Trong cuộc đời binh nghiệp, Cai Sâm có hàng tá vợ, hàng đống con rơi, nhưng chỉ có Bướm, đứa con với người con gái xinh đẹp mang máu huyết anh hùng của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám, được Cai Sâm mang về. Ông nói dối người vợ sư tử Hà Đông rằng Bướm là con gái yêu của người bạn cùng quân ngũ đã từng lấy thân mình cứu sống ông trong trận bọn quan binh Pháp lùa những người lính khố đỏ vào thiên la địa võng của núi rừng Yên Thế.
Càng lớn, Bướm càng đẹp lồ lộ. Mười lăm tuổi, nàng đã phổng phao hơ hớ như cô gái mười tám. Nhiều chàng trai chỉ ước ao được lọt vào mắt nàng. Vợ chồng Cai Sâm bỗng lên giá. Hệt như chuyện vua Hùng ngày xưa. Vừa có ý định kén rể, các Sơn Tinh, Thuỷ Tinh đã lục tục kéo đến. Có những ông Phán, bà Hàn, bà Đốc quen biết Cai Sâm từ đời tám hoánh, nay bỗng đánh tiếng muốn làm thông gia. Thế rồi chàng Sơn Tinh đã xuất hiện. Người ấy là Trương Phiên, con trai út của ông Bếp Tảo, bạn cùng quân ngũ với Cai Sâm. Bếp Tảo đi lính khố đỏ, biên chế chủ yếu ở đơn vị hậu cần. Do có tài nấu nướng, lại là chỗ họ hàng với quan Tổng đốc Hoàng Trọng Phu, nên thường được mời làm đầu bếp trong các buổi đại tiệc các quan Nam triều tiếp các quan nước mẹ Đại Pháp. Có một câu chuyện đàm tiếu về Bếp Tảo thời kỳ ấy. Ấy là thời gian ông lấy bà Tư Nguyệt. Thị Nguyệt vốn là một me Tây nổi tiếng ở vùng Đáp Cầu. Trước khi biết Bếp Tảo, Thị Nguyệt đã là nhân tình của viên quan ba Pháp Fournier. Khi Thị Nguyệt có mang một tháng thì viên quan ba Fourmer phải điều chuyển đi chiến trường Angiêri. Biết vậy nhưng vì cần xâm nhập vào giới thượng lưu Pháp, Bếp Tảo sẵn sàng chấp nhận việc quan ba Fournier đúc cốt để mình tráng men. Rất mừng là Trương Phiên sinh ra không mang trong mình dòng máu oẳn tà oằn Phi châu mà là sắc trời xanh trong mắt, mầu đặc trưng của vùng Địa Trung Hãi, miền Nam nước Pháp. Mặc miệng lưỡi thế gian, theo câu cách ngôn phương Tây: "Chó cứ sủa, đoàn người cứ tiến", ông Bếp Tảo và bà Tư Nguyệt cùng với cậu con trai Trương Phiên vẫn đạp trên dư luận, thẳng tiến vào giới thượng lưu.
Mười chín tuổi, Trương Phiên theo nghiệp cha tráng men vào học trường võ bị Sơn Tây. Ra trường với một bông mai vàng trên ve áo, gặp Bướm lần đầu tiên, chàng Tây lai đẹp ngời ngợi, cao một mét bẩy mươi nhăm, mẫu người lý tưởng cho các võ quan tương lai, như người bị bắt mất hồn. Đáp lại, Bướm cũng như một con thiêu thân, lao hết mình về phía ngọn đèn. Suốt tháng giêng hai, họ quấn lấy nhau, đưa nhau từ hội chùa Hương đến hội chùa Thầy. "Gái chưa chồng đến hang Cắc Cớ. lai chưa vợ đến hội chùa Thầy". Hang Cắc Cớ, là cái hang định mệnh của Bướm. Ở đó, nàng đã trao thân cho Trương Phiên.
Khi Bướm có mang đến tháng thứ hai thì chàng Trương Phiên bỗng lặn một hơi vô tăm tích. Lý do là ông Bếp Táo được Chính phủ bảo hộ tặng Bắc Đẩu bội tinh, được Chính phủ Nam Triều tặng hàm thất phẩm và được điều chuyển về Hà Nội. Lọt vào Hà Thành hoa lệ, Trương Phiên bỗng bị vây bủa, bị choáng ngợp bởi thế giới thượng lưu với hàng trăm tiểu thư khuê các. Ba tháng sau, chàng sĩ quan tương lai của Chính phủ bảo hộ làm lễ đính hôn với nàng Kiều Nhi, con gái quan Tham tá Bùi Tử Do, một yếu nhân của Hội đồng Dân biểu Bắc Kỳ.
