Thi pháp thơ Đường
Thơ Đường Luật hay Luật Thi (cận thể) là loại thơ ngũ ngôn hay thất ngôn (bát cú và tứ tuyệt hay tuyệt cú) được làm theo luật thơ rất có quy củ đặt ra từ đời nhà Đường bên Trung Quốc (618-907).
Thơ Cổ Phong (cổ thể) là thể thơ tương đối tự do gồm những câu thơ 5 chữ hay 7 chữ (ngũ ngôn cổ phong hay thất ngôn cổ phong), không hạn chế số câu. Thơ Cổ Phong xuất hiện vào đời Đông Hán (25-220), trước đời nhà Đường.
I. Đặc Tính và Tác Dụng của Thơ
Làm văn đã khó mà làm thơ, nhất là thơ Đường Luật, lại càng khó hơn.Trước khi bàn về thi pháp của Thơ Đường Luật, chúng ta cần phải hiểu về các đặc tính và tác dụng của thơ.
Thơ là hình thức đầu tiên của văn học. Thơ có trước văn tự và âm nhạc. Cảm xúc là nguồn gốc của thơ. Cảm xúc bị xúc động thì trong lòng phát ra lời với âm hưởng và tiết tấu gọi là thơ. Điều này có nghĩa là thơ dùng để biểu lộ tình cảm và tư tưởng con người. Do đó đặc tính của thơ là cảm xúc và nhạc tính. Nhạc tính ở đây có nghĩa là âm hưởng (harmony) và tiết tấu (rhythm). Âm hưởng là sự hòa điệu, hòa âm, và hòa thanh của các từ được dùng để gây xúc động cho thính giả. Tiết tấu có nghĩa là nhịp điệu và sự ngắt nhịp trong câu thơ.
Thơ có tác dụng để tạo tình hòa khí giữa vợ chồng, củng cố lòng hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ và ông bà, xây dựng đạo làm người, giáo hóa về luân thường đạo lý cho nhân loại, thăng hoa tình cảm con người, can ngăn các việc làm ngang trái của nhà cầm quyền, và cải thiện phong tục cùng tập quán của xã hội. Chính vì thế mà người ta có quan niệm “văn dĩ tải đạo”, tức là thơ văn dùng để chuyên chở đạo lý.
Nói chung thơ là nghệ thuật truyền thông tư tưởng và cảm xúc bằng ngôn ngữ đượm tính âm nhạc. Mỹ cảm trong thơ do tiết tấu và âm hưởng tạo ra. Thơ nhạc thường đi đôi với nhau vì những bài thơ hay thường được phổ nhạc. Chính vì thế thơ là một nghệ thuật và hệ thống ký hiệu làm phát sinh trong lòng ta những cảm giác, tình cảm, tư tưởng, và ý tưởng. Và cũng chính vì thế mà thơ còn được các nhà cách mạng Quốc Gia chân chính sử dụng để khích động, kích thích, và dẫn khởi lòng yêu nước thương nòi cùng trí tưởng tượng của chúng ta để dùng vào việc cứu nước cứu dân, hầu xây dựng tự do dân chủ và nhân quyền cho toàn dân Việt.
II. Sự Sáng Tác Thơ
Sự sáng tác thơ có nghĩa là việc làm thơ. Việc sáng tác thơ bao gồm “lập ý” và “tu từ.”
a. Việc Lập Ý
Lập ý có nghĩa là khi làm thơ chúng ta cần phải diễn đạt đúng với những ý tưởng và cảm xúc đang có trong lòng một cách chân thành. Đó là nội dung bài thơ. Chính vì thế mà thơ có thể làm cho người đọc cảm ứng theo ý thơ mà rơi lệ. Việc “lập ý” trong thơ Đường có quy luật về phép dàn ý (xin xem phần nói về bố cục của bài thơ Đường luật “thất ngôn bát cú”.
b. Việc Tu Từ
Tu từ có nghĩa là cách dùng chữ hay lời thơ đúng cách và chải chuốt để diễn đạt ý thơ. Tu từ thuộc về mặt hình thức của bài thơ.. Chữ hay lời thơ có tác dụng khích động độc giả. Chính vì thế mà việc tu từ giữ một địa vị quan trọng thi pháp.
