Phùng Há
Soạn giả Nguyễn Phương , RFA
Cháu được biết là nữ nghệ sĩ tiền phong Phùng Há, năm nay đã hơn chín mươi tuổi và nghe nói là bà vẫn còn khoẻ mạnh, bà đang sống trong chùa nghệ sĩ ở Gò Vấp. Xin bác cho cháu biết về ngày sinh, quê quán và những bước đầu khởi nghiệp của nữ nghệ sĩ Phùng Há được không ạ ?
Ðáp : Chào cô Giáo Hiếu. Tôi xin cám ơn cô đã có nhã ý muốn biết về tiểu sử của nữ nghệ sĩ Phùng Há, một danh tài mà giới nghệ sĩ cải lương chúng tôi rất kính mến, xem bà là một trong những người đầu tiên có công khai sơn phá thạch xây dựng nên nền nghệ thuật sân khấu cải lương Việt Nam.
Bà Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo, sanh ngày 30 tháng 4 năm 1911 ( Tân Hợi) tại làng Ðiều Hòa , tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho. Tính đến nay thì bà đã được 95 tuổi dương lịch. Bà đã phụng sự sân khấu hơn 80 năm kể từ vai hát đầu tiên năm 13 tuổi, đó là vai Giả Thị trong tuồng Hoàng Phi Hổ Qui Châu của soạn giả Nguyễn công Mạnh.
Phụng Hảo họ Trương, gốc tích của dòng họ Trương là ở làng Phú Lạng, huyện Hạc Sơn, tỉnh Quảng Ðông Trung Quốc. Ông Trương Nhân Trưởng, cha ruột của nữ nghệ sĩ Trương Phụng Hảo vì chơi quấn pháo vào bím tóc của một người bạn, pháo nổ văng mất bím, sợ bị tù tội nên ông mới bỏ trốn sang Việt Nam. Ông Trương Nhân Trưởng đã có vợ bên Tàu, nhưng vì đang trốn chạy nên không mang vợ theo được.
Ông Trưởng đến Mỹ Tho làm nghề bán thịt bò, ông cưới bà Lê thị Mai, người làng Ðiều Hòa. Hai ông bà có được với nhau 7 người con: Trương Tích Kỳ,( con trai trưởng), Trương Ngân Hảo ( nữ), Trương Liên Hảo( nữ), Trương Tích Huy( nam, đã chết lúc nhỏ), Trương Tích Trung( nam), Trương Phụng Hảo( nữ) và Trương Nguyệt Hảo( nữ).
Bà Lê Thị Mai thường gọi Trương Phụng Hảo là Phùng Há, theo cách gọi của người làng quê Trung Quốc nên Trương Phụng Hảo lấy nghệ danh là Phùng Há để tưởng nhớ mẹ của mình.
Cơ duyên trở thành nghệ sĩ
Hỏi: Theo lời của bác, nữ nghệ sĩ Phùng Há là gốc người Hoa, vậy thì trong trường hợp nào, do cơ duyên nào mà bà trở thành người nghệ sĩ tài danh của sân khấu cải lương Việt Nam?
Ðáp : Hồi đó tôi cũng hỏi cô Bảy Phùng Há như vậy đó. Cô Phùng Há cho là do sự an bày của Tổ nghiệp! Cô Phùng Há cho biết là Ba cô làm ăn ở Việt Nam rất phát đạt, khi ông mất thì mẹ cô và các anh chị em cô đưa ông về an táng ở huyện Hạc San Trung Quốc, gia sản ở Việt Nam trao cho người anh cả là Trương Tích Kỳ quản lý.
Khi mẹ cô và cô trở về Việt Nam thì anh TrươngTích Kỳ muốn chiếm đoạt cả gia sản nên định mua vé tàu đưa hai mẹ con cô trở về Hạc San chớ không cho ở chung một nhà như khi Ba cô còn sống. Mẹ cô không muốn trở về Tàu, sống trong thân phận của người vợ lẽ, một thân phận chẳng khác gì con sen hay người ở đợ, nên mẹ cô dẫn cô về ở nhà với bà ngoại của cô trên chợ Giòng Nhỏ.
