PDA

View Full Version : Tóc viết



tocmai
13-06-2009, 02:13 PM
Cám ơn chim sáo

Ai đem con sáo sang sông
Để cho con sáo sổ lồng bay cao

Đã từ lâu chim sáo được xem là một hình ảnh đẹp, buồn, tiếc thương khi người ta nói về một cô gái bước xuống thuyền hoa sang ngang theo chồng...bỏ lại sau lưng một quảng đời ấu thơ, một khung trời thiếu nữ nhiều mơ lắm mộng, một vài mối tình thơ dễ thương, thập thò, nhút nhát của những chàng trai nào đó:

Thò tay mà bứt cọng ngò
Thương em đứt ruột giả đó ngó lơ...

Giá mà...

Chè non ai hái nửa nương
Cau non nửa chẽ người thương nửa chừng
Hai hàng nước mắt ngập ngừng
Thà rằng ngày trước ta đừng gặp nhau.

Cho nên rồi...

Tóc mai sợi vắn , sợi dài
Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm

Thế nhưng...tại sao lại là con sáo? mà không là chim oanh, chim yến, chim sơn ca hay chim họa mi ? con sáo chỉ là một con chim rất tầm thường, giống như con se sẻ lại cũng không có giọng hót véo von du dương như những tài danh vừa kể trên...
Vậy tại sao là con Sáo ?
Cả một ngày lặn lội lên mạng tìm tòi cũng không ra...chỉ đầy những album nhạc về chim sáo...Có một bài về chim sáo sổ lồng nhưng lại nói về một tổ sáo với đôi chim sáo già buồn quạnh quẽ khi bầy sáo con đã sổ chuồng bay đi không trở lại của Nguyennhung...Còn ngoài ra không một lời giải thích cho câu hỏi của mình.
Vào điển tích xem cũng không thấy gì...có thể thời giam quá ít để tìm kiếm...và mình biết mình sẽ còn tìm, tìm hoài cho đến khi nào biết được chút gì mới thôi...Nếu có bậc tiền bối nào am tường xin dạy cho TM hiểu...rất đa tạ.
Rồi trong khi lần giở từng trang của google...mình gặp một bài viết về con sáo chẳng sang sông của Vân Lam...một cây bút tuyệt vời bên yahoo's blog


Con sáo chẳng sang sông


Hồi xửa hồi xưa nghe cải lương, thường là những buổi trưa trời vắng hoặc đêm trắng mù mưa. Người đã hát : "Ai đưa con sáo sang sông. Để cho con sáo xổ lồng bay cao. Sáo bay sáo chẳng về đâu. Còn ta ngồi lại đêm thâu một mình"...Đi nửa chặng đường đời, lại thấy có những con sáo dù được xổ lồng nhưng chẳng bao giờ sang sông...

*** ***
Mùa hè năm đó, Lam sinh con. Má thức trắng kề cận dỗ dành con lẫn cháu. Má tiều tụy thấy rõ từ ngày Lam trở về với bào thai không chủ. "Đồ gái ngu! Đồ chửa hoang!", Lam luôn tỉ tê đay nghiến như thế mỗi lần nhìn xuống chiếc bụng mỗi lúc phình to hơn. Đêm về, Lam khóc. Lỗi tại ai? Có hay không điều mà người ta gọi là "định mệnh" hay "lời nguyền" gì đó giữa cuộc đời này? Tại sao họ hàng bên Má, lại có nhiều người chửa hoang đến thế? Dì, Má và bây giờ là đến lượt Lam. Có lần Lam hỏi Má "Ba chưa bao giờ trở về từ ngày má mang thai con?". Má không trả lời, mắt đỏ quầng tìm những vệt nắng chiều xiêu vẹo trên vách gỗ phía hiên nhà.

Năm 18, như con chim nhỏ nhìn thấy chim mẹ bị nả thương tả tơi mà rúng lòng sợ cành cong. Lam tránh xa lũ con trai trong xóm và cả ở trường học. Lam căm ghét mỗi khi ai đó vô tình hỏi chuyện "Ba mẹ Lam làm nghề gì?". Lam về nhà lục tung đồ đạc của Má, chỉ để muốn biết khuôn mặt của người đàn ông đã từng cày bừa trên bụng má, tạo ra Lam rồi bỏ đi biệt tích. Nhưng vô dụng. Lam chẳng thể hình dung bất cứ điều gì về ông ta dù chỉ một vệt xước trong kí ức.

