PDA

View Full Version : Có cần để pin smartphone cạn kiệt rồi mới sạc?



Boulevard
28-08-2012, 11:25 AM
Có một thủ thuật mà mọi người vẫn thường khuyên nhau là nên sử dụng thiết bị cho đến khi pin hết rồi mới sạc pin, hoặc nên tháo hết điện trong pin ra rồi mới sạc, như thế sẽ bảo vệ được pin và đảm bảo tuổi thọ của chúng. Tuy nhiên, cách làm này không còn đúng với các thiết bị ngày nay nữa.

Lý do là hầu hết các thiết bị điện tử sản xuất trong những thập niên 80, 90 thường dùng loại pin nickel cadmium (NiCd). Pin NiCd sẽ giảm dần tuổi thọ nếu thường xuyên được sạc, trước khi chúng hoàn toàn hết pin. Chính vì thế, mọi người vẫn nghĩ cách làm này nên áp dụng cho các thiết bị ngày nay.

Tuy nhiên, hầu hết thiết bị điện tử hiện nay đều dùng loại pin lithium-ion. Pin lithium-ion không hoạt động giống như “người anh em” NiCd của chúng. Vì thế, bạn có thể sạc chúng bất kỳ khi nào bạn thích, và không có chút lợi ích gì khi tháo hết hoàn toàn năng lượng trong pin lithium-ion trước khi sạc chúng, thậm chí bạn không nên để pin cạn kiệt rồi mới sạc, mà nên sạc khi vạch báo xuống thấp. Thực tế, pin lithium-ion sẽ “chết hẳn” khi chúng đã hoàn toàn bị tiêu hao.

Sau đây là một số lưu ý khác giúp bạn chăm sóc pin tốt hơn.

Nóng là kẻ thù!
Pin điện thoại càng nóng, khả năng hoạt động của chúng càng bị tác động. Hãy lưu ý những bước sau để giữ pin luôn mát.
Không nên để điện thoại gần những chỗ có nhiệt độ cao.
Không nên để điện thoại trong người, vì hơi ấm của cơ thể cũng làm điện thoại ấm lên. Để điện thoại trong túi không tốt tí nào, hãy mua một chiếc bao, túi đựng điện thoại và để xa cơ thể ra.
Sử dụng những thiết bị giúp sạc pin nhanh có thể khiến pin nóng lên. Nên dùng bộ sạc giúp sạc điện thoại ở tốc độ chậm rãi.
Rút điện thoại ra ngay lập tức khi pin đã được sạc đầy.
Khi không dùng điện thoại hay pin trong một thời gian dài, nên rút hết điện trong pin và để ở một nơi mát mẻ.
Đừng bao giờ để pin bị cạn kiệt hoàn toàn
Như đã nói ở trên, bạn đừng bao giờ để pin Lithium-ion bị cạn kiệt hoàn toàn, và hãy thoải mái sạc, rút sạc pin bất kỳ khi nào bạn muốn.
Số lần sạc càng ít, càng tốt.
Trung bình số lần sạc pin càng ít, tuổi thọ của pin sẽ kéo dài hơn. Điều này nghĩa là bạn nên để pin tiêu hao được khoảng một nửa hoặc thấp hơn rồi hãy nên sạc, thì pin sẽ “sống khoẻ” hơn. Bởi thế, dù bạn có thể sạc pin lithium-ion bất kỳ khi nào bạn muốn, nhưng cũng không nên liên tục cắm sạc pin mỗi ngày.
Cuối cùng rồi nó cũng “chết”
Bạn phải chấp nhận điều này thôi, ngay cả khi bạn đã chăm sóc pin rất đúng cách. Thông thường, điều này sẽ xảy ra sau khoảng 3 năm sử dụng. Nếu bạn mua pin dự phòng, nhớ đừng “để dành” chúng tới 3 năm liền.

http://www.baomoi.com/Home/ThietBi-PhanCung/ictnews.vn/Co-can-de-pin-smartphone-can-kiet-roi-moi-sac/9203941.epi

