PDA

View Full Version : Giải cứu "dế" khi gặp trời mưa



TeacherABC
27-09-2010, 02:14 PM
Giải cứu "dế" khi gặp trời mưa

Trời mưa đúng là nỗi ám ảnh của bất cứ người dùng điện thoại nào. Đó là điều kiện thời tiết được xem là “khắc tinh” của điện thoại.

Chỉ một chút nước thấm vào, hay chỉ là cái không khí ẩm ướt của mùa mưa cũng “sẵn sàng” làm chiếc di động đắt tiền của bạn “chết đứng”. Nhưng đừng quá lo lắng, bởi có nhiều cách để “tránh hạn” cho chiếc điện thoại của bạn. Xin đề cử những giải pháp bảo vệ “chú dế” mùa mưa…

“Có kiêng có lành”

Đây là cách được nhiều người áp dụng. Cách này khá đơn giản bởi bạn chẳng cần chuẩn bị gì nhiều. Khi đang đi trên đường, bỗng gặp trời mưa, bạn chỉ cần... bỏ điện thoại vào cốp xe hoặc bỏ vào trong giỏ xách. Nếu cẩn thận hơn, bạn có thể tắt nguồn điện thoại để phòng tránh rủi ro có thể xảy ra.

Song, dù an toàn nhưng giải pháp này bị một số người dùng chê bai vì tính bất tiện của nó. Nào là họ không thể biết ai đã gọi điện cho mình trong thời gian chiếc điện thoại “nghỉ phép” nếu tắt máy, hoặc gọi đến mà chẳng bắt máy, sợ người gọi không hài lòng. Các lý do này xem ra cũng khá thỏa đáng. Nhưng không phải là không có cách.

Nếu như bạn chọn giải pháp cất điện thoại mà không tắt nguồn, bạn có thể sử dụng các chương trình từ chối cuộc gọi lịch sự. Ưu điểm của chương trình này là bạn có thể thiết lập theo yêu cầu riêng của mình, chẳng hạn như máy đổ chuông 3 hồi mà không bắt thì tự động cúp. Cạnh đó, một số chương trình dạng này còn cho phép bạn quy định nội dung tin nhắn sẽ gởi đến số máy đã gọi nếu bạn không trả lời. Khi nhận được tin nhắn này, hẳn ai đó gọi cho bạn sẽ cảm thấy chẳng phiền lòng tí nào. Nhưng hạn chế của cách này là chỉ có thể sử dụng trên một số dòng điện thoại thông minh, có hỗ trợ hoặc có thể cài thêm ứng dụng từ hãng thứ ba.

Còn nếu bạn chọn giải pháp tắt máy, bạn có thể đăng ký thêm dịch vụ cuộc gọi nhỡ từ tổng đài. Lúc này, dù bạn không mở máy, chẳng ai gọi cho bạn được, nhưng bạn vẫn sẽ biết chi tiết số điện thoại nào gọi cho mình vào thời gian nào khi bật máy lên. Đây là dịch vụ tiện ích khá hay, đáng tiếc là rất ít người nghĩ đến dịch vụ này khi sử dụng điện thoại trong mùa mưa.

Thậm chí, nếu “chịu chơi” hơn, bạn có thể đăng ký hẳn dịch vụ hộp thư thoại cho số thuê bao của mình. Với dịch vụ này, bạn chẳng cần bận tâm về “đời” máy của mình bởi dịch vụ được kích hoạt trực tiếp từ nhà mạng. Khi bạn tắt máy hoặc không trả lời, tổng đài sẽ tự động báo cho người gọi biết và thâu âm lại nội dung họ muốn nhắn đến bạn. Khi đã vào “vùng an toàn”, bạn chỉ cần truy cập vào hộp thư thoại để biết nội dung những cuộc gọi này.

Đánh giá: 8/10

“Thương em chẳng biết để đâu…”

Đúng là “cái khó ló cái khôn”. Chẳng muốn bỏ lỡ cuộc gọi nào, nhưng cũng nơm nớp trời mua sẽ làm hỏng điện thoại, thế là vài người nghĩ ra “chiêu” bỏ điện thoại vào túi chống thấm (túi ni-lông), sau đó vẫn mang theo bên người như bình thường. Đây đúng là cách khá hay, song nó vẫn có chút rủi ro, thí dụ như nếu chiếc túi ấy không kín thì... “tai bay vạ gió”. Và dù cho bạn có cẩn thận đi nữa thì vẫn còn một rào cản: có thể chất lượng loa thoại và khả năng thâu âm của máy giảm đáng kể, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc gọi. Nhưng nếu chiếc điện thoại của bạn có “loa to tiếng lớn” thì phương án này... khỏi chê.