Má lấy hết tiền dành dụm dúi vào tay Lam ngày Lam lên thành phố học đại học. Đó là lần đầu tiên Lam ôm má thật chặt. Má nói "Ráng giữ lấy thân nghe con. Đàn ông con trai bây giờ ranh ma lắm. Có gì về với má!". Lam buông vội má ra, nhích người cách xa một đoạn và nói "Đàn ông con trai ngày xưa cũng có khác gì hả má? Nếu chúng tốt hơn, má đâu phải khai sinh con bằng họ của má? Con đâu phải ngần này tuổi mà chưa hề thấy mặt cha. Má yên tâm, dù gì con cũng không bao giờ chửa hoang để con của con phải khổ!". Chỉ như thế và Lam quay mặt bước đi. Má ở đàng sau Lam mà như xa lắm...Xa như giọt nắng chiều rơi xuống đâu đó giữa hư không mà má thường đưa mắt tìm lấy mỗi khi nghe Lam trách hờn, nặng nhẹ chuyện con hoang...

Lam về thật như lời má dặn. Má thoáng ngỡ ngàng nhìn dáng vẻ xanh xao của Lam rồi dấu tiếng thở dài nơi cổ họng. Đêm ấy, Lam nằm ôm má thật chặt. Má lấy đôi tay gầy guộc trơ xương vuốt tóc Lam rồi bảo "Đàn bà mỗi lần sinh con, tóc gần như rụng hết một phần ba, răng cũng hư vài cái. Vì vậy người ta mới bảo nó là núm ruột, là máu mủ của mình. Không thương sao được. Ai nỡ bỏ đi cho đành...". Lam nằm yên, nước mắt nóng hổi tràn mang tai, ướt cả gối. Má không gặng hỏi gì nữa, chỉ đưa tay sờ bụng Lam và bảo "Chắc chỉ còn 6 tháng nữa hả con?". Lam ậm ừ gật đầu. Má ôm Lam. Ngoài kia, gió miên man thổi qua cánh đồng đương mùa gặt hái, mang vào nhà hương vị nồng nàn của mùi lúa chín, mùi rơm khô, mùi đất oi nồng...Lam yên lặng vùi mình vào đêm, vào má vào mùi vị quê mùa ấy mà thiếp đi lúc nào không biết..

Ngày làm khai sinh cho con, người ta hỏi "Ba nó tên gì?", Lam lạnh nhạt "Chết rồi! Cứ ghi họ tôi sau tên nó!". Má không cho. Má điềm đạm đọc họ của "người chết rồi" mà Lam nói cho người ta ghi vào. Về đến nhà, Lam ấm ức gào lên "Sao má làm vậy? Con không muốn con của con biết về một người cha không ra gì!". Má quay mặt qua nhìn Lam, nước mắt chảy dài trên đôi gò má đen sạm "Má không muốn cháu của má sẽ khiển trách con như con đã từng làm với má. Đời má đã là một sai lầm. Không dạy được con tránh những sai lầm ấy là sai lầm tiếp theo của má. Con dừng lại đi, đừng tiếp tục dẫm lên những vết chân của má..". Lam im lặng, nước mắt cứ tuôn, cổ họng thì nghẹn lại. Lần đầu tiên Lam thấy má khóc thành tiếng, mặt úp vào hai đầu gối, vai nấc lên nghẹn ngào. Ngoài kia, những vệt nắng chiều không còn được đôi mắt má đỏ quầng tìm lấy, cứ lang thang và chực rơi xuống cái hố sâu nào đó...

*** ****

Má ốm và mất khi thằng Hải lên 3. Ngày chôn má, Lam ngồi tỉ mỉ xếp lại toàn bộ đồ dùng của Má. Có một cái ví vải đính cườm còn vương mùi hoa nhài mà má cất giấu thật kĩ trong túi quần âu của má thời trẻ. Cái ví là thứ mới nhất trong tất cả các món đồ của Má. Lam cẩn thận mở ngăn kéo. Phía trong có 2 bức ảnh đã ố vàng và một phong thư. Bức ảnh đầu tiên chụp Má và Lam, phía sau còn ngày tháng "10.01.1982 - Lam 2 tuổi". Bức ảnh thứ 2 ố vàng hơn một chút chụp một người đàn ông, dong dỏng cao. Lam giật mình nhận ra đường nét trên khuôn mặt mình đang mang là của người đàn ông ấy. Lam vội vàng lật ra phía sau. Chẳng có gì ngoài dấu X to đùng được ai đó nguệch ngoạc bằng bút đỏ. Còn bức thư. Nó ngắn lắm. Đó là một lá thư nặc danh với nội dung như hăm dọa

