PDA

View Full Version : Sốc với máy tính giá 10 USD



Boulevard
25-07-2010, 04:15 PM
Sốc với máy tính 10 USD của Ấn Độ (TT&VH) - Ngày 23/7, Ấn Độ đã lần đầu giới thiệu một chiếc máy tính bảng kiểu iPad với giá siêu rẻ, với mục tiêu nhắm tới giới sinh viên. Đây không phải là lần đầu tiên Ấn Độ công bố một dự án đầy tham vọng liên quan tới máy tính di động siêu rẻ, và tuyên bố của họ đã vấp phải không ít sự nghi ngờ.

Phiên bản 35 USD với khả năng thu điện mặt trời




Bộ trưởng Phát triển nguồn nhân lực Kapil Sibal trong lễ giới thiệu máy tính giá rẻ Sakshat

Chiếc máy tính bảng mang tên Sakshat (Ngay trước mắt bạn) với mức giá ấn tượng 35 USD đã được Bộ trưởng Phát triển nguồn nhân lực Kapil Sibal giới thiệu hôm 23/7.

Ông cho biết người dùng có thể xử lý văn bản, lướt web và hội thảo qua video nhờ chiếc máy này. Người dùng cũng có thể lựa chọn khả năng cấp điện cho máy thông qua một thiết bị thu năng lượng mặt trời, một yếu tố quan trọng với quốc gia đang thiếu điện như ở Ấn Độ, dù rằng thiết bị này sẽ làm tăng đáng kể giá của chiếc máy rẻ.

"Đây sẽ là câu trả lời của chúng tôi với những chiếc máy tính giá 100 USD của Học viện Công nghệ Massachusett" - ông Sibal tuyên bố trước đông đảo phóng viên của báo giới.

Tham vọng máy tính xách tay giá rẻ không phải chỉ có ở Ấn Độ. Hồi năm 2005, Nicholas Negroponte, đồng sáng lập Phòng nghiên cứu Truyền thông của MIT đã giới thiệu một mẫu máy tính xách tay giá 100 USD cho trẻ em ở các nước đang phát triển. Chiếc laptop của Negroponte cuối cùng có giá 200 USD khi tung ra thị trường, không được rẻ như mong muốn. Tuy nhiên hồi tháng 5 năm nay, tổ chức phi lợi nhuận của ông, One Laptop Per Child, cho biết đang có kế hoạch triển khai một chương trình giới thiệu máy tính bảng với cấu hình cơ bản, giá 99 USD cho nước nghèo. Mặc dù mức giá những chiếc máy tính của Negroponte đã khá rẻ, Ấn Độ vẫn không chấp nhận những chiếc máy này. Thay vào đó, họ huy động nỗ lực trong nước để phát triển một chiếc máy rẻ hơn.

Sẽ chỉ còn 10 USD?

Tháng 2 năm ngoái, Ấn Độ từng tuyên bố sẽ cho ra mắt một chiếc máy tính xách tay với giá 10 USD. Chiếc máy kể trên do chính phủ Ấn Độ bỏ tiền đầu tư như một phần của chương trình khuyến khích giáo dục quốc gia trị giá 46 tỷ rupee (khoảng 1 tỉ USD). Chiếc máy là kết quả của sự hợp tác giữa vài học viện công nghệ hàng đầu Ấn Độ, bao gồm Viện Công nghệ thông tin Vellore, Học viện Khoa học tự nhiên ở Bangalore và Viện nghiên cứu bán dẫn thuộc Bộ Không gian Ấn Độ. Nhiều công ty tư cũng tham gia dự án này.

Ấn Độ đã lần đầu hé lộ thông tin liên quan tới Sakshat vào tháng 2/2009. Khi đó, người ta chỉ biết máy có tính năng di động, được trang bị bộ nhớ 2GB RAM và kết nối không dây. Nhằm tiết kiệm chi phí, máy sẽ không dùng phần mềm mà dùng mã nguồn mở Linux. Máy cũng không có màn hình và phải nối với một màn hình để hiển thị dữ liệu.

Các quan chức Ấn Độ khi đó đã thể hiện sự tự tin về việc họ có thể sản xuất chiếc máy giá 500 rupee (10 USD). RP Agarwal, quan chức dân sự phụ trách hoạt động đào tạo nâng cao ở Ấn Độ khẳng định với báo chí rằng hiện nay mức giá một chiếc máy là khoảng 1.000 rupee (21 USD), nhưng sẽ còn giảm xuống khi được sản xuất đại trà. Đó là mức giá rất rẻ nếu biết rằng một số máy tính giá rẻ đang phổ biến hiện nay như Classmate PC của Intel có giá khoảng 400 USD. Máy tính Eee PC của Đài Loan có giá khoảng 200 USD với mẫu cấu hình thấp nhất.

Thời điểm năm 2009, đã có những bài phân tích cho rằng dự án của Ấn Độ là không tưởng bởi chi phí vật liệu để tạo máy tính đã vượt quá mức giá 10 USD do họ công bố, chưa tính tới công lắp ráp, chế tạo chiếc máy. Tuy nhiên trong cuộc họp báo hôm 23/7, ông Sibal đã đánh tan nghi ngờ khi giới thiệu chiếc máy tính Sakshat phiên bản đã được phát triển đầy đủ, với màn hình cảm ứng. Ông cho biết chiếc máy đã nhận được một phản ứng tốt từ các nhà đầu tư tư nhân. Ông hy vọng giá sẽ giảm xuống chỉ còn 10 USD.

Theo Mamta Varma, phát ngôn viên Bộ Phát triển nguồn nhân lực, đây là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra bởi giá phần cứng đã giảm và các thiết kế thông minh đã khiến giá máy tính trở nên hết sức dễ chịu. Được biết Sakshat không có ổ cứng mà sử dụng thẻ nhớ, giống như máy điện thoại di động. Thiết kế bảng cũng sẽ cắt giảm chi phí phần cứng và việc sử dụng phần mềm mã nguồn mở cũng giúp tiết kiệm chi phí.

Hàn gắn những "khoảng cách kỹ thuật số"

Ấn Độ hiện đang có kế hoạch trợ giá mạnh chi phí sản xuất máy tính bảng để phổ biến thiết bị này cho sinh viên, qua đó đưa giá bán xuống chỉ còn quanh 20 USD. Dự án là một phần của một sáng kiến cải cách giáo dục đầy tham vọng, trong đó đặt mục tiêu đưa kết nối băng thông rộng tới 25.000 trường cao đẳng và 504 đại học ở Ấn Độ và giúp đưa nội dung các chương trình giảng dạy lên mạng internet. Thông qua máy tính giá rẻ, học viên có thể xem lại các bài giảng, tham gia các khóa học và nhận được sự giúp đỡ của chuyên gia dù họ ngồi ở bất kỳ nơi nào trong nước, qua đó tạo nên một cuộc cách mạng về giáo dục. Máy cũng sẽ giúp hàn gắn "khoảng cách kỹ thuật số" giữa người giàu và người nghèo.

http://thethaovanhoa.vn/131N20100724061437378T131/soc-voi-may-tinh-10-usd-cua-an-do.htm

(Hoan hô máy tính giá rẻ có 200.000đồng, năm sau nhiều cô bé, cậu bé sinh viên nghèo có thể có quyền sở hữu 1 máy tính với như thế này rồi. Đúng là công nghệ ngày càng thể hiện được sức mạnh)
:loa_loa::loa_loa: