:

    Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ôi,
    Cái nợ ba sinh đã trả rồi!

    Trong "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du cũng có câu:

    Ví chăng duyên nợ ba sinh,
    Thì chi đem giống khuynh thành trêu ngươi.

    Sách "Truyền đăng lục" và sách "Quần ngọc chú" có chép:

    Xưa có chàng Tỉnh Lang, một hôm đến chùa Nam Huệ tự, nằm chơi, bỗng ngủ quên, chiêm bao thấy mình đi chơi non Bồng. Tỉnh Lang nhìn thấy một nhà sư ngồi niệm kinh, trước mặt có một cây nhang đương cháy. Tỉnh Lang thấy lạ, hỏi. Nhà sư đáp:

    - Khi trước có một người đi cúng chùa, thắp cây nhang này, khấn nguyện. Nhang hãy còn cháy mà người ấy đã sinh ba kiếp rồi. Kiếp đầu nhà Đường, đời vua Huyền Tông, làm quan Phủ sứ ở đất Kiến Nam. Kiếp thứ hai cũng đời Đường, đời vua Hiến Tông, làm quan đất Tây Thục. Kiếp thứ ba, sinh ra tên Tỉnh Lang.

    Tỉnh Lang nghe đến tên mình bỗng giựt mình tỉnh dậy, nhưng lòng nửa tin nửa ngờ.

    Lại có một điển tích khác.

    Đời nhà Đường (618-907), có nhà sư tên Viên Trạch, một hôm cùng bạn là Lý Nguyên Thiện đi chơi. Gặp một mụ đàn bà gánh nước, Viên Trạch nói:

    - Người đàn bàn này đã có mang ba năm đợi tôi vào làm con. Nay đã gặp đây, không thể nào trốn được. Hẹn ba ngày nữa, bạn đến, ta lấy nụ cười làm tin. Mười ba năm sau, ta lại sẽ gặp nhau tại chùa Thiên Trúc ở Hàng Châu, vào đêm Trung Thu trăng sáng.

    Chiều đó, sư Viên Trạch mất.

    Người đàn bà nọ sinh con trai. Ba hôm sau, Lý đến thăm. Quả nhiên đứa bé thấy Lý thì cười, đúng như lời hẹn. Mười ba năm sau, Lý đến chùa Thiên Trúc ở Hàng Châu, thấy một cậu chăn trâu hát rằng:

    Tam sinh thạch thượng cựu tinh hồn,
    Thưởng nguyệt ngâm phong bất yếu luân,
    Tàm qui tình nhân viễn tương phỏng
    Thử thân tuy dị, tính thường đồng.

    Nghĩa:

    Là tinh hồn cũ đã ba sinh,
    Trăng gió làm chi để bận mình.
    Thẹn với người quen xa viếng hỏi,
    Thân này tuy khác, tính nguyên lành.

    "Ba sinh" có nghĩa là số kiếp tiền định. "Nợ ba sinh" là nợ số kiếp tiền định, duyên số với nhau từ kiếp trước.

    (St)

  6. #6
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    8.176
    Thanks
    301
    Thanked 3.169 Times in 588 Posts

    Default Ðề: Điển tích

    Vành ngoài, vành trong

    Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của Nguyễn Du, đoạn thuật cảnh nàng Kiều sa vào lầu xanh, mụ Tú Bà thong dong dặn dò Kiều cách tiếp đãi khách làng chơi, có những câu:

    Nghề chơi cũng lắm công phu
    Làng chơi ta phải biết cho đủ điều
    và:

    ... ai cũng như ai,
    Người ta ai mất tiền hoài đến đây?
    Ở trong còn lắm điều hay,
    Nỗi đêm khép mở, nỗi ngày riêng chung.
    Này con thuộc lấy nằm lòng,
    Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề.

    "Vành ngoài" là bề ngoài, cách đối đãi bề ngoài với khách.
    "Bảy chữ" là bảy việc ghi bằng bảy chữ để dễ nhớ. Bảy việc này là bảy việc làm ở ngoài để khách say mê:

    1. Khấp là khóc lóc để làm cho khách thương.
    2. Tiễn là cắt tóc, thề nguyền để làm cho khách tin.
    3. Thích là thích tên khách vào cánh tay mình để khách yêu thương.
    4. Thiêu là đốt hương thề nguyền với khách.
    5. Giá là hẹn hò với khách.
    6. Tẩu là giả rủ khách đi trốn.
    7. Tử làm ra bộ liều chết để khách thương yêu, tin cẩn.

