PDA

View Full Version : Nuối tiếc



thuphong
04-02-2011, 08:44 PM
.

Tuyệt vời cho ai đó đã được sống một cuộc đời không có gì phải nuối tiếc. Đó thật sự là một cuộc đời hiếm có, bởi đa phần sau một thời gian sống, ai cũng chợt nhận ra mình cũng có điều gì đó để tiếc nuối, dù ít dù nhiều. Và, ngẫu nhiên hay tất yếu chẳng biết, những tiếc nuối xót xa nhất lại luôn vướng một chữ “tình”.

Muộn màng

Sáu mươi tư tuổi, sau một cơn tai biến, nằm trên giường bệnh những ngày cuối đời, ông nhắn gọi. Nàng đến. Thua ông 23 tuổi, đang những ngày chín mọng của cuộc đời, nàng cầm lấy tay ông, ngồi yên lặng suốt một buổi chiều. Bàn tay ông có những ngón dài, thon mảnh, yếu ớt. Cách đây mười năm, nàng đã “chiến đấu” quyết liệt với gia đình ông để giật lấy bàn tay ấy, nhưng “chiến bại”. Thân thể đang nằm trên giường bệnh này đã một thời là tất cả vũ trụ của nàng. Vũ trụ ấy giờ đang thoi thóp dưới tấm chăn nhàu nhĩ của bệnh viện. Cuối buổi chiều, vợ ông đến, bắt đầu những thao tác vệ sinh tại chỗ. Ông mở mắt nhìn, cầu khẩn. Nàng im lặng quay ra.

Họ chưa hề có với nhau một ngày trọn vẹn. Vợ ông canh giữ ông như một thứ tài liệu tuyệt mật - không được đọc, không được sao chép, thậm chí không được chạm vào bìa. Ông cũng tự kiềm chế mình: vị trí xã hội, con cái, gia đình… Tất cả giữ họ bằng những sợi dây trói trong suốt. Giờ, những sợi dây cũng chẳng còn nữa, vì một trong hai kẻ bị trói sắp trở thành hư vô.

Lẽ ra, họ đã có thể sống, có thể ôm giữ nhau khi những cánh tay còn sức lực, có thể tựa đầu vào vai nhau khi bờ vai còn ấm, có thể đi cùng nhau một quãng đường khi đôi chân còn rộn ràng. Họ đã chọn con đường an toàn hơn, nhưng đến cuối cuộc đời, xét cho cùng, cũng chẳng còn gì đáng giá.

Có những cái người ta mất mà không tiếc, nhưng cũng có cái không mất mà tiếc – tiếc vì đã bỏ lỡ, tiếc vì đã không dám liều lĩnh một lần - biết đâu cuộc đời mình đã có thể khác. Kể tên được những tiếc nuối này không dễ, vì chúng quá cá nhân, quá dễ đụng chạm đến những người gần gũi với mình.

VietBao.vn

Thử hình dung mình trong một cửa hàng thời bao cấp. Người mua đứng trước quầy, nhìn món hàng trên giá, cân nhắc xem nó có đúng là thứ mình thích, thầm ước lượng số tiền mình đang có rồi mới nhờ cô mậu dịch viên lấy xuống cho xem, chỉ được xem một chút vì người bán hàng gắt gỏng, sốt ruột canh chừng khách có quyết định mua hay không. Nhiều khi món hàng mình thích, nhưng ngại này ngại khác, người ta không dám nhờ lấy xuống xem, không được chạm vào, nên không thể quyết định mua bán. Đa phần sau đó, người ta tự trấn an mình rằng món hàng ấy không phù hợp.

Nhưng giờ đã là siêu thị. Mọi món hàng bày sẵn trên giá. Có thể cầm lấy săm soi, thậm chí có thể thử một chút, không thích thì bỏ xuống. Thích vật gì đó, chọn bỏ vào giỏ hàng mang đi, ra đến quầy tính tiền tự nhiên không thích nữa, gặp món khác thích hơn hoặc thấy mình không đủ tiền để mua, có thể quay lại đặt món hàng lên đúng kệ, hoặc để đại đâu đó, sẽ có người sắp xếp lại sau. Có người bảo, chọn nhiều lần chưa chắc được hàng tốt - “già kén kẹn hom”. Ngược lại, cũng không phải không có lý khi cho rằng có nhiều “options” - nhiều lựa chọn, mới là tốt thực sự. Cái gì mình muốn, cứ đi thẳng đến, cầm lấy, phải thử mới biết nó phù hợp với mình hay không. Trong siêu thị cuộc đời, đừng bao giờ tự mình ngăn mình, để rồi phải tiếc nuối.

