Sẽ đóng cửa các khu vui chơi giải trí
Cấm tụ tập đông người, giám sát toàn bộ sân bay quốc tế và cả hành khách đi trên các phương tiện giao thông nội địa... Đó là những đề xuất được đưa ra trong cuộc họp khẩn tại TP HCM chiều nay để đối phó đại dịch cúm H1N1 nếu nó xẩy ra.
Khẳng định số ca mắc tại VN hiện còn thấp, hiện công tác phòng bệnh vẫn là giám sát ca bệnh để tránh lây lan, tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, từ thực tế lây lan nhanh của bệnh tại một số nước, việc lập phương án đối phó phòng khi bệnh bất ngờ tăng ca là thực sự cần thiết.
Ông Châu đã đưa ra 3 tình huống xử lý, tương ứng với số lượng bệnh nhân mắc. Tình huống 1 ứng với số bệnh nhân từ 500 ca trở xuống; tình huống 2, từ 500 đến 1.000 ca và tình huống 3, trên 1.000 ca.
Theo kế hoạch của Sở Y tế, ở mỗi tình huống, số lượng bệnh viện, số giường cách ly và cán bộ y tế phục vụ điều trị sẽ khác nhau. Trong trường hợp xảy ra đại dịch, số bệnh viện điều trị cách ly sẽ lên đến con 28 trong đó bao gồm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, An Bình, 115, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Trãi, 4 bệnh viện vùng ven, 18 bệnh viện quận huyện, 2 bệnh viện dã chiến với 6.000 giường bệnh.
Về nhân lực, các bác sĩ của các bệnh viện chuyên khoa sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới. 3.500 sinh viên của hai trường y khoa tại TP HCM dự kiến cũng sẽ có mặt tại các trạm y tế để chăm sóc bệnh nhân.
Đóng cửa các khu vui chơi vốn tụ tập đông người để tránh bệnh lây lan khi có đại dịch.
Phát biểu góp ý phương án của Sở Y tế, ông Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP HCM cho rằng, trong tình huống bệnh đã lây lan, ngoài việc tập trung giám sát tại sân bay quốc tế, cần phải lập kế hoạch giám sát cả hành khách đi trên các phương tiện giao thông nội địa.
Cũng theo ông Minh, trên kịch bản chống đại dịch nếu cần thiết, phải hướng đến việc đóng cửa các khu vui chơi giải trí, tụ tập đông để bệnh không phát tán cho cộng đồng.
Đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP HCM thì cho rằng, hiện tại, việc phòng để bệnh không lây lan thành đại dịch vẫn là việc cần làm hơn cả. Theo ông này, nên đưa nội dung phòng bệnh vào các cuộc họp của tổ dân phố bởi không phải người dân nào cũng đọc báo xem đài và không phải ai cũng biết rõ cách phòng bệnh và phát hiện biểu hiện bệnh.
Quan ngại dịch có khả năng kéo dài đến mùa lạnh và có nguy cơ hợp chủng với cúm A/H5N1, đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng việc giám sát gia cầm tại các địa phương cũng là một kế hoạch cần phải đưa vào phương án phòng chống đại dịch
Phát biểu chỉ đạo cuối buổi họp, ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng, để khỏi phải lúng túng nếu đại dịch xảy ra, 100% các bệnh viện tại thành phố phải diễn tập thử mọi tình huống, từ nhận bệnh, chuyển bệnh đến cấp cứu điều trị.
Theo ông Tài, để tránh lây lan, cần hạn chế việc đưa bệnh nhân đến các khu vực điều trị tập trung ở các quận xa mà nên điều trị tại địa phương. Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị thành lập đội điều trị cơ động để tránh chuyển bệnh nhân đi khắp nơi đồng thời các bác sĩ này cũng sẽ "chia lửa" với bệnh viện tuyến dưới.
Tính đến chiều 16/6, VN có 26 ca dương tính với cúm A/H1N1, trong đó TP HCM 23 ca, Tiền Giang 2 ca và Hà Nội 1 ca. Đã có 13 người xuất viện, số bệnh nhân còn lại sức khỏe ổn định. Trong số ca mắc, có 4 người ngụ tại VN vốn bị lây bệnh do tiếp xúc với nguồn bệnh ngoại lai. Hầu hết bệnh nhân dương tính là khách đến từ Mỹ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đến ngày 15/6, đã có 35.928 ca mắc với 163 trường hợp tử vong. Số ca mắc cúm A/H1H1 vẫn tiếp tục tăng nhanh.
Thiên Chương - VNEPX.