Văn học đương đại Trung Quốc trong hai thập kỷ qua đã rất phát triển, đã sôi động đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của một số không ít con người tiêu dùng đương thời. Chỉ riêng về tiểu thuyết đã có gần hàng ngàn tác phẩm đua nhau tung hoành trên thị trường sách báo. Xã hội đón nhận thì có nhiều loại và nhiều thái độ khác nhau. Có những khen chê, có những bất đồng, mặc dù rất ít có tranh luận.
Văn học đương đại Trung Quốc nhìn chung có thể thấy nổi rõ hai cách nhận định chủ yếu như sau:
1. Ý kiến khẳng định: là của phần lớn độc giả trẻ tuổi đang hăm hở khát khao cái lạ cái mới, và một số nhà nghiên cứu được xem là “cấp tiến”. Họ tỏ ra chán ngán với những gì gọi là truyền thống, là mẫu mực; cái tinh thâm cao quý của văn hóa dân tộc thì coi là cũ kỹ lạc hậu, cái kinh điển quy phạm thì coi là cứng nhắc khô khan. Họ vồ vập các sách báo lý luận phương Tây, vận dụng vội vã và cực đoan vào hiện trạng thực tại của Trung Quốc .
Loại ý kiến này cho rằng, văn học đương đại Trung Quốc đang mạnh mẽ, không những đã đứng vững trước cơn lốc của kinh tế thị trường mà còn tỏ ra ngày một cường tráng. Xã hội đã cởi bỏ những quan niệm khe khắt độc đoán về sáng tác văn học. Những mô thức sáng tác cũ nay đã bị tấn công bởi một lực lượng nhà văn đi “tiền đạo”, phá bỏ mọi cấm kỵ, mọi quan niệm lỗi thời xưa nay. Lối viết ngày nay mới mẻ, tự do, nghĩ gì viết nấy, “ngã bút tả ngã tâm”, tha hồ phóng bút tung hoành, càng kinh dị càng hay, càng giật gân càng thú. Các tác phẩm này đáp ứng nhu cầu nóng bỏng của cuộc sống thời đại khẩn trương .
Loại ý kiến này ầm ĩ song không nhiều và thường chỉ lặp đi lặp lại, không có phân tích hay tranh luận cụ thể.
2. Ý kiến phủ nhận: Loại này thường của những nhà nghiên cứu có quá trình, có tâm huyết với ý nghĩa và tương lai của văn học. Họ phát biểu trong các cuộc hội thảo, qua báo chí, qua các cuộc phỏng vấn trên mạng… Sau đây là một số ý kiến tiêu biểu:
- Nhà nghiên cứu văn học Dư Kiệt khái quát rằng, văn học đương đại Trung Quốc đang “trụy lạc” và biểu hiện rõ 5 bệnh thái nổi bật:
1. Chỉ có “thông minh vặt” chứ không có “trí tuệ lớn”.
2. Chỉ có trữ tình lan man mà không có ý hướng lớn lao cao đẹp.
3. Chỉ có máu tanh của bạo lực mà không có tình cảm thương yêu.
4. Chỉ có “thân xác” mà không có “tâm hồn ”.
5. Chỉ có một dòng buông thả nhục dục mà không có bến bờ hy vọng.
Nhà bình luận văn học Lý Kiến Quân thì nói: “Văn học đương đại Trung Quốc chuyên viết về cái xấu. Đúng là văn học có sứ mệnh phải đối mặt với cái xấu, miêu tả và đối kháng cái xấu. Song cần nhấn mạnh rằng, viết về cái xấu không thể là mục đích của sáng tác. Xưa nay các nhà văn lớn viết về cái xấu để tìm đến cái sáng, cái đẹp. Cũng như họ tả cái ác để cầu cái thiện, tả cái ác để hiển thị giá trị của cái sáng đẹp, để biểu hiện cái cao quý của nhân tính, để hướng tới sự phát triển và hoàn thiện nhân cách tốt đẹp của con người. Nhưng các sáng tác của văn học đương đại Trung Quốc hiện nay xem cái xấu cái ác là trọng tâm của sáng tác. Họ phô bày cái xấu cái ác một cách như khoái trá tán đồng...”.
Nhà lý luận văn nghệ nổi tiếng Trọng Trình Tường, Phó Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Trung Quốc thì cho rằng: “Văn học đương đại Trung Quốc đang thiếu cái gì? Thiếu sức mạnh tư tưởng. Tác phẩm thì thiếu tư tưởng lành mạnh tích cực. Người đọc và người lý luận phê bình thì hoặc vô tâm hoặc thiên tâm, rất ít có bài phê bình chân thực và chất lượng. Hiện nay rất cần có sự bình luận đúng đắn. Nhà bình luận văn học phải kiên trì lập trường của mình mới có thể giúp độc giả nâng khoái cảm lên thành mỹ cảm.
Nhà văn Trương Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội sáng tác Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp văn học tỉnh Sơn Tây nói: “Từ những năm 90 tới nay, văn học đương đại Trung Quốc thiếu sự cảm thông và sự lý giải giữa tác giả và người đọc, thiếu sự hài hòa và ấm áp tình người”.
Giáo sư trường Đại học Bắc Kinh - Tào Văn Hiên nói ông rất buồn vì hàng năm đều tham gia biên tuyển sách giáo khoa cho các chương trình tiểu học, phổ thông. Muốn đưa văn học đương đại vào nhưng không có tác phẩm nào lành mạnh, có tinh thần nhân văn và mỹ cảm nghệ thuật.
