Bài 1 đến 2/2

Chủ đề: Có cần một cuộc "lột xác" của cả nhà văn và công chúng?

  1. #1
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket COCKOO's Avatar
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    2.349
    Thanks
    1
    Thanked 46 Times in 34 Posts

    Default Có cần một cuộc "lột xác" của cả nhà văn và công chúng?

    Độc giả nào, tác phẩm ấy

    Như vậy là đã vài chục năm, trong người sáng tác và người đọc ở Việt Nam đã hình thành một cái gì đó gần như là "mẫu số chung" trong sáng tạo và tiếp nhận. Nhà văn viết theo lối tả thực, đa số công chúng cũng tiếp nhận theo lối tả thực. Họ đồng hành với nhau, tán thưởng hoặc phê phán nhau thông qua thước đo hiện thực. Điều này không có gì là xấu hay dở, nhưng nếu một nền văn học lấy đó làm động lực chủ yếu để phát triển thì sớm hay muộn, nền văn học đó cũng sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng.

    Tả thực trong văn xuôi, một mặt đẩy nhà văn đến sự chuyên chú với đề tài, một mặt lại đưa công chúng tới thói quen cảm thụ bằng các tiêu chí tả thực. Giống như trong nghệ thuật tạo hình, cho đến hôm nay số đông công chúng Việt Nam vẫn chưa thích ứng với các trường phái, trào lưu nghệ thuật hiện đại có nguồn gốc từ phương Tây, vì mọi người hầu như đã quen và chỉ quen sử dụng cái tiêu chí "giống hay không giống" của truyền thần để đánh giá tác phẩm.

    Công chúng không hiểu tại sao bức tranh vẽ người mà như dị nhân, mặt mũi thì vẹo vọ, chân tay thì loằng ngoằng. Càng không hiểu tại sao bức tranh vẽ một người đàn ông mặt mũi xương xẩu, đang đứng gào giữa cánh đồng mà lại có giá cao tới vài chục triệu đô-la.

    Với nhiều người, Hoa diên vĩ chẳng có gì là đẹp và Guernica cũng chỉ là một đồ hình ngổn ngang, chẳng ra hình thù gì… Bối cảnh, thói quen ít nhiều dập khuôn trong tiếp nhận, cảm thụ bằng tiêu chí tả thực của công chúng đã làm cho tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam sáng tác theo các trường phái lập thể, ấn tượng đã không tìm thấy sự đồng cảm. Theo tôi, hiện tại một số họa sĩ Việt Nam đang hành nghề giữa một nghịch lý: Hướng sang phương Tây thì làm sao mà "qua mặt" được những bậc thầy đã sản sinh ra các chủ nghĩa, trào lưu họ từng học hỏi (và chắc gì đã học hỏi đến nơi đến chốn? Bởi dù lập thể hay ấn tượng thì cũng phải được bắt đầu từ cổ điển, liệu trong các nghệ sĩ này có được bao nhiêu người bắt đầu từ cổ điển hay chỉ "hớt váng" mấy trào lưu tạo hình hiện đại?), tìm đến với công chúng trong nước thì đa số lại thờ ơ. Cuối cùng thì họ tồn tại trong nhóm bạn nghề cùng vài ba nhà báo luôn lấy các tính từ "đam mê, đa đoan, hết mình" thay thế cho sự hiểu biết về nghệ thuật tạo hình hiện đại. Tôi phân vân không rõ họ hoang mang hay cười khẩy vì nghĩ rằng công chúng nước nhà "kém cỏi"? Và dù thế nào thì cũng nên chia sẻ, vì để có công chúng am hiểu nghệ thuật, xã hội phải cần tới một quá trình đào tạo lâu dài. (Ở đây là tôi muốn nhắc tới các sáng tạo nghiêm túc và hiện đại, không bàn tới những nét vẽ nghệu ngạo rồi gán cho chúng các nhãn hiệu, các ý nghĩa kêu như "chuông", song vô bổ về giá trị).