    "Tám nghề" là tám cách ân ái với khách:

    1. Tiếp người bé nhỏ thì dùng cách kích cô thôi hoa.
    2. Tiếp người to mập thì dùng cách kim liên song tỏa.
    3. Tiếp người nóng tính thì dùng cách đại xiển kỳ cổ.
    4. Tiếp người chậm chạp thì dùng cách mạn đả khinh khao.
    5. Tiếp người mới vỡ lòng thì dùng cách khẩn thuyên tam trật.
    6. Tiếp người thạo đời thì dùng cách tả trì hữu trì.
    7. Tiếp người si tình thì dùng cách tỏa tâm truy hồn.
    8. Tiếp người lạnh lùng thì dùng cách nhiếp thần nhiệm tỏa.

    Đây là những bí quyết nhà nghề của những ả lão luyện ở lầu xanh để làm khách làng chơi say mê, khó mà cắt nghĩa rõ rệt được.

    (St)

  7. #7
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    8.176
    Thanks
    301
    Thanked 3.169 Times in 588 Posts

    Default Ðề: Điển tích

    Bi ca tán Sở

    "Bi Ca Tán Sở" là một bài hát do Trương Lương đặt ra cho hòa theo tiếng tiêu thổi để làm tan rã quân đội Sở Bá Vương Hạng Võ.
    Trương Lương tự Tử Phòng, người nước Hán, đời Tần Hán (221 trước - 195 sau Dương lịch), phò Hán Bái Công Lưu Bang. Lúc bấy giờ, Hạng Võ bị tướng soái nhà Hán là Hàn Tín bao vây tại Cửu Lý San ở phía bắc thành Từ Châu. Tuy lâm vào tình thế nguy ngập: thiếu lương, nhưng bên cạnh vua còn 8 ngàn tử đệ theo từ lúc ban đầu, ở vào lúc cùng, họ quyết tử chiến mở con đường máu, thẳng về Giang Đông tu chỉnh binh mã để tiếp tục cuộc chiến đấu.
    Như vậy là một mối nguy cho Hán, dù có đại thắng bằng binh lực tất phải trả một giá rất đắt bằng xương máu. Vì thế, Trương Lương hiến kế là tìm cách phân tán 8 ngàn tử đệ để cô lập Hạng Võ. Có thế mới bắt Hạng Võ được.
    Trương Lương liền thừa lúc đêm khuya thanh vắng, trời cuối thu lạnh lẽo, Trương đi qua lại từ Kê Minh san đến Cửu Lý san, vừa thổi tiêu vừa hát:

    "Tiết trời cuối thu chừ, bốn phía đầy sương.
    Trời cao nước cạn chừ, tiếng nhạn bi thương
    Cực người biên thú chừ, ngày đêm bàng hoàng,
    Thoát gươm mắc tên chừ, sa mạc phơi xương.
    Mười năm xa quê chừ, cha mẹ đau buồn.
    Vợ con mong nhớ chừ, gối chiếc chăn đơn.
    Đồng ruộng bỏ hoang chừ, ai người trông nom.
    Xóm có rượu ngon chừ, cùng ai thưởng thức,
    Tóc bạc mong con chừ, tựa cửa sớm hôm,
    Trẻ khóc gọi cha chừ, nước mắt trào tuôn.
    Gió bấc kia thổi chừ, ngựa Hồ nhớ chuồng.
    Người xa quê hương chừ, nỡ quên xóm làng,
    Một sớm giao phong chừ, thân bỏ sa tràng,
    Xương thịt như bùn chừ, trên bãi trong mương.
    Hồn phách bơ vơ chừ, không nơi tựa nương,
    Tráng khí lừng danh chừ, phó trả hoang đường.
    Đêm trường canh vắng chừ, tự hỏi thiên lương,
    Mau bỏ Sở tan chừ, tránh chết tha phương,
    Ta vâng ý trời chừ, soạn ca thành chương,
    Ai biết mạng trời chừ, xin đừng mờ màng,
    Hán Vương nhân đức chừ, không giết quân hàng.
    Ai muốn về quê chừ, tha cho lên đường,
    Chớ giữ trại không chừ, Sở đã tuyệt lương
    Khi Võ bị bắt chừ, ngọc đá khôn lường.
    Mượn tiếng Sở chừ, khuyên quân Sở hàng,
    Phổ thành điệu nhạc chừ theo sáu cung.
    Tiếng tiêu Tử Tư chừ nơi Đan Dương
    Khúc hát Trâu Diễn chừ tại Yên Đường.
    Tiếng tiêu vang chừ, chín từng mây.
    Gió thu về chừ, cuối thu này,
    Sở kia mất chừ, chạy đâu đây!
    Thời không đợi chừ, nhanh tựa bay.
    Lời ca chừ, ba trăm chữ dài
    Câu câu chữ chữ rõ ràng thay.
    Khuyên người nghe cho kỹ càng,
    Chậm tính, uổng đời thân chiến binh.