Có hai khuynh hướng về cách dùng chữ trong việc làm thơ: dùng chữ một cách cầu kỳ để kích động độc giả và dùng chữ một cách tự nhiên và bình dị. Việc chủ trương sử dụng chữ một cách cầu kỳ, nhất là trong thơ Đường Luật, là cốt để kinh động độc giả theo ý muốn của nhà thơ. Thơ Đường Luật thuộc về loại thơ nặng phần kỹ xảo.
Những người chủ trương dùng chữ một cách tự nhiên và bình dị quan niệm rằng nếu dùng chữ cầu kỳ quá thì ý thơ sẽ mất đi. Đã mất ý đi thì dù lời thơ có khéo cho mấy cũng làm cho bài thơ mất giá trị đi.
Muốn việc sử dụng chữ trong một bài thơ được hay và đúng cách, các nhà làm thơ không nên để việc trùng ý xảy ra, không dùng chữ dư thừa vô ích, và tuyệt đối không được dùng chữ tục tĩu. Việc dùng điển cố thì tùy từng trường hợp, tuy nhiên, không nên vì sử dụng điển cố mà làm cho bài thơ tối nghĩa và mất tự nhiên. Muốn việc tu từ được chu đáo, nhà thơ cần phải đọc thơ cho nhiều và để ý chọn chữ cho đúng cách. Khi đã đọc nhiều thơ của các thi nhân nổi tiếng, chúng ta sẽ học hỏi được cách dùng từ và trau dồi thêm ý thơ, nhiên hậu chúng ta sẽ làm thơ được dễ dàng, tức là nói ra đã thành thơ rồi.
c. Sự Tương Quan Giữa Lập Ý và Tu Từ
Theo thường tình thì nội dung bài thơ quan trọng hơn hình thức của nó. Điều này có nghĩa là việc “lập ý” quan trọng hơn việc “tu từ.” “Lập ý” là tinh thần và linh hồn, còn “tu từ” chỉ là phục sức hay thân thể mà thôi. Ý nghĩa mới là chính, việc dùng chữ chỉ là thứ yếu mà thôi. Một bài thơ hay là cốt ở ý có cao sâu hay không. Nếu một bài thơ mà cách dùng chữ có hay đến mấy nhưng không có ý cao sâu thì cũng là bài thơ dở. Ý thơ do cảnh ngộ mà có vì cảnh ngộ sinh ra cảm xúc rồi cảm xúc tạo ra ý thơ, rồi sau đó mới dùng lời để diễn đạt. Tuy nhiên, ý thơ được diễn tả bằng lời thơ. Vì thế việc lập ý và tu từ cần phải được đi đôi với nhau thì bài thơ mới tuyệt diệu. Có nhiều trường hợp mà lời không diễn tả được hết ý nhưng vẫn tạo được ý ở ngoài lời. Đó là trường hợp “ý tại ngôn ngoại.”
Việc sáng tác thơ thường do tính tự nhiên phát khởi cả về ý lẫn từ mà có. Chính vì thế mà các nhà làm thơ đã sáng tác được các câu thơ hay tuyệt diệu nhưng lại không biết cách giải thích tại sao mình làm được những câu thơ đó. Nhiều người chủ trương rằng khi làm thơ, người ta chỉ cốt sao diễn tả được ý và có chút vần điệu là được. Có ý và có vần điệu thì đó là thơ.