Bà ngoại mù lòa, mẹ cô đau yếu liên miên, Trương Phụng Hảo phải đi mò lạch, kiếm cá, kiếm tép để làm thức ăn nuôi bà và mẹ. Bà Tư trong xóm thương tình dẫn Phụng Hảo tới làm công in gạch trong lò gạch của ông Bang Hoạch ở xóm cầu đúc. Tiền công in một trăm viên được ba xu. Phụng Hảo làm không quen nên vừa làm vừa ca nghêu ngao cho đở buồn. Không ngờ những người cùng làm công trong lò gạch nghe thích quá, mới bảo cô ca cho họ nghe, họ phụ in gạch để cho cô có tiền nuôi mẹ.
Lúc đó ông Bầu Hai Cu, chủ gánh hát Tái Ðồng Ban, nghe đồn có con nhỏ xẩm lai ca hay lắm nên ông tìm tới. Nghe giọng ca của cô Phụng Hảo, ông thấy có thể đào tạo cho cô hát trên sân khấu Tái đồng Ban nên ông ký hợp đồng với cô, do mẹ cô đại diện. Ông cho mượn trước 50 chục đồng để lo thuốc thang và dưởng nuôi bà ngoại cô, lương của cô được 8 cắc mỗi suất diễn, hai mẹ con theo gánh hát được nuôi cơm và có chỗ ở. Lúc đó cô làm ở lò gạch, vừa làm vừa ca mà chỉ được có một cắc mỗi ngày thôi.
Thầy tuồng Nguyễn Công Mạnh và nghệ sĩ Năm Châu dạy cô hát, nhạc sĩ Tư Chơi dạy cô ca. Phụng Hảo siêng năng, sáng dạ nên chỉ trong một tuần lễ học là cô có thể đóng tuồng chung với kép Năm Châu. Học xong tuồng nào thì hát tuồng đó. Ông Bầu bảo lấy tên Phùng Há làm nghệ danh cho cô. Ðó, bước đầu khởi nghiệp của nữ nghệ sĩ Phùng Há là như vậy đó.
Hỏi : Thưa bác, xin bác cho biết thành phần nghệ sĩ và những tuồng tích của gánh hát Tái Ðồng Ban trong lúc đó ra sao ?
Ðáp: Thành phần nghệ sĩ gánh Tái Ðồng Ban, bên đào thì có : Phùng Há, Ba Nhàn, Ba Liên, Năm Phụng, Hai Quờn. Hai Quờn về sau là vợ của anh Ba Du.
Bên kép có : Năm Châu, Tám Mẹo, Ba Du, Tư Út, Từ Anh, Hai Bông, Năm Tỵ. Nhạc sĩ Tư Chơi tức là Huỳnh Thủ Trung, lúc đó đờn đoản, anh Tư Chơi cũng có viết tuồng hát nữa.
Tuồng hát : có các vở Hoàng Phi Hổ quy Châu, của soạn giả Nguyễn Công Mạnh, vở tuồng Thôi Tử Thí Tề Quân, Mổ Tim Tỷ Can, Anh Hùng Náo Tam Môn Nhai của soạn giả Nguyễn Thành Châu, vở tuồng Khúc oan vô lượng, Tội của Ai của soạn giả Tư Chơi. Phùng Há đóng cặp vớì anh Năm Châu được khán giả khen là rất xứng đào xứng kép.
Hỏi :Thưa bác, có phải chăng là từ Tái Ðồng Ban này nẩy sanh ra mối tình Năm Châu - Phùng Há?
