-
Đường thi trích dịch (Đỗ Bằng Đoàn-Bùi Khánh Đản)
ĐẰNG VƯƠNG CÁC
Đằng Vương cao các lâm giang chử
Bội ngọc minh loan bãi ca vũ
Họa đống triêu phi Nam Phố vân
Châu liêm mộ quyển Tây Sơn vũ
Nhàn vân đàm ảnh nhật du du
Vật hóa tinh di kỷ độ thu
Các trung đế tử kim hà tại
Hạn ngoại Trường Giang không tự lưu
(Vương Bột)
Dịch nghĩa:
Gác Đằng Vương cao ngất ở trên bến sông
(Người) đeo ngọc, tiếng nhạc kêu (và) ca múa (đều) hết
Buổi sớm mây đất Nam Phố bay (quanh) những cột vẽ
Buổi chiều cuốn rèm châu lên (thấy) mưa núi Tây Sơn
Bóng mây lờ lững trên đầm, ngày ngày cứ thong thả trôi
Vật đổi sao dời , đã mấy thu rồi
Con vua ở trong các nay đi đâu
Ngoài hiên, sông Trường Giang vẫn chảy mãi
Chú thích:
- Đằng Vương Các: Gác Đằng Vương do Nguyên Anh là con vua Đường Cao Tổ (610-627) làm Trấn thủ Hồng Châu xây. Nguyên Anh được phong Đằng Vương nên gọi Đằng Vương Các. Gác ở phía Tây huyện Tân Kiến, tỉnh Giang Tây, ngoài cửa sông Chương Giang, trông ra sông Trường Giang. Đến đời nhà Minh, gác bị đổ. Năm Cảnh Thái đời vua Minh Đại Tôn (1450-1457) xây lại và đề thêm 5 chữ: Giang Tây Đệ Nhất Lâu.
- Bội ngọc: Đeo ngọc. Kinh Lễ, thiên ngọc Tảo: Thiên Tử đeo ngọc trắng, chư hầu ngọc huyền, quan đại phu ngọc xanh nhạt, thái tử, hoàng tử ngọc du, kẻ sĩ ngọc nhu cửu.
- Minh loan: Tiếng nhạc kêu. Đời vua Hán Vũ Đế (140-86 tr.Tây lịch), xe đi thăm phi tần trên đặt một con chim loan bằng vàng, miệng ngậm nhạc. Khi xe đi, nhạc vàng rung động gọi là chim loan kêu.
- Bãi ca vũ: Thôi múa hát. Ý nói: Nay Đằng Vương không còn, nên tiếng hát điệu múa của cung nữ ngày trước cũng im.
- Nam Phố: Đất Nam Phố, ở bờ sông Trường Giang, phía Tây Nam huyện Nam Xương, tỉnh Giang Tây.
- Châu liêm: Rèm bằng hạt châu. Đời Xuân Thu, vua Việt Câu Tiễn dâng vua Ngô Phù Sai hai mỹ nhân là Tây Thi và Trịnh Đán. Vua Ngô yêu quý để ở đài Cô Tô có mành che cửa bằng những hạt minh châu.
- Tây Sơn: Núi Tây Sơn, ở phía Tây huyện Tân Kiến, tỉnh Giang Tây.
- Trường Giang: Sông Trường Giang, dài 9960 dặm là một sông lớn ở Á Châu. Phát nguyên từ Thanh Hải vòng theo núi Ba Nhan Lược Thích qua tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Giang Tây, An Huy, Giang Tô, qua cửa Ngô Tùng rồi ra bể. Cửa sông có đảo Sùng Minh là chỗ giáp với bể Đông Hải.
Dịch thơ:
ĐẰNG VƯƠNG CÁC
Bến sông cao ngất Đằng Vương Các
Múa hát im rồi, loan ngọc đâu
Nam Phố mây bay quanh cột vẽ
Tây Sơn mưa cuốn trước rèm châu
Mây trôi đầm ánh từ bao độ
Vật đổi sao dời đã mấy thu
Đế tử không còn trơ gác vắng
Trường Giang muôn thuở chảy bên lầu
(Bùi Khánh Đản)
-
-
Ðề: Đường thi trích dịch (Đỗ Bằng Đoàn-Bùi Khánh Đản)
Cổ ý
Lư Gia thiếu phụ uất kim hương
Hải yến song thê đại mạo lương
Cửu nguyệt hàn châm thôi mộc diệp
Thập niên chinh thú ức Liêu Dương
Bạch lang hà bắc âm thư đoạn
Đan phượng thành nam thu dạ trường
Thùy vị hàm sầu độc bất kiến
Cánh giao minh nguyệt chiếu lưu hoàng
(Vương Bột)
Dịch nghĩa:
(Lời than của người vợ trẻ chồng đi lính)
Người vợ trẻ họ Lư (tươi đẹp) như cây uất kim hương
(Vợ chồng) như hai con chim hải yến đậu trên rường đồi mồi
Tháng chín lạnh, tiếng chầy (đập vải) giục lá cây rụng
Nhớ người đã mười năm đi thú đất Liêu Dương
Âm thư ở phương bắc sông Bạch Lang đứt hẳn
(Kẻ ở) phía nam thành Đan Phượng đêm thu dài
Vì đâu một mình ôm hận không thấy nhau
Lại thêm đêm trăng cứ chiếu ánh vàng vàng
Chú thích:
- Lư gia thiếu phụ: Nàng thiếu phụ họ Lư. Đời Nam triều, nàng Mạc Sầu người thành Lạc Dương nhan sắc xinh đẹp, lấy chồng họ Lư, vợ chồng sum họp với nhau đến già.
- Uất kim hương: Cây uất kim hương. Đời Nam Triều, bài Hà Trung ca: Lư gia lan thất quế vi lương, trung hữu uất kim tô hợp hương, nghĩa là: Nhà lan họ Lư rường bằng cây quế, trong nhà có cây uất kim hương, và cây tô hợp hương. Có ý tả vẻ phong lưu phú quý nhà họ Lư.
- Liêu Dương: Đất Liêu Dương, nguyên là đất của nước Cao Ly, đời vua Đường Thái Tôn (627-650) đánh được nước Cao Ly, chiếm một phần đất nước ấy đặt là tình Liêu Ninh, lị sở ỡ huyện Liêu Dương.
- Bạch Lang hà: Sông Bạch Lang, cũng có tên là sông Đại Lăng ở huyện Lăng Nguyên, tỉnh Nhiệt Hà (Mãn Châu).
- Đan Phượng: Chim phượng đỏ: Đời nhà Hán ở trên nóc chuông Kiến Chương đặt một con chim phượng hoàng bằng đồng, do đó đời sau gọi Hoàng thành (kinh đô) là Phượng thành, cổng Hoàng thành là Phượng khuyết.
Dịch thơ:
Lời than
Nàng Lư đẹp tựa uất kim hương
Hải yến đôi chim đậu trước rường
Tháng chín tiếng chày dồn lá rụng
Mười năm đi thú nhớ Liêu Dương
Đêm thu đằng đằng thành Đan Phượng
Thư vắng xa vời dải Bạch Lang
Ôm hận vì ai mong chẳng thấy
Phòng không lạnh lẽo ánh trăng vàng
(Bùi Khánh Đản)
-
-
Ðề: Đường thi trích dịch (Đỗ Bằng Đoàn-Bùi Khánh Đản)
U châu tân tuế tác
Khứ tuế Kinh Nam mai tự tuyết
Kim niên Kế Bắc tuyết như mai
Cộng ta nhân sự vô thường định
Thả hỉ niên hoa khứ phục lai
Biên trấn thú ca liên dạ động
Kinh thành liệu hỏa triệt minh khai
Dao dao tây hướng Trường An nhật
Nguyện thướng Nam Sơn thọ nhất bôi
(Vương Bột)
Dịch nghĩa:
Năm ngoái ở đạo Kinh Nam hoa mai trắng như tuyết
Năm nay ở thành Kế Bắc tuyết trắng như mai
Nghĩ buồn việc đời bất thường không định được
Nên mừng ngày xuân đi rồi trở lại
Ngoài biên trấn đêm nào cũng nghe vang động bài thú ca
Chốn kinh thành đốt đình liệu sáng suốt đêm
Xa xa nhìn mặt trời Trường An ở phía tây
Muốn về dâng một chén rượu (chúc vua) thọ như núi Nam Sơn
Chú thích:
- U Châu: Một châu cổ của nước Tàu, nay là toàn tỉnh Hà Bắc và một phần đất hai tỉnh Liêu Ninh, Sơn Tây, lỵ sở huyện Đại Hưng, tỉnh Hà Bắc.
- Kinh Nam: Đạo Kinh Nam, lỵ sở huyện Nghi Xương, tỉnh Hà Bắc.
- Kế Bắc: Nay là Kế huyện, tỉnh Hà Bắc. Năm ngoái tác giả làm Thứ sử Kinh Nam, năm nay làm đô đốc U Châu, đại dinh đóng ở Kế Bắc.
- Kinh thành liệu hỏa: Đình liệu ở kinh thành. Sách Tây Kinh Tạp Ký: Đời nhà Đường tối 15 tháng giêng là tết nguyên tiêu, ở kinh thành Trường An, các dinh thự, các hiệu buôn bán và nhà dân đều treo đèn kết hoa ngoài cửa ăn mừng. Trong thành trước lầu Ngũ Phượng đốt một cây đình liệu cao 30 trượng sáng khắp 20 dặm.
- Trường An: Kinh đô nhà Đường, nay là huyện Trường An, tỉnh Thiểm Tây. Đất Trường An là cổ đô thành. Đời nhà Đường đóng đô ở đấy gọi là thành Hàm Dương. Vì có sông Vị Thủy chảy trong thành nên còn tên là Vị Thành. Vua Hán Cao Tổ (206-194 tr.Tây lịch), đánh được nhà Tần, cũng đóng đô ở đấy. Đến đời vua Huệ đế (194-187 tr. Tây lịch) đắp lại thành gọi là Đẩu Thành. Vua Vũ Đế (140-86 tr.Tây lịch) lại đổi là thành Trường An. Đến nhà Đường cũng đóng đô ở Trường An.
- Nam Sơn: Núi Nam Sơn, ở huyện Trường An, tỉnh Thiểm Tây, có ngọn cao đến 4 nghìn thước.
- Nam Sơn thọ: Thọ như núi Nam Sơn. Kinh Thi, thơ thiên bảo: Như Nam Sơn chi thọ, nghĩa là: Thọ như núi Nam Sơn.
Dịch thơ:
Kinh Nam năm trước mai như tuyết
Kế Bắc năm nay tuyết tựa mai
Chuyện thế khôn lường càng thấy chán
Ngày xuân trở lại hãy nên vui
Thâu đêm biên ải quân ca vọng
Suốt sáng kinh thành liệu hỏa soi
Hướng nẻo Trường An lòng những ước
Nam Sơn chén thọ chúc lâu dài
(Bùi Khánh Đản)
-
Posting Permissions
- Bạn không thể tạo chủ đề mới
- Bạn không thể trả lời
- Bạn không thể dùng tập tin đính kèm
- Bạn không thể hiệu chỉnh bài
-
Quy định của diễn đàn