View Full Version : Tường Trình Từ Nam Phi
Lão K
12-06-2010, 06:55 AM
Hôm 10 tháng 6, nhà báo Nguyễn Văn Khanh, đặc phái viên của báo NV, đã đặt chân đến thủ đô Johannesburg của Nam Phi theo dõi World Cup 2010. Trong những ngày ở Nam Phi, nhà báo Nguyễn Văn Khanh sẽ liên tục gởi bài vở, tin tức, tường trình về World Cup 2010 để phục vụ độc giả của Người Việt. Bài viết dưới đây là bài đầu tiên do anh gởi về từ Nam Phi.
Chào Nam Phi!
Phải nói thật, chưa bao giờ tôi có một chuyến đi với cảm giác lạ như vậy. Cũng lên máy bay, cũng ngủ gà ngủ gật trên đoạn đường dài gần 20 tiếng đồng hồ, cũng khúc bánh mì với hộp cá mòi vào buổi tối, một ly nước cam, một ly cà phê và tô mì tôm vào buổi sáng, nhưng vẫn có cảm giác khá lạ. Lạ vì lần này sang tận Phi Châu, chứ không phải là những chuyến đi dài giờ qua Châu Á hay Châu Âu trước đây.
Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đi Châu Phi, lại càng không thích ghé vùng đất hoang vu làm chủ bởi các bộ lạc “cà răng căng tai”. Bốn chữ này tôi được nghe và thuộc lòng từ thủa bé, thuộc lòng qua những câu chuyện kể về ‘mọi’ Phi Châu chuyên bắt người ăn thịt. Cũng như phần đông quý độc giả, tôi lớn lên với truyện bằng tranh, và một trong những chuyện “ấn tượng” với tôi là cảnh đoàn người thám hiểm Phi Châu bị ‘mọi’ bắt, bỏ vào trong những cái nồi to chẳng khác gì cái lu nước nhóm lửa đun sôi. Ðối với các nhà khảo cổ thì rõ ràng Phi Châu rất kỳ bí, nhưng với tôi thì đây là vùng đất chuyên... ăn thịt người. Ngay chính chị Nam Anh, một người bạn rất thân với gia đình tôi ở Washington D.C., cũng bảo “nhớ bảo trọng nghe anh Khanh, coi chừng bị ‘mọi’ bắt ăn thịt đấy.” Cũng chị bạn của gia đình tôi bảo thêm “chỉ có lực sĩ chạy đua Olympic mới dám đi Phi Châu” vì “nếu lỡ bị ‘mọi’ bắt ăn thịt thì còn có đường... thoát”.
“Chuyện ông nghe được là chuyện thời... thượng cổ”, anh tình nguyện viên đón chúng tôi ở phi trường bật ngửa ra cười khi nghe tôi kể lại câu chuyện từ thủa còn thơ về vùng đất Phi Châu nhiều bí ẩn. “Chẳng phải mình ông mà ai cũng thắc mắc khi đến Phi Châu, số người mang tâm trạng sợ hãi khi đến đây cũng không phải là ít, nhưng đến rồi họ mới khám phá thấy những gì họ nghĩ về vùng đất này hoàn toàn sai, đặc biệt là ở Nam Phi vì chưa có một xứ sở nào nhiều màu sắc như xứ của chúng tôi”.
Nghe giải thích như vậy, tôi mới chợt nhận ra quả Nam Phi nhiều màu sắc thật. Chỉ nhìn lá cờ của quốc gia chủ nhà không thôi đã có tới 6 màu: xanh lá cây, đỏ, xanh đậm, vàng, đen và trắng.
Trên đường từ phi trường về khách sạn, những lá cờ đầy màu sắc này xuất hiện khắp mọi nơi, treo ở cột đèn đường cho đến dán bên hông những chiếc xe chạy dọc ngang ở thành phố. Nhưng quan trọng nhất là một màu sắc đặc biệt nhất chỉ có trên khuôn mặt của người dân xứ này là màu của rạng rỡ, của hãnh diện vì đất nước của họ là nơi được chọn để tổ chức cuộc tranh tài thể thao quan trọng nhất thế giới, World Cup 2010.
http://i216.photobucket.com/albums/cc126/kecuongsi/114151-WC-NguyenVanKhanh-1006-400.jpg
Gương mặt rạng rỡ của người dân Nam Phi đón mừng
World Cup 2010 trên đường phố Johannesburg.
(Hình: ALEXANDER JOE/AFP/Getty Images)
Niềm rạng rỡ và hãnh diện đó đã bao phủ cả Nam Phi trong 6 năm qua, và ít giờ đồng hồ nữa mới chịu nhường lại cho mọi người, khi đội tuyển mang biệt danh Bafana Bafana (có nghĩa là “những chàng trai” theo tiếng Zulu) của họ ra sân đá trận mở màn với “những chàng trai” của hội tuyển Mexico đến từ Bắc Mỹ.
