PDA

View Full Version : Vợ xinh đẹp 5 năm ăn cám cùng chồng



Boulevard
01-08-2010, 03:33 PM
Chủ nhật, ngày 01/08/2010, 13:45

(Tin tuc 24h) - Cả làng ai cũng bảo người phụ nữ xinh đẹp 'hóa điên' đi lấy một người đàn ông thương tật. Trai làng ai cũng tiếc ngẩn ngơ.

Tình yêu đã làm cho cô gái xinh đẹp của làng Bách Đường (xã Diễn Hạnh, Diễn Châu, Nghệ An) vượt lên tất cả để lấy một người chồng tàn phế.

Đến khi trở thành người mẹ, người phụ nữ ấy đã vượt qua bao nhiêu vất vả, cực khổ trong cuộc sống để nuôi dạy những đứa con nên người.

Tình yêu bất diệt

Năm 1969, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cô gái 19 tuổi Tăng Thị Lộc tình nguyện xung phong lên đường chống Mỹ cứu nước. Năm 1973, người nữ chiến binh ấy hoàn thành nhiệm vụ trở về quê.

Những cơn sốt rét rừng của những năm tháng mở đường Trường Sơn, những mưa bom, bão đạn khắp các chiến trường ác liệt vẫn không làm nhan sắc chị giảm sút, trái lại ngày một mặn mà tươi tắn hơn.



Bà Lộc.

Chị vẫn là hoa khôi của Bách Đường. Nhiều chàng trai tìm đến nhưng chị Lộc vẫn không nhận lời với ai. Thế rồi, mọi người đều bất ngờ khi Lộc quyết định lấy người chồng tàn phế. Cả xã xôn xao, cả huyện xôn xao. Họ bảo: “Con Lộc điên ăn phải bùa mê thuốc lú rồi”. Mặc, Lộc đã quyết. Anh chị đăng kí kết hôn rồi về ở với nhau.

Thời gian trôi đi, người đời cũng dần quên lãng nhưng thiên diễm tình đẹp như cổ tích đó bây giờ mới được kể lại. Hoa khôi làng Bách Đường xưa, nay đã gần 70 tuổi, mái tóc điểm bạc, vết rạn chân chim trên khuôn mặt loang dần, đôi mắt thâm quầng đã xoá hết đường nét của một thời xuân sắc.

“Mẹ Lộc” - người dân nơi đây từ trẻ đến già đều gọi bà với cái tên trìu mến như thế - nhìn lên di ảnh người chồng trên bàn thờ ngậm ngùi: “Thuở còn nhỏ, tui đã biết anh Trương Liễu. Anh ở xã Diễn Xuân, tui ở xã Diễn Hạnh. Hai đứa đi học cùng đường nên quen thân nhau, có lần tôi vấp ngã bong gân, anh Liễu cõng tui 3 km để về nhà. Hồi đó anh 16 tuổi, tui 15, anh học trên một lớp.

Trong một lần đi làm thuỷ lợi cùng dân làng (tháng 5/1965), bất ngờ máy bay Mỹ nhào xuống trút bom, anh Liễu bị thương rất nặng, cụt cả hai chân và một bàn tay. Mấy tháng nằm viện về, anh không còn đi học được nữa. Tui vẫn thường xuyên đến thăm anh, kể chuyện trường lớp và đọc sách cho anh nghe.

Những bài toán nào không giải được tui đều đến nhờ anh giải hộ. Anh khuyến khích tui học nhưng vì hoàn cảnh gia đình mẹ ốm nặng, tui phải bỏ ở nhà chăm sóc mẹ và giúp cha nuôi các em. Năm 1969 thanh niên trong làng nô nức tòng quân, tui cũng xung phong đi. Tui đến chào anh để lên đường ra trận”.

Bà Lộc cười thèn thẹn: “5 năm ở chiến trường, lúc mô tui cũng nhớ tới anh. Đó là mối tình đầu của tui...”.

Mẹ im lặng trầm ngâm một lúc rồi kể tiếp: “Năm 1973, tui trở về quê. Tui đều đặn đến chăm sóc anh. Ở chiến trường tui từng tiếp xúc với hàng trăm thương binh nên tui hiểu được nỗi buồn đau của người bị tàn phế, tui càng thương anh hơn.