Cái Sâm như người bị ỉa vào mặt, mấy lần mang cây súng kíp chĩa vào giữa ngực Bướm định bóp cò. Rồi ông gầm lên như con cọp bị trúng thương, vứt khẩu súng như vứt một que củi vớ chai rượu ngang tu ừng ực. Bướm muốn phát điên. Nàng trốn cha, bỏ nhà đi lang thang vào trong tít vùng núi Kim Bôi, Hoà Bình.
Cái thai, như một nghiệp chướng, suốt chín tháng trời quăng quật, thậm chí bị đày ải, bị nguyền rủa, bị hành hạ, cuối cùng mới chịu chui ra và bị Bướm vứt ở bụi tầm xuân gò ông Đống làng Động. Vứt con đi rồi, nàng mới thấy hành động của mình là điên rồ, là mất nhân tính. Chiều tối, với lòng hối hận tột cùng và sự dày vò của lương tâm, nàng trở lại tìm con, nhưng thằng bé đã bặt vô âm tín. Hoảng loạn, điên khùng, nàng băng qua cánh đồng, lao ra bờ sông và nhảy ùm xuống dòng nước buốt giá.
Hệt như trong truyện cổ tích. Đêm trăng suông giá rét ấy, vợ chồng người kéo vó bè trên sông đã cứu sống Bướm. Biết được cảnh ngộ éo le của nàng, họ đến gặp sư cụ chùa Phổ Hướng, một ngôi chùa cổ trơ trọi giữa đồng, xin cho nàng ăn mày cửa Phật.
Mười bẩy tuổi, Bướm xuống tóc, lấy pháp danh Thích Đàm Hiên.
Những năm 1939-1940, phong trào Dân chủ và Mặt trận Bình dân tan rã, Pháp trở lại đàn áp phong trào cách mạng ở thuộc địa. Chùa Phổ Hướng, nằm ở ven sông, xa làng, bốn bề bao bọc bởi luỹ tre ken dày song mây và um tùm bóng cổ thụ, trở thành cơ sở bí mật, nơi nuôi giấu các chiến sĩ cách mạng.
Ni sư Thích Đàm Hiên bản tính hiếu động, quyết liệt, tràn trề đam mê, khám phá, dù không tự giác, mặc nhiên dần thành cầu nối, giao liên giữa những người cộng sản.
Và rồi, sự nghiệt ngã của định mệnh một lần nữa lại kéo ni sư Thích Đàm Hiên trở về với cõi tục. Nàng yêu Lê Thuyết, uỷ viên Liên khu uỷ Hữu ngạn, một chiến sĩ cách mạng trung kiên. Nàng tình nguyện gia nhập tổ chức cộng sản của Lê
Thuyết và theo anh rời chùa Phổ Hướng đi hoạt động ở các xóm thợ, vùng quê.
Từ đây, với mật danh Đào Thị Cam, ai sư Thích Đàm Hiên, tức cô Bướm ngày xưa, thực sự trở thành người của Việt Minh, hoạt động trong một đường dây bí mật khắp các tỉnh châu thổ sông Hồng.
***
Từ ngày thằng Cục gặp người đàn bà tên Cam, tính tình nó bỗng nhiên đổi khác. Chiếc vòng bạc nó vứt trả, đã được người đàn bà giắt ở chạc ba cây sung. Ngay sau đó Cục đã quay lại và tìm thấy. Nó cất thật kỹ chiếc vòng bạc có vuốt hổ trong một túi vải, lâu lâu lại mở ra ngắm nghía, như ngắm một thứ bùa hộ mệnh. Nó trầm lặng, ít nói và hay tách rời thằng Vện, tha thẩn đi chơi một mình.
Cục thường xem lại cái bớt màu lông chuột ở dưới rốn nhiều lần và cứ vơ vẩn nghĩ về những điều mà người đàn bà lạ đã nói với nó. Rồi không thể đừng được, Cục mang mối hoài nghi này hỏi bà nội. Bà Đồ Kha vốn không biết nói dối bao giờ. Bà ngạc nhiên về cái vòng bạc và người đàn bà đã tặng thằng Cục vật quí. Bà thú nhận rằng thằng Cục đúng là được sinh ra từ bụi tầm xuân gò ông Đống.
- Nhưng ai đẻ ra cháu hở bà? Vẫn là mẹ Phúc đấy chứ?
- Thì mẹ Phúc chứ còn ai nữa? Cháu với anh Vện vẫn là anh em sinh đôi mà… Mà này, đừng nghe ai xui nữa nhé. Gặp người đàn bà ấy thì hãy tránh xa ra cháu nhé… - Bà Đồ Kha giải thích qua loa rồi vội đánh trống lảng sang chuyện khác.