    Ngày nọ, tạt vào Hiệu sách Nhân dân trên phố Tràng Tiền (nay là Nhà sách Thăng Long) lò mò vào quầy sách bán hạ giá, thấy sách xếp ngổn ngang từ trên giá xuống nền nhà, trong đó có nhiều sách hay mà giá chỉ có vài ba nghìn. Hôm ấy tôi mua bộ “Đi tìm thời gian đã mất” (nhưng rồi trong một lúc cao hứng lại tặng ông bạn VG và về sau lại tiếc!). Đọc tiểu thuyết của Marcel Proust, tôi nghĩ: "Sách như thế này thì ở Việt Nam phải bán hạ giá là đúng thôi!". Thị hiếu văn chương thiên về tả thực không tạo cơ hội để “Đi tìm thời gian đã mất” đến với số đông, kể cả với công chúng ít nhiều "đặc tuyển". Tình thế này còn xảy ra với nhiều cuốn sách dịch khác, đặc biệt là những cuốn không có cốt truyện để người đọc có thể theo dõi từ đầu đến cuối. Thực tế cho thấy, các tác phẩm viết theo chủ nghĩa hiện thực của các nền văn học như Pháp, Nga, Anh, Mỹ, Trung Hoa… dễ hấp dẫn bạn đọc ở Việt Nam hơn. Một phần vì phù hợp với lối cảm thụ theo cốt truyện và các dẫn dụ liên quan trực tiếp tới hiện thực, một phần vì các tác phẩm đó là rất hay.

    Đọc theo lối tả thực, các tác phẩm có cốt truyện được tổ chức có lớp lang, có đầu cuối, có tình huống được sắp xếp theo hệ thống gần gũi với quá trình hành động và suy nghĩ của con người trong đời sống thực… thường dễ dàng hơn. Không chỉ vậy, cốt truyện ấy còn dễ kể lại cho người khác nghe, nên đã có trường hợp người ta chỉ cần nghe người khác kể lại là nghiễm nhiên coi như mình đã đọc tác phẩm, thậm chí sau đó còn tiếp tục kể cho người khác nghe! Vì thế, tuy thời điểm ra đời không xa nhau về thời gian, nhưng với các truyện ngắn và tiểu thuyết có vẻ phức tạp về cốt truyện thì chỉ một bộ phận người đọc tiếp nhận toàn vẹn còn đối với nhiều người, sự háo hức ban đầu được khơi gợi từ bài giới thiệu sách cũng nhanh chóng phai nhạt sau khi đọc tác phẩm và thường thì người ta… bỏ dở; nhất là những tác phẩm có cốt truyện bị "phá vỡ" mà người đọc phải vất vả suy nghĩ mới có thể hình dung, lắp ghép.

    Hơn nữa, các tác phẩm chứa đựng trong đó những suy tư chiều sâu, mang tính triết lý… của bối cảnh tư tưởng - văn hóa - văn minh khác, thường khó làm người đọc lĩnh hội một cách hiện thực, cụ thể (như bản dịch “Jean Christophe” của Romain Rolland trước đây, và gần đây là bản dịch “Hạt cơ bản” của Michel Houellebecq, hay bản dịch một số tác phẩm đoạt giải Goncourt như “Những kẻ thiện tâm” của Jonathan Littell chẳng hạn). Thói quen đọc sách như vậy không đáng chê trách, nhưng thói quen trong việc thưởng thức nghệ thuật khi đã ổn định sẽ trực tiếp gây nên những trở lực đối với công việc sáng tác và hạn chế sự phát triển đa dạng, phong phú của thị hiếu nghệ thuật.

    Như vậy là đã vài chục năm, trong người sáng tác và người đọc ở Việt Nam đã hình thành một cái gì đó gần như là "mẫu số chung" trong sáng tạo và tiếp nhận. Nhà văn viết theo lối tả thực, đa số công chúng cũng tiếp nhận theo lối tả thực. Họ đồng hành với nhau, tán thưởng hoặc phê phán nhau thông qua thước đo hiện thực. Điều này không có gì là xấu hay dở, nhưng nếu một nền văn học lấy đó làm động lực chủ yếu để phát triển thì sớm hay muộn, nền văn học đó cũng sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng.

