PDA

View Full Version : Tiết kiệm và nâng cao chất lượng nghệ thuật các chương trình lễ hội:



Boulevard
23-02-2011, 12:25 PM
Tiết kiệm và nâng cao chất lượng nghệ thuật các chương trình lễ hội:
Chấn chỉnh ngay từ khâu kịch bản

VH- Mấy năm trở lại đây, nhiều tỉnh, thành phố tổ chức những chương trình lễ hội để nhằm tôn vinh di sản văn hóa, truyền thống lịch sử, cách mạng và quảng bá hình ảnh con người và đất nước ra với bạn bè quốc tế.

Bên cạnh những chương trình lễ hội được tổ chức hiệu quả, chất lượng nghệ thuật cao, tạo sự hấp dẫn cho du khách thì cũng có không ít những lễ hội nội dung còn na ná giống nhau, gây nên sự nhàm chán.

Trước tình trạng này, Nhà nước đã có nhiều chỉ thị yêu cầu giảm tần suất tổ chức lễ hội, tiết kiệm và nâng cao chất lượng nội dung nghệ thuật. Để việc tổ chức lễ hội thật sự mang lại hiệu quả cao từ nhiều mặt thì khâu kịch bản lễ hội cũng cần được chấn chỉnh một cách kiên quyết.

Sân khấu hóa làm mất đi tính thiêng

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó đáng kể là sự xuất hiện quen thuộc của một ê kíp bao thầu gồm tác giả, đạo diễn chạy sô hết lễ hội này đến lễ hội khác. Hàng loạt lễ hội gần đây cho người xem cái cảm giác chưa xem đã biết sẽ có gì. Một kịch bản sân khấu hóa được xào xáo tái sử dụng ở nhiều lễ hội, chỉ khác là thay đổi tên, nhân vật và sự kiện...

Lễ hội là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp con người hôm nay hiểu được công lao tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống văn hóa của quê hương của dân tộc, làm phong phú đời sống tinh thần, góp phần giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho người dân. Phần lớn các lễ hội gắn với sự kiện lịch sử và các lễ hội văn hóa dân gian của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những lễ hội thực sự có bản sắc riêng và tạo được sức hấp dẫn với đông đảo mọi tầng lớp dân chúng thì có những lễ hội, địa phương vì mải khuếch trương thanh thế và cứ nghĩ nhiều tiền đầu tư sẽ tạo nên tiếng vang đã làm mất đi bản sắc riêng của lễ hội. Lễ hội dân gian truyền thống lại được pha trộn tính “hiện đại” gây nên sự khập khiễng v.v...

Đạo diễn, NSND Lê Hùng, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết: “Những người tổ chức và dàn dựng các chương trình lễ hội hiện nay dựa vào “lễ” để sinh ra “hội”, dẫn tới một loạt các chương trình nhàm chán, na ná nhau. Họ nghĩ cứ phải sử thi mới hoành tráng, nên chỗ nào cũng phải dựng sử thi, đưa vào đó cảnh dựng nước, giữ nước, diễn biến lịch sử, niềm tin vào tương lai xán lạn của quê hương...

Một nghịch lý là chúng ta có một đội ngũ các tác giả, đạo diễn có thể làm rất tốt các chương trình lễ hội nhưng vì sao hầu hết khi tổ chức lễ hội, các địa phương và nhiều thành phố lại chỉ "nương nhờ" vào một số công ty tổ chức sự kiện và tác giả, đạo diễn các chương trình lễ hội cũng chỉ rơi vào tay một vài người... Không có chuyên môn, đặt hàng và thuê những người dàn dựng chương trình một cách rẻ nhất chính là nguyên nhân dẫn tới việc dư luận phản ứng với hàng loạt lễ hội gần đây”.

Đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành chia sẻ: “Khi xem một chương trình lễ hội của một công ty tổ chức sự kiện thực hiện, tác giả đứng tên kịch bản là một quan chức của địa phương. Tôi thấy rõ là kịch bản lễ hội đó là của tôi. Nhưng bây giờ lấy căn cứ gì để nói? Mình không đăng ký tác quyền. Hơn thế, để làm rõ mọi sự việc rất mất thời gian, nên chỉ có cách đứng nhìn sản phẩm của mình đang bị “đánh cắp” mà thôi”.

Nâng cao tính chuyên nghiệp trong dàn dựng lễ hội
Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết: “Hiện nay nước ta chưa đào tạo chuyên ngành viết kịch bản lễ hội. Những người được mời viết kịch bản lễ hội hiện nay đang tự làm đơn điệu các lễ hội khi dựa theo lối viết kịch bản sử thi, lịch sử... Cái thiếu và yếu của chúng ta hiện nay là thiếu những tác giả và đạo diễn lễ hội chuyên nghiệp để nâng cao tính chuyên nghiệp về nội dung và hình thức!”.