    (Dựa theo lời dịch của Hải Âu Tử)
    Nguyên văn:

    Cửu ngoạt thâm thu hề tứ dã phi sương,
    Thiên cao thủy hạt hề hàn nhạn bi thương.
    Tối khổ thú biên hề nhựt dạ bàng hoàng,
    Phi kiên chấp nhuệ hề cốt lập sa cương.
    Ly gia thập niên hề phụ mẫu sinh biệt.
    Thê tử hà kham hề độc tú cô phường.
    Tuy hữu du điền hề thục dữ chi thủ,
    Lân gia tửu thục hề thùy dữ chi thường.
    Bạch phát ỷ môn hề vọng xuyên thu thủy,
    Trĩ tử ức niệm hề lụy đoạn can trường.
    Hồ mã tư phong hề thượng chi luyến thổ,
    Nhân sinh khách địa hề ninh vong cố hương
    Nhất đán giao binh hề đạo nhẫn chi tử,
    Cốt nhục vi nê hề suy thảo hào lương.
    Hồn phách du du hề võng tri sở ỷ,
    Tráng chí liêu liêu hề phó chi hoang đường.
    Đương thử vĩnh dạ hề truy tư thoái!
    Cấp tảo tán Sở hề thố tử thù phương.
    Ngã ca khởi đản hề thiên khiển cáo nhử,
    Nhữ kỳ tri mạng hề vật vị diêu mang.
    Hán Vương hữu đức hề hàng quân bất sát,
    Ai cáo qui tình hề phòng nhữ cao tường.
    Vật chủ không doanh hề lương đạo dĩ tuyệt,
    Chỉ nhật cầm Võ hề ngọc thạch câu thương.
    Sở chi thanh hề tán Sở tốt.
    Ngã năng xuy hề hiệp lục luật,
    Ngã phi Tư hề phẩm Đan Dương.
    Ngã phi Trâu hề ca Yên Thất
    Tiên âm triệt hề thông cửu thiên.
    Thu phong khởi hề Sở vong nhật.
    Sở kỳ vòng hề nhữ yên quy
    Thời bất đãi hề như lôi tật.
    Ca hề ca hề tam bách tự.
    Tự cú tự cú hữu thâm ý.
    Khuyến quân mạc tác đẳng nhàn khan
    Nhập nhĩ quan tâm đương thục kỳ.
    Trương Lương tập quân Hán học tiếng Sở hát theo.

    Canh khuya, đêm vắng, khí trời lạnh lẽo, lá vàng rụng bay lả tả, tiếng tiêu thâm trầm, giọng hát bi thảm đồng vọng vào dinh Sở. Ban đầu, Sở quân chỉ buồn bã than thở, nhưng sau cùng, nghe đến chừng nào thì càng cảm thấy như ruột gan tan nát, rồi nước mắt đầm đìa ... đoạn bàn nhau bỏ trốn.
    Chỉ trong một đêm, tám ngàn tử đệ cùng quân sĩ các dinh, mười phần bỏ trốn hết bảy tám.
    Binh Sở không đánh mà tự nhiên vỡ tan để Sở Vương phải ôm hận đầy lòng, buông lời than ai oán:

    Lực bạt san hề khí cái thế,
    Thời bất lợi hề chuy bất thệ...

    Tạm dịch:

    Sức nhổ núi chừ khí hơn đời,
    Thời bất lợi chừ ngựa chẳng đi...

    (St)

  8. #8
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    8.176
    Thanks
    301
    Thanked 3.169 Times in 588 Posts

    Default Ðề: Điển tích

    Gấm nàng Ban


    Nàng họ Ban, không biết tên, vốn là một cung phi của vua Thành Đế nhà Hán (32-8 trước D.L.). Nàng làm nữ quan, chức Tiệp Dư nên thường gọi nàng Ban Tiệp Dư.
    Nàng đẹp, duyên dáng, được nhà vua sủng ái.
    Nhưng sau, nhà vua say mê Triệu Phi Yến. Bị nàng này gièm pha, nàng Ban sợ nguy cho thân nên xin vua cho hầu bà Thái Hậu ở cung Trường Tín. Từ đó, sự sủng hạnh của vua đối với nàng ngày càng phai lần.
    Tủi cho thân phận lâm cảnh phũ phàng, nàng buồn bã, lấy một thứ lụa bát tơ trắng gọi là Tề Hoàn (lục nước Tề) do nàng tự dệt lấy và làm thành một cây quạt tròn. Trên quạt, nàng đề một bài thơ để tự ví thân phận mình:

    Mới chế lụa Tề trắng.
    Trong sạch như sương tuyết.
    Đem làm quạt Hợp Hoan,
    Tròn hin giống mặt nguyệt
    Ra vào trong tay vua,
    Lay động sinh gió mát.
    Thường sợ tiết thu đến,
    Gió mát cướp nồng nhiệt,
    Ném cất vào xó rương,
    Nửa đường ân ái tuyệt.

    Nguyên văn:

    Tân chế Tề Hoàn tố,
    Hạo khuyết như sương tuyết.
    Tài thành Hợp Hoan phiến,
    Đoàn đoàn tự minh nguyệt.
    Xuất nhập quân hoài tụ,
    Động đạo vi phong phát
    Thường khủng thu tiết chí
    Lương viêm đoạt viêm nhiệt.
    Khí nguyên giáp tư trung,
    Ân tình trung đạo tuyệt.

    Nàng cung nữ họ Ban ấy tự ví mình như cây quạt Hợp Hoan đã từng được nhà vua nâng niu yêu chuộng. Nhưng rồi lại ném cất vào xó rương, vì gió thu mát đã cướp mất gió mát của quạt rồi. Thế là mối tình nửa đường đoạn tuyệt. Nhà vua nỡ say đắm kẻ khác, nghe lời gièm pha để nàng chịu nỗi duyên phận bẽ bàng.
    Vương Xương Linh, một thi hào danh tiếng đời Đường (617-907) cảm xúc nỗi duyên phận ghẻ lạnh của nàng cung phi họ Ban, mà đây cũng là số kiếp chung của khách hồng nhan vô phúc sa vào cung cấm, nên có làm 3 bài, đề là "Trường Tín thu từ" để vịnh nàng:

    I
    Giếng ngọc cành khô rụng lá vàng,
    Buông rèm đêm đã lạnh hơi sương.
    Lò hương, gối ngọc vô duyên quá,
    Lắng giọt đồng rơi xiết đoạn trường.
    (Bản dịch của Lam Giang)

    Nguyên văn:

    Kim tỉnh ngô đồng lạc diệp hoàng,
    Chu liêm bất quyển dạ lai sương.
    Huân lung ngọc chẩm vô nhan sắc,
    Ngọa thích Nam cung xuân lậu trường.

    II
    Ban mai quét tước mở đền vàng,
    Nâng quạt nhìn thôi luống thở than.
    Mặt ngọc không bằng con quạ rét,
    Nó còn sưởi nắng điện Chiêu Dương.

    Nguyên văn:

    Phụng chửu bình minh kim điện khai
    Thả tương đoàn phiến tạm bồi hồi.
    Ngọc nhan bất cập hàn nha sắc,
    Do đái Chiêu Dương nhật ảnh lai.

    III
    Đã đành phận bạc, ôi đau đớn,
    Thấy vua trong mộng, tỉnh nhớ nhung.
    Tây cung rộn rực đêm yến tiệc,
    Mơ màng nhớ lúc được vua ban.

    Nguyên văn:

    Chân thành bạc mệnh cửa tầm tư,
    Mộng kiến quân vương giác hậu nghi.
    Họa chiếu Tây cung tri dạ ấm,
    Phân minh phức đạo phụng ân thì.