Ðáp: Theo tôi biết thì mối tình đầu của nữ nghệ sĩ Phùng Há là với nhạc sĩ kiêm soạn giả Tư Chơi. Nghệ sĩ Tư Chơi là người chồng đầu tiên của nữ nghệ sĩ Phùng Há. Họ có chung với nhau một đứa con gái, đặt tên là Lý Bửu Trân. Lý Bửu Trân sanh năm 1927 và mất năm 1959 tại Saigon.
Bửu Trân mang họ Lý thay vì họ Huỳnh của cha là Huỳnh Thủ Trung vì khi cô được ba tuổi, cha mẹ cô ly dị nhau, mẹ cô gởi cô về huyện Hạc San bên Trung Quốc cho dì của cô là bà Trương Liên Hảo, nuôi dưỡng và vì vậy mà Bửu Trân lấy theo họ của dưỡng phụ là phú hào họ Lý.
Lý Bửu Trân học rất giỏi, cô thông thạo năm thứ tiếng : Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Quan Thoại, Quảng đông và Việt Nam. Trong những năm 1957, 1958, khi tiếp xúc với các phái đoàn nghệ thuật Ấn Ðộ, Mỹ quốc, Trung Hoa Dân Quốc và đoàn nhạc gỏ Pháp Quốc, Lý Bửu Trân là thông dịch viên của Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu khi Hội tiếp xúc với các đại diện và nghệ sĩ của các phái đoàn nước bạn. Lý Bửu Trân bị bịnh ung thư máu, mất tại nhà thương Grall vào tháng 12 năm 1959.
Nữ nghệ sĩ Phùng Há có nhiều vai tuồng hát để đời, riêng vai Lữ Bố trong tuồng Phụng Nghi Ðình, khi bà Phùng Há hát vai Lữ Bố, cố nữ nghệ sĩ Thanh Nga hát vai Ðiêu Thuyền, có một nhà thơ đã tặng cho nghệ sĩ Phùng Há mấy câu thơ : mời quí thính giả nghe nghệ sĩ Phùng Há đọc mấy câu thơ nầy :
Ấy mới tài! Ấy mới duyên!
Lẵng lơ Lã Bố Hí Ðiêu Thuyền
Ai hay Lã Bố là cô ã
Ðã quyết tao…Phùng…Há dám quên!
Minh họa tiếng hát của cô Phùng Há trong vai Lựu tuồng Ðời cô Lựu. Thưa quí thính giả vừa rồi là tiếng hát của cô Bảy Phùng Há trong vai Lựu tuồng Ðời Cô Lựu của soạn giả Tư Trang.
Hỏi : Thưa bác, để tìm hiểu về nữ nghệ sĩ tài danh Phùng Há, ngoài những giai thoại về cuộc đời tình cảm của người nghệ sĩ tài năng Phùng Há, cháu hy vọng bác kể về một giai thoại nào đáng nhớ của nữ nghệ sĩ Phùng Há liên quan tới nghệ thuật sân khấu hoặc chuyện tình giữa hai tài năng lớn : Năm Châu, Phùng Há,… có như lời người đời dồn đãi hay là không có? Cháu cũng muốn được biết trong thời gian dài gần 80 năm, nghệ sĩ Phùng Há đã cộng tác với những đoàn hát nào ?
Tại sao khi giới thiệu nghệ sĩ tài danh Phùng Há, bác lại khởi đầu bằng cách kể những đoàn hát nào mà bà Phùng Há đã cộng tác?
Ðáp: Cô Hiếu vừa hỏi một câu rất hay, Thưa quí thính giả, khi tôi kể tên những gánh hát mà cô Bảy Phùng Há từng cộng tác tức là tôi đã lược thuật lại một phần cái quá trình hình thành và phát triễn của nghệ thuật sân khấu cải lương, một nghệ thuật sân khấu độc đáo của dân tộc Việt Nam.
Cô Bảy Phùng Há là người phụ nữ Việt Nam sống gần 100 tuổi mà đã cống hiến tám mươi năm của cuộc đời mình để góp phần xây dựng một nền nghệ thuật sân khấu cải lương, cô Bảy Phùng Há đã đào tạo được hàng trăm nghệ sĩ tài danh trong ba thế hệ nghệ sĩ.