" Cô Lý,

Tôi viết lá thư này chỉ để giải quyết mọi chuyện êm đẹp và ổn thỏa nhằm giữ gìn danh dự cho gia đình tôi và cô. Về việc đứa bé, tôi nghĩ chỉ có hai cách giải quyết : hoặc là chúng tôi sẽ giành quyền nuôi đứa bé vì chúng tôi đủ điều kiện kinh tế hơn. Chúng tôi sẽ chăm sóc nó chu đáo. Hoặc là cô tự nuôi nó và không được cho nó mang họ của con tôi, vì thể diện gia đình hai bên, cô không được cho bất kì ai biết về mối quan hệ này. Cô có quyền lựa chọn.

Tôi nghĩ cô đủ khôn ngoan để hiểu nếu có sự can thiệp của pháp luật, cô sẽ chỉ là người thiệt thòi"

Thế là má đã lựa chọn được ở gần Lam...
Lau nước mắt, Lam đem tất cả đồ đạc của má bỏ vào quan tài kể cả tấm hình của người đàn ông ấy. Lam từng ao ước được gặp mặt cha biết bao nhiêu. Nhưng khi đã gặp và đã biết những chặng đá ngầm suốt mấy mươi năm nay má phải chống chọi, thì người đàn ông đó với Lam bây giờ chỉ là con số không.

*** ***

Một sáng mù mưa, người ta mang đến cho Lam thư mời đi hầu tòa. Nội dung tranh chấp quyền nuôi con. Lam choáng váng gục đầu lên tấm lưới mẻ cá còn đan dở dang. Thằng Hải ngồi chơi quanh đó, thấy mẹ khóc vội chạy tới lay mẹ và gọi "Mẹ ơi, có sao không?" rồi nó khóc theo. Lam ôm con nhìn ra màn mưa, nghĩ đến ngày mai mà nhớ lời má ru khi Lam còn lên 5 "Ầu ơ...Trời mưa bong bóng phập phồng. Mẹ đi lấy chồng, con ở với ai...". Có lẽ Má đã hát rất nhiều và nghĩ rất nhiều nên đã ở vậy nuôi Lam. Lam giờ cũng thế, thằng Hải là cả gia tài mà Lam có. Lam đã từ chối rất nhiều cơ hội có lại một gia đình yên ấm. Chỉ vì Lam muốn được dành trọn tình yêu thương cho con. Vậy mà bây giờ người ta muốn giành giật gia tài ấy của Lam, người ta muốn giành giật lại thứ mà người ta đã rũ bỏ không thương tiếc...

Tại phiên tòa, người ta hỏi thu nhập chính của Lam là gì? Người ta hỏi Lam sẽ làm gì để tăng thêm thu nhập khi con đến tuổi học hành? Lam có dủ điều kiện để lo cho nó có một tương lai dài hay không? Và sau cùng, khi Lam phủ nhận đứa bé ấy không phải con của Phong, người ta nhìn vào họ của nó mà phản bác, nhìn vào khuôn mặt như in nét mặt Phong mà phản bác. Lam thua. Hải được về sống với Nội và ba nó. Lam không kịp mang theo cho con một bộ quần áo nào. Thằng Hải giãy giụa trong tay Ba nó và gào to "Mẹ ơi..Mẹ ơi..."

Hôm ấy là cuối mùa hè. Hôm sau sẽ là sinh nhật thằng Hải. Trời đột nhiên nổi cơn sấm sét, rạch toang bầu trời nơi Lam đang đứng rồi ào ào đổ mưa. Chiếc xe ô tô bóng loáng vụt qua trước mắt Lam, để lại màng nước bùn tung tóe. Trong màn mưa, Lam nhìn theo bóng thằng Hải giãy giụa tay liên tục vẫy ra cửa sổ gọi mẹ. Lam gục xuống thềm trước lối vào tòa án và gọi "Trời ơi...!"
Nhưng trời ở xa lắm, làm sao nghe thấy nhân gian....

Mưa đã kéo dài cả ngày hôm ấy đến đêm. Lam về nhà ôm chặt chiếc gối thằng Hải thường nằm và khóc ngất. Sao người ta không nhân từ với Lam như đã từng nhân từ với má? Để cho Lam được có cơ hội chọn lựa? Sao người đàn ông của má và cả người đàn ông của Lam nữa, lại hèn hạ đến thế?

