Lê Cát Trọng Lý
Chênh vênh
Cười Adam
Đôi bờ
Mùa yêu
Nghe tôi kể này
Thương
Lê Cát Trọng Lý - Chuyện một người điên rất vui
Ai đó bảo Lý điên, cô bé cười đáp trả: “Em có thể chưa tỉnh chứ em không điên”. Ai đó bảo Lý già, cô bé trợn mắt phồng mang: “Em 21 tuổi, làm sao mà già!”.
Bài hát Lý viết, đọc lời thôi đã thấy… nặng nhọc vì cái vẻ già cỗi bao trùm những ý từ, nào là “mệnh bạc”, “kiếp người”, nào là “khát khao” với “cuồng si”. Nhưng, cứ lắng tai nghe Lý hát lại thấy nhẹ nhõm, giọng hát trong trẻo trên những phím guitar thô mộc, gương mặt xinh xẻo say sưa trong không gian riêng mình, đôi môi phụng phịu và mái tóc xoăn tít đầy trẻ thơ.
Một con đường dài
Lê Cát Trọng Lý không phải là một cái tên xa lạ trong dòng chảy underground tại TP.HCM, nơi những người hát chưa vội bước lên sân khấu chuyên nghiệp, âm thầm phiêu du trong cuộc chơi nghệ thuật của họ, biểu diễn trong những phạm vi nhỏ và chỉ cần quen thuộc với một lượng khán giả nhất định. 21 tuổi với sở hữu hiện có là 20 ca khúc tự sáng tác, trong đó Lý tự chê 2 bài, chỉ dám hát cho mình nghe, một bài rất buồn có tên Nhắm mắt viết cho người bạn mất năm 16 tuổi, một bài nhí nhảnh về mùa xuân viết cách đây 1 năm. Nhắc đến Lý, cô bé ngồi ôm đàn hát không micro ở quán Nếp, người ta sẽ nhớ đến những Hương lạc, Chênh vênh, Thương, Cười Adam, Nghe tôi kể này… do Lý sáng tác, hay Cơn bão nghiêng đêm, Đếm lá ngoài sân (của Thanh Tùng).
Tự giới thiệu về mình: sức khỏe không tốt do bị viêm xoang, xử lý bài không giỏi, hát còn phô và đang cố gắng hoàn thiện mỗi ngày, Lý cũng nói luôn “Em không phải người chuyên viết nhạc hay chuyên hát”. Lý được bố cho đi học violon từ năm 17 tuổi, nhưng trước đó đã lén gia đình tự đi học guitar năm 13 tuổi. Nhiều người hay nói với cô bé, học nhạc cổ điển mà trễ như vậy thì phí lắm, Lý đồng ý nhưng vẫn nghĩ đó chỉ là một quan niệm, còn lại sẽ phụ thuộc vào chính mình. Còn về thanh nhạc, Lý chỉ mới học khi đặt chân vào TP.HCM, sau khi quyết định từ bỏ khoa tiếng Nga ĐH Đà Nẵng, để tiếp đó trở thành sinh viên khoa Viola của Nhạc viện.
Sau khi đoạt giải 3 cuộc thi Hát cho niềm đam mê do Báo Tuổi Trẻ và Nokia tổ chức (2008), Lý được nhiều người yêu thích hy vọng cô sẽ b ước ra ánh sáng nhiều hơn . Thế nhưng cô bé vẫn bình thản trước những sự lựa chọn và những lời đề nghị dành cho mình. Có đề nghị làm album cho Lý, có gợi ý cũng như lời mời tham gia các cuộc thi hát trên truyền hình hiện nay, với Lý đề nghị nào cũng tốt, đúng sai rất khó nói mà phải cân nhắc là điều đó có phù hợp hay không. Với Vietnam Idol, nếu lọt vào top 10 và xuất hiện trên truyền hình mỗi tuần thì sẽ là cơ hội rất lớn để trở nên quen thuộc với đa số khán giả, nhưng hình ảnh một ca sĩ đa dạng, hát được nhiều thể loại và biết nhảy múa lại không phải là điều Lý hướng tới và nghĩ mình có khả năng làm được. Một con đường đang còn rất dài phía trước, mà đầu tiên, điều cô bé muốn là hát tốt nhạc của mình.
