Cổ ý

Lư Gia thiếu phụ uất kim hương
Hải yến song thê đại mạo lương
Cửu nguyệt hàn châm thôi mộc diệp
Thập niên chinh thú ức Liêu Dương
Bạch lang hà bắc âm thư đoạn
Đan phượng thành nam thu dạ trường
Thùy vị hàm sầu độc bất kiến
Cánh giao minh nguyệt chiếu lưu hoàng
(Vương Bột)


Dịch nghĩa:

(Lời than của người vợ trẻ chồng đi lính)
Người vợ trẻ họ Lư (tươi đẹp) như cây uất kim hương
(Vợ chồng) như hai con chim hải yến đậu trên rường đồi mồi
Tháng chín lạnh, tiếng chầy (đập vải) giục lá cây rụng
Nhớ người đã mười năm đi thú đất Liêu Dương
Âm thư ở phương bắc sông Bạch Lang đứt hẳn
(Kẻ ở) phía nam thành Đan Phượng đêm thu dài
Vì đâu một mình ôm hận không thấy nhau
Lại thêm đêm trăng cứ chiếu ánh vàng vàng

Chú thích:


- Lư gia thiếu phụ: Nàng thiếu phụ họ Lư. Đời Nam triều, nàng Mạc Sầu người thành Lạc Dương nhan sắc xinh đẹp, lấy chồng họ Lư, vợ chồng sum họp với nhau đến già.
- Uất kim hương: Cây uất kim hương. Đời Nam Triều, bài Hà Trung ca: Lư gia lan thất quế vi lương, trung hữu uất kim tô hợp hương, nghĩa là: Nhà lan họ Lư rường bằng cây quế, trong nhà có cây uất kim hương, và cây tô hợp hương. Có ý tả vẻ phong lưu phú quý nhà họ Lư.
- Liêu Dương: Đất Liêu Dương, nguyên là đất của nước Cao Ly, đời vua Đường Thái Tôn (627-650) đánh được nước Cao Ly, chiếm một phần đất nước ấy đặt là tình Liêu Ninh, lị sở ỡ huyện Liêu Dương.
- Bạch Lang hà: Sông Bạch Lang, cũng có tên là sông Đại Lăng ở huyện Lăng Nguyên, tỉnh Nhiệt Hà (Mãn Châu).
- Đan Phượng: Chim phượng đỏ: Đời nhà Hán ở trên nóc chuông Kiến Chương đặt một con chim phượng hoàng bằng đồng, do đó đời sau gọi Hoàng thành (kinh đô) là Phượng thành, cổng Hoàng thành là Phượng khuyết.

Dịch thơ:

Lời than

Nàng Lư đẹp tựa uất kim hương
Hải yến đôi chim đậu trước rường
Tháng chín tiếng chày dồn lá rụng
Mười năm đi thú nhớ Liêu Dương
Đêm thu đằng đằng thành Đan Phượng
Thư vắng xa vời dải Bạch Lang
Ôm hận vì ai mong chẳng thấy
Phòng không lạnh lẽo ánh trăng vàng
(Bùi Khánh Đản)