.
“Đại sứ văn hóa” giỏi võ thuật, mê lịch sử




Mạnh Tuân tại Trung tâm Taekwondo trên đất Mỹ

3 tháng nữa mới tròn 18 tuổi nhưng Nguyễn Mạnh Tuân, một du học sinh VN tại Mỹ đã làm nên những kỳ tích đáng nể ngay trên xứ người: giành 9 huy chương trong vòng 1 năm tại 3 giải đấu Taekwondo của bang Ohio, Hoa Kỳ. Điều đáng nói: Tuân chỉ mới làm quen với Taekwondo từ khi đặt chân lên đất Mỹ, năm 2007.
Nguyễn Mạnh Tuân sinh năm 1991, trong một gia đình có truyền thống võ thuật. Cha là một võ sư Karatedo. Chính vì thế, ngay từ khi mới chập chững biết đi, Tuân đã được theo cha ra phòng tập và làm quen những đòn thế đơn giản của Karatedo. Tuy nhiên, với một cậu bé đang tuổi ăn, tuổi chơi, Tuân không mấy đam mê. Để Tuân được tự do lựa chọn, cha gửi Tuân tập Aikido, Judo với các võ sư nổi tiếng. Mãi đến năm lên lớp 6, Tuân mới thực sự đam mê và chăm chỉ luyện tập. Cậu chọn Judo là môn tập chính thức. Tuân đã từng là vận động viên Judo của TP.HCM, cũng đã vài lần đi thi đấu nhưng thành tích không cao. Bên cạnh khuyến khích con học võ để rèn luyện bản thân, cha Tuân còn gửi cậu học Anh văn tại trường Việt-Mỹ từ khi còn rất nhỏ. Vì thế, cậu rất giỏi tiếng Anh. Năm 2007, sau kỳ thi Anh văn đạt điểm cao, Tuân được sang Mỹ học một năm theo chương trình trao đổi văn hóa giữa hai nước. Một gia đình ở thị trấn Pickerington, bang Ohio đã nhận Tuân về nhà. Điều khiến gia đình này chú ý đến Tuân chính là lời ghi trong hồ sơ cá nhân là đai nâu của môn Judo. Tuân chưa sang Mỹ nhưng gia đình này đã nhận cậu làm con nuôi.

Và ngay khi cậu vừa đáp xuống sân bay, bố nuôi chở Tuân đến thẳng “The ATA studio of Pickerington” để tập võ. Ngày hôm sau, Tuân tự đến để luyện tập. Nhưng đây là trung tâm huấn luyện Taekwondo. Khi biết Tuân đã mang đai nâu Judo, vị HLV đề nghị Tuân thể hiện vài chiêu quan trọng của môn này và Tuân được đặc cách mang đai nâu Taekwondo. Và từ đó, Tuân vừa học vừa miệt mài luyện tập. Lớp học chỉ 25 người nhưng có những ngày thời tiết xấu, tuyết rơi dày đặc, lớp chỉ chừng 10 người. Riêng Tuân thì không nghỉ bữa nào. Tuân bắt mình phải tập gấp đôi bạn bè trong lớp. Cậu bắt đầu tập lại những đòn cơ bản của Taekwondo như một võ sinh đai trắng. Nhưng nhờ đã điêu luyện những đòn thế của Karatedo và Judo nên Tuân học rất nhanh. Tập được vài tháng, Tuân có tên trong danh sách thi đấu giải toàn bang. Đây là một điều quá bất ngờ. Bởi Tuân chỉ mong muốn có một chỗ để luyện tập nhưng không ngờ, cậu được đại diện cho trung tâm đi tranh giải.

Ngày đi thi đấu, Tuân hồi hộp lắm. Ngồi chờ đến lượt mình và chứng kiến đối thủ thi, cậu thấy người ta sao mà giỏi quá! Khi BTC gọi tên đến lượt thi đấu, tim cậu đập thình thịch. Tuân nhắm mắt lại, hít thở thật sâu và tự nhủ: “Mình biết sao đánh vậy, thi đấu hết mình là thành công rồi”. Tuy nhiên, phần thi quyền, Tuân chỉ về hạng nhì. Trong phần thi binh khí, đối phương cũng thi trước và biểu diễn song nhị khúc. Tuy nhiên, chưa được nửa bài thì đối thủ đánh rơi một cây nhị khúc. Rút kinh nghiệm, đến phần mình, Tuân đã chinh phục ban giám khảo và khán giả bằng màn biểu diễn song nhị khúc nhuần nhuyễn và đoạt hạng nhất. Nhưng lần thi đấu thứ hai mới làm Tuân thực sự nhớ đời. Lần đó, Tuân gặp một đối thủ rất mạnh và ra đòn nhanh như chớp. Mới vào trận, trong phần thi đối kháng, đối thủ tung đòn liên hồi khiến Tuân không thể nào nhìn thấy. Đối phương dẫn trước Tuân 3 điểm. Trong những giây cuối cùng, Tuân lại càng bị đối phương dồn vào thế bí. Sau một giây quan sát khoảng cách giữa hai người, Tuân tung chân thực hiện cú đá xoay người vào đầu đối thủ, giành 2 điểm. Và đúng lúc đó, thời gian thi đấu đã hết. Tuy nhiên những tiếng vỗ tay vẫn không dứt, khán giả đã đứng hẳn dậy.

Vị trọng tài đi về phía Tuân hỏi: “Cậu đến từ Seoul?”. Tuân dõng dạc: “Không, tôi đến từ TP.HCM, Việt Nam”. Vị trọng tài vẫn chưa hết ngạc nhiên. Ông bảo rằng, cú đá xoay người phản công của Tuân tuyệt vời, ông nghĩ rằng, chỉ có các võ sư Hàn Quốc mới thực hiện được. Trong năm 2007, Tuân 3 lần đi thi đấu và ẵm 9 huy chương đủ màu.

Điều đặc biệt là Tuân rất mê lịch sử, thuộc làu sử nước nhà qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước. Và hành trang mang sang Mỹ của cậu không thể thiếu những cuốn lịch sử Việt Nam. Khi được hỏi: “Tuân du học theo chương trình trao đổi văn hóa vậy thì em đem điều gì ở Việt Nam qua để trao đổi?”, với một thái độ chân thật, Tuân bảo: “Em thể hiện bằng cách sống, kết quả luyện tập võ thuật, kết quả học tập của chính mình”. Và Tuân đã hoàn thành nhiệm vụ của một “đại sứ văn hóa” khi bố mẹ nuôi, bạn bè, thầy cô và cả các huấn luyện viên võ thuật đều dành cho Tuân tình cảm và sự quan tâm đặc biệt. Sau khi hoàn thành một năm chương trình trao đổi văn hóa, Tuân du học tự túc. Bây giờ Tuân đã tốt nghiệp “High School” loại giỏi và đang nghỉ hè tại quê hương để tháng 9 tới, cậu sẽ qua Mỹ học tiếp đại học.

(Bạn đọc yêu võ có thể giao lưu qua email: martin_nguyen@yahoo.com)

Biên Thảo

(Nguồn : Báo Thanh niên thể thao & Giải trí số 107)