PDA

View Full Version : Xả thân cứu cả đoàn tàu Thống Nhất



TeacherABC
11-08-2010, 10:59 PM
Xả thân cứu cả đoàn tàu Thống Nhất

Khi chiếc xe ben bất ngờ xuất hiện trên đường ray, ông Thức đã giữ chặt cần hãm giảm tốc (thay vì chỉ gạt cần hãm rồi lùi người lại). Hành động dũng cảm đó đã cứu hơn 300 hành khách, nhưng lái tàu mất một cánh tay.


Sau vụ tàu hỏa húc xe tải sáng 6/8 ở xã Tiên Tân (Duy Tiên, Hà Nam), hơn 300 hành khách đều bình an, nhưng người lái tàu, ông Trương Xuân Thức, đang phải vật vã với những vết thương trên khắp cơ thể.

Một phần ba cánh tay trái của ông đã bị cắt vì dập nát, được bó bột trắng xóa. Chân phải cũng bị băng vì cơ đùi dập nát, vỡ gót chân phải. Khuôn mặt có hàng chục mũi khâu ngang dọc. Đã sang ngày thứ sáu sau vụ tai nạn, ông Thức vẫn chưa nói được. Nhìn ông trên giường bệnh, người nhà và đồng nghiệp ai cũng rơm rớm nước mắt.

http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/F1/8A/lai.jpg
Ông Trương Xuân Thức đang được vợ chăm sóc tại Bệnh viện Việt Đức.

Lái phụ Đào Quang Hưng, người cũng bị thương ở chân cho biết, do lái tàu lâu năm nên ông Thức thuộc hết đoạn đường giao cắt với đường ngang dân sinh. Đến đoạn qua xã Tiên Tân, cũng là khúc cua và có đường ngang dân sinh, ông Thức rú còi liên tục để cảnh báo.

Nhưng khi tàu qua khỏi khúc cua thì phía trước khoảng 100 mét xuất hiện một xe ben màu vàng đang cố băng sang đường sắt. Ngay lập tức, ông Thức kéo cần hãm độc và giữ chặt cần cho đến khi đầu tàu va chạm với xe tải.

Sau khi đâm và đẩy xe tải trên đường ray vài chục mét, đầu tàu cùng hai toa sau bị lật nghiêng. Tay chân ông Thức bị kẹt chặt bởi các thiết bị bên trong buồng lái, người ở tư thế treo. Phải nhờ một người dân ở huyện Duy Tiên dũng cảm lao vào cứu mới đưa được ông Thức đến bệnh viện.

Ông Nguyễn Đình Thông, Giám đốc Xí nghiệp đầu máy Hà Nội cho rằng, trong trường hợp gặp chướng ngại vật như vậy, ông Thức có thể hãm phanh rồi nhảy ra ngoài, hoặc gạt cần hãm độc, lùi lại khoảng 50 đến 70 cm thì sẽ không bị thương, hoặc nếu có chỉ bị nhẹ. Nhưng ngược lại, tốc độ đoàn tàu sẽ giảm rất chậm, và tai nạn sẽ vô cùng thảm khốc bởi sẽ không chỉ 3 toa bị lật như đã xảy ra.

“Nhưng anh Thức đã không làm vậy. Anh dùng hết sức mình để giữ chặt cần gạt hãm dù biết sẽ bị thương. Chính hành động của anh đã cứu hơn 300 hành khách trong chuyến tàu ấy”, ông Thông nghẹn ngào nói.

http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/F1/8A/3.jpg
Ông Trương Xuân Thức bị kẹt trong buồng lái khi đầu tàu lật nghiêng.

Từng là lái tàu, Bí thư Đảng ủy Xí nghiệp đầu máy Hà Nội Dương Đình Thắng cho rằng, hành động của ông Thức rất đáng biểu dương bởi với khoảng cách 800 m hãm phanh đã là quá khó, huống hồ là 100 m.

“Anh Thức đã chấp nhận hy sinh để cứu hành khách, cứu đoàn tàu. Khi đưa được anh ra khỏi buồng lái, chúng tôi đã mời các giáo sư, bác sĩ đầu ngành để cố giữ lại bàn tay trái cho anh, nhưng không thể. Anh ấy đã vĩnh viễn không thể lái tàu”, ông Thắng ngậm ngùi cho hay.

