Truyện ngắn của Nguyễn Hiệp:
MỊ LỰC
Uống đại dương no cứng nỗi ham mê
Vẫn chết khát bụng người nhai đá tảng
Bốp… Bốp… Có một bệnh nhân tâm thần chốc chốc lại vỗ hai tay vào nhau, miệng lại lầm bầm: “Vì tao, tao phải đánh mày, vì mày tao phải đánh mày, đánh tao…” Thoạt đầu, chẳng ai hiểu bệnh nhân tên O này muốn nói gì, sau một lúc, mọi người mới ồ lên: A, là vỗ muỗi. Chính vì câu đố buồn cười ấy của O mà trong bệnh án có ghi thêm “dị ứng với muỗi” rồi lại thấy thêm dòng gạch nối “muỗi chứ không phải mũi”. Ai đọc trang bệnh án này cũng phì cười vì sự lẩm cẩm của vị bác sĩ tâm thần, nhưng ai đã từng ở bệnh viện lúc ấy thì thấy thương cho ông bác sĩ già suốt ngày bị “tra tấn” bởi những câu chuyện muỗi, giấc mơ muỗi quái dị của bệnh nhân tên O này. Có thời điểm tưởng O hết bệnh, vị bác sĩ đưa cho O một trang sách tiếng Anh, O đọc rành rẽ, giọng chuẩn Luân Đôn làm cho vị bác sĩ gật gù liên tục. Bác sĩ hỏi chuyện thiền, trúng đài, O phát một thôi một hồi những hiểu biết sâu sắc không chê vào đâu được. Cũng vì câu nói tỉnh táo của O: “Thiền giúp uốn nắn đặc tính dân tộc và văn hoá” mà vị bác sĩ chắc ăn O hết bệnh. Khi O bước ra cửa, ông còn nhận xét : “Thành phần của nông dân miền Nam thật phức tạp, trước khi mặc áo nâu, họ mang áo trắng cổ cồn, quá nhiều người như vậy…”
Đầu giờ chiều, vị bác sĩ đem giấy xuất viện đến cho O thì không thấy O đâu cả, bác sĩ nhìn xuống gầm giường thì phát hiện ra O đang thu mình một góc.
-Anh làm gì ở đó?
-Suỵt suỵt… Để cho mấy con muỗi tìm chết cha nó luôn…
Vị bác sĩ lắc đầu cất tờ giấy xuất viện vào túi. Trong cái lắc đầu của vị bác sĩ có sự thất vọng, có cả nỗi buồn thương những gì bệnh nhân O đã trải qua, buồn thương cho cả những giấc mơ kì dị mà ông đã nghe bằng cả tấm lòng khi chính O kể lại vào những ngày đầu óc tỉnh táo.
&
…O lôi cái bàn ủi “con gà” trong góc bếp ra, dốc dốc tay trút hết lớp tro bụi, tẩn mẩn tỉ mỉ lau cái khớp nắp hình đầu con gà bằng đồng đã rỉ xanh, hì hụi ngồi quạt mấy cục than cho hừng đỏ, công việc mà hơn hai mươi năm nay ông chưa lần nghĩ tới. O hất nắp đầu gà đánh trốc một tiếng vừa nghĩ: “Chà, rồng lại mời tôm đến nhà, chuyện lạ đây.” Vừa đè mạnh tay đưa cái bàn ủi qua qua lại lại các nếp nhăn của chiếc sơ mi “si- đa” mới mua mùa lúa trước, O vừa nghĩ ngợi lung trong đầu. O khoác áo, vuốt thêm mấy lần vạt cho phẳng rồi băng bờ ruộng qua khu toà nhà cao lớn, sáng trưng ánh điện.
-Ô, người anh em, hàng xóm với nhau bao nhiêu năm…
-…Nhà lớn ngạch cửa cao…
-Ôi, của nả phù du, láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau. Chẳng qua anh… Thôi, mời mời…
-…
… - Mây xứ mình lạ thiệt đó! Đêm mà mây cứ mồn một như giữa ban ngày. Tui gọi nó là mây Niết bàn, anh thấy được hông? Hắn nói. O ậm ừ. Không phải là không có gì trong đầu nhưng O mang máng ngờ cái lõi của chuyện mời mọc này chưa được nói ra. Khi hắn gọi thứ mây hồng ở đây là mây Niết bàn thì O định cãi lại: Niết bàn là cõi không còn tham sân si sao lại ví kì cục vậy được, nhưng rồi chính O cũng đã tìm được cách lí giải theo hướng ma ma Phật Phật của hắn, thật ra thì do nhiều đêm ngồi một mình O cũng thường ngắm mây hồng bay trong đêm.
…Mây hồng trôi trong đêm là thứ phù hoa hơn tất cả các loại phù hoa, có lần ngồi bó gối ngước lên bầu trời, O đã lẩm nhẩm hát một đoạn như vầy: “Cho mây ươm tóc em nồng /Tình yêu tắm trong mây hồng…”, nhưng rồi thả trôi ánh mắt mình hồi lâu theo những mảng sắc hồng hồng anh ánh đó O chợt xấu hổ vô cùng vì cái tính trời trợt bẩm sinh của mình, đến mức nhầm lẫn thứ màu mỡ giả tạm, thứ phong lưu mượn hồn độc hại với nhẹ hồng buổi sớm, với rung động đầu đời, với đôi môi nồng nàn lãng mạn đẹp đẽ nhất kiếp nhân sinh. Mây hồng ở đây là loại mây xà xuống thấp do ánh đèn của hàng chục ngàn bóng điện tròn bảy lăm oat đồng loạt hực lên cả đêm mà hồng hồng đỏ đỏ vàng vàng, mà biến ảo hư hư thật thật, bởi vậy sắc của nó mới vừa giả tạo vừa bợm bãi đe doạ làm sao, hình của nó mới vừa hào nhoáng, vừa rỗng xốp đến kẻ dại nhất cũng sinh lòng nghi ngờ, hồn của nó lờ đờ trôi thấy đó mà như là chẳng có. Nó là ngọn lửa đã tắt. Nó sinh ra từ hư không (hư không chứ không phải tính không) và đang lừ lừ bay về hư không, như một xác tro không hơn không kém. Vậy mà hắn, gã trọc phú mới, đi đâu ngồi đâu cũng xưng danh nhà thơ ấy, cứ huyên thuyên.