Biết tôi là nhà báo, họ vồn vã kéo ghế mời ngồi, rồi vợ chồng thay nhau than phiền, rằng mấy ông làm đường hại chúng tôi, ai đời mặt đường cao hơn nhà dân, kiểu này mùa lũ năm ni chắc chắn lãnh đủ.
Tôi hỏi bà vợ: “Mấy đứa con chị đây à? Bảo chúng nó đứng sát vào hai vợ chồng”. Bà liếc nhanh “không, ừ, à, mấy đứa con đó”. Ông chồng cười rổn rảng “đứng vào nhanh lên”. Tôi giương máy lên, bấm nút mà ngón tay vô cảm, bởi đầu óc cứ chằm chằm vào ba đứa trẻ. Hai trong ba đứa này phải gọi đứa kia là cậu ruột, nhưng số phận buộc tụi nó gọi là anh...
Năm 1990, bà Huỳnh Thị N. trú tại quê biển Tam Thanh, Tam Kỳ, bỏ lại bốn đứa con, lên thôn 1, Trà Giác - Bắc Trà My - Quảng Nam, buôn bán. Núi rừng heo hút, sống giữa đồng bào Ca Dong, thân cô thế cô, bà kết thân với anh thanh niên dân tộc thiểu số Đinh Hồng T. để dễ làm ăn. Bà hơn T. 15 tuổi.
Vợ chồng bà N. cùng ba con, trong đó hai đứa là con
của con gái bà với ông T. Nguồn ảnh PhuNu TPHCM
Lúc đó T. đã có người yêu là cô Ng. Không biết bà N. có ma lực gì, mà chỉ một thời gian ngắn, T. đã quên cô bạn gái, về sống chung với bà. Trong sáu năm, hai đứa con lần lượt ra đời. Năm 1996, coi bộ làm ăn dễ, bà về quê, dẫn lên đứa con gái đầu là bé H., lúc đó 16 tuổi.
Anh Ng. - nguyên là trưởng công an xã Trà Giác, nói: “Mọi chuyện bậy bạ là do vợ chồng bà N. quan hệ với nhau quá lộ liễu, coi thường con cái, hàng xóm còn thấy xấu hổ giùm. Con bé H. mới lớn, suốt ngày thấy chuyện đó, răng mà không hư được”. Lên ở với mẹ và bố dượng được ba tháng, H. có thai với dượng.
Bà N. nổi cơn ghen, suốt ngày chửi bới, đuổi H. ra khỏi nhà, bắt lên rẫy xa dựng chòi ở. Một bé gái ra đời. Không biết ông chồng thuyết phục thế nào mà bà lại thuận cho con gái ôm con về ở chung. Chín tháng sau, H. lại có thai với dượng. Phen này bà làm căng, chửi bới suốt ngày, H. phải mang bụng chửa sang Trà Giáp nấu cơm thuê cho cánh công nhân. Đến ngày chuẩn bị sinh nở, H. quay về. Lúc đó, bà N. cũng sắp sinh. Thế là hai mẹ con cùng sinh một năm.
Chị K., một người buôn bán gần đó, nói: “Bà con góp ý, bà N. đâu có thèm nghe, còn chửi chúng tôi không ra gì, rằng chuyện riêng của gia đình người ta, xía vào làm chi? Chúng tôi bèn nói với con bé H. rằng mi làm rứa là không được, lúc đầu nó không nghe, nhe răng cười, còn bảo rằng, ông T. thương tôi hơn thương mẹ tôi mà”.
Anh Ng. kể: “Uống rượu, thằng T. nói có vẻ sung sướng, rằng có ai được như tôi không, bà lớn bà nhỏ, mà bà nhỏ thì thương hơn. Không dừng lại ở đó, H. có thai đứa thứ ba, nhưng làng xóm nói quá, nó về quê, phá, rồi lên lại. Hai mẹ con cãi nhau suốt ngày. Khi đứa con thứ hai được hai tuổi, H. bỏ nhà ra đi, vì bà N. bắt nó phải đi, hai mẹ con không thể chung chồng, con bỏ lại cho bà N. nuôi. Năm ngoái, nó quay về thăm con, son phấn lòe loẹt, đổi giọng miền Nam, rồi đi biệt luôn, nghe nói có chồng trong Sài Gòn".
Bây giờ thì hai đứa con của H. sống chung với cha và bà ngoại. Chị K. nói: “Con của con H. không kêu là bà mà kêu là mẹ, bả bắt kêu như rứa, nhưng đối xử tàn tệ với tụi nó lắm, đánh đập suốt ngày như kiểu mẹ ghẻ thù con chồng”. Bà con xóm giềng thì sợ điều khác, mấy đứa con lớn lên, coi chừng sinh chuyện bậy bạ nữa, bởi họ không giáo dục con, khiến chúng hay bày chơi trò người lớn.
Tôi hỏi một vị lãnh đạo xã: “Chính quyền vì sao không can thiệp, giáo dục?”, ông này đáp theo kiểu "đồng bào": “Nói được gì, họ thích cái bụng thì họ làm”. Anh Ng. thì nói: “Khi tôi nhận chức trưởng công an, được yêu cầu giải quyết, nhưng nói thiệt là bó tay, giải quyết kiểu gì?
Gạo đã thành cơm rồi, ngăn chặn sao được, vả lại, mấy đứa nhỏ nay cũng đã hơn 10 tuổi, khơi lại nỗi đau thì tội nó, nhưng nhìn vào thì thấy trái ngang quá, chịu không thấu, hơn nữa đây là vùng thiểu số, khó lắm!”. Luật tục người Ca Dong nghiêm cấm việc ngoại tình, ai vi phạm sẽ bị phạt nặng, ông T. có bị phạt không? “Chẳng ai để ý, không ai nói một tiếng”.
Tôi ngồi trò chuyện làm ăn với ông T. và bà N. Ông 40 tuổi. Bà vừa chạm tuổi 55. Xung quanh họ, hai đứa con của H. và đứa con chung của họ đang cười giỡn, bảo tôi mở máy xem ảnh vừa chụp.
Tụi nó cười toe toét, hồn nhiên như cây cỏ, như không hề biết là giông bão đã ập đến từ lâu. Vợ chồng bà cũng cười. Đầu óc tôi quay cuồng, nhớ chị K. kể: “Có lần hỏi bé L. con của H. rằng, con có nhớ mẹ không, nó bảo rất muốn gặp mẹ nhưng bố không cho, vả lại con sợ mẹ N. đánh lắm”.
Núi rừng heo hút, dân trí thấp, ông T. đã hành động theo bản năng, thiếu suy nghĩ của một người dân tộc thiểu số không được học hành. Thế còn bà N.? Cơ sự này, bà không phải là người vô can. Rồi mai này lũ trẻ lớn lên, hiểu chuyện, mọi sự sẽ ra sao?
(Nguồn Netlife.com)