Cô Phùng Há được người trong giới khen tặng là một bực minh sư, một cây đại thọ của cải lương, được phong là Nghệ sĩ Nhân dân, cô Bảy nhận được những huy chương, những bội tinh của vua Bảo đại, của quan toàn quyền Pháp ở đông Dương, của vua Miên, vua Lào, vua Thái Lan, của đại sứ Trung Hoa Dân Quốc ở Việt Nam, của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa và của chánh phủ Việt Nam sau nầy.
Cô Phùng Há đã được tặng nhiều bằng khen, bằng tưởng niệm, huy hiệu danh dự của các nước mà cô có dịp đến biểu diễn tài nghệ như ở Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Bồ đào Nha, Maroc, Sénégal, Thụy Diển, Thụy Sĩ, Thái Lan và Liên Xô cũ.
Cô Phùng Há cũng là người phụ nữ Việt Nam duy nhứt, không phải là người có quyền thế hay có gia tài sự nghiệp của cha mẹ để lại, nhưng cô đã thực hiện được nhiều việc từ thiện giúp cho rất nhiều
cho rất nhiều nghệ sĩ nghèo yếu neo đơn và đồng bào nạn nhân thiên tai bão lụt. Cô đã vận động quyên tiền, tổ chức hát Hội để có ngân qủy xây dựng chùa Nghệ sĩ tức là chùa Nhựt Quang, xây một nghĩa trang nghệ sĩ ở kế bên chùa.
Trong nghĩa trang đó hiện đang chôn cất hơn 400 ngôi mộ nghệ sĩ cải lương và giữ trong chùa 380 hũ hài cốt nghệ sĩ trong nước và ở hải ngoại đem về, như là hũ hài cốt của danh ca Hữu Phước, danh tài Hùng Cường, của nghệ sĩ Tư Ut, người đã chết ở thành phố Nam Vang, những nghệ sĩ miền Bắc di cư 54 như Túy định, Phúc Lai……
Nghĩa trang nghệ sĩ cải lương
Hỏi: Thưa bác, theo cháu nghĩ thì có lẽ nghĩa trang nghệ sĩ cải lương ở Việt Nam là cái nghĩa trang duy nhứt ở trên thế giới, có một đặc điểm nổi bậc là nơi đó chỉ có những phần mộ của những nghệ sĩ cải lương, không có những người ngành nghề khác được chôn chung. Phải vậy không bác ?
Ðáp: Tôi nghĩ là ở Pháp, ở Hoa Kỳ, ở Canada, và nhiều nơi khác trên thế giới, nghĩa trang là nơi an táng những người đã khuất, thân nhân của người chết có đủ tiền nong để lo việc mai táng thì ai cũng có thể có một mộ phần trong nghĩa trang đó. Riêng giới nghệ sĩ cải lương ở Việt Nam, khi về già thì đa số đều nghèo khổ, khó mà có tiền mua được một miếng đất nhỏ để gởi nắm xương tàn.
Cô Phùng Há là người hơn tám mươi năm theo nghề hát, cô hiểu cái nổi khổ tâm đó nên cô lo trước giúp cho những người nghệ sĩ nghèo yếu neo đơn. Thêm nữa khi sống thì nghệ sĩ sống quây quần bên nhau, ăn quán ngủ đình, vầy đoàn hiệp lũ thì khi mất, ở chung một nghĩa trang thì cũng thật là ấm cúng.
Khi tôi về thăm quê hương, tôi có vô chùa và nghĩa trang nghệ sĩ, quây phim, chụp ảnh, tôi nghĩ là bất cứ ai muốn tra cứu về một nghệ sĩ nào đó đã được chôn cất tại nghĩa trang nầy, có thể vào chùa và văn phòng nghĩa trang, xem các sổ sách. Trong đó có ghi nơi sanh, ngày sanh, nơi mất và ngày mất, khi sinh tiền người nghệ sĩ đó hát ở đoàn hát nào chót hết và số phone cùng địa chỉ của gia đình của thân nhân của cố nghệ sĩ đó để mình có thể liên lạc, tiện cho việc tra cứu của mình.