    Cái mẫu số chung kia khó lòng tạo ra tiền đề cho sáng tạo mới, càng khó chấp nhận các sản phẩm nghiền ngẫm về hiện thực mới. (Phải chăng đây là lý do làm cho các tác phẩm như “Những đứa trẻ chết già”, “Trí nhớ suy tàn”, “Thoạt kỳ thủy”... (Nguyễn Bình Phương), “Phố Tàu”, “Paris 11.8”, “T mất tích” (Thuận)... không nhận được sự hưởng ứng của nhiều người?). Sự thật ấy cần phải được nhận diện để đánh giá và điều chỉnh. Mà để đánh giá, điều chỉnh, tôi nghĩ trước hết phải là một cuộc "lột xác" của tác giả, đồng thời là sự "lột xác" của cả hệ thống quan niệm về văn học và về tác phẩm văn học, cùng giáo trình giảng dạy môn văn học từ trường phổ thông để đào tạo thế hệ người đọc mới, vừa là chủ thể của yêu cầu tư tưởng - thẩm mỹ mới, vừa có khả năng thích ứng với sự phát triển của văn học và đặc biệt hơn, là có khả năng tự mình xử lý tác phẩm, tự mình định tính sau khi tiếp nhận. Với ý nghĩa đó, họ sẽ là người bạn đồng hành với nhà văn và nhà phê bình.

    Từ vị trí của chúng, tả thực và đề tài luôn có những ý nghĩa nhất định trong văn học. Song nếu lấy đó làm "cái đích" của sáng tạo thì ngoài những điều đã nói, còn một hệ lụy khác không kém quan trọng là sự chi phối của tính thời sự trong tác phẩm. Đề tài thời sự đi liền với tính thời sự, đó là quan hệ tự nhiên. Một khi tác phẩm là sự phối kết giữa hai yếu tố đó, tác phẩm sẽ trở thành sản phẩm đáp ứng yêu cầu cập nhật của cuộc sống, chưa hướng tới các yêu cầu ở tầm mức cao hơn, có tính tất yếu và ánh xạ lâu dài.

    Về vấn đề này, không chỉ ở một số tác phẩm viết về chiến tranh trong thời kỳ chiến tranh, ở các tác phẩm viết trong thời bình, tính thời sự, cập nhật cũng thể hiện rất rõ. “Cái sân gạch” (Đào Vũ), “Cái hom giỏ” (Vũ Thị Thường)… từ yêu cầu của thời kỳ hợp tác hóa. “Gặp gỡ cuối năm” (Nguyễn Khải) là trả lời câu hỏi trực tiếp đặt ra sau chiến tranh về tâm tình, quan hệ giữa những con người từng một thời đứng hai bên chiến tuyến. “Miền cháy”, “Những người từ trong rừng ra” (Nguyễn Minh Châu) đề cập tới cuộc sống, nhiệm vụ của người lính thời hậu chiến.

    Theo lời Nguyễn Mạnh Tuấn kể trên Văn nghệ ngày 12/7/2008, anh viết “Đứng trước biển” đề cập tới tình thế "nhân vật và sự kiện bung ra trong giai đoạn đất nước đang bế tắc về kinh tế", còn viết “Cù lao Tràm” vì "họ cần cuốn tiểu thuyết về phụ nữ nông thôn Nam Bộ sau chiến tranh"… Tiếng vang những tác phẩm này có được, phần lớn nhờ vào việc đã có vai trò "xả xú-páp" một số yêu cầu cấp bách của xã hội - con người. Nói cách khác, chúng đáp ứng được điều mà xã hội - con người đang đặt ra và cần giải quyết.

