Bi kịch ba: "Lòng đố kị u mê"
Khi có một người khác được công chúng biết đến thì họ vô cùng khó chịu. Họ dè bỉu người khác làm nghệ thuật. Họ cho rằng chỉ những sáng tác của họ mới có giá trị. Khi bạn đọc hỏi họ về sáng tác của những đồng nghiệp khác, họ bĩu môi cho rằng người đó chỉ là kẻ bảo thủ, không có gì mới mẻ hay người đó chỉ là một tay sáng tác nghiệp dư. Va,â khi được hỏi vì sao những sáng tác "vĩ đại" hiện thời của họ lại không còn được công chúng yêu mến nữa hoặc thất vọng, trong khi đó công chúng lại yêu mến những sáng tác của những nghệ sĩ mà họ đang chê bai thì họ nói rằng công chúng chẳng biết nghệ thuật là cái quái gì nữa. Khi công chúng hâm mộ sáng tác của họ thì họ thấy công chúng thật anh minh, thật công bằng. Nhưng khi cũng công chúng ấy hâm mộ sáng tác của người khác thì họ phê phán công chúng ấu trĩ và hiểu biết thấp.
Vì những tác phẩm hiện thời của họ không còn cảm xúc và chẳng có ý tưởng gì mới mẻ. Cho nên công chúng hay các cơ quan truyền thông không nói đến họ nữa. Công chúng và giới truyền thông phải kiếm tìm những gương mặt mới, những giá trị mới chứ đâu luẩn quẩn mãi với những gì đã có. Thế là, "những chú hoạ mi hết hơi" phàn nàn rằng sao giới truyền thông lại phỏng vấn hay "lăng xê" nhà văn này hay nhạc sĩ kia hay hoạ sĩ nọ mà không phải là họ. Khi có một họa sĩ triển lãm tranh, một nhà thơ ra mắt một tập thơ, một nhạc sĩ làm một đêm nhạc… thì họ đến với kiểu cách khệnh khạng như một ông kễnh. Rồi họ lên giọng phê phán sáng tạo của những nghệ sĩ kia đang làm cho giá trị nghệ thuật nước nhà xuống cấp hay là chỉ vì tiền mà thôi.
Sao họ không hiểu một điều giản đơn là: Thời gian sẽ phán xét một cách công bằng nhất về những gì mà con người đã làm. Họ chê bai một cách tức tối người này hay người nọ thì giá trị tác phẩm của họ cũng không được cải thiện thêm một chút nào cả. Nhân loại chưa bao giờ bỏ quên bất cứ thiên tài nào của mình cho dù thiên tài ấy ẩn dật ở đâu. Có những người không còn khả năng sáng tạo nữa nhưng lại sĩ diện không thừa nhận điều ấy mà lại nói với một giọng khác. Họ nói rằng, họ không thèm viết hay không thèm xuất bản tác phẩm hay triển lãm tác phẩm vì thiên hạ đâu có biết đọc, biết nghe và biết xem tác phẩm của họ nữa.
Tôi ví những nghệ sĩ nói trên như những chú họa mi bởi có một thời họ đã cất tiếng "hót" thật hay. Nhưng bây giờ thì những chú họa mi ấy đã không còn giọng hót vàng ngọc ấy nữa. Chúng ta không hề trách họ điều ấy. Bởi ngay cả những ngôi sao trên trời đâu phải lúc nào cũng chói sáng. Điều mà tôi nói đến là khi những chú họa mi đã hết hơi hay đã mất giọng của mình nhưng lại không hề biết. Những chú hoạ mi ấy vẫn tự cho mình là bá chủ rừng xanh. Thế là, các chú đứng vênh váo trên ngọn cây và xòe cánh cất tiếng. Nhưng bây giờ, người ta chỉ nghe thấy những tiếng "khẹc khẹc" mà thôi. Câu chuyện về những chú họa mi đánh mất tiếng hót của mình thực ra người ta đã viết trong một truyện cổ tích