    Ba bài theo điệu nhạc phủ. Tác giả tả tâm trạng u hoài của Ban Tiệp Dư: nỗi buồn đêm thu, mối buồn sáng thu lại mối sầu đêm thu.
    Đêm trước u buồn, sáng dậy bâng khuâng, đêm đến sầu não, cả ba bài đều cực tả một nỗi buồn tha thiết. Mà nỗi buồn ấy mãi vương vấn, không bao giờ chịu buông tha người bạc mệnh ở lãnh cung.
    Trong "Cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều, đoạn thuật lời thán oán của nàng cung phi trong cung cấm, có câu:

    Nụ hoa chưa mỉm miệng cười,
    Gấm nàng Ban đã nhạt mùi thu dung.
    "Gấm nàng Ban" lấy ở điển tích trên.

    (St)

  9. #9
    Member PhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    Jun 2009
    Bài viết
    100
    Thanks
    0
    Thanked 2 Times in 2 Posts

    Default Ðề: Điển tích

    Trích dẫn Trích dẫn của phale Xem bài viết
    Phale mang về đây các điển tích mà các nhà làm thơ thường hay sử dụng. Hy vọng là hữu ích với các anh chị và các bạn.
    Pha Lê thật nhiều công sức ghê...đây có lẽ là cái mà TM đang bị thiếu trầm trọng đó...chắc phải vào xem thường xuyên.
    Cám ơn Pha Lê rất nhiều nha.

  10. #10
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    8.176
    Thanks
    301
    Thanked 3.169 Times in 588 Posts

    Default Ðề: Điển tích

    Bình Nguyên Quân

    Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của Nguyễn Du, đoạn thuật lại lúc Từ Hải gặp gỡ Thúy Kiều, cả hai nói chuyện nhau, có những câu:

    Chút riêng chọn đá thử vàng,
    Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu?
    Còn như vào trước ra sau,
    Ai cho kén chọn vàng thau tại mình?
    Từ rằng: "Lời nói hữu tình,
    Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên Quân.

    Kiều tha thiết nói:

    Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu?

    và lời đáp của Từ Hải:

    Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên Quân.

    Lời lẽ và ý tứ hai câu vốn mượn ý và lời ở hai câu liền nhau trong bài "Hàm đan thiếu niên hành" của Cao Tứ đời Đường:

    Vị tri can đảm hướng thùy thị,
    Linh nhân khước ức Bình Nguyên Quân.

    Nghĩa là:

    Biết ai gan ruột như mình,
    Khiến người lại nhớ đến Bình Nguyên Quân.


    Nguyên đời Chiến Quốc (479-221 trước D.L.), con của Vũ Linh Vương nước Triệu tên Thắng, làm Tướng quốc và được phong đất Bình Nguyên nên thường gọi là Bình Nguyên Quân.

    Cũng như Mạnh Thường Quân (người nước Tề), Tín Lăng Quân (người làm tướng nước Ngụy), Bình Nguyên Quân người rất hiếu khách. Trong nhà bao giờ cũng có thực khách đến hàng ngàn người.

    Khi quân nước Tần vây kinh đô nước Triệu là Hàm Đan, vua nước Triệu phải sai Bình Nguyên Quân đến nước Sở cầu cứu bằng cách liên minh. Bình Nguyên Quân định chọn lấy 20 người đủ sức khỏe, mưu mẹo trong số thực khách cùng đị Nhưng chỉ chọn được 19 người.

    Một thực khách trên Mao Toại bước ra, tình nguyện đi cho đủ số. Bình Nguyên Quân hỏi:

    - Tiên sinh ở nhà này được bao lâu?

    Mao Toại đáp:

    - Đã được 3 năm.

    Bình Nguyên Quân nói:

    - Phàm bực hiền sĩ ở đời chẳng khác gì cái dùi ở trong cái túi, bao giờ mũi nhọn cũng thò ra ngoàị Tiên sinh ở đây đã đến 3 năm mà tôi chưa từng thấy người chung quanh tôi khen ngợi điều gì, thế là tiên sinh không có đặc tài thì xin mời tiên sinh ở lại nhà.

    Mao Toại nói:

    - Chính ngày nay tôi mới xin làm cái dùi trong cái túi đó. Nếu tôi sớm được như cái dùi trong túi thì chẳng những chỉ thò mũi nhọn ra, mà lại còn nhảy tuột cả ra ngoài nữa.

    Nghe lời đáp lạ lùng, Bình Nguyên Quân bằng lòng cho đi. Mười chín thực khách kia nhìn nhau có vẻ xem thường, cười thầm.