    Nhưng, cuộc sống không bao giờ chỉ vận động bằng các vấn đề xã hội - con người bất di bất dịch, cùng với thời gian, mỗi giai đoạn lịch sử lại nảy sinh những vấn đề xã hội - con người mới, cấp bách, khác nhau. Cứ như thế, cuộc sống đi lên, để lại phía sau các vấn đề đã giải quyết. Do đó, trừ tác phẩm đầu tư kỹ lưỡng về tư tưởng - nghệ thuật, để qua cái thời sự gửi gắm cái muôn đời, tác phẩm nào đặt mục đích tham gia giải quyết vấn đề thời sự sẽ chỉ có giá trị thời sự. Khi thời gian qua đi, tác phẩm sẽ chỉ còn là ký ức văn học của một thời. Đó là nguyên nhân khiến cho “Đứng trước biển”, “Cù lao Tràm” hôm nay hầu như ít người đọc. Nói vậy không có nghĩa là các tác phẩm này kém giá trị, mà ở chỗ vấn đề thời sự của xã hội - con người mà tác phẩm đề cập đã bị vượt qua, xã hội - con người cần văn học tham gia giải quyết những vấn đề mới, cấp bách hơn…

  2. #2
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket COCKOO's Avatar
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    2.349
    Thanks
    1
    Thanked 46 Times in 34 Posts

    Default

    Trong lịch sử văn học Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua, do các yêu cầu của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc mà văn học đã tham gia một cách tích cực, phải nói rằng văn học đã có đóng góp không thể phủ nhận. Tuyên truyền, động viên, cổ vũ cuộc đấu tranh, các tác phẩm văn học đã trở thành một trong những nguồn động lực tinh thần giúp mọi người Việt Nam đi qua hơn 30 năm khói lửa. Nhưng dẫu thế nào thì chiến tranh vẫn là một "hoàn cảnh xã hội - lịch sử đặc biệt", và khi lịch sử sang trang, một giai đoạn lịch sử mới đã mở ra, thì đồng thời cũng xuất hiện những yêu cầu, những vấn đề xã hội - con người mới. Các thói quen hình thành trong quá trình sáng tạo, cảm thụ văn học thời chiến tranh hiển nhiên khó có thể tiếp tục vận hành để đưa tới sự phát triển của văn học trong thời bình.

    Nhà văn cần tiếp tục viết về đề tài chiến tranh - vì có viết bao nhiêu vẫn không thể nói hết về cái giá mà dân tộc đã phải trả, song để văn học phát triển, đáp ứng các nhu cầu văn học lành mạnh của công chúng, hội nhập với văn học nhân loại… đã đến lúc chúng ta, nhà văn - xã hội - công chúng, cần xác lập các tiêu chí mới của sự phát triển văn học. Và như đã nói, đã đến lúc cần tới một cuộc "lột xác" của cả nhà văn và công chúng

    Hà Yên

Chủ đề tương tự

  1. Những bài văn "kinh dị" trong kỳ tốt nghiệp THPT
    By Nhudadauyeu in forum Tác Phẩm, Sách, Truyện Sưu Tầm...
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 12-07-2010, 03:24 PM
  2. Công bố giải cuộc thi văn "Niềm riêng trong tôi"
    By Đông Quân in forum Vườn Văn
    Trả lời: 17
    Bài cuối: 07-07-2010, 09:47 AM
  3. Cuộc thi viết văn "Niềm Riêng trong tôi"
    By phale in forum Vườn Văn
    Trả lời: 19
    Bài cuối: 14-05-2010, 09:12 AM
  4. Bi kịch mang tên "văn nghệ sĩ"
    By COCKOO in forum Tác Phẩm, Sách, Truyện Sưu Tầm...
    Trả lời: 1
    Bài cuối: 13-05-2009, 01:01 PM
  5. Bắt "bệnh" cho văn học Trung Quốc
    By COCKOO in forum Tác Phẩm, Sách, Truyện Sưu Tầm...
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 13-05-2009, 12:53 PM

Posting Permissions

  • Bạn không thể tạo chủ đề mới
  • Bạn không thể trả lời
  • Bạn không thể dùng tập tin đính kèm
  • Bạn không thể hiệu chỉnh bài
  •