Lúc đó xung quanh tui có nhiều người con trai theo đuổi. Đẹp trai có, con nhà giàu có... nhưng tui vẫn quyết định lấy anh Liễu. Lúc đầu anh Liễu không đồng ý vì anh không muốn tui phải khổ, nhưng tui vẫn thuyết phục được vì anh Liễu cũng rất yêu tui.

Khi thông báo với gia đình ai cũng phản đối, anh em họ hàng cũng không đồng tình. Cha mẹ tui tuyên bố, nếu lấy anh Liễu thì từ mặt luôn. Nhưng chẳng ai ngăn cản được, chẳng cỗ bàn chi cả, hai đứa chuẩn bị ít trầu cau, kẹo thuốc lá mời bạn bè và chính quyền địa phường rồi về ở với nhau”.

Họ về sống cuộc sống vợ chồng trong một túp lều tranh ở đầu xóm 3 xã Diễn Xuân. Người vợ hàng ngày ngoài việc đồng áng còn phải chăm lo cơm nước, tắm giặt vệ sinh cho chồng... Mọi công việc sinh hoạt đều một tay người vợ lo toan gánh vác, nhưng họ sống với nhau hạnh phúc. Và những đứa con của họ lần lượt ra đời. Người mẹ lại vắt kiệt mình để vừa nuôi người chồng tàn tật vừa nuôi các con.

Tình mẹ bao la



Bà Lộc đang làm ngô.

Ngoài mấy sào ruộng khoán, bà Lộc phải xoay như chong chóng hết hàng xáo đến nhặt phế liệu, làm thuê, làm mướn để nuôi chồng và 4 đứa con ăn học.

Bà Trần Thị Biên, hàng xóm kề sát nhà bà Lộc, kể: “Vào những năm 80 của thế kỉ trước, bà Lộc phải ăn sắn, ăn cám rang trừ bữa, còn cơm thì nhường nhịn cho chồng cho con. Có đến 5 năm bà Lộc ăn cám. Nói không ai tin nhưng đó là sự thật.

Ngày bà Lộc đi làm đồng, tối về xay lúa giã gạo làm hàng xáo thâu đêm. Ông Liễu chẳng giúp được gì, lại đau ốm triền miên, bà Lộc phải đưa chồng đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Bà làm quật suốt ngày để lấy tiền thuốc thang cho chồng và nuôi 4 đứa con.

Túp lều tranh dột nát cũng một mình bà leo lên lợp lại. Căn nhà ngói nhỏ mới xây đó cũng một tay bà tự đào đất, đắp lò, nung gạch dựng lên. Đúng là tận khổ nhưng bà Lộc vẫn vượt qua được”.

Khổ thế nhưng bà Lộc không hề một lời kêu ca, chưa bao giờ nặng lời với chồng, với con. Ông Liễu thấy vợ vất vả cũng kiên trì tập luyện để giúp vợ con những công việc vặt trong nhà và đôn đốc các con học hành. Những đứa con của bà Lộc đứa nào cũng ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, biết giúp đỡ bố mẹ và không ngừng phấn đấu vươn lên.

Người con gái đầu Trương Thị Thuận (SN 1976) những năm học phổ thông lúc nào cũng đứng nhất nhì lớp. Chị đã tốt nghiệp ĐH Sư phạm Vinh, nay là cô giáo dạy Toán Trường THCS xã Diễn Hạnh và đã có gia đình riêng.

Người con trai thứ hai Trương Công Đường (SN 1978) cũng đã tốt nghiệp ĐH Sư phạm Vinh năm 2003. Hiện anh là giáo viên dạy THPT ở Bình Dương. Người con gái thứ ba Trương Thị Phương (SN 1980) tốt nghiệp CĐ Sư phạm Vinh, nay công tác ở Trường tiểu học Diễn Liên. Người con trai út Trương Đồng Tiến (SN 1983) thi đậu vào ĐH Y Thái Bình.

Khi Đường cầm giấy báo nhập học cũng là lúc bệnh tình của ông Trương Liễu đến hồi cuối. Trước lúc nhắm mắt ông cứ nắm lấy tay bà Lộc: “Nhìn các con thành đạt, tui cũng mãn nguyện lắm, nhưng bà lại vất vả. Kiếp ni tui nợ bà nhiều quá...”.

Lo tang chồng xong, với vành tang trắng trên đầu, bà Lộc tiễn con đi học đại học. Đời bà chưa một lần được ngơi nghỉ. Nuôi những đứa con lớn lên trong hoàn cảnh như thế đã vất vả, nuôi cho chúng lên cao đẳng, đại học càng muôn vàn vất vả, khó khăn hơn. Một mình bà làm lụng, vay mượn, giật gấu vá vai cho những đứa con ăn học.

Và rồi, những lam lũ vất vả, nhọc nhằn của bà cũng được đền đáp. Người con trai út tốt nghiệp ra trường nay là bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Phủ Diễn và đã có gia đình riêng. Nhiều người bảo bà Lộc bắt được vàng mới nuôi được 4 đứa con tốt nghiệp đại học như vậy. Bà cười: “Vàng viếc chi mô. Đời mình cực nhiều lắm rồi thì ráng cho con. Nhưng mà cũng... vàng mắt”.

Bây giờ các con đã thành đạt, bà không còn phải lam lũ như xưa. Đã qua rồi thời nhọc nhằn vất vả, mỗi lúc nghĩ về những đứa con thảo hiền, bà lại thấy lòng mình thanh thản. Bà chỉ tiếc ông Liễu không còn sống để chứng kiến cảnh con cái trưởng thành.

Chúng tôi nhìn 4 bức tường treo kín Giấy chứng nhận gia đình văn hóa, Huân chương Kháng chiến hạng Ba tặng Tăng Thị Lộc và những bằng khen, giấy khen của 4 người con mà thêm phần cảm phục người mẹ ấy. Người mẹ nông dân bình dị nhưng đã dệt nên câu chuyện đẹp như cổ tích giữa đời thường.

Bà Lộc nói: “Thương mấy đứa con không bằng bạn, bằng bè. Ăn uống thì kham khổ chỉ có cơm rau với muối vừng và nước cua, nước cáy, tui cũng cố sắm cho chúng bộ quần áo lành lặn, gửi tiền động viên chúng mua thức ăn tươi lấy sức mà học, nhưng chúng hiểu mẹ ở nhà cực nên tiết kiệm lắm.

Mỗi lần về nhà, chúng cứ đòi bỏ học vì thương mẹ. Tui “quạt” liền: Thương mẹ thì ráng mà học. Mẹ còn sống ngày nào thì các con không phải lo. Cũng may, đứa mô cũng ngoan, biết vâng lời. Thấy chúng cứ đưa thành tích học giỏi về là tui vui lắm, thấy người khoẻ ra”.



http://hn.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/vo-xinh-dep-5-nam-an-cam-cung-chong-c46a314511.html

:naonao::naonao::naonao::naonao::naonao:

onesieuthi
01-08-2010, 05:42 PM
nghị lực con người thật là vô hạn, chúc bà Lộc sức khoẻ dồi dào hưởng phước cùng con cháu

Boulevard
01-08-2010, 10:09 PM
Công nhận là khi đọc những câu chuyện như thế này, Boulevard thấy mình quá nhỏ bé và muốn sống tốt hơn. Hôm qua đi xem 1 vở cải lương "Mẹ của chúng con" của tác giả Lê Thu Hạnh. Viết về câu chuyện trong chiến tranh cách mạng mà không hề có tiếng súng, chỉ thấy con người đối với nhau thật tình... Kể cả khi họ ở hai chiến tuyến khác nhau nhưng trong tận sâu thẳm họ vẫn yêu nhau... Nỗi đau mất con của bà mẹ có con của ngụy quân hay của bà mẹ có con là anh hùng... tất cả đều giống nhau đó là sự mất mát. Boulevard đã không thể dừng được nước mắt cứ tuôn ra... Ông xã đèo vợ tới rạp rồi chuồn về chơi với ông nội,,, lúc đang chảy nước mắt thì thấy có 1 kẻ len lén vào ngồi bên cạnh, ngó sang thấy chồng. Ngượng... Trời đi xem cải lương mà cũng khóc... Đa sầu đa cảm quá. Sao thế nhỉ ?

Đông Quân
01-08-2010, 10:21 PM
Đọc mà rơi nước mắt