Người gầy rộc, mắt đỏ hoe, vợ ông Thức, bà Lê Kim Thoa kể lại bà đã gần như chết ngất khi tin nghe chồng bị nạn. Túc trực cả ngày ở bệnh viện, thấy ông ú ớ không nói được, nhăn mặt vì vết thương hành hạ, bà nhói lòng. “Ông ấy chẳng chịu ăn gì. Lúc ngủ vẫn còn giật mình vì trong giấc mơ vụ tai nạn khủng khiếp ấy vẫn cứ hiện về”, bà Thoa nói.

Bà Thoa đau đáu nỗi lo khi chồng, người kiếm tiền nuôi cả gia đình, sẽ không còn khả năng lái tàu. Bà chỉ là nhân viên tạp vụ cho một cơ quan nhà nước, thu nhập chẳng đáng là bao, trong khi lại phải nuôi con gái duy nhất đang học cao đẳng năm thứ hai.

"Rời quân ngũ, anh Thức đi học lái tàu, rồi về học tiếp, thi lên phụ bậc 1 rồi phụ bậc 2. 22 năm công tác trong ngành đường sắt, anh Thức vẫn đạp xe đi làm. Vợ chồng sống tằn tiện và nuôi cô con gái đi học”, giám đốc Nguyễn Đình Thông nói.

8h30 sáng 6/8, trong lúc cố băng qua đường sắt, một xe ben chở cát đã bị đoàn tàu TN6 chạy từ Nam ra Bắc húc và đẩy đi xa khoảng 50 m.

Xe tải nát bươm, đầu tàu và 2 toa xe liền kề chứa máy phát điện và hành lý bị lật. Lái chính, lái phụ đoàn tàu và tài xế xe tải đều bị thương, trong khi hơn 300 hành khách trên tàu vẫn an toàn.

Vụ tai nạn đã làm ách tắc giao thông trên quốc lộ 1A đoạn qua Hà Nam, gián đoạn tuyến đường sắt Bắc - Nam khiến 12 chuyến tàu bị trễ giờ.

(VNEXPRESS)

TeacherABC
11-08-2010, 11:02 PM
Ý kiến của bạn đọc trên mạng:

Đáng khâm phục!

Hành động của anh thật đáng khâm phục! Hy sinh thân mình để cưu 300 mạng người, mong rằng các bác sẽ sống tốt để xứng đáng với sự hy sinh đó của anh...

(Nga)



Cháu cảm phục sự dũng cảm của chú!

Khi đọc những bài báo viết về vụ tai nạn, và biết sự dũng cảm của chú để cứu tàu và cứu người, cháu thực sự cảm phục chú. Mong sao lãnh đạo ngành đường sắt có chế độ và trợ cấp hợp lý cho chú. Chúc chú mau lành.

(halong emotion)



Một hành động dũng cảm

Cảm phục! Một hành động hy sinh dũng cảm, đáng khâm phục và cần được mọi người chia sẻ. Hãy cùng góp sức để giúp anh qua cơn nguy hiểm và cuộc sống sau khi bình phục vì thương tật vĩnh viễn của anh Thức.

(Mịnh Trị)



Một tấm lòng nhân ái

Đọc xong bài này thật cảm động. Những người lao động tay chân, chân chính của Việt Nam thật tuyệt vời. Chú Thức đã không hề nghĩ đến bản thân nữa khi đứng trước tình huống đó. Thật cảm ơn chú Thức. Nhờ thế mà đã cứu không biết bao nhiêu gia đình thoát cảnh ly tan. Gửi đến chú Thức lòng cảm kích sâu sắc. Chúc chú nhanh mạnh khỏe.

(Nguyễn Nhật Trình)



Cảm ơn anh

Dù không có người thân hay bạn bè trên cùng chuyến tàu với anh, nhưng hành động của anh khiến tôi phải cảm phục, cầu mong cho anh chóng bình phục. Ngành đường sắt có anh thật đáng tự hào! Mong các lãnh đạo ngành có chế độ đặc biệt cho anh và gia đình.