    Đến nước Sở, Bình Nguyên Quân cùng vua Sở bàn việc liên minh, giải bày lợi hại, từ sáng sớm mãi đến trưa mà vẫn chưa ngã ngũ ra saọ Mười chín thực khách kia bèn bảo Mao Toại rằng:

    - Xin mời tiên sinh lên đi.

    Mao Toại cầm kiếm, bước lên thềm, nói với Bình Nguyên Quân rằng:
    - Việc liên minh lợi hại thế nào, chỉ nói vài lời cũng quyết định được, thế mà bàn bạc từ sáng đến trưa vẫn chưa ra bề nào là cớ làm sao?

    Vua nước Sở hỏi ai, thì Bình Nguyên Quân cho biết đó là người nhà. Vua Sở quát:

    - Sao không lùi xuống? Ta đương nói chuyện với chủ ngươi, lên đây làm gì?

    Mao Toại vẫn cầm kiếm, tiến lên, đĩnh đạc nói:

    - Nhà vua sở dĩ quát tháo mắng tôi là vì cậy nước Sở có đất rộng người nhiềụ Nhưng từ chỗ nhà vua đến chỗ tôi đứng chỉ trong 10 bước, thì tính mạng của nhà vua là ở trong tay tôị Cậy thế nào được đất rộng người nhiều kiả Hiện có chủ tôi ngồi đó mà nhà vua quát tháo tôi thì còn lễ độ gì? Vả tôi có nghe rằng: vua Thang chỉ nhờ khoảng đất 70 dặm mà làm vua thiên hạ; vua Văn chỉ nhờ một vùng 100 dặm mà khuất phục được chư hầu, có phải đâu là vì nhiều sĩ tốt? Nay nước Sở nếu biết giữ được thế, trấn được huy thì sẵn đất vuong 5 ngàn dặm, dưới cờ kể có 100 vạn quân, đủ sức để làm bá vương đó. Sức mạnh như thế, đáng lẽ thiên hạ không sao địch nổi, thế mà thằng nhãi Bạch Khởi, tướng của nước Tần, chỉ đem có vài vạn quân đánh nhau với nước Sở, trận đầu đã chiếm được đất Yên Sinh, trận thứ hai lại đốt mất Di Lăng, trận thứ ba phạm đến cả lăng tẩm của tiên vương nước Sở. Đó là mối thù muôn đời, ngay nước Triệu chúng tôi còn hổ thẹn thay, thế mà nhà vua không biết căm giận. Vậy ngày nay, liên minh chính là vì nước Sở chứ không phải vì nước Triệụ Chủ tôi ngồi đó, nhà vua quát tháo tôi là nghĩa làm sao?

    Vua Sở gật gù bảo:

    - Phải, phải! Công việc nước tôi, đúng như lời tiên sinh nóị Vậy tôi xin đem cả nước để liên minh.

    Đoạn tất cả tôi chúa đều uống máu ăn thề.
    Mao Toại cười nói với bọn 19 người:

    - Đối với sự thành công này, các ông chỉ là theo đuôi, vấy máu ăn phần đó thôi.

    Thực hiện được cuộc liên minh, Bình Nguyên Quân trở về nước Triệu, nói:

    - Thôi, ta không còn dám xét đoán người nữạ Xưa nay ta đã từng xét thiên hạ, kể số nhiều thì đến hàng ngàn người, mà ít thì cũng hàng trăm, vẫn tự hào rằng chưa hề bỏ sót ai cả. Thế mà đến nay tự biết mình trước kia đã không nhận rõ đặc tài của Mao tiên sinh. Khi sang nước Sở, Mao tiên sinh đã làm cho nước Triệu được vô cùng tôn kính. Mới biết tiên sinh đã khéo dùng ba tấc lưỡi mạnh hơn trăm vạn quân. Thôi, từ đây ta không dám xét người nữa.

    Ông liền cất Mao Toại lên hàng Thượng khách.

    Tuy dùng người mà Bình Nguyên Quân vẫn tự nhận đã thiếu sót trong việc xét ngườị. Lời nói đó thật tri bỉ tri kỷ vậy.

Trang 1 / 2 12 LastLast

Posting Permissions

  • Bạn không thể tạo chủ đề mới
  • Bạn không thể trả lời
  • Bạn không thể dùng tập tin đính kèm
  • Bạn không thể hiệu chỉnh bài
  •