Ông thấy, hiện nay sáng tác văn học chỉ chạy theo lối “thô bỉ hóa”, “rác rưởi hóa”. Điều này đã thành nguy cơ. Người lớn ảnh hưởng đến tuổi trẻ. Nhiều tác giả trẻ thiếu vốn sống lại thích viết về những biến thái tâm lý và hành vi của con người, khiến người đọc rất khó chịu. Một quan niệm đáng sợ đang lưu hành: “Viết cái bẩn thỉu, cái xấu xa, sẽ thành kỳ quan!”. Tác phẩm càng bẩn thỉu, càng xấu xa, càng được chú ý.
Nữ nhà văn Thiết Ngưng, Chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc, Chủ tịch Hội nhà văn tỉnh Hà Bắc nói: “Tiểu thuyết có thể nói nhiều chuyện nhỏ, cách cục có thể nhỏ song khí tượng thì phải lớn. Hiện nay, sáng tác tiểu thuyết đương đại Trung Quốc thiếu sự khiêm tốn đối với cuộc sống nhân sinh, thiếu sự chịu khó quan sát nghiền ngẫm, dẫn đến chỗ không thấy được những góc độ sâu xa của tâm hồn, không thấy được mạch sống của thời đại. Do đó, tác phẩm không thể có sức mạnh rung động lòng người…”.
Và còn nhiều ý kiến khác nữa, như:
- Văn học đương đại Trung Quốc thiếu sự quan tâm chính trị, quan tâm hiện thực. Quan tâm chính trị không có nghĩa “văn học là chính trị”. Nhà văn là chứng nhân của thời đại, song phải là người ủng hộ, thúc đẩy thời đại theo hướng tiến bộ tốt đẹp.
- Văn học đương đại Trung Quốc đang thiếu canxi, tức bị loãng xương, không đứng thẳng lên được, tức thiếu sự cứng cáp. Hiện rất cần sự phê bình cứng cỏi và mạnh mẽ giúp cho sáng tác.
- Văn học đương đại Trung Quốc thiếu nhân tố thẩm mỹ, nhân tố tình cảm và nhân tố luân lý đạo đức, nghiêm trọng hơn là thiếu “linh hồn và trí tuệ”.
- Văn học đương đại có những tệ hại lớn: Coi nhẹ ngôn ngữ, ngôn ngữ không tinh luyện, dùng từ không chuẩn xác, ngữ pháp không lô-gích; Miêu tả nóng vội, thể hiện sự xốc nổi, dễ nói lời cuồng dại, bừa bãi; Tình tiết thì vụn vặt phù phiếm, nội hàm thì hời hợt nông cạn.
- Văn học đương đại Trung Quốc đang làm hại môi trường sinh thái, cần phải “dùng phân bón, dùng thuốc sát trùng”. Sách ra tràn lan nhưng không có tiêu chuẩn kiểm nghiệm. Giá trị hạt nhân chỉ là thị trường. Văn học dần dần thành đống rác rưởi khổng lồ. Cần tiêu độc cho văn đàn.
- Văn học đương đại Trung Quốc đang rất bi đát.
- Văn học đương đại Trung Quốc đang đi vào bế tắc .
Sau khi nhà Hán học nổi tiếng người Đức Wolfgang Kubin nhận xét công khai rằng văn học đương đại Trung Quốc chỉ là rác rưởi, các nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc càng thấy bức xúc hơn. Có nhiều cuộc hội thảo sôi nổi bàn cãi và phần lớn ý kiến tán đồng nhận xét thẳng thắn của học giả ngoại quốc này. Và xu hướng chung xem đây là vấn đề nghiêm trọng. Có những ý kiến tương đối mạnh mẽ như:
- Cần “tiêu độc” cho văn đàn hiện nay.
- Cần khai chiến đối với loại văn học rác rưởi, thô bỉ, xấu xa, thấp hèn.
- Trước hết, cần làm cho toàn xã hội đều thấy rõ là phải phát triển loại văn học nghệ thuật cao nhã, sâu sắc, ưu mỹ. Xây dựng lại hệ thống giá trị hạt nhân của văn hóa và tinh thần xã hội, tạo ra được một môi trường sinh thái văn học hài hòa, lành mạnh, phát triển.
- Các nhà văn cần xây dựng một tín niệm tinh thần đối với văn học. Các nhà văn cần thoát ra khỏi cái vòng tư dục, cần thoát ra khỏi quan niệm văn học là công cụ giải trí, tiêu khiển, văn học là công cụ trục lợi. Cần xây dựng ý thức trách nhiệm đối với văn hóa, tinh thần, xã hội giữ vững những giá trị cao quý, thiêng liêng. Trong khi sáng tạo ra những giá trị xã hội, giá trị tư tưởng, giá trị văn hóa và giá trị tinh thần, cần thể hiện sức sáng tạo, giữ vững lòng tin vào hạt nhân của giá trị là độ sâu tư tưởng, là sức sáng tạo mỹ học và tinh thần chứ không phải là những cái rác rưởi dung tục, thấp hèn, xấu xa, thô tục.
Văn học rác rưởi đang phá vỡ văn hóa, mỹ học của loài người. Vì vậy trong văn học đương đại, chính nghĩa, đạo đức, cần được đặc biệt nhấn mạnh. Nhà văn cần có tinh thần trách nhiệm, có lương tâm, có đạo đức.
Tóm lại, lấn át hẳn cách nhìn nhận khẳng định về văn học đương đại Trung Quốc, các ý kiến phủ nhận, lo lắng, bực bội của các nhà nghiên cứu nghiêm túc và tâm huyết vẫn tiếp tục sôi nổi. Nói chung, họ mong muốn dựng lại được ngôi đền thiêng liêng của văn học, khiến nó trở thành nơi cao quý của mọi người, tăng thêm nguồn vui tinh thần và của cải tinh thần cho xã hội.
Nguồn: Hội nhà văn