Cùi Bắp
04-08-2010, 09:59 PM
Tác giả: Lê Thiết Cương
Bài đã được xuất bản.: 04/08/2010 06:00 GMT+7
Tất cả những tranh luận ồn ào gần đây liên quan đến FIAP và các nhiếp ảnh gia đoạt giải của tổ chức này chỉ có thể giải quyết rốt ráo nếu chúng ta rạch ròi về khái niệm: Nhiếp ảnh và ứng dụng của nhiếp ảnh.
Chỉ đơn giản thế này, đã là ảnh thì phải có thông tin, thông điệp, tức là phải có tính báo chí, phải được chụp bằng 2 đặc thù của nhiếp ảnh là tính thời điểm và lưu giữ. Cho tôi được cực đoan để nêu rõ vấn đề: Ảnh ở mức cao nhất thì không cần kỹ thuật, không cần nghệ thuật, không cần phải bố cục này nọ, không cần làm xiếc về ánh sáng kiểu như sáng ven, sáng ngược, bóng đổ chiều tà và những xảo thuật mộng mị vớ vẩn.
Bức ảnh của nhiếp ảnh gia người Anh, Tim Hetherington "Sự mệt mỏi của người đàn ông và sự mệt mỏi của quốc gia" đoạt giải Ảnh của năm của Tổ chức Ảnh báo chí thế giới năm 2007 là một ví dụ. Ảnh chụp một người lính Mỹ ở chiến trường Afghanistan tay ôm đầu đang ngả người vào giao thông hào, chỉ thế thôi là quá đủ, quá "ảnh" về sự sa lầy của Mỹ tại cuộc chiến này. Bố cục không lạ mắt, ánh sáng không có gì. Thông tin vẫn phải là sức mạnh chính của nhiếp ảnh.
Phần còn lại của nhiếp ảnh tức là nhiếp ảnh ứng dụng trong đó có loại ảnh mà ta gọi là Ảnh nghệ thuật, bên cạnh đó còn có ảnh quảng cáo, ảnh in lịch thậm chí cả ảnh y tế (X-quang, CT Scanner...). Mỗi loại ảnh đều có một tiêu chí riêng vì thế không nên (không được) so sánh.
http://tuanvietnam.net/assets/Uploads/TimHetherington.jpg
Bức ảnh của nhiếp ảnh gia người Anh, Tim Hetherington "Sự mệt mỏi của người đàn ông và sự mệt mỏi của quốc gia" đoạt giải. Ảnh: foto8.com.
Ảnh Nghệ thuật như một bức cô gái đội nón cầm hoa mặc áo dài bay trong gió, miệng cười tươi hở ra hàm răng trắng nõn, đố ai bảo là không đẹp, treo bức đó trong nhà thì sang trọng biết mấy. Nhưng không ai dám treo trong phòng ngủ bức ảnh của Eddie Adams chụp tháng 2/1968 tại Sài Gòn miêu tả tướng cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan đang dí súng vào thái dương của một chiến sỹ đặc công, cho dù bức ảnh ấy đoạt giải Pulitzer năm 1969. Không nên gộp Ảnh và Ảnh ứng dụng làm một, không nên lấy tiêu chí của loại này để đánh giá loại kia.
Bên Mỹ thuật đã chia ra từ lâu, Mỹ thuật (tranh) và Mỹ thuật ứng dụng (trang trí nội thất, vẽ kiểu bàn ghế giường tủ...), một bức tranh lụa đẹp khác với một chiếc quần lụa được thiết kế đẹp. Chính vì khác nhau nên một bức ảnh chụp về tiêm chích ma túy cũng khó như chụp một bức ảnh quảng cáo cho loại kim tiêm chỉ dùng một lần. Chụp chùm ảnh về các cô gái bán dâm đứng đường cũng vất vả như chụp lịch cho Bộ Y tế về đề tài bao cao su OK.
Không tách bạch Ảnh và Ảnh ứng dụng thì tranh luận mãi vẫn tăm tối. Nếu cứ đánh giá các bức ảnh đoạt giải FIAP bằng con mắt báo chí thì rõ ràng các bức ảnh đó đều ít nhiều nhàn nhạt, đèm đẹp, na ná, cu cũ, giông giống. Kiểu đánh giá này là không nên. Ngược lại nếu bảo bức ảnh ông Nick Út chụp cô gái bị bom na-pal là xấu (về mặt thị giác) thì cũng chẳng sai. Nếu tác giả gửi bức ảnh này đi dự thi FIAP thì chắc chắn sẽ trượt. Ngược lại, gửi ảnh của Trần Huy Hoan hay Thái Phiên đi dự World Press Photo thì cũng chẳng ăn được giải gì.
