- Nói cho tôi biết: Ách tắc thực sự là ở khâu nào? - Bà nghiêm khắc cật vấn.
- Thưa chị ... - Ông giám đốc lập cập, ngập ngừng, run bắn cả người.
- Nói đi! ... - Bà dõng dạc hối thúc.
- Khâu ... thứ ... ba ạ! - Cái vẻ đường bệ, cái nết hoành tráng thường ngày của ông bỗng dưng lẩn đi đâu mất.
- Ai phụ trách khâu này? - Bà đưa mắt, lia qua một lượt các cử toạ chủ chốt.
Chính là khâu Hiền đang chịu trách nhiệm. Mặt tái mét, đôi tay cô cũng đang run rẩy ở trị số tần số xấp xỉ với ông giám đốc. Tại sao ông giám đốc run thì cô không để ý nhưng vì sao cô run thì cô biết. Cô lo lắng, cô thiếu tự tin: không biết trong công việc mình đã có gì không đúng và rồi rất có thể tình cảm của chị ấy với mình sẽ vì những thứ này mà sứt mẻ chăng? Cô cố trấn tĩnh, tự nhủ: Sao lại phải run thế, bình tĩnh nào, bình tĩnh nào ... Nhưng rồi thân xác chẳng chịu tuân lệnh não bộ. Cô cau mặt: Đúng là cái giống yếu! Và gượng đứng lên.
- Thưa, là tôi đây ạ!
- Tại sao vậy?! - Bà quay sang nhìn cô, giọng nói phần nào đã dịu đi.
- Tôi đã chấp hành và làm theo ý kiến thống nhất của tập thể phòng kỹ thuật!
- Cứ có lỗi là lại tìm cách đổ cho tập thể, các vị láu cá thật! ... mà nói như thế có nghĩa là đồng chí đã có cách riêng của mình?
- ...
- Có hay không? Nói thẳng xem nào! - Bà nhìn cô, khuyến khích.
- Vâng!
Hiền miễn cưỡng trình bày phương án công nghệ của mình. Bà im lặng, tập trung nghe; ngón tay trỏ và ngón tay giữa trắng muốt khẽ nhịp lên mặt bàn làm cho những viên đá quý trên hai chiếc nhẫn trở nên lóng lánh, sinh động hẳn lên. Hiền đã nói xong. Mọi người cùng nín thở, nét căng thẳng hiện rõ trên từng khuôn mặt hạ cấp, chờ đợi lời phán quyết từ miệng một người phụ nữ đẹp nền nã, rất cao, rất sang, xa cách biết bao với họ mà gần gũi biết bao với Hiền.
- Theo tôi, đấy là một giải pháp hợp lý, chắc chắn sẽ giảm được thời gian để hoàn thành các nguyên công trong khâu thứ ba. Muộn còn hơn không. Sáng kiến tốt tại sao không dùng ! Tôi quyết định: Từ tuần sau, đồng chí Hiền sẽ đảm nhận vị trí phó giám đốc phụ trách kỹ thuật. Còn đồng chí phó giám đốc phụ trách kỹ thuật sẽ đảm nhiệm của vị trí hiện tại của đồng chí Hiền. Chiều mai cho văn thư đến chỗ tôi lấy Quyết định.
- Thưa, tôi không thể đảm nhiệm được vị trí đó - Hiền cuống lên, hốt hoảng - Đề nghị đồng chí xem lại!
Bây giờ thì Hiền run thực sự. Cô hoảng sợ, mếu máo trước cái quyết định tày trời kia; nghe cứ như đùa, nhưng nhìn mặt các đồng nghiệp thì lại thấy cái sự ấy không phải là đùa.
- Đồng chí Hiền! Tôi không có nhiều thì giờ - Bà nhìn cô, nghiêm khắc và chí công - Đồng chí nên tôn trọng, nên chấp hành sự phân công của lãnh đạo và có thái độ hợp tác. Tôi là người chịu trách nhiệm trước Bộ về vấn đề này.
Mọi việc rồi cũng qua đi. Mọi người lặng lẽ làm việc, cùng chấp hành cái trật tự mới. Và may sao, cuối cùng, khách hàng của công ty đã được hài lòng. Hiền thở phào. Bà chị cũng thở phào, nhưng cường độ có dễ đến gấp đôi.
Chỉ vài tháng sau Hiền đã quen việc. Năng lực của cô đã được mọi người thừa nhận cả trong tâm lẫn ngoài miệng. Thì ra ngồi vào cái ghế này cũng chẳng có gì ghê gớm, chẳng có gì khiến một người đàn bà yếu đuối, bình thường phải lo lắng, hốt hoảng - Hiền nghĩ - có điều, trong các cuộc họp, mình chả bao giờ đạt được cái phong thái và cách ăn nói cho được hùng tráng như cánh phái mạnh. Có cố cũng chẳng được. Bởi thế, nghĩ cho cùng, dù sao, mình vẫn thuộc về giống yếu; mà đấy là lỗi tại ông Xanh.
Dân gian vẫn bảo: Thế gian được vợ hỏng chồng, mả táng hàm rồng mới được cả đôi. Được cả đôi Thiên lôi bắt một !. Câu ca dao nghe cứ ghê ghê thế nào. Nhưng, hình như, nó chả có liên quan gì đến gia đình Hiền. Cuộc đời vẫn phơi phới, thật đáng yêu, đáng sống biết chừng nào!
*
Cuối năm, Hiền đi công tác mấy tỉnh Tây Bắc để giải quyết khâu kỹ thuật sơ chế tại địa phương. Gần nửa tháng trôi qua, nỗi nhớ con nhớ chồng cứ cồn lên, lắm lúc khiến cô cứ như người ngớ ngẩn. Chẳng phải khó khăn gì, anh trưởng phòng kỹ thuật, người Bình Phước, đi cùng cũng nhận ra.