Quý báo cho tôi được biết nơi anh đang điều trị để chúng tôi có thể chia sẻ một phần khó khăn với gia đình anh.
Chúc anh và gia đình đủ nghị lực để vượt qua khó khăn.

(Hũu Vĩnh)



Vô cùng cảm phục

Một bài báo như thế này, nếu đúng sự thật, làm sao không thể comment. Vô cùng cảm phục, chú là một anh hùng. Nguyên nhân vì sao xảy ra vụ tai nạn cần làm rõ, để trừng phạt chính xác những kẻ vi phạm pháp luật.

(Trang)



Hành động của ông thật đáng phục

Hành động của ông thật đáng kính trọng, đáng biểu dương! Một người tốt, người có tâm! Mong các cơ quan, đoàn thể liên quan hết sức giúp đỡ, tạo điều kiện cho ông và gia đình.

(Quynh)



Xả thân cứu cả đoàn tàu Thống Nhất

Thật quả cảm và đáng tự hào là người Việt Nam.

(chuhe)



Anh hùng thời bình

Anh Thức thật dũng cảm, cần biểu dương kịp thời. Dám hy sinh mình cứu hành khách thật xứng đáng anh hùng thời bình. Tôi nghĩ xí nghiệp đầu máy Hà Nội và Tổng công ty đường sắt có chính sách hỗ trợ lâu dài cho anh Thức và gia đình anh. Cảm phục anh vô cùng.

(PVT)



Chính sách thương binh

Thời giải phóng đất nước chúng ta có những người liệt sĩ thương binh. Nay thời bình tuy nhiên vẫn có những con người hy sinh hoặc bị thương tật trong quá trình lao động hay làm nhiệm vụ vì tập thể. Những hành động như vậy ngoài biểu dương khen thưởng để làm gương cho xã hội, nhà nước cần có những chế độ biệt đãi cho những người không còn đủ sức khỏe để lao động. Để làm sao họ có thể sống được một mức sống trung bình khá trong xã hội. Đó là những việc nên làm của nhà nước được xem là của dân do dân và vì dân.

(Duy)



Cảm ơn bác rất nhiều

Dù không phải là người đi trên đoàn tàu ngày hôm ấy nhưng đọc bài báo trong lòng cháu vô cùng biết ơn hành động của bác đã đem đến sự an toàn cho những người đi trên đoàn tàu. Cha mẹ cháu là cũng làm trong ngành đường sắt và thường xuyên di chuyển bằng tàu hỏa. Ngành đường sắt có những người như bác quả thật đáng quý biết bao. VnExpress ơi, chúng tôi muốn góp chút gì đó để tỏ tấm lòng với bác Thức, hãy chỉ giúp chúng tôi làm cách nào nhé?

(An)



Ủng hộ người lái tàu dũng cảm Trương Xuân Thức

Đây quả là một tấm gương anh dũng hy sinh vì cộng đồng. Tại sao chúng ta không quyên góp để tỏ lòng biết ơn với một tấm lòng và sự hy sinh như vậy? Đề nghị báo mở chiến dịch kêu gọi lòng hảo tâm của cộng đồng, tôi tin chắc rằng đã và sẽ có rất nhiều người muốn góp phần để ông Thức và gia đình giảm bớt nỗi đau này.

(H.Phương)

Phu sinh
12-08-2010, 01:06 AM
Ah! Lẽ ra hành động như thế phải được tuyên dương và có chế độ xứng đáng để làm gương chứ nhỉ!

onesieuthi
12-08-2010, 01:18 AM
chắc chắn nhà nước sẽ có, nhưng chỉ e là chế độ đãi ngộ không được tốt, không đủ nuôi sống gia đình nhỏ với đứa con đang học cao đẳng

TeacherABC
12-08-2010, 11:30 PM
'Tôi đã cắn rách dép da để cứu anh lái tàu'

Bất chấp tiếng hô “tàu cháy”, anh Đại vẫn bám trụ trong buồng lái, vừa cạy ốc tháo ghế cứu ông Thức, vừa khóc. Đúng lúc ấy, điều kỳ diệu đã đến, con ốc bung ra, anh ôm chầm thân thể lái tàu ướt đẫm máu, bế ra ngoài.