Chuyện kể rằng trong thần thoại Hy Lạp, thần tình yêu bị mù đôi mắt. Phải chăng vì thế những ai bị mũi tên của người bắn trúng thì khi yêu không bao giờ mở mắt. Thế thì má, Lam và bao người đàn bà khác nữa, những người đàn bà khi yêu không bao giờ mở mắt, những người đàn bà chỉ biết sống với tình yêu và niềm tin khờ khạo giữa cuộc đời này có đáng trách không? Họ còn lại gì sau những yêu thương ngoài những giọt mưa phủ kín cả cuộc đời...? Họ như những con sáo đã xổ lồng nhưng chẳng bao giờ qua nổi một bến sông...

(Vân Lam - Vu vơ chuyện người .)

P/S : Chỉ là chuyện thật từng hiển hiện giữa cuộc đời này. Tôi chỉ kể lại bằng lòng mình chứ không là ngẫu hứng thêu dệt. Đêm qua và nhiều lần trước đó, tôi xem phim kinh dị, thấy người ta bị nhiễm virus lạ biến chứng như ma cà rồng thèm máu và thịt người, rồi họ ăn thịt lẫn nhau. Tôi nghĩ có phải rồi sẽ đến lúc con người cũng bị nhiễm bệnh như thế?. Nhưng không đúng, dường như thứ virus ấy đã hiện diện trong loài người từ lúc khai thiên lập địa, họ "thịt" nhau bằng cách gieo đau khổ cho nhau....

Phu sinh
13-06-2009, 11:53 PM
Cám ơn chim sáo

Ai đem con sáo sang sông
Để cho con sáo sổ lồng bay cao

Đã từ lâu chim sáo được xem là một hình ảnh đẹp, buồn, tiếc thương khi người ta nói về một cô gái bước xuống thuyền hoa sang ngang theo chồng...
Thế nhưng...tại sao lại là con sáo? mà không là chim oanh, chim yến, chim sơn ca hay chim họa mi ? con sáo chỉ là một con chim rất tầm thường, giống như con se sẻ lại cũng không có giọng hót véo von du dương như những tài danh vừa kể trên...

Vậy tại sao là con Sáo ?


Chẳng phải bậc tiền bối, cũng chẳng am tường chi lắm, kiến văn thì hạn hẹp nhưng thấy câu hỏi hay thật nên thử đem kinh nghiệm bản thân ra nhìn vấn đề xem sao.

Đúng là chim sáo là một loài tầm thường, chẳng có giọng hót véo von du duơng như những loài cao quý kia. Nhưng xét về tính phổ biến thì đã mấy ai chiêm ngưỡng được những loài kia và nghe được những tài danh đó hót véo von. Chim sáo thì khác, bởi đặc tính cư ngụ ở vùng nông thôn thoáng đãng, gần gũi với loài người và hót suốt ngày, đặc biệt là biết tiếp thu những âm điệu từ môi trường xung quanh để tạo ra những giai điệu riêng. Nếu như được ngồi nghe sáo hót, sẽ có một cảm giác thật lạ, nhất là khi sáo cất tiếng hót phụ họa với người.

Có lẽ nhờ thế mà hầu như ai cũng biết chim sáo, hình ảnh chim sáo trở nên quen thuộc trong tâm tưởng mọi người. Và nếu như có một so sánh nào đó giữa chim sáo với các cô thiếu nữ thì có lẽ thật dễ mường tượng một nàng thiếu nữ nhí nhảnh, bình dị, chẵng cao sang, không quyền quý, rá6t gần gũi, ca hát nói cười líu lo suốt ngày (dẫu là giọng ca chẳng hay nhưng cũng đủ ngọt ngào để những anh trai làng phải ngã lòng). Và thật buồn thay, nếu như một sáng nào đấy, mở cửa ra vườn chợt thấy một bầu không khí im ắng là lạ đi cùng với sự thiếu vắng tiếng hót đầu ngày.

Theo PS nghĩ, có lẽ vì sáo rất bình dị như thế nên khi đặt vào văn học thơ ca để thể hiện cho hình ảnh cô thiếu nữ thì thật dễ dàng hình dung, thật dễ dàng cảm nhận và thật dễ dàng hòa theo cảm xúc của tác giả muốn gửi gắm.

