IV. Thơ Cổ Phong

Như đã đề cập ở phần mở bài, thơ cổ phong (cổ thể) là thể thơ tương đối tự do, không cần niêm luật, gồm những câu thơ 7 chữ hay 5 chữ (thất ngôn cổ phong hay ngũ ngôn cổ phong). Thơ cổ phong xuất hiện vào đời Đông Hán (25-220), trước đời nhà Đường. Sau đây là những đặc điểm của thơ cổ phong:

- Số chữ trong mỗi câu phải là 7 chữ hay 5 chữ (ngũ ngôn hay thất ngôn).
- Không có niêm luật và đối chặt chẽ như thơ Đường.
- Không hạn chế số câu, thường là từ 4 câu trở lên, muốn dài ngắn bao nhiêu cũng được.
- Người ta thường làm Thơ Cổ Phong với số câu là 4 câu, 6 câu, 8 câu, hay 12 câu.
- Những bài thất ngôn dài quá 8 câu được gọi là bài thất ngôn trường thiên và ngũ ngôn dài quá 16 câu gọi là ngũ ngôn trường thiên.
- Tuy không cần niêm luật (bằng trắc), nhưng vẫn cần âm hưởng và tiết tấu. Cách gieo vần trong thơ cổ phong có thể độc vận hay liên vận. Có thể cứ 4 câu lại đổi vần hay cứ 8 câu đổi vần, hoặc mỗi 2 câu đổi vần một lần cũng được.
- Cách đối thì tùy, muốn đối thì đối, muốn không thì không. Nếu đã đối thì phải đối cho chỉnh. Ý đối ý và chữ đối chữ cho đúng cách.

Ta có thể định nghĩa Thơ Cổ Phong là lối thơ tự do làm theo 7 chữ hoặc 5 chữ. Thơ bát cú hay tứ tuyệt có thể là Đướng Luật hay Cổ Phong là tùy theo bài thơ đó có đúng niêm luật và đối hay không. Tuy nhiên, theo thói thường thì khi đọc một bài thơ bát cú hay tứ tuyệt, ngũ ngôn hay thất ngôn, người ta có thành kiến cho đó là thơ Đường Luật. Vì thế, nếu làm thơ theo lối Cổ Phong, ta nên đề ở đầu trang là Thơ Cổ Phong. Một cách khác nữa để tránh hiểu lầm, ta nên phân bài cổ phong có 8 câu (ngũ ngôn hay thất ngôn) ra làm hai đoạn, mỗi đoạn 4 câu. Sau đây là các bài cổ phong làm mẫu:

Ngũ Ngôn Bát Cú Cổ Phong


KHEN TRẦN BÌNH TRỌNG

Giỏi thay Trần Bình Trọng
Dòng dõi Lê Đại Hành
Đánh giặc dư tài mạnh
Thờ vua một tiết trung
Bắc vương sống mà nhục
Nam quỉ thác cũng vinh
Cứng cỏi lòng trung nghĩa
Ngàn thu tỏ đại danh

Phan Kế Bính


Thất Ngôn Tứ Tuyệt Cổ Phong

Bài xướng của Hạng Võ

Lực bạt sơn hề khí cái thế
Thời bất lợi hề truy bất thệ
Truy bất thệ hề khả nại hà
Ngu hề Ngu hề nại nhược hà


Ngũ Ngôn Tứ Tuyệt Cổ Phong

Bài họa của Ngu Cơ

Hán binh dĩ lược địa
Tứ diện Sở ca thanh
Đại vương ý chí tận
Tiện thiếp hà liêu sinh