Ðây không phải lần đầu tiên thế giới biết đến Nam Phi hay nói về Nam Phi. Ðúng 20 năm trước đây, tất cả mọi chú ý đều đổ dồn cho quốc gia này, khi lãnh tụ tranh đấu người da đen Nelson Mandela bước ra khỏi trại tù sau 27 năm bị giam cầm. Lúc đó chính những bình luận gia chính trị nổi tiếng nhất thế giới đều nói sớm muộn gì Nam Phi cũng sẽ lâm vào cuộc nội chiến, và chẳng ai dám nghĩ sẽ có ngày quốc gia này tổ chức World Cup cả.
Trong lá thư ngỏ chào mừng du khách từ khắp bốn phương trời về Nam Phi xem đá banh và viếng thăm quốc gia này, Tổng Thống Jcob Zuma nói rằng thành công có được ngày hôm nay “là một bước đường thể hiện dân chủ rất dài của chúng tôi”, và World Cup là nhịp cầu “để Nam Phi giới thiệu với thế giới về tiềm năng của người dân và những gì đất nước này mong muốn đóng góp cho nhân loại”.
Nhà lãnh đạo từng có thời ngày ngày xách giầy ra sân đá cho hội banh tại Robben Island (nơi ông Madala đã sống 18 trong trại tù) ví von mọi chuyện chẳng khác gì một trận banh, “khi khởi đầu và lúc kết thúc luôn luôn tràn đầy hy vọng”.
Dù mới đặt chân đến vùng đất quá xa lạ này chỉ một vài giờ, nhưng tôi tin hy vọng đã thật sự đến với người dân Nam Phi. Những nụ cười rạng rỡ cùng niềm tin thể hiện rõ trên khuôn mặt của họ là bằng chứng rõ rệt nhất mà mọi người đều nhận ra. Ngay chính anh bạn trẻ làm hướng dẫn viên cho chúng tôi cũng bảo “hai thập niên rồi mà vẫn đổ lỗi cho chế độ kỳ thị ‘apartheid’ thì không thể nào chấp nhận được. Chúng tôi không thể nào đổ lỗi cho bất cứ ai hay chế độ nào được nữa”.
Cũng theo anh bạn trẻ và là người dân Nam Phi đầu tiên tôi gặp cũng như có cơ hội tiếp xúc “vẫn còn rất nhiều vấn đề chúng tôi phải giải quyết. Từ thất nghiệp cho tới HIV/AIDS, nhưng cơ hội ngày hôm nay là cơ hội của chúng tôi”.
Ý kiến đó cũng thể hiện rõ trong cuộc họp báo cuối cùng của ban tổ chức, trước khi trận khai mạc bắt đầu. Ông Trưởng Ban Tổ Chức Danny Jordaan bảo “ước mơ World Cup là ước mơ của thế giới, nhưng chẳng mấy quốc gia có được cơ hội như Nam Phi. Không chỉ ước mơ, chúng tôi còn có ký vọng sẽ tổ chức World Cup hoàn hảo nhất để cho mọi người thấy được quyết tâm của Nam Phi, của 49 triệu người đang sung sướng được chia sẻ niềm hãnh diện riêng của mình với hàng tỷ người khác.” Và ông tin, tối hôm nay, 49 triệu người dân Nam Phi sẽ lên giường đi ngủ với niềm hãnh diện đó.
Tôi cũng tin như thế. Good Night Nam Phi. Chúc các bạn ngủ ngon với giấc mơ tuyệt đẹp và niềm hãnh diện tuyệt vời. Hẹn gặp lại tất cả các bạn sáng mai ở sân Johannesburg.
Lão K
19-06-2010, 04:19 AM
Muốn vé World Cup, phải thật nhiều tiền!
http://i216.photobucket.com/albums/cc126/kecuongsi/114575-big_WC-Ve1aa.jpg
Vé xem World Cup Nam Phi. (Hình: Getty Images)
Vé World Cup bán hết chưa? Chưa. Mua vé có khó không? Không, miễn là... có tiền và phải có thật nhiều tiền!!!
Mặc dù Liên Ðoàn Bóng Tròn Thế Giới FIFA đổ lỗi cho các công ty được trao trách nhiệm phân phối “làm việc thiếu nghiêm chỉnh” cũng như “hệ thống chuyên chở không được như ý” khiến trận banh nào cũng dư từ cả ngàn đến cả chục ngàn chỗ ngồi, nhưng sự thật đôi lúc chẳng giống những gì FIFA nói. Bằng chứng là những công ty chuyên bán vé chợ đen qua mạng ở Nam Phi và Châu Âu vẫn còn cả ngàn vé chưa có người mua, trong đó có cả vé trận chung kết được rao bán với giá gần 10,000 dollars/vé.