Đã có người cho rằng tiếng Việt ta khi nói ra cũng đã là thơ rồi. Người ta định nghĩa thơ (thi) là thể văn có thanh, vận, âm điệu rõ ràng, và có thể ngâm vịnh được. Quả thật như vậy, tiếng Việt của ta có đủ các yếu tố trên. Tiếng Việt chúng ta có âm điệu thật du dương là nhờ ở tám thanh: 2 thanh bằng và 6 thanh trắc. Những tiếng không dấu hay có dấu huyền được xếp vào loại tiếng có thanh bằng, do đó ta có 2 thanh bằng.Tiếng có dấu sắc, nặng, hỏi, và ngã được xếp vào loại thanh trắc. Riêng tiếng có dấu sắc và dấu nặng lại được chia ra mỗi tiếng có 2 thanh nữa là thanh trắc nhập và thanh trắc khứ tùy theo tiếng đằng sau nó có các phụ âm c, ch, p, và t hay không.
Thí dụ:
Thanh trắc khứ: chống, thắng
Thanh trắc nhập: chốc, trách, chấp, chất
Thanh trắc khứ: động, rộn
Thanh trắc nhập: độc, trạch, chộp, chột
Ở Trung Quốc, thanh âm xưa và nay không giống nhau. Trước đây, chẳng hạn như tiếng Bắc Bình (Quan Thoại) có 4 thanh, tiếng Thượng Hải có 5 thanh, và tiếng Quảng Đông có 7 thanh. Từ đời nhà Đường (618-907) và đời nhà Minh (1368-162 , ngôn ngữ của Trung Quốc có 4 thanh (tứ thanh). Bốn thanh được sử dụng trong thơ Đường gồm 1 thanh bằng (bình thanh) và 3 thanh trắc (thượng thanh, khứ thanh, và nhập thanh).
Thí dụ:
Bình thanh: đông. Thượng thanh: đổng.
Khứ thanh: đống. Nhập thanh: đốc
Những người phóng khoáng chỉ cốt diễn tả ý một cách trung thực đều không thích làm thơ Đường Luật (Luật Thi) theo lối bát cú (thất ngôn, ngũ ngôn) hay tứ tuyệt (tuyệt cú). Lý do chính là hai loại thơ này đều là thi pháp của Tàu và có luật lệ rất khắt khe. Nếu đã nói là làm thơ Đường Luật thì ta bắt buộc phải theo niêm luật nhất định. Chính vì thế mà các cụ ta và ngay cả các người làm thơ thời nay thường làm loại thơ trông có vẻ là thơ Đường Luật, cũng thất ngôn và ngũ ngôn bát cú hay tứ tuyệt, nhưng thực ra đó là một lối thơ tự do, tức là thơ Cổ Phong. Lối thơ này không cần theo niêm luật hay đối mà chỉ cốt có vần và âm điệu mà thôi.
d. Điều Kiện Để Sáng Tác Thơ Cho Hay
Thực tế cho ta biết là việc sáng tác thơ cốt ở cảm xúc và nhạc tính. Chứng cớ là những câu ca dao của ta được phát xuất ra từ những người bình dân trong dân gian mà cảm xúc, ý nghĩa, và nhạc tính của những câu ca dao này thật tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu xét về các thi phẩm của những thi nhân nổi tiếng ở Việt Nam trước đây, ở Trung Quốc, và ở các nước Âu Châu, chúng ta sẽ thấy muốn sáng tác thơ cho tuyệt hảo thì cần phải có hai điều kiện: thiên tài và học lực. Hai điều kiện này phải đi đôi với nhau thì việc sáng tác thơ mới đạt tới kết quả mỹ mãn. Lý do chính là nếu không có thiên tài về thơ thì chúng ta không có khả năng tinh tế để mở cửa kho kiến văn và vốn học lực. Có thiên tài về thơ mà không có học lực thì chúng ta không có chất liệu để sử dụng thiên tài về thơ cho đến chỗ tuyệt hảo. Chính vì thế mà tác phẩm Truyện Kiều của Nguyên Du mới trở thành tác phẩm tuyệt trần vô tiền khoáng hậu trong văn học Việt Nam vì Nguyễn Du là nhà thơ vừa có thiên tài về thơ lại vừa có học lực.