Về việc cứu trợ đồng bào bị thiên tai bão lụt ở miền Trung, miền Tây, đồng Tháp Mười thì cô Bảy đã dành tất cả những số tiền, thuốc men và hiện vật mà những người ái mộ cô ở trong nước và ở nước ngoài đã gởi tặng cô để làm quỷ đi cứu trợ, đồng thời cô Bảy đứng ra hô hào các nhà giàu, các thương gia, các nghệ sĩ có lòng từ thiện, quyên tiền, giúp gạo và thuốc men, cô Bảy cùng các nghệ sĩ đến tận nơi bị thiên tai bão lụt để mà trực tiếp giúp cho đồng bào nạn nhân.
Tôi biết được có hơn 20 chuyến đi cứu trợ của cô Bảy và các nghệ sĩ qua các hình ảnh và các bài báo cắt ra, lưu giữ trong Chùa Nhựt Quang trong vòng 10 năm qua nghĩa là từ khi bà được trên 80 tuổi.
Cô Bảy Phùng Há vận động quyên góp, quyên tiền lập ra Nhà Dưỡng Lão nghệ sĩ, tổ chức hát Hội quyên góp hàng tháng, đồng thời vận động đóng góp hàng tháng của các nghệ sĩ có thu nhập cao và những nhà hàng tâm hàng sản để có tiền nuôi dưỡng thuốc men lo cho các nghệ sĩ không gia đình, không vợ con và già yếu đó.
Trước đó thì bà đã giúp nhiều lần cho các nghệ sĩ đau yếu hay bị nạn trên đường lưu diễn. Xin mời quí thính giả nghe tiếng nói của nghệ sĩ nhân dân Thành Tôn nói về cô Bảy Phùng Há lúc nghệ sĩ Thành Tôn còn sinh tiền. Minh họa một câu nói của cố nghệ sĩ Thành Tôn.
Những đoàn hát từng cộng tác
Hỏi: Dạ, vậy thì xin bác giới thiệu những đoàn hát mà bà Phùng Há đã từng cộng tác.
Ðáp: Thưa quí thính giả, Nguyễn Phương xin giới thiệu những đoàn hát mà cô Bảy Phùng Há đã từng cộng tác.
- Thời kỳ 1.- từ năm 1924, khi cô Phùng Há mới bắt đầu đi hát tới năm 1945.
- Thời kỳ 2- từ năm 1946 đến năm 1954,
- Thời kỳ 3.- Từ năm 1955 đến năm 1975.
- Thời kỳ 4.- Từ năm 1976 đến năm 2001.
- Thời kỳ thứ nhứt: từ năm 1924 đến năm 1945.
Năm 1917, ở tỉnh Mỹ Tho đã có gánh hát cải lương đầu tiên của thầy Năm Tú thành lập tại tỉnh. Sau đó, năm 1920 mới có gánh hát Nam đồng Ban của ông Bầu gánh hát tên là Hai Cu, cũng là người quê ở Mỹ Tho. Con trai của ông Hai: kép chánh tên là Hai Giỏi, chồng cô nữ nghệ sĩ tài danh Năm Phỉ. Cô Năm Phỉ lớn hơn cô Phùng Há 4 tuổi.
Khi kép Hai giỏi chết vì bạo bệnh, cô Năm Phỉ mất người chồng và cũng là người bạn diễn ăn ý nhứt của cô nên cô buồn mà bỏ đi nơi khác. Ông bầu Hai vì nhớ con là kép Hai Giỏi nên năm 1924 ông lập gánh hát Tái đồng Ban, ông đã vô lò gạch, mời cô Phùng Há gia nhập gánh hát của ông, lúc đó cô Phùng Há mới 13 tuổi nhưng cô có giọng hát trong trẻo, ông Bầu Hai đã ký contrat, mời cô Phùng Há hát thay cho cô đào chánh Năm Phỉ. Gánh hát Tái đồng Ban khi mới thành lập, tập tuồng ở đình điều Hòa, quân Châu Thành tỉnh Mỹ Tho.