Và có lẽ vì thế mà các thi sĩ, nhà văn đã chọn chim sáo mà không chọn những loài khác.

Vài dòng suy nghĩ chia sẻ với TM.

tocmai
14-06-2009, 10:10 AM
Chẳng phải bậc tiền bối, cũng chẳng am tường chi lắm, kiến văn thì hạn hẹp nhưng thấy câu hỏi hay thật nên thử đem kinh nghiệm bản thân ra nhìn vấn đề xem sao.

Đúng là chim sáo là một loài tầm thường, chẳng có giọng hót véo von du duơng như những loài cao quý kia. Nhưng xét về tính phổ biến thì đã mấy ai chiêm ngưỡng được những loài kia và nghe được những tài danh đó hót véo von. Chim sáo thì khác, bởi đặc tính cư ngụ ở vùng nông thôn thoáng đãng, gần gũi với loài người và hót suốt ngày, đặc biệt là biết tiếp thu những âm điệu từ môi trường xung quanh để tạo ra những giai điệu riêng. Nếu như được ngồi nghe sáo hót, sẽ có một cảm giác thật lạ, nhất là khi sáo cất tiếng hót phụ họa với người.

Có lẽ nhờ thế mà hầu như ai cũng biết chim sáo, hình ảnh chim sáo trở nên quen thuộc trong tâm tưởng mọi người. Và nếu như có một so sánh nào đó giữa chim sáo với các cô thiếu nữ thì có lẽ thật dễ mường tượng một nàng thiếu nữ nhí nhảnh, bình dị, chẵng cao sang, không quyền quý, rá6t gần gũi, ca hát nói cười líu lo suốt ngày (dẫu là giọng ca chẳng hay nhưng cũng đủ ngọt ngào để những anh trai làng phải ngã lòng). Và thật buồn thay, nếu như một sáng nào đấy, mở cửa ra vườn chợt thấy một bầu không khí im ắng là lạ đi cùng với sự thiếu vắng tiếng hót đầu ngày.

Theo PS nghĩ, có lẽ vì sáo rất bình dị như thế nên khi đặt vào văn học thơ ca để thể hiện cho hình ảnh cô thiếu nữ thì thật dễ dàng hình dung, thật dễ dàng cảm nhận và thật dễ dàng hòa theo cảm xúc của tác giả muốn gửi gắm.

Và có lẽ vì thế mà các thi sĩ, nhà văn đã chọn chim sáo mà không chọn những loài khác.

Vài dòng suy nghĩ chia sẻ với TM.

Cám ơn chú Phu Sinh đã trả lời thắc mắc cho TM. Vì TM ở TP nên không biết con sáo lại gần gủi với con người như thế. Vì thật tình xem trong ca dao, thơ, bài viết....thấy hay nhắc đến sáo và TM cũng thấy sáo thật đáng yêu! nên cũng có làm nhiều bài thơ nhắc đến sáo!

tocmai
14-06-2009, 10:17 AM
Đi dự đám cưới


Hai người họ ở lứa tuổi trung niên, sống độc thân và quen nhau trong thế giới ảo. Họ đến với nhau sau những giờ làm việc, tìm vui trong những lời nói, sẻ chia những mẫu chuyện đời nhau. Những dự định của tương lai lêu bêu như đám lục bình trôi trên sông không một định hướng, chỉ biết xuôi theo dòng nước, ngẫu hứng theo dòng đời...Họ cảm thấy họ có chút gì cần nhau nhưng sẽ không bao giờ đến với nhau như đã thỏa thuận. Cả hai cùng sợ thực tế một lần nữa giết chết chút niềm tin còn lại trong đời. Họ bằng lòng với hạnh phúc nhỏ nhoi hình như đang ngày lớn dần dù chỉ trong cõi ảo...

Đã đôi lần anh bóng gió nói đến chuyện hôn nhân, chị đều gạt qua mà trong lòng thì nhói lên một nỗi giận hờn lẫn xem thường... sao mà anh trần tục đến thế. Ở tuổi này và sau lần hôn nhân ê chề với những hậu quả kéo dài cả đời...anh vẫn còn mơ tưởng chuyện hôn nhân sao? còn đối với chị, cuộc sống thanh tịnh, êm ả, không ai phiền nhiễu, có việc làm, có một người bạn để tâm sự làm chị hài lòng, không muốn gì hơn...