Thà tiếc những gì đã làm…

Phần đẹp đẽ, tươi tắn của tình yêu thường được ngợi ca trong những tình khúc bất tử, những câu chuyện tình rực rỡ, những mối tình cháy bỏng mãnh liệt vượt lên trên những ràng buộc của người đời, đòi hỏi ở người trong cuộc những hy sinh không nhỏ, thậm chí bi thảm. Phần còn lại, lớn hơn, mênh mông phong phú hơn, phần tạo ra sự dày dặn vĩ đại của cuộc sống này, thuộc về đám đông chúng ta: những kẻ (hơi hơi) hèn nhát, rất ít khi, hoặc không bao giờ dám chấp nhận liều lĩnh, hy sinh, bị ràng buộc bởi quá nhiều thứ, bị mối đe dọa mất an toàn làm cho ngại ngần… nên chỉ muốn sống một cuộc sống bình yên, với những gam màu trung tính và âm thầm tiếc nuối cho những khát khao mãnh liệt, những cảm xúc đẹp đẽ nhưng ít nhiều hiểm nguy. Không phải cứ khi nào mất mát người ta mới nuối tiếc. Còn nỗi nuối tiếc nhân bản và sâu sắc hơn: nuối tiếc vì đã không dám làm một điều gì đó trong đời.
VietBao.vn

Thật khó chia sẻ nỗi tiếc nuối này, khi ta vẫn đang quanh quẩn, vẫn còn bị ràng buộc bởi những nhu cầu cơ bản. Cũng như khó mong chia sẻ trọn vẹn về dải ánh sáng lộng lẫy sắc màu với một người trong đời chưa bao giờ thực sự nhìn thấy một chiếc cầu vồng. Thông thường, chỉ khi nào những nhu cầu cơ bản được đáp ứng đầy đủ, con người cảm thấy an toàn trong môi trường phát triển của mình, mới xuất hiện những khát vọng cao hơn, những mong muốn xa hơn. Còn lại, người ta khó chấp nhận, thậm chí có thể gọi đó là tham lam, “được voi đòi tiên”, không thể thông cảm. Chồng là của vợ, vợ là của chồng, vợ chồng là phải chung thủy - những điều ấy thật đẹp, thật cơ bản, nhưng niềm tin rằng đó là chân lý duy nhất, chân lý tuyệt đối, sẽ chỉ biến những chúng ta thành những kẻ giáo điều. Giá trị sâu sắc nhất vẫn là tình yêu. Thiếu tình yêu, chung thủy sẽ biến thành một thứ nhà tù cao cấp. Canh giữ lẫn nhau, riết róng với nhau cho đến hết cuộc đời, cho đến khi đôi tay ấy, bờ vai ấy tàn rụi xuống như những phiến gỗ mục, rồi ta được gì hơn?

Vậy nên, trong mênh mông cuộc đời này, nếu chạm được, sẽ thấy một dòng tiếc nuối trôi chảy lặng lẽ mà vô cùng mãnh liệt. “Trong tình yêu, thà nuối tiếc những gì ta đã làm còn hơn là nuối tiếc những gì ta không làm” – câu ngạn ngữ cổ xưa ấy nhắc: con người ít ra cũng được phép sai lầm một đôi lần trong đời, để thấy rằng mình đã sống, để thấy rằng mình cũng có thể bao dung…

Việt Báo (Theo PNO)



Đầu năm đọc một bài báo với những suy nghĩ mới lạ, thường là người ta khuyên nhau nên tránh xa những sai lầm, nên giữ gìn thì bài này lại khuyên người ta liều lĩnh... quả là lạ...

OA _ NỮ
05-02-2011, 08:05 AM
Chính vì
chúng ta: những kẻ (hơi hơi) hèn nhát, rất ít khi, hoặc không bao giờ dám chấp nhận liều lĩnh, hy sinh, bị ràng buộc bởi quá nhiều thứ, bị mối đe dọa mất an toàn làm cho ngại ngần
Cho nên mới
nuối tiếc vì đã không dám làm một điều gì đó trong đời.

Đoạn này hay thật
Chồng là của vợ, vợ là của chồng, vợ chồng là phải chung thủy - những điều ấy thật đẹp, thật cơ bản, nhưng niềm tin rằng đó là chân lý duy nhất, chân lý tuyệt đối, sẽ chỉ biến những chúng ta thành những kẻ giáo điều. Giá trị sâu sắc nhất vẫn là tình yêu. Thiếu tình yêu, chung thủy sẽ biến thành một thứ nhà tù cao cấp. Canh giữ lẫn nhau, riết róng với nhau cho đến hết cuộc đời, cho đến khi đôi tay ấy, bờ vai ấy tàn rụi xuống như những phiến gỗ mục, rồi ta được gì hơn?

Khi tình yêu đồng hành với hôn nhân thì chung thủy là điều tất yếu. Khi tình yêu chết thì chung thủy cũng chôn theo xuống mộ phần. Hôn nhân trở thành tấm bia đá để khắc bốn chữ hoài niệm và tiếc nuối.

ADam_Hn
08-02-2011, 09:14 AM
Đồng ý với cả 2 Đồng Chí.