Thất Ngôn Trường Thiên Cổ Phong

TẾT THA HƯƠNG

Hôm nay lạnh quá trời buông tuyết
Ngồi ngắm không gian tính tháng ngày
Chợt nhớ ra rằng năm đã hết
Xứ người tết đến biết sao đây
Tìm đâu cho được cành mai ấy
Chồng bánh chưng xanh pháo đỏ hiên
Đâu cảnh khói hương bay nghi ngút
Cả nhà sum họp lễ gia tiên
Nước non xa cách bao giờ hợp
Những tết qua rồi tết khổ đau
Giặc giã đua nhau gây đổ nát
Quê hương tan tác bởi vì đâu
Quê nhà tết đến dân đau khổ
Đất khách xuân về dạ vấn vương
Ở đây ai đón xuân cùng tết
Tết đến trong lòng xuân nhớ thương
Xa quê sống giữa người xa lạ
Lạ cảnh lạ người lạ thói quen
Muốn ngỏ tâm tư ai hiểu được
Cười cười nói nói để mà quên

Khải Chính Phạm Kim Thư

Thất Ngôn Bát Cú Cổ Phong

DẾ DUỔI BÊN ĐÈN

Kiến chẳng phải kiến voi chẳng voi
Trời sinh dế duổi cũng choi choi
Ngắn cánh lên trời bay chẳng thấu
Co tay vạch đất cũng khoe tài
Mưa sa nước chảy lên cao ở
Lửa đỏ dầu sôi nhảy tới chơi
Quân tử có thương xin chớ phụ
Lăm lăm bay nhảy để mà coi

Tú Quì

Ngũ Ngôn Trường Thiên Cổ Phong

ÔNG ĐỒ GIÀ

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ

Vũ Đình Liên

V. Kết Luận

Các bạn yêu thơ hãy cứ làm thơ một cách tự nhiên trước, miễn sao diễn tả được ý của mình và có âm điệu là được. Có Đường Luật thì cũng có Cổ Phong, có lục bát thì cũng có biến thể lục bát. Rồi dần dần quen đi, ta sẽ làm thơ một cách dễ dàng, xuất khẩu thành thơ, và tự nhiên thành luật. Đừng vì niêm luật hay đối quá mà làm bài thơ gượng gạo mất hồn thơ của các bạn đi. Muốn làm thơ một cách tự nhiên và cảm động được lòng người, ta cần phải có tâm hồn thơ và yêu thơ. Kế tiếp ta phải tìm đọc những tác phẩm trứ danh trong văn chương như Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ Bà Huyện Thanh Quan, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Hồ Dzếnh, thơ Xuân Diệu, thơ TTKH, thơ Nguyễn Bính, thơ Vũ Hoàng Chương, thơ Bàng Bá Lân, thơ Chu Mạnh Trinh, thơ Tản Đà, thơ Nguyễn Công Trứ, thơ Nguyễn Khuyến, thơ Thế Lữ, và ca dao, v.v. Không những đọc mà ta còn phải học thuộc lòng để đưa vào tiềm thức những cung điệu, những tứ thơ kỳ diệu, và những chất liệu giúp ta làm thơ một cách tự nhiên hơn. Khi có hồn thơ lai láng, hãy cứ viết ra cho hết ý, rồi đọc lại để kiểm soát niêm luật sau. Cứ như thế ta sẽ đi vào thơ một cách tự nhiên.

Khải Chính Phạm Kim Thư

--------------
Tài Liệu Tham Khảo

1. Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Trung Tâm Học Liệu, Bộ Giáo Dục, ấn bản lần thứ mười, 1968.
2. Trình Xuyên Nguyễn Ngô Riễn, Hoa Bút Trình Xuyên (Tuyển tập 2 1981-1990), Papyrus, San José, CA, USA, 1994
3. Trần Trọng Kim,Việt Nam Sử Lược, Quyển I,Trung Tâm Học Liệu, Bộ Giáo Dục,Saigon, 1971.
4. Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Tản Đà Vận Văn, Tập II, Sống Mới tái bản.
5. Trần Trọng San, Thi Pháp Thơ Chữ Hán, Bắc Đẩu, Scarborough, Ont.,
Canada, 1998.