Có một giải pháp cũng chấp nhận được là sử dụng tai nghe kèm với chiếc điện thoại đã được đặt trong túi kín. Lúc này, mọi cuộc thoại của bạn sẽ do tai nghe đảm nhận, chẳng ảnh hưởng gì đến điện thoại. Cạnh đó, đa phần các loại tai nghe hiện nay đều rất khó hư hỏng khi gặp điều kiện ẩm ướt. Và dù có hỏng hóc đi nữa thì đây vẫn là linh kiện có mức giá khá rẻ so với giá trị của chiếc điện thoại, và đôi khi rẻ hơn giá trị của chính cuộc gọi đó.

Song khi áp dụng phương pháp này, bạn nên cẩn thận kẽ hỡ ở miệng túi, nơi dây tai nghe đi qua, đó có thể là vật dẫn nước lý tưởng đấy.

Đánh giá: 9/10

“Việc to đừng lo tốn”

Hai giải pháp trên được xem là giải pháp bình dân bởi thật ra bạn chẳng cần đầu tư gì cho việc bảo vệ điện thoại mùa mưa. Mà có đi nữa cũng không tốn kém nhiều. Còn đây lại là một giải pháp khác cũng rất hiệu quả, độ rủi ro thấp nhưng phải chịu... đầu tư. Xem ra giải pháp này chỉ dành cho những bạn nào có điều kiện.

Đầu tiên là việc săn tìm những linh kiện chuyên dụng có thể giúp chú “dế” khỏi bị ướt. Có thể là phương pháp trực tiếp như tìm mua những bộ vỏ silicon. Loại vỏ này ngoài tác dụng tăng độ bám cho điện thoại, chống trầy xước vỏ máy, sốt ít chúng còn phần nào cản trở sự xâm nhập của nước và hơi ẩm vào bên trong máy. Cách gián tiếp khác là bạn có thể “sưu tầm” các loại phụ kiện bổ trợ có khả năng chống thấm cao, như tai nghe, đặc biệt là loại tai nghe không dây. Khi sử dụng loại phụ kiện này, cộng với phương pháp “đặt em trong túi” ở trên, vậy là bạn hoàn toàn an tâm rằng chiếc điện thoại của mình chống nước tuyệt đối.

“Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, nếu khả năng cho phép, bạn có thể sắm hẳn một chiếc điện thoại khác để... sơ-cua trong mùa mưa. Đó là những chiếc điện thoại như Samsung B2100, Nokia 3720, Sony Ericsson C702, Siemens M75... Những chiếc điện thoại này được thiết kế khá đặc biệt với lớp vỏ có gioăng cao su chống thấm, khe loa, khe micro có lớp màng bảo vệ và nắp pin được chốt lại khá cứng với kiểu lẫy xoắn ốc như ở các chi tiết máy. So ra, dù có vô tình quẳng chúng vào nước, thì ngay lập tức “khắc tinh” này cũng khó có thể xâm lấn vào bên trong điện thoại được, huống chi chỉ là điều kiện mưa rơi.

Đánh giá: 6/10

“Việc người để mặc người lo, việc mình mình phải so đo ân cần”

Vẫn còn một cách khác an toàn, hiệu quả, hoàn toàn không có rủi ro mà ít cần đầu tư hơn việc trang bị thêm một chiếc điện thoại khác. Cách này còn giúp bạn phòng tránh được các rủi ro ảnh hưởng trực tiếp đến mình trong điều kiện “mưa to gió lớn”. Đơn giản thôi, vừa thấy mưa, bạn nên tấp ngay vào… quán cà phê nào đó. Chỉ mất vài ngàn đến vài chục ngàn là bạn đã giải quyết được cả vấn đề... hóc búa.

Đây là phương pháp... vi diệu. Nghĩ xem, bạn chẳng phải hối hả theo kiểu “chạy trời không khỏi... mưa”, chẳng sợ bị tai nạn do hạn chế tầm nhìn, chiếc điện thoại của bạn lại hoàn toàn khô ráo. Bạn cũng chẳng cần phải tắt máy, chẳng phải bỏ lỡ bất kỳ cuộc gọi nào. Đúng là “lưỡng toàn kỳ mỹ”!

Thật ra, cách này còn rất an toàn theo... tiêu chuẩn quốc tế. Bạn nên biết việc sử dụng điện thoại trong điều kiện mưa to là rất nguy hiểm bởi bạn có thể trở thành... chiếc cột thu lôi di động. Khi điện thoại được bật, sóng phát ra từ chiếc điện thoại vô tình có thể trở thành điều kiện dẫn điện tuyệt vời cho những tia sét.

Dù vẫn còn nhiều tranh luận quanh đề tài này song nhiều nhà khoa học cho rằng việc không sử dụng điện thoại trong khi trời mưa hoặc thậm chí là không mang chúng theo bên mình là tốt nhất. Các bác sĩ ở Anh đã ghi nhận về trường hợp một bé gái bị sét đánh trúng khi đang dùng máy cầm tay trong một công viên lớn của thành phố, trong điều kiện mưa to. Ngoài ra còn rất nhiều trường hợp khác tương tự tại các quốc gia khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia...

(24h)