Một tuần sau vụ tai nạn tàu hỏa sáng 6/8, trong căn nhà mái ngói hai gian ở thôn Mạc, xã Tiên Tân (Duy Tiên, Hà Nam), anh Nguyễn Quang Đại (43 tuổi) kể lại quá trình cứu lái tàu Trương Xuân Thức.

Nghe tin có vụ lật tàu, anh Đại phóng xe từ nhà ra hiện trường. Thấy một người chui ra từ buồng lái, anh tự nhủ lái tàu thường hai người, sao đây chỉ có một. Vội chạy lên buồng lái, ghé mắt vào trong, anh phát hiện một người đàn ông ngồi nguyên trên ghế lái, hai chân, hai tay bị kẹt cứng và do tàu lật nghiêng nên tư thế bị treo ngược.

Anh la lớn “Vẫn còn người trên tàu”, rồi đập vỡ cửa kính lao vào trong. Sờ mặt người lái tàu thấy vẫn còn thở, nhưng máu từ trán, mặt, tay, chân đang chảy ra đầm đìa, anh Đại ôm vội lấy người lái tàu định kéo ra ngoài, song không tài nào kéo được. Toàn thân ông ấy đang bị ép chặt giữa ghế ngồi và phần đầu tàu.

Máu ông Thức chảy liên tục, anh Đại liền vơ chiếc khăn mặt trên đầu tàu xé làm đôi, quấn chặt lấy cánh tay trái dập nát của nạn nhân. Nửa còn lại của chiếc khăn, anh dùng lau mặt cho ông Thức, rồi lấy thuốc lào trong túi đắp vào các vết rách ở trán, mặt, mũi để cầm máu.

http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/F2/50/dai.jpg
Vợ chồng anh Nguyễn Quang Đại làm nông nghiệp, thời gian nông nhàn anh làm thêm nghề mộc.

“Ngày đi bộ đội, gặp nhiều trường hợp bị thương nên tôi hiểu phải nhanh chóng cầm máu, không thì nguy mất. Anh ấy bị mắc kẹt, đợi đến lúc đưa được ra ngoài băng bó thì có lẽ chết vì mất máu”, người nông dân nhỏ thó, da đen bóng nở nụ cười hiền lành.

Sau 15 phút sơ cứu, anh Đại lại lau mặt cho nạn nhân, kiểm tra đầu, tai, mắt rồi thở phào “tạm ổn rồi, giờ chỉ cần đưa anh ấy ra ngoài là sẽ được cứu sống”. Nhưng lúc này, do ông Thức đã ngất vì kiệt sức, anh Đại lại phải bấm huyệt, xoa bóp giúp ông dần tỉnh lại.

Việc đưa ông Thức ra khỏi vị trí đang mắc kẹt không hề dễ dàng. Nhân viên cứu hộ bắt đầu dùng cần cẩu để nâng đầu tàu ra nhằm giải thoát nạn nhân. Nhưng vừa kéo lên chút đỉnh thì ông Thức nhăn mặt đau đớn. Anh Đại đề nghị dừng ngay bởi cần cẩu can thiệp càng làm ông Thức bị ép chặt.

Ở thời khắc nguy nan, trong đầu anh chợt lóe lên suy nghĩ đã là ghế thì phải di chuyển được. Dùng đèn điện thoại soi về phía sau ghế, anh mừng rỡ reo lên “em tìm được cách cứu anh rồi” và hồ hởi băng sang đường vào nhà một người sửa xe máy mượn toàn bộ cờ-lê, mỏ lết.

Chiếc ghế có 5 con ốc và hai cái chốt. Anh tháo được 4 ốc và 2 chốt, nhưng con ốc cuối cùng thì không tài nào tháo được bởi nó đã bị bẹp dúm. Hai chiếc cờ-lê đã gãy nhưng con ốc vẫn không nhúc nhích. Gần như tuyệt vọng, anh Đại ôm lấy ông Thức khóc “trời không cho em cứu anh rồi”.

“Trong nước cờ cuối cùng, tôi đã hét mọi người ở ngoài có cái gì có thể mở được chiếc ốc thì ném vào đây. Cũng may trong số đó có một chiếc móc lốp, và chính nó đã giúp tôi cứu được anh”, anh Đại cho hay.

Anh Đại kể cho đến giờ, điều anh nhớ nhất vẫn là “nước” cuối cùng. Trong lúc đang cố gắng cứu ông Thức thì ở bên ngoài hô “tàu cháy rồi”. Người hỗ trợ giục anh ra, nhưng anh vừa cố sức cạy chốt của con ốc cuối, vừa làm, vừa khóc “nếu thực sự tàu cháy thì trời không cho em cứu anh”.

Nhưng chính trong giây phút ấy, điều kỳ diệu đã đến, con ốc cuối bung ra. Anh ôm chầm lấy người lái tàu đang ướt đẫm máu lôi ra.

“Tưởng vậy là xong nhưng chân phải của anh ấy vẫn bị một thanh sắt ép chặt. Nhìn kỹ tôi thấy chân anh đi dép da, chỉ cần lấy được dép là người sẽ thoát. Tôi định lấy dao khoét nhưng sợ làm anh bị thương. Tay anh ấy đã dập nát rồi, giờ khoét chân thì sau này sống thế nào. Vậy là tôi dùng miệng cắn rách chiếc dép và bế anh ra ngoài”, anh Đại nhớ lại.

Trong suốt 2 tiếng hì hục trong buồng lái tối om, ngột ngạt vì quá chật, anh Đại cho biết nhiều lần phải hét lên với ông Thức “nếu anh muốn về với vợ con thì đừng rên nữa, để em còn tâm trí mà giúp anh”.

“Đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao lúc ấy mình khỏe thế. Tay chân bị đầu tàu đè cho thâm tím mà không cảm thấy gì. Ngay cả đến lúc người ta hô tàu cháy tôi cũng chỉ nghĩ phải cứu được anh Thức. Nghĩ dại, nếu chẳng may tàu nổ thì vợ con tôi sẽ ra sao”, anh Đại cười.

http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/F2/50/dai4.jpg
Ngôi nhà vợ chồng anh Đại khá tuyền toàng, nhưng ấm cúng. Trong ảnh là vợ chồng anh cùng 3 con.

Ông Nguyễn Đình Thông, Giám đốc Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội, xúc động cho biết: “Sau tai nạn, anh Thức bị mắc kẹt vào ghế, nếu muốn đưa ra thì phải cưa chân. Nhưng anh Đại đã không làm thế, nhanh ý đi mượn cờ-lê về tháo ốc vít. Rồi lúc nghe báo cháy, anh Đại vẫn cần mẫn tháo ghế, đưa anh Thức ra ngoài”.

Ông Thông cho biết thêm, sở dĩ không thể dùng cưa máy đưa nạn nhân ra vì có rất nhiều dầu mỡ tràn ra ngoài, nếu dùng cưa thì có thể gây cháy, càng nguy hiểm hơn. "May quá, trong lúc nguy cấp, nhờ sự thông minh, dũng cảm của anh Đại mà anh Thức đã được cứu sống", ông Thông nói.

Nghe chồng kể về việc cứu người, chị Ngô Thị Thục không tỏ ra ngạc nhiên mà cho biết tính chồng chị là vậy, rất hay giúp người. Thời con đi bộ đội ở Tây Bắc, một đồng đội của anh không biết bơi, bị lũ cuốn trôi. Ai cũng sợ không dám bơi ra, nhưng anh Đại đã mưu trí xé màn, võng nối lại, buộc vào người mình và bơi ra giữa dòng nước cứu bạn.

"Phục viên về quê, đi đâu thấy người gặp nạn anh đều giúp. Có lần đi chợ bán rau từ 5h sáng, một người phụ nữ đi xe đạp bị ôtô tông rồi bỏ chạy, anh đã bỏ hết rau của mình lại vệ đường, đèo người ta vào bệnh viện. Sau này, gia đình họ đã tìm tới để cảm ơn", chị Thục kể.

Mong muốn lớn nhất của anh Đại là ngành đường sắt làm rào chắn ở những nơi có đường dân sinh cắt ngang với đường sắt. “Cứ tình trạng đường sá mọc tự phát, cắt qua đường sắt thế này thì nguy hiểm đến tính mạng người dân, người đi tàu nữa”, anh Đại nói.

(VNEXPRESS)

TeacherABC
12-08-2010, 11:40 PM
Nhân viên đường sắt góp tiền giúp người xả thân cứu tàu

Sáng nay, cán bộ nhân viên Xí nghiệp đầu máy Hà Nội đã quyên góp được 72 triệu đồng để chuyển đến gia đình lái tàu Trương Xuân Thức, người đã quên thân mình cứu hơn 300 hành khách trên đoàn tàu Thống Nhất hôm 6/8.

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Đình Thông, Giám đốc Xí nghiệp đầu máy Hà Nội, cho biết hôm qua lãnh đạo xí nghiệp đã đến thăm và trao tận tay 10 triệu đồng từ quỹ phúc lợi của doanh nghiệp cho gia đình ông Thức ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).

"Sáng nay chúng tôi vận động cán bộ, nhân viên xí nghiệp và đã quyên góp được 62 triệu đồng, dự định làm thành sổ tiết kiệm để chuyển cho gia đình. Ngoài ra toàn bộ viện phí của anh Thức, chúng tôi sẽ lo chu toàn", ông Thông nói.

Giám đốc Thông khẳng định, trường hợp của ông Thức rất đặc biệt, gia cảnh khó khăn, hành động mưu trí dũng cảm cứu cả đoàn tàu Thống Nhất, lãnh đạo xí nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ bằng cách bố trí một công việc phù hợp với sức khỏe tại xí nghiệp sau khi ông xuất viện.

http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/F2/2D/1d.jpg
Cán bộ nhân viên Xí nghiệp đầu máy Hà Nội đến thăm lái tàu Trương Xuân Thức trưa 11/8.

Về phía Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Khuất Minh Trí cho biết đã đến thăm hỏi, chuyển 2 triệu đồng trích từ quỹ xã hội, quỹ cứu trợ tai nạn của công đoàn Tổng công ty cho gia đình ông Thức.

"Đó chỉ là số tiền hỗ trợ ban đầu. Công đoàn sẽ kiến nghị Tổng công ty xem xét để có mức hỗ trợ tối đa. Chúng tôi cũng sẽ vận động nhân viên Tổng công ty quyên góp giúp đỡ gia đình anh", ông Trí nói.

Trong thư gửi về VnExpress, nhiều độc giả đã bày tỏ sự cảm phục trước hành động dũng cảm của lái tàu Trương Xuân Thức. Bạn Nhu Nguyen viết: "Cháu thật sự cảm động và không thể nào tin nổi. Ở thời buổi này còn có người dám xả thân để cứu người và để làm tròn nghĩa vụ trong công việc của mình".

Một lái tàu công tác tại Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn chia sẻ: "Chỉ biết nói hai chữ tự hào khi có một đồng nghiệp đã sống và hành động như thế. Mong anh sớm bình phục để trở về với gia đình và bạn bè. Trên những dặm đường Nam Bắc hôm nay sẽ thiếu vắng anh, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thành hành trình mà anh đã chia tay".

Nhiều độc giả đề nghị được đóng góp để giúp gia đình lái tàu Trương Xuân Thức vượt qua được khó khăn...

8h30 sáng 6/8, trong lúc cố băng qua đường sắt, một xe ben chở cát đã bị đoàn tàu TN6 chạy từ Nam ra Bắc húc và đẩy đi xa khoảng 50 m. Xe tải nát bươm, đầu tàu và 2 toa xe liền kề chứa máy phát điện và hành lý bị lật. Lái chính, lái phụ đoàn tàu và tài xế xe tải đều bị thương, trong khi hơn 300 hành khách trên tàu vẫn an toàn.

Vụ tai nạn đã làm ách tắc giao thông trên quốc lộ 1A đoạn qua Hà Nam, gián đoạn tuyến đường sắt Bắc - Nam khiến 12 chuyến tàu bị trễ giờ.

Gió chiều
13-08-2010, 05:55 PM
"...........................

Tôi thấy tôi thương những chuyến tàu
Ngàn đời không đủ sức đi mau
Có chi vướng víu trong hơi máy
Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau

Bánh nghiến lăn lăn quá nặng nề
Khói phì như nghẹn nỗi đau tê
Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ
Lòng của người đi kéo kẻ về

............................................"
(Tế Hanh)

Hành động dũng cảm của người lái tàu và cả người cứu anh đều khiến chúng ta cảm phục.