Nói chung, mỗi loại ảnh có một chức năng riêng, không nên trộn làm một, không nên đứng núi này phê phán núi nọ. Theo tôi, một số bài báo phê bình các ảnh đoạt giải FIAP của các nghệ sĩ Việt Nam là "thiếu công bằng", lại còn bảo họ là "ảo tưởng" cũng không hẳn đúng. Chả ảo gì, họ là nghệ sĩ nhiếp ảnh, chụp được ảnh đẹp và đoạt giải, điều đó là thật chứ ảo gì. Và họ cũng chẳng vỗ ngực xưng mình là nhiếp ảnh gia báo chí bao giờ. Hơn nữa FIAP là tổ chức có nghệ sỹ của hơn 100 nước tham gia, trong đó có cả những nước có truyền thống nhiếp ảnh như Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc... Ai có việc của người ấy, thập loại chúng sinh, thập loại nhu cầu.
Nhân đây cũng xin phép được nói nốt: Nếu có một số người chụp nào đó ảo tưởng thì cũng không nhiều bằng những tin, bài giới thiệu về các tác phẩm đoạt giải FIAP đầy trên báo chí những năm vừa qua. Tôi cho rằng chính báo chí ảo tưởng chứ không phải các tay máy ảo tưởng.
Một chuyện nữa, ngoài lề, nhưng tôi vẫn muốn nêu lên, các bài báo phê phán FIAP và các nghệ sĩ Việt Nam đoạt giải của tổ chức này trong thời gian qua đều là các cây viết rất cứng tay nhưng phần lớn không ký tên chính mà dùng bút danh. Điều đó không sai, không phạm luật báo chí nhưng theo luật tâm (giả sử như vậy) thì có nên làm thế không? Khi tranh luận một số vấn đề thì nên chăng dùng tên chính, không nên dùng bút danh, như thế sẽ "fair-play" hơn.
http://tuanvietnam.net/assets/Uploads/0508Fi15L.jpg
Mỗi loại ảnh đều có một tiêu chí riêng vì thế không nên (không được) so sánh. Ảnh: baoanhvn.
Ví dụ nhà phê bình văn học và dịch giả Phạm Xuân Nguyên phê bình nhiếp ảnh FIAP trong mục xã luận của báo Tuổi Trẻ hôm 22/7, sai đúng chưa bàn nhưng anh ấy không dùng bút danh Ngân Xuyên như thường lệ là chơi rất sòng phẳng.
Cũng không thể bảo những người đoạt giải của FIAP là nghiệp dư được, họ cũng chuyên nghiệp theo quan điểm chụp đó. Cũng không nên cho rằng nhiếp ảnh Việt Nam không tiến bộ. Nhiều người được giải FIAP là tiến bộ. Nhiều những tên tuổi trong làng ảnh báo chí là tiến bộ. Có thể kể ra: Trần Việt Đức, Lê Anh Tuấn, Xuân Trường, Việt Thanh, Đoàn Đạt, Phan Quang, Doãn Khởi, Lê Quang Nhật, Hoài Linh, Lưu Quang Phổ, Việt Dũng, Na Sơn..., một lực lượng quá hùng hậu.
Sài Gòn Tiếp Thị là tờ báo mạnh nhất về thể loại ảnh báo chí, tờ này duy trì đều đặn mấy năm nay hai trang phóng sự ảnh về mọi mặt đời sống. Sau đó là Tuổi Trẻ Cuối tuần và Tuổi Trẻ Chủ nhật (mới đây); Thanh Niên, Lao Động không bằng nhưng thỉnh thoảng cũng có chùm ảnh phóng sự tốt, báo Thương Nghiệp hay Hải Quan không dành đất cho ảnh báo chí thì không tiếc lắm. Nhưng Thể thao Văn Hóa là tờ báo của Thông tấn xã lại không có trang ảnh phóng sự báo chí là đáng tiếc .
Theo tôi, nền Nhiếp ảnh Nghệ thuật Việt Nam có nhiều tấm gương đáng tự hào, những lớp kế thừa cũng đã đông và mạnh. Nhiếp ảnh Báo chí thời chiến tranh gần như không có, ảnh báo chí thời hậu chiến, khoảng 20 năm tính từ 1975, không có. Nay thì đã có, đã lớn mạnh và ngày càng nhiều hơn. Thế là đủ, là tốt, có đi xuống đâu mà cần phải vực dậy?