Nhà Dưỡng Lão Nghệ Sĩ.
- Năm 1926 - Phùng Há, Năm Châu, Tư Chơi, Ba Du gia nhập gánh hát Trần đắc của ông Bầu Trần đắc Nghĩa.
- Năm 1929 đến năm 1934 ( 18 tuổi), - cô Phùng Há làm bầu gánh hát Huỳnh Kỳ.
- Năm 1934 đến năm 1935 - cùng với Năm Châu gia nhập lại gánh hát Trần đắc.
- Năm 1935 - 1936 - nhập chung với Phước Cương (đào chánh là Năm Phỉ), lập gánh hát Phi Phụng,
- Năm 1936 - Lập gánh hát Phụng Hảo tại Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.
- Năm 1939 - gánh hát Phụng Hảo rã.
- Năm 1940 - Lập gánh Phụng Hảo 2
- Năm 1945 - gánh Phụng Hảo 2 rã.
Trong thời kỳ đầu từ 1924 đến 1928, chúng ta thấy rõ là cô Phùng Há chỉ đi hát với tư cách làm làm công, làm diễn viên lãnh lương từng xuất hát do ông bầu gánh hát trả.
Trong bốn năm nầy cô Phùng Há hát các tuồng xã hội như Khúc Oan Vô Lượng, Lở Tay Trót đã Nhúng Chàm, đời Cô Lựu, tuồng dã sử Giọt Máu Chung Tình, tuồng Tàu, Anh Hùng Náo Tam Môn Nhai, Thôi Tử Thí Tề Quân, Phụng Nghi đình…
Từ 1929 trở về sau, cô Bảy vừa là đào chánh vừa là bầu gánh, tự mình chăm lo phần nghệ thuật trình diễn của toàn đoàn. Từ vai trò bầu gánh và là đào chánh, cô Bảy Phùng Há không lệ thuộc vào sự phân bố vai tuồng của chủ gánh hát hay của thầy tuồng mà chính là ông thầy tuồng phải đo ni đóng giày, nghĩa là tùy theo phong cách diễn xuất hay nhứt của cô Phùng Há để mà viết tuồng đúng theo sở trường của cô.
Phụng Hảo, cô gái lai Tàu nên ngay trong tiềm thức, cô Phùng Há vẫn thích hát những vở hát có cốt truyện Tàu, có lối ca như ca Quảng và có lối múa bộ, có trống có mõ, đồng lố như các dàn nhạc Quảng. Gánh hát mang tên Phụng Hảo là gánh hát chuyên hát tuồng Tàu như Phụng Nghi Dình, Mạnh Lệ Quân thoát hài, Xử án Bàng Quí Phi…
Hồi đó, người ta gọi là gánh hát, ghe hát vì đường bộ ít mở mang, xe camion cũng ít có nên đoàn hát phải di chuyễn bằng ghe chài trên sông rạch để đi từ Saigon xuống tỉnh Mỹ Tho và các tỉnh miền Hậu Giang như Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh…
Bạch công tử Lê Công Phước tục gọi là cậu Hai Phước Georges , bầu gánh hát Huỳnh Kỳ, chồng của cô Phùng Há, đã sắm bốn chiếc ghe chài lớn, ba chiếc để chở diễn viên, dàn cảnh và công nhân. Một chiếc ghe chài lớn khác được trang trí sang trọng như một cái villa di động để riêng cho Bạch Công Tử và cô Phùng Há ở. Tàu sà lúp kéo các ghe chài đi, không phải do trạo phu chèo chống.
Nguồn: vietsciences.free.fr