Cho đến một ngày anh báo tin mình sắp cưới vợ...thì chị mới giật mình chợt thấy hình như mình đã...yêu anh. Một tình yêu lạ lùng mãnh liệt mà chị chỉ thấy được nó khi đột ngột biết mình sắp mất nó. Chị hối hả sống những ngày cuối cùng với anh trong thế giới ảo, những ngày anh chưa là riêng của một người phụ nữ nào. Ôi bây giờ chị mới thấm thía câu hát mà chị rất thích một thời xa xưa: ...hạnh phúc nào không tả tơi không đắng cay...Tim chị luôn đau nhói, mắt chị luôn rưng rưng khi nhớ về anh. Lòng chị xót xa khi nghĩ mình đã bị người ấy phụ bạc, chị đau khổ, chị rã rời, chị như đang đứng bên bờ vực thẳm. Thiên đường là nơi đâu mà chị chưa một lần bước vào nhưng địa ngục thì chỉ cách chị một bước chân. Chị liêu xiêu như ngọn cỏ trước gió, gió thổi phía nào chị lả người về phía đó...cuộc sống mà chị tưởng êm đềm thoắt bão tố tơi bời...buồn gì đâu!

Hai người vẫn trò chuyện với nhau suốt tuần lễ trước ngày cưới bất cứ ở đâu, bất cứ phương tiện nào. Lòng chị nôn nao theo đám cưới của anh, những diễn tiến được anh bàn tính với chị như với một người thân của mình. Chị ngậm ngùi vui cho hạnh phúc thật sự của anh nếu gọi đó là hạnh phúc. Người đàn bà ấy là ai chị không quan tâm, chị đếm mỗi ngày trôi qua trong niềm đau mất mát chưa từng có trong tâm hồn mình.

Ngày cưới đến....anh nhắn tin cho chị khi đang ngồi trên xe hoa đi rước dâu. Chị vừa trả lời vừa rơi nước mắt ...rằng chị muốn lẽ ra chị ngồi kế bên anh trong chiếc xe ấy, nhưng muộn mất rồi....thôi đành hẹn kiếp sau. Chuyện như thể đang đùa thế nhưng là có thật. Khi anh nhắn lần cuối sắp đến nhà cô dâu rồi, chị nói chị nẩy ý muốn đến nhà anh, đứng từ xa để nhìn anh thật sự ở ngoài đời một lần duy nhất trong ngày vui của anh. Anh vội khuyên chị đừng nên làm điều đó...

Nước mắt ràn rụa, chị vào nhà thay một bộ đồ bộ, khoát chiếc áo sơ mi cũ nhàu nhè chưa ủi, mượn cái nón lá của chị bếp, cầm một túi xách đen lép kẹp, mang đôi dép nhựa, mặt đeo khẩu trang và chị gọi xe ôm ra bến xe để đến nơi anh ở. Gần hai tiếng đồng hồ chị mới đến bến xe quê anh, chị lại đưa địa chỉ nhà anh và nhờ một anh xe ôm chở đi. Xe đi cũng khá xa và vòng vèo rồi thì chị thấy từ xa có một ngôi nhà dựng sạp bàn tiệc cưới.Chị dừng lại một khoảng cách, rồi trong lốt một người đàn bà nghèo khổ bán vé số dạo, chị lê đôi dép nhựa lệt sệt đi từng bước chân bủn rủn tiến về nhà anh. Người ra vào xôn xao chị loáng thoáng thấy anh đứng bên người vợ đang bị khuất lấp giữa bao nhiêu khách mời, họ hàng. Khi chị bước ngang qua cổng hoa, chị ngước mắt nhìn vào và thấy anh đang tươi cười bên cạnh cô dâu, anh thản nhiên nhìn người bán vé số dạo rồi tiếp tục nâng ly mời bạn bè vui vẻ. Vậy là sau hơn hai năm quen biết chị đã thấy tận mắt anh bằng xương bằng thịt ở ngoài đời. Chị bước từng bước chân âm thầm trên con phố nhỏ nơi anh sinh sống, một chiếc honda ôm lại đưa chị ra bến xe và chuyến xe bus lại dằn xốc đưa chị trở về Sài Gòn.

Thế là chị đã cùng một lúc đi dự đám cưới của anh và tự làm đám tang tiễn đưa cuộc tình của mình mà sao nghe mắt ráo hoảnh...những giọt nước mắt hình như cạn khô cả rồi....

Tóc mai
(19/07/2008)