Đã hơn một lần từ chối không dàn dựng lễ hội cho địa phương bởi không đồng tình với cách làm của ban tổ chức, đạo diễn Lê Quý Dương cho biết: “Theo tôi, chúng ta cần phải thay đổi tư duy làm lễ hội. Lễ hội phải là hoạt động văn hóa được tổ chức do dân, vì dân và hướng tới nâng cao các giá trị đời sống vật chất và tinh thần cho họ. Tôi thấy một số lễ hội gần đây đã không thu hút được sự tham gia và hưởng ứng của nhân dân địa phương. Theo tôi, muốn các lễ hội mang được bản sắc văn hóa của từng vùng miền phải huy động được sự sáng tạo và tham gia của chính người dân ở đó!”.

Đó là chưa kể hiện nay, bản thân người tổ chức và tham gia dàn dựng lễ hội cũng chưa hiểu rõ mục tiêu và đặc điểm riêng của từng lễ hội, dẫn tới việc sân khấu hóa lễ hội một cách thô vụng, xa rời đặc trưng và ý tưởng của từng lễ hội...

Việc tái hiện sân khấu hóa các lễ hội theo sử thi nhưng chính bản thân người viết, người dựng còn chưa hiểu thấu đáo về lịch sử, không biết tạo nên những điểm nhấn để khoe được cái hay, cái độc đáo riêng từng lễ hội. Lễ hội phải gắn liền với văn hóa, đời sống của người dân ở từng vùng, miền. Lễ hội không phải sáng tác dựa trên một khuôn mẫu nhất định, vì vậy sẽ không nhàm chán nếu biết cách làm”.

Bước vào mùa lễ hội năm 2011, các cơ quan chức năng đang xiết chặt công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Thiết nghĩ, đó cũng là nội dung mà các địa phương, ngành khi được phép tổ chức lễ hội cần phải đổi mới.

Thúy Hiền

Boulevard
23-02-2011, 12:29 PM
http://www.baovanhoa.vn/sankhau/33475.vho

http://www.baovanhoa.vn/sankhau/33475.vho

Tuần này em ra quân 3 ky về lễ hội

VH- Nguyên nhân nào dẫn đến chất lượng nghệ thuật của một số lễ hội gần đây bị sa sút, trùng lặp và gây bức xúc trong dư luận? Và đâu là những giải pháp khắc phục tình trạng này để những chương trình nghệ thuật trong lễ hội (Festival) thật sự là dịp tôn vinh các bậc tiền nhân, giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống và quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương đến với công chúng? “Bàn tròn” của những người trong cuộc dưới đây sẽ phần nào trả lời những câu hỏi ấy.
Điều gì khiến chất lượng nghệ thuật của một số lễ hội sa sút?

Đạo diễn, NSND Lê Hùng: Mới chỉ quan tâm tới “cái tiếng”

Nguyên nhân là do các địa phương đua nhau tổ chức và bắt chước lẫn nhau. Tỉnh này thấy tỉnh kia tổ chức thì cũng làm. Họ chỉ cần "cái tiếng" mà không quan tâm tới chất lượng. Người dân háo hức nườm nượp đổ về nhưng xem một lần chán, lần sau chẳng ai tới...

Những lễ hội dân gian như Lễ hội Đền Bà chúa Kho, Lễ hội Bắc Ninh, Hội Lim Quan họ... hoặc những lễ hội như Lễ hội Hoa Đà Lạt vì sao không cần phải khuếch trương thì người dân vẫn đổ về? Đó là vì những lễ hội đó vốn đã có bản sắc riêng. Tôi nghĩ rằng việc tổ chức lễ hội ở các tỉnh nên xem lại, không phải cứ tỉnh nào cũng phát triển ra làm lễ hội để cho “ra lò” hàng loạt những lễ hội giống nhau.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Vấn đề là phải biết "chọn mặt gửi vàng"!



Lễ hội văn hóa dân gian cũng có kịch bản lễ hội nhưng kịch bản đó là tự phát và được các thế hệ tự chọn lọc qua hàng mấy chục năm, hình thành nên một khung kịch bản riêng cho từng lễ hội.

Hiện nay, nhiều người cứ nghĩ rằng ai cũng có thể viết kịch bản lễ hội, trong khi trên thực tế để viết một kịch bản lễ hội thành công đòi hỏi người viết không chỉ có tinh thần trách nhiệm mà còn phải có sự am hiểu về văn hóa và thẩm mỹ.

Theo tôi, việc giao cho các công ty tổ chức sự kiện làm các lễ hội cũng không sao. Vấn đề là người tổ chức phải biết "chọn mặt gửi vàng" cẩn thận, tìm ra các công ty có đủ tư cách pháp nhân, đủ năng lực tài chính lẫn việc huy động tài năng để đảm nhận.