Tiếp đó sẽ là một album, đã được chuẩn bị ngay từ bây giờ, thời điểm ra mắt có thể là 1 hay 2 năm nữa, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ ở bản thân cô. Bởi Lý không có hậu thuẫn về kinh tế, cô chỉ có sự hỗ trợ từ những người bạn. Một người bạn cho cô mượn studio vào những giờ trống để tập bài và ghi âm. Một người khác giúp đệm guitar. Và một nhóm 4 người bạn khác đang cùng cô hoàn thành từng mục tiêu trên con đường ấy.
Khác với vẻ ngoài có phần bất cần và bốc đồng – điểm thường thấy ở những nghệ sĩ “underground” trẻ, Lý thể hiện một sự chín chắn và cẩn trọng hơn tưởng tượng của người viết. Cô bé suy nghĩ khá lâu trước khi nói, tay không vung vẩy, người không lắc lư, có lúc bối rối: “Em không biết diễn đạt thế nào”. Lý – 21 tuổi – nhưng lại nghĩ, thành công của một người trẻ cần được đặt trên một tập thể vì nếu chiến thắng thì cũng không dễ dẫn mình đến tự phụ, bởi họ biết họ không làm một mình mà còn có cả một tập thể đứng bên cạnh. Nhóm của Lý gồm 4 người bạn, mỗi người một ngành nghề và hỗ trợ Lý từng công việc khác nhau. Lý bảo: “Các bạn giúp em trên nền tảng là những ước mơ và bản thân em. Họ dung hòa cái em muốn và cái họ muốn cho em. Suy nghĩ của riêng em, có thể sẽ còn trẻ con và còn bốc đồng”.
“Thèm làm người điên”
Lý bộc bạch những gì cô từng gọi là mơ ước từ thuở bé thì giờ đây đều có cả: những người bạn luôn bên cạnh, gia đình ủng hộ, được làm và làm được những gì mình thích, yêu đời và cảm thấy hạnh phúc. Cho hiện tại, Lý có 2 ước mơ: thực hiện những cuộc viễn du, mà cụ thể là chuyến đi Tây Tạng vào tháng 5 năm sau. Chỉ ít năm trước, khi nghĩ về những chuyến đi, cô bé vận vào đó rất nhiều lý tưởng. Còn bây giờ, Lý đã có những xác định thực tiễn hơn: tài chính để đi và để mua sản vật, kiến thức để hiểu nơi mình đến, và thẩm mỹ để thưởng thức.
Ước mơ thứ hai là một trong những điều khiến Lý thấy khó tỏ bày. Một ngôi trường, một trung tâm hay một nơi đại loại để tư vấn về âm nhạc, để giúp những người yêu thích có cơ hội đến với âm nhạc. Lý không muốn gọi tên nó cụ thể là gì vì sợ bị cho là đao to búa lớn. Cô bé chỉ nghĩ, đừng bao giờ cho rằng quá muộn để làm điều bạn muốn, đừng đóng lựa chọn của mình bằng những rào cản, quan niệm cho rằng mình quá tuổi để tiếp cận âm nhạc/nhạc cụ. Nơi mà cô muốn xây dựng, sẽ như là một trạm dừng chân để mọi người bước vào, trở ra và tự tin đi tiếp cùng hành trang âm nhạc mà họ muốn.
Trong bài hát thứ hai mà Lý sáng tác – Nghe tôi kể này, có đoạn: “Và xin hãy đến đây tôi kể cho nghe / câu chuyện về một người điên rất vui / cô yêu từng hàng cây, trò chuyện cùng hòn đá / cô mong làm mây bay hóa kiếp thành cơn gió / cô yêu vạn người dưng, yêu thêm ngàn người điên / yêu tuổi trẻ bỏ hoang, cùng kiếp sống ơ hờ / …tôi thèm làm người điên”. Quan niệm về điên của Lý khiến người viết có phần bất ngờ, bởi người điên của em không phải những thể hiện cá tính để được xung quanh cho là khác người, người điên của Lý là người chan chứa yêu thương, yêu mọi điều đang tồn tại trong cuộc sống chứ không yêu mộng mị, theo cách người ta hay gọi một kẻ cứ xả thân ra yêu - “yêu như điên”.
Phương An
(Thanh Niên Tuần san)