Ý nghĩ về nơi sinh của mình luôn trở đi trở lại trong giấc ngủ của thằng Cục. Nó mơ tưởng đến gò ông Đống như con chiên mơ về vùng đất thánh. Và rồi, như câu chuyện Thạch Sanh bà Đồ Kha thường kể cho các cháu nghe, Cục cũng có khát vọng như chàng Thạch Sanh muốn trở lại gốc đa xưa nơi đã sinh ra mình. Nó lầm lùi ra bờ ao đẵn một cây trúc bánh tẻ thật già, chọn một đoạn thật thẳng, dài hai sải tay, lừa lúc giữa trưa, thằng Vện và cả nhà thiu thiu ngủ, một mình nó ra gò ông Đống. Khóm tầm xuân trên gò giờ đã trở thành một búi to rậm rạp. Bọn trẻ chăn trâu thường bảo nhau tránh xa bụi tầm xuân này vì sợ trong đó có ma quỉ. Nhưng thằng Cục cóc sợ Nó cần phải biết nơi đẻ ra nó như thế nào. Với dũng khí của chàng Thạch Sanh, nó lom khom bò lên gò ông Đống, tiến đến sát bụi tầm xuân. Chà chà, những đoá tầm xuân cánh trắng, nhị vàng giống như loài hoa hồng trắng thơm điếc mũi. Mẹ nó thật khéo chọn, nơi sinh hạ nó thật là độc đáo. Những cây tầm xuân vươn dài ra, uốn cong, tạo thành một vòm, kín, như vòm cung điện.
Cục đảo quanh bụi tầm xuân một vòng. Tự nhiên nó nảy sinh một nỗi ham muốn bồng bột rất trẻ con là được chui vào nằm giữa bụi tầm xuân, giữa vòm cây ken dày lá xanh và hoa trắng thơm ngát, giữa trưa nắng mà vẫn râm mát như một cung điện, nơi mười năm trước nó đã được sinh ra, xem cảm giác êm khoái đến mức nào. Bằng một động tác rất thận trọng, nó ép người xuống cỏ, đưa chiếc gậy trúc vào giữa bụi, gạt mấy cành gai và từ từ trườn vào.
Cục nhắm mắt lại. Hai cánh mũi nó mở thật to, hít thật sâu mùi hương thanh khiết, nồng nàn của hoa tầm xuân. Nó tưởng tượng mình đang ở trong một cung điện nguy nga đầy hương thơm và tràn ngập những hào quang. Hình như đâu đây có tiếng xiêm áo sột soạt. Hình như những nàng tiên với những tà áo dài tha thướt như suông khói đang từ trong cung điện tiến ra chào đón nó.
Bỗng, búp. Một tiếng kêu rất nhẹ. Bàn tay trái thằng Cục buốt nhói. Một con rắn hổ trâu đen trũi loáng qua mắt Cục.
Toi rồi. Nó vừa bị rắn mổ. Phản xạ đầu tiên của thằng Cục là toại người ra khỏi bụi tầm xuân, lăn một vòng xuống chân gò.
Chỉ nửa tiếng nửa, nó sẽ chết. Y nghĩ ấy khiến Cục rùng mình, toát hết mồ hôi. Nó dùng bàn tay phải nắm chắc cổ tay trái để nọc không chạy lên tim. Thấy. không an toàn nó cởi dây rút quần quấn quanh cánh tay mây vòng thật chặt.
Khi thằng Cục chạy về đến cổng nhà, cũng là lúc nó ngất xỉu, mắt trợn ngược không biết gì. Ông Cử Phúc lao thẳng từ trong nhà ra, ôm lấy thằng con.
Bằng linh tính nghề nghiệp, ông biết phải làm gì. Chỉ chậm vài phút nữa, thằng bé sẽ chết. Cánh tay trái thằng Cục sưng vù, tím đen. Ông Cử Phúc chích tĩnh mạch nặn máu nhiễm độc và bằng thứ thuốc đặc hiệu gia truyền, ông cho Cục uống để tiêu nọc, trợ tim.
Thằng Cục được cứu sống, nhưng từ đó, tai nó bị nghễnh ngãng, tay trái bị teo cơ, suốt đời mềm oặt như dải khoai nước.
Cũng từ đó, không bao giờ Cục đặt chân đến gò ông Đống. Nó cố quên cái nơi nó sinh ra, cố quên người đàn bà đã xui nó tìm ra gò ông Đống để khiến nó tật nguyền suốt đời.