Tình cờ gặp bà Delia Fischer ở phòng ăn của Trung Tâm Báo Chí Johannesburg, hỏi thăm về chuyện vé và được bà cho biết “đã bán hết 97% số vé tung ra,” nhưng bà Giám Ðốc Thông Tin FIFA cũng xác nhận hầu như trận nào cũng thấy có chỗ trống, như các trận Argentina-Nigeria ở Ellis Park, Algeria-Slovenia tại Polokwane, và trận tranh tài giữa Nhật Bản với Cameroon trên sân Bloemfontein diễn ra trong tuần đầu tiên. Theo giải thích của bà Fischer, “rất nhiều tổ chức, công ty đã trả tiền nhưng không lấy vé,” lỗi phần lớn “do hệ thống phân phối và phương tiện di chuyển.”
Không chỉ bà sếp Phòng Thông Tin FIFA phải cất công giải thích về chuyện sân trống chỗ, ngay chính ông phát ngôn viên Nicholas Maingot cũng tìm cách chống đỡ những câu hỏi liên quan đến chuyện này khi đối diện với những nhà báo khó tính - đặc biệt là các nhà báo Nam Phi. Những nhà báo này có chung một thắc mắc: dân chúng địa phương và du khách đều than thở không làm sao mua được vé trong khi sân nào cũng có chỗ trống.
Thế thì vé đi đâu?
“Tôi nghĩ rằng các bạn tự đưa ra câu trả lời quá sớm,” ông Maingot bực bội trả lời. “Số khán giả trong tuần đầu ở Nam Phi cao hơn số khán giả ở Ðức 4 năm trước đây tới 782 người/trận, chỉ thua mỗi World Cup Hoa Kỳ 1994 thôi.” Vẫn chưa hết bực mình, ông phát ngôn viên FIFA bảo tiếp: “Dĩ nhiên chẳng ai muốn nhìn thấy sân trống cả, đặc biệt là sân đá World Cup, nhưng tôi mong các bạn có cái nhìn lớn hơn, đừng vội vã thấy chuyện năm bảy ngày đầu rồi đưa ra kết luận chung cho cả cuộc tổ chức.”
Ðương nhiên câu trả lời của FIFA không làm hài lòng các nhà báo, và chỉ cầm xem mục “Ý Kiến Bạn Ðọc” trên những tờ báo còn thơm mùi mực phát hành buổi sáng ở Nam Phi thì thấy ngay dân chúng địa phương cũng không chấp nhận các lời giải thích đó. Một độc giả tên Sikhumbuzo Mtshali viết: “Tôi và bạn bè hỏi mua vé thì bảo là đã bán hết rồi, nghe thông cáo nói sẽ có vé bán thêm ngay tại sân vận động, rủ nhau đứng xếp hàng cả giờ đồng hồ cũng chẳng thấy phòng vé mở cửa. Cuối cùng chúng tôi phải đứng đội mưa, giá rét, ở Fan Fest cùng những người khác cổ võ cho các đội banh và bực mình khi thấy hình ảnh trong sân còn biết bao nhiêu chỗ trống.”
Ðừng nói chi xa xôi, ngay trận Tây Ban Nha-Thụy Sĩ có ông Chủ Tịch FIFA Sepp Blatter xuất hiện ủng hộ hội nhà, sân cũng còn cả ngàn chỗ trống chứ không phải ít. Ðặc biệt nhất là trên khán đài danh dự, cả trăm chỗ đằng sau lưng ông Blatter vắng khách. Ðây là chỗ dành cho khách mời và những công ty bảo trợ sẵn sàng bỏ ra cả đống tiền để mua vé tặng cho nhân viên hoặc khách hàng, và sự vắng bóng của khách chứng tỏ kinh tế thế giới vẫn còn khó khăn, FIFA bỏ công sức chào mời nhưng số công ty bỏ tiền mua vé không được như ý muốn.
Trong tuần đầu tiên, trận banh còn nhiều chỗ trống nhất và vẫn được nhắc nhở nhiều nhất chính là trận Hy Lạp gặp Nam Hàn hôm Thứ Bảy tuần trước. Sân Nelson Mandela Bay có 42,486 chỗ ngồi (chưa kể khoảng 5,000 chỗ dành cho khách đặc biệt), hôm đó chỉ có 31,513 khán giả hiện diện. Một nhân viên thành phố cảng Port Elizabeth cho hay sân vắng khách vì “8,000 khán giả Nam Hàn đã đặt vé mua theo tour nhưng sau đó họ hủy bỏ.” Ông nhân viên - chỉ cho biết tên là Mhumbo - “tiết lộ” thêm “họ bỏ vé từ hồi Tháng Giêng” lấy cớ “tình hình an ninh Nam Phi không được đảm bảo.”
Họ bỏ vé từ Tháng Giêng, Bây giờ đã là giữa Tháng Sáu, thế thì vé đi đâu?
“Thế thì vé đi đâu” là điều mọi người đều muốn biết. Câu trả lời cũng chẳng khó lắm đâu. Cứ vào mạng là thấy ngay: vé còn cả đống!!! Muốn mua vé chẳng gì khó, cứ có tiền là có vé ngay: giá từ vài trăm dollars cho hạng cá kèo ngồi ngay đằng sau gôn một trận bình thường, cho đến cả chục ngàn dollars ngồi ở giữa sân cho trận chung kết. Ticketsinventory.com thông báo còn hơn 6,000 vé đang đợi người mua, ticketpolice.com có sẵn chừng 3,000 vé đang chờ khách gọi đặt, hay viagogo.com cũng còn 1,500 vé đang đợi chủ. Nên nhớ: chỉ ở Âu Châu không thôi có cả chục website bán vé qua mạng, không biết họ mua vé ở đâu để bán lại cho khách hàng, chỉ biết các công ty này đều đảm bảo “hài lòng khách đến, vừa lòng khách đi.”
Một chuyện nhỏ để kết thúc bài này: không chỉ người dân Nam Phi, dân chúng các nước láng giềng cũng than thở về chuyện vé. Tổng cộng số vé FIFA tung ra lên đến 3 triệu, số vé chính thức dành cho dân các nước Châu Phi rất nhỏ giọt: chỉ có 40,000. Ðiều kiện mua vé cũng chẳng dễ dàng gì: phải đặt vé qua mạng, trả tiền bằng credit card.
Ðiều này khiến người dân Châu Phi than phiền FIFA chủ trương “fair play” nhưng chính FIFA lại “chơi không đẹp.” Bản nhạc Waka Waka biểu tượng cho World Cup Nam Phi 2010 được trao cho cô ca sĩ Sharika của Colombia hát, vé thì phân phối cho dân xứ giầu nhiều gấp trăm lần vé dành cho dân xứ nghèo, thế mà cứ luôn miệng bảo “mọi ưu tiên đều được dành cho Phi Châu.”
Nguyễn Văn Khanh (từ Johannesburg)
Lão K
22-06-2010, 03:59 AM
Scandal cho nước Pháp: Cầu thủ bị đuổi, HLV đòi từ chức
24 giờ trước khi đội Pháp ra sân trận cuối cùng vòng bảng
1. Không khí nặng nề tới mức không ai nói với ai câu nào. Trong phòng báo chí FIFA ở Johannesburg, hầu như chẳng nhà báo nào để ý tới màn hình đang trực tiếp trận Brazil gặp Bờ Biển Ngà. Ngay chính những nhà báo Nam Phi cũng bảo “không còn hứng thú xem trận banh của đội tuyển tài ba nhất Phi Châu”. Các nhà báo Pháp cũng như những phóng viên của các quốc gia nói tiếng Pháp thì khỏi nói, mỗi người cầm một lý nước ngồi yên một góc, mắt nhìn lên trần nhà không muốn nói chuyện với bất cứ ai. Ngay cả cô thư ký Elise thường cười nói, bây giờ cũng chỉ giơ tay chào thay cho những lời thăm hỏi.
Tất cả chỉ vì những gì đang xảy ra với hội tuyển Pháp, vô địch thế giới 1998.
http://i216.photobucket.com/albums/cc126/kecuongsi/114783-big_WC-Phap1aa.jpg
HLV đội Pháp Raymond Domenech (trái) trong cuộc họp báo
về việc các cầu thủ ‘nổi loạn’ chống lại quyết định đuổi
cầu thủ Nicolas Anelka về nước.
(Hình: FRANCK FIFE/AFP/Getty Images)
2. Chuyện xảy ra chỉ một ngày sau khi Liên Ðoàn Bóng Ðá Pháp (FFF) quyết định đuổi cầu thủ Nicolas Anelka vì anh này đã có những lời khiếm nhã với ông huấn luyện viên Raymond Domenech trong lúc nghỉ giải lao và Pháp đang bị Mexico dẫn trước 2 quả. Trích lời kể của một người có mặt trong phòng thay áo, nhật báo thể thao uy tín nhất của nước Pháp là tờ L'equipe cho hay ông Domenech bảo Anelka “đừng chạy quá vị trí đã được trao phó”.