Bài đã được xuất bản.: 04/08/2010 06:00 GMT+7
Tất cả những tranh luận ồn ào gần đây liên quan đến FIAP và các nhiếp ảnh gia đoạt giải của tổ chức này chỉ có thể giải quyết rốt ráo nếu chúng ta rạch ròi về khái niệm: Nhiếp ảnh và ứng dụng của nhiếp ảnh.
Chỉ đơn giản thế này, đã là ảnh thì phải có thông tin, thông điệp, tức là phải có tính báo chí, phải được chụp bằng 2 đặc thù của nhiếp ảnh là tính thời điểm và lưu giữ. Cho tôi được cực đoan để nêu rõ vấn đề: Ảnh ở mức cao nhất thì không cần kỹ thuật, không cần nghệ thuật, không cần phải bố cục này nọ, không cần làm xiếc về ánh sáng kiểu như sáng ven, sáng ngược, bóng đổ chiều tà và những xảo thuật mộng mị vớ vẩn.
Bức ảnh của nhiếp ảnh gia người Anh, Tim Hetherington "Sự mệt mỏi của người đàn ông và sự mệt mỏi của quốc gia" đoạt giải Ảnh của năm của Tổ chức Ảnh báo chí thế giới năm 2007 là một ví dụ. Ảnh chụp một người lính Mỹ ở chiến trường Afghanistan tay ôm đầu đang ngả người vào giao thông hào, chỉ thế thôi là quá đủ, quá "ảnh" về sự sa lầy của Mỹ tại cuộc chiến này. Bố cục không lạ mắt, ánh sáng không có gì. Thông tin vẫn phải là sức mạnh chính của nhiếp ảnh.
Phần còn lại của nhiếp ảnh tức là nhiếp ảnh ứng dụng trong đó có loại ảnh mà ta gọi là Ảnh nghệ thuật, bên cạnh đó còn có ảnh quảng cáo, ảnh in lịch thậm chí cả ảnh y tế (X-quang, CT Scanner...). Mỗi loại ảnh đều có một tiêu chí riêng vì thế không nên (không được) so sánh.
http://tuanvietnam.net/assets/Uploads/TimHetherington.jpg
Bức ảnh của nhiếp ảnh gia người Anh, Tim Hetherington "Sự mệt mỏi của người đàn ông và sự mệt mỏi của quốc gia" đoạt giải. Ảnh: foto8.com.
Ảnh Nghệ thuật như một bức cô gái đội nón cầm hoa mặc áo dài bay trong gió, miệng cười tươi hở ra hàm răng trắng nõn, đố ai bảo là không đẹp, treo bức đó trong nhà thì sang trọng biết mấy. Nhưng không ai dám treo trong phòng ngủ bức ảnh của Eddie Adams chụp tháng 2/1968 tại Sài Gòn miêu tả tướng cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan đang dí súng vào thái dương của một chiến sỹ đặc công, cho dù bức ảnh ấy đoạt giải Pulitzer năm 1969. Không nên gộp Ảnh và Ảnh ứng dụng làm một, không nên lấy tiêu chí của loại này để đánh giá loại kia.
Bên Mỹ thuật đã chia ra từ lâu, Mỹ thuật (tranh) và Mỹ thuật ứng dụng (trang trí nội thất, vẽ kiểu bàn ghế giường tủ...), một bức tranh lụa đẹp khác với một chiếc quần lụa được thiết kế đẹp. Chính vì khác nhau nên một bức ảnh chụp về tiêm chích ma túy cũng khó như chụp một bức ảnh quảng cáo cho loại kim tiêm chỉ dùng một lần. Chụp chùm ảnh về các cô gái bán dâm đứng đường cũng vất vả như chụp lịch cho Bộ Y tế về đề tài bao cao su OK.
Không tách bạch Ảnh và Ảnh ứng dụng thì tranh luận mãi vẫn tăm tối. Nếu cứ đánh giá các bức ảnh đoạt giải FIAP bằng con mắt báo chí thì rõ ràng các bức ảnh đó đều ít nhiều nhàn nhạt, đèm đẹp, na ná, cu cũ, giông giống. Kiểu đánh giá này là không nên. Ngược lại nếu bảo bức ảnh ông Nick Út chụp cô gái bị bom na-pal là xấu (về mặt thị giác) thì cũng chẳng sai. Nếu tác giả gửi bức ảnh này đi dự thi FIAP thì chắc chắn sẽ trượt. Ngược lại, gửi ảnh của Trần Huy Hoan hay Thái Phiên đi dự World Press Photo thì cũng chẳng ăn được giải gì.
Nói chung, mỗi loại ảnh có một chức năng riêng, không nên trộn làm một, không nên đứng núi này phê phán núi nọ. Theo tôi, một số bài báo phê bình các ảnh đoạt giải FIAP của các nghệ sĩ Việt Nam là "thiếu công bằng", lại còn bảo họ là "ảo tưởng" cũng không hẳn đúng. Chả ảo gì, họ là nghệ sĩ nhiếp ảnh, chụp được ảnh đẹp và đoạt giải, điều đó là thật chứ ảo gì. Và họ cũng chẳng vỗ ngực xưng mình là nhiếp ảnh gia báo chí bao giờ. Hơn nữa FIAP là tổ chức có nghệ sỹ của hơn 100 nước tham gia, trong đó có cả những nước có truyền thống nhiếp ảnh như Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc... Ai có việc của người ấy, thập loại chúng sinh, thập loại nhu cầu.
Nhân đây cũng xin phép được nói nốt: Nếu có một số người chụp nào đó ảo tưởng thì cũng không nhiều bằng những tin, bài giới thiệu về các tác phẩm đoạt giải FIAP đầy trên báo chí những năm vừa qua. Tôi cho rằng chính báo chí ảo tưởng chứ không phải các tay máy ảo tưởng.
Một chuyện nữa, ngoài lề, nhưng tôi vẫn muốn nêu lên, các bài báo phê phán FIAP và các nghệ sĩ Việt Nam đoạt giải của tổ chức này trong thời gian qua đều là các cây viết rất cứng tay nhưng phần lớn không ký tên chính mà dùng bút danh. Điều đó không sai, không phạm luật báo chí nhưng theo luật tâm (giả sử như vậy) thì có nên làm thế không? Khi tranh luận một số vấn đề thì nên chăng dùng tên chính, không nên dùng bút danh, như thế sẽ "fair-play" hơn.
http://tuanvietnam.net/assets/Uploads/0508Fi15L.jpg
Mỗi loại ảnh đều có một tiêu chí riêng vì thế không nên (không được) so sánh. Ảnh: baoanhvn.
Ví dụ nhà phê bình văn học và dịch giả Phạm Xuân Nguyên phê bình nhiếp ảnh FIAP trong mục xã luận của báo Tuổi Trẻ hôm 22/7, sai đúng chưa bàn nhưng anh ấy không dùng bút danh Ngân Xuyên như thường lệ là chơi rất sòng phẳng.
Cũng không thể bảo những người đoạt giải của FIAP là nghiệp dư được, họ cũng chuyên nghiệp theo quan điểm chụp đó. Cũng không nên cho rằng nhiếp ảnh Việt Nam không tiến bộ. Nhiều người được giải FIAP là tiến bộ. Nhiều những tên tuổi trong làng ảnh báo chí là tiến bộ. Có thể kể ra: Trần Việt Đức, Lê Anh Tuấn, Xuân Trường, Việt Thanh, Đoàn Đạt, Phan Quang, Doãn Khởi, Lê Quang Nhật, Hoài Linh, Lưu Quang Phổ, Việt Dũng, Na Sơn..., một lực lượng quá hùng hậu.
Sài Gòn Tiếp Thị là tờ báo mạnh nhất về thể loại ảnh báo chí, tờ này duy trì đều đặn mấy năm nay hai trang phóng sự ảnh về mọi mặt đời sống. Sau đó là Tuổi Trẻ Cuối tuần và Tuổi Trẻ Chủ nhật (mới đây); Thanh Niên, Lao Động không bằng nhưng thỉnh thoảng cũng có chùm ảnh phóng sự tốt, báo Thương Nghiệp hay Hải Quan không dành đất cho ảnh báo chí thì không tiếc lắm. Nhưng Thể thao Văn Hóa là tờ báo của Thông tấn xã lại không có trang ảnh phóng sự báo chí là đáng tiếc .
Theo tôi, nền Nhiếp ảnh Nghệ thuật Việt Nam có nhiều tấm gương đáng tự hào, những lớp kế thừa cũng đã đông và mạnh. Nhiếp ảnh Báo chí thời chiến tranh gần như không có, ảnh báo chí thời hậu chiến, khoảng 20 năm tính từ 1975, không có. Nay thì đã có, đã lớn mạnh và ngày càng nhiều hơn. Thế là đủ, là tốt, có đi xuống đâu mà cần phải vực dậy?