Độc hành
28-08-2012, 03:27 PM
.................
Pin NiCd sẽ giảm dần tuổi thọ nếu thường xuyên được sạc, trước khi chúng hoàn toàn hết pin. .........
.................................................. .........
Đừng bao giờ để pin bị cạn kiệt hoàn toàn
Như đã nói ở trên, bạn đừng bao giờ để pin Lithium-ion bị cạn kiệt hoàn toàn, và hãy thoải mái sạc, rút sạc pin bất kỳ khi nào bạn muốn.
.................................................. ...............
http://www.baomoi.com/Home/ThietBi-PhanCung/ictnews.vn/Co-can-de-pin-smartphone-can-kiet-roi-moi-sac/9203941.epi

Bổ sung ý kiến cho vấn đề pin của smartphone (và cả pin của Máy tính xách tay)

Bài báo mạng Bou cho đã nêu một hai chỗ chưa rõ lắm về mặt kỹ thuật:

1-“ Pin NiCd sẽ giảm dần tuổi thọ nếu thường xuyên được sạc, trước khi chúng hoàn toàn hết pin..”

Đây là một lời cảnh báo sai – hay ít ra nó bị viết sai hoặc viết thiếu .Thực tế là tất cả các loại pin - chứ không chỉ riêng pin NiCd - sạc càng thường xuyên thì tuổi thọ càng ngắn, bởi vì pin chỉ có một số lần sạc nhất định (tùy loại, có thể dao động từ 300 đến 700 lần sạc.) Với pin có tuổi thọ khoảng 700 lần sạc, mỗi ngày bạn sạc một lần, bạn sẽ sử dụng được khoảng 2 năm. Nhưng nếu bạn sạc 2 lần một ngày thì chỉ một năm sau pin sẽ “chết”.

Riêng pin NiCd (Nicken Cadmium), nếu chúng ta chưa sử dụng đến hết điện mà đã sạc lại, thì không phải nó “giảm dần tuổi thọ” như bài viết, mà chính xác là nó sẽ giảm dần dung lượng (lượng điện chứa trong pin) sau mỗi lần sạc, bởi “hiệu ứng nhớ” xảy ra trong pin. Có thể vắn tắt về “hiệu ứng nhớ” như thế này: Nếu bạn chỉ mới sử dụng hết 60% dung lượng điện của pin mà đã cho sạc, thì pin sẽ ghi nhớ mức năng lượng từ lúc bắt đầu sạc vào cho đến khi đầy ( là 60%), và ở lần sạc sau, dù bạn có sử dụng cạn hết pin rồi mới sạc, thì pin cũng chỉ sạc đến mức 60% là ngưng, thông báo đã sạc đầy và không cho sạc thêm. Như vậy, một viên pin 1000 mAh sẽ chỉ còn 600 mAh. Và hiệu ứng nhớ vẫn sẽ còn tiếp tục làm giảm thêm dung lượng pin nếu chúng ta chưa sử dụng hết 600 mAh đó mà lại cho sạc.

Nhưng…đó là chuyện ngày xưa. Bây giờ thì gần như đã vắng bóng pin NiCd trên thị trường. Mà cho dù còn, thì nếu bạn sử dụng sạc và pin NiCD chính hiệu của hãng, thì bạn hãy cứ yên tâm mà sạc, cho dù là bạn chưa sử dụng cạn pin. Tất cả các nhà sản xuất đều biết rõ nhược điểm này của pin NiCd cho nên trong bộ sạc của họ đều có chế độ xả cạn pin trước khi sạc.

2- “Đừng bao giờ để pin bị cạn kiệt hoàn toàn
Như đã nói ở trên, bạn đừng bao giờ để pin Lithium-ion bị cạn kiệt hoàn toàn…”

Thêm một lời khuyên không rõ ràng ! Phải hiểu thế nào là “pin cạn kiệt hoàn toàn” ?
Nếu pin bạn đang sử dụng cho smartphone, hay ngay cả ĐTDĐ thông thường, thì không cần quan tâm tới lời khuyên đó. Hãng sản xuất ĐT đã lo chuyện đó cho bạn rồi. Bạn cứ thoải mái sử dụng cho đến khi điện thoại thông báo "Batteries are low”, thậm chí có thể sử dụng cho đến khi thiết bị của bạn tự động tắt cũng không sao cả. Lúc đó, pin của thiết bị vẫn còn 7%, hoặc 5% …tùy từng hãng sản xuất. Pin chỉ cạn kiệt hoàn toàn khi bạn tháo ra không sử dụng, lâu ngày rồi quên. Lúc đó pin sẽ tự xả điện đến cạn kiệt và có thể hư hỏng.

3-Cuối cùng là lời khuyên của tôi: “CHÚNG TA HÃY LUÔN LÀ NGƯỜI TIÊU DÙNG THÔNG MINH”

Sao tôi bỗng dưng lại cho lời khuyên như vậy nhỉ ? Cũng bởi tôi đọc thấy quá nhiều những kiến thức về IT trên mạng mà trong đó có rất nhiều những kiến thức đọc xong muốn …xỉu. Trong khi công nghệ tiến như vũ bão, có những thiết bị chỉ mới mua một vài tháng đã trở thành lạc hậu mà vẫn có người áp dụng những kiến thức từ những năm 80 –90 , cộng thêm chuyện nhiều người sử dụng công nghệ hiện đại mà lại tư duy theo lối “cò con”.

Các bạn cứ search trên mạng sẽ thấy rất nhiều những lời khuyên: “ Khi cắm điện sử dụng trực tiếp cho máy tính xách tay (MTXT) thì nên tháo pin, không để pin tự sạc nhiều lần quá sẽ làm chai pin.” Đó chắc chắn là lời khuyên của các anh “thợ làng”.

Pin máy tính xách tay ngoài chức năng cung cấp nguồn di động ở các nơi không có điện, nó còn giữ nhiệm vụ điều hòa điện lưới và bổ sung nguồn điện ngay lập tức cho MTXT khi điện lưới mất hoặc chập chờn. Những sự cố về điện lưới như thế rất dễ dàng hủy diệt ổ cứng, ram, hoặc mainboard của MTXT . Chưa bàn tới chuyện pin có chai hay không - bởi bạn có giữ kỹ đến mấy thì cũng chỉ sử dụng khoảng 3-4 năm là vứt - mà chỉ cần so sánh giá trị vật chất: Pin MTXT chỉ khoảng trên dưới một triệu, còn chiếc MTXT có rẻ thì cũng phải gấp 4-5 lần, đắt thì gấp hơn 50 lần giá của chiếc pin. Cháy mainboard thì kể như mua máy mới. Ngoài ra, nếu ổ cứng chứa những tài liệu quan trọng thì giá trị của nó còn không thể định nổi. Vậy mà người ta lại khuyên tháo pin ra để giữ cho khỏi chai, còn cái MTXT giá trị cao hơn rất nhiều thì mặc nó may rủi với lưới điện còn rất “phiêu” của chúng ta hiện nay.

Chi 500đ VN/ngày cho pin ĐTDĐ, cái giá đó có quá lớn với bạn không ? Chắc là không. Bởi chỉ cần gửi đi một hai cái tin nhắn là bạn đã chi nhiều hơn thế rồi. Nếu thấy cái giá đó không quá cao, thì bạn hãy cứ sử dụng pin ĐTDĐ thỏa thích theo ý bạn đi . Làm sao cho nó phục vụ công việc của bạn một cách tốt nhất. Cứ để đầu óc cho những việc quan trọng và đừng quan tâm tới cục pin. Dù có sử dụng thế nào thì bạn cũng không chi cao hơn số tiền đó cho pin ĐTDĐ của bạn đâu.
:D
Đ.H
28/8/2012

Boulevard
28-08-2012, 06:01 PM
Cái vụ nì Bou em mù tịt nên đọc cái gì cũng thấy hay để rút kinh nghiệm cho "máy" của mềnh ạ, cảm ơn anh vì bài viết, có gì hay anh nhớ post bài cho tụi em còn học hỏi lấy thêm kinh nghiệm cho mình ạ :)