- Chà, giá mà tất cả phụ nữ trên thế gian này đều có được tình cảm với chồng con như chị thì cuộc sống đã quá ta! Nhưng ... - Anh ngập ngừng, rồi nói tiếp - cũng không nên ...
- Sao lại thế?! - Hiền ngạc nhiên.
- Nếu quả có thể được như vậy ... cũng không được đâu. Bởi, bọn đàn ông chúng tôi vốn cũng ... thê thảm lắm, không xứng với những bà vợ như vậy! ... Cứ để mọi thứ như hiện tại, sòng phẳng hơn, chẳng ai nợ ai, dễ sống với nhau hơn!
Hiền chẳng hiểu gì, nhưng cũng không hỏi thêm bởi trong đầu óc cô bấy giờ chỉ lương vương có một nỗi chồng con. Không hiểu những ngày vừa rồi bố con ăn uống kiểu gì? Không khéo lại ngày hai bữa cơm bụi thôi. Chỉ khổ thân thằng bé, lại chưa đi được xe đạp, không biết bố có nhớ đón con đúng giờ không? Chắc là muộn, cũng dễ thế lắm. Hạng đàn ông đàng hoàng, người ta chỉ để tâm đến sự nghiệp, đến những chuyện lớn của cơ quan. Cũng không nên trách cứ vì đó là một nhược điểm giới tính đáng kính. Bởi nếu không thế, liệu người đàn ông còn có gì hay ho để người đàn bà say mê nữa đây?
Buổi tối hôm trước, khi xếp quần áo vào túi, Hiền đã chú ý để lên trên cùng chiếc ba lô xinh xắn may bằng thổ cẩm mua cho con trai và hai lạng cao ngựa bạch cho chồng. Khi về, chỉ việc mở túi là có ngay được những món quà cho những người thân yêu. Thấy trước được nét mặt của họ vui sướng thế nào khi nhận quà, cô mỉm cười một mình, một nụ cười chỉ thấy trên khuôn mặt của những người đàn bà đang hạnh phúc và vững tin rằng mọi thứ sẽ mãi mãi là như thế. Cô còn đem theo về cả một bó lá thuốc cây rừng, quà của bà Hội trưởng phụ nữ huyện. Đưa cho Hiền bó thuốc, bà bảo: Trên chúng tôi, đàn bà con gái mới sinh con, uống thứ nước lá này vào là ba ngày sau có thể đi nương được rồi. Thứ này lạ lắm, uống vào, nó kéo cho cái bụng co lại, săn chắc như bụng con gái ấy; mà nước da cũng sáng đẹp ra. Chị về uống thử, nếu thích đẹp nữa, tôi gửi thêm cho. Hiền định bụng chỉ dùng một nửa. Nửa kia biếu chị Oanh. Phen này thì các đức ông chồng chắc hẳn phải bỏ kính, trố mắt, sững sờ thán phục!
Chiếc xe chạy dọc theo hàng cây dẫn về phía hồ nước và đỗ ngay trước cửa nhà Hiền. Mới có ba giờ chiều. Đang là tiết Thanh minh. Bầu trời trong trẻo khác thường. Những tia nắng cuối ngày ấm áp phủ lên mọi vật một sắc vàng nhạt dìu dịu, khiến ngôi nhà năm tầng, được xây cất cầu kỳ bên hồ theo kiểu biệt thự của chị, như tự nó bừng sáng, ấm áp và viên mãn. Con chim cu gáy nhốt trong chiếc lồng treo bên hiên nhà dường như cũng đang cao hứng đáp lại tấm tình của thiên nhiên, cất tiếng cu cu ... cu, mộc mạc mà thật ấm lòng.
Chia tay với trưởng phòng kỹ thuật và người lái xe, Hiền mở cổng và thong thả xách túi bước vào sân. Hai người thân yêu của cô giờ này vẫn chưa về. Cô bỏ dép, ngồi bệt xuống nền đá bóng lỳ ngoài hiên, hai chân duỗi thẳng, hai tay chống choãi ra, mặt hơi ngửa về phía sau. Những làn gió nhẹ mang hơi nước phả lên từ mặt hồ mát rượi, nhanh chóng làm tan đi cái mệt mỏi đường trường. Như sực nhớ ra điều gì hệ trọng, cô đứng dậy: Phải làm món gì đó, thật ngon để đón bố con ... phải rồi ... cá rán trộn khoai tây là món khoái khẩu của hai bố con.
Hiền nhanh nhẹn mở khoá cửa, bước vào phòng khách. Nhưng cô sững lại ... cái gì thế này: Một cái túi xách phụ nữ để chểnh mảng trên mặt chiếc ghế đệm! Hiền chăm chú nhìn chiếc túi, bước lại gần và suýt nữa bị vấp ngã bởi một chiếc xăng đan cao gót lạ hoắc nằm lăn lóc ngay dưới chân đệm. Mùi nước hoa ... quen quen, dường như vẫn bảng lảng đâu đây ... Như một cái máy, cô đi lên gác và lại bắt gặp ở lưng chừng cầu thang một chiếc xăng đan nữa, chỏng chơ nằm nghiêng, tựa một dấu hỏi, lửng lơ, hớ hênh mà móc máy. Hiền dừng lại. Chuyện gì thế này? ... Không nhẽ ... Cô thấy chân tay bủn rủn như chỉ chực khuỵu xuống. Không, không thể có chuyện ấy! Hiền quay xuống, cố trấn tĩnh, đi vào bếp, lấy khoai tây ra gọt ... và tự trách mình đã có những ý nghĩ không xứng đáng.