Tác giả Vũ Hải: Chưa coi trọng người viết kịch bản


Tôi có cảm giác mọi người chưa thực coi trọng người viết kịch bản lễ hội nên sẵn sàng để một vị quan chức địa phương nào đó có thể đứng ra viết kịch bản cho chương trình lễ hội.

Với nhiều người, một kịch bản chương trình lễ hội quá đơn giản, chỉ cần vài cái gạch đầu dòng, vài trang kịch bản là xong và đưa cho nhạc sĩ, biên đạo múa thực hiện. Thế nên chúng ta mới có một loạt các chương trình lễ hội được thể hiện được mang tên như “Âm vang”, “Hướng tới tương lai”... một cách đồng loạt.

Đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành: Nhiều chương trình thất bại vì rơi vào tay...
Sở dĩ việc tổ chức một số lễ hội bị nghiệp dư hóa là do người tổng đạo diễn của lễ hội đó không được học, không có ý thức tự học... Việc qua cầu các công ty tổ chức sự kiện theo tôi cũng có thể chấp nhận. Vì không phải những người làm nghệ thuật như chúng tôi lúc nào cũng phải đứng ra lo từng ly từng tý một về chuyện chi tiền âm thanh, ánh sáng, lấy diễn viên ở đâu...

Nhưng mặt khác, hiện nay có một số "cai đầu dài" với danh nghĩa công ty tổ chức sự kiện khi đứng ra mời ê kíp dàn dựng chỉ cốt làm thế nào bớt tiền kinh phí dàn dựng, tăng phần "tư túi" chứ không đặt cái lớn nhất là chất lượng của chương trình. Nhiều chương trình lễ hội bị thất bại bởi rơi vào các công ty tổ chức sự kiện không có thực lực.

Cần thẩm định kỹ kịch bản

Đạo diễn, NSND Lê Hùng: Cần có cấp thẩm định kịch bản và thực hiện

Theo tôi, cần phân biệt ra hai loại lễ hội. Những lễ hội dân gian truyền thống ở địa phương thì do địa phương quản lý. Nhưng với những lễ hội mang tính sự kiện lớn ở vùng, miền thì cần phải thẩm định kỹ kịch bản. Thật là phi lý khi nghệ sĩ của chúng ta phải qua "cầu" của các công ty để làm văn hóa. Tiền bạc dĩ nhiên là bị thất thoát rất nhiều.

Tôi cũng xin nhấn mạnh vì sao nhiều lễ hội được tổ chức không thu được hiệu quả bởi lẽ chương trình được dàn dựng thông qua người đứng ra thuê chỉ cốt thu lợi nhuận sẽ khác với chương trình của những người có trách nhiệm được cơ quan nhà nước chỉ định.

Hiện nay, các địa phương cứ đổ xô vào một số tên tuổi tác giả, đạo diễn thường xuất hiện trong các chương trình lễ hội, trong khi lực lượng nghệ sĩ của ta thì rất hùng hậu. Đây chính là lý do khiến các chương trình bị hạn chế và mất đi sự phong phú, đa dạng.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Nâng cao cả trình độ hội đồng duyệt
Theo tôi, khắc phục tình trạng này không khó. Quan trọng là cần có sự cẩn thận hơn, tính toán hơn để tìm ra một đội ngũ sáng tạo cho thích hợp. Điều này sẽ giảm bớt những cái dở của các lễ hội hiện nay. Vấn đề không chỉ nâng cao chất lượng của đội ngũ dàn dựng chương trình lễ hội mà còn cần nâng cao cả trình độ và thành phần của các hội đồng duyệt chương trình lễ hội.

Đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành: Vì sao đạo diễn trẻ khó len chân?

Lớp tác giả viết kịch bản lễ hội chưa có nhưng chúng ta không thiếu những đạo diễn lễ hội. Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đã mời tôi dậy lớp đạo diễn sự kiện và lễ hội. Trường hiện đang có một lớp chính quy tuyển sinh từ năm 2007.

Ngoài ra đã tổ chức được 3 lớp đào tạo ngắn hạn, có lớp đã tốt nghiệp. Học sinh theo học rất đông có cả những nhà sư tham gia để về làm lễ hội cho các lễ hội của phật giáo.

Tôi thấy có nhiều người có khả năng tổ chức lễ hội, có thể tự viết kịch bản và dàn dựng các lễ hội nhưng vì họ quá trẻ và quá mới nên chưa nhà tổ chức nào dám mạnh dạn mời họ. Làm lễ hội, chúng ta không chỉ coi trọng tính chuyên nghiệp trong các chương trình mà còn phải quan tâm tới tính quần chúng trong các màn trình diễn của nghệ thuật quần chúng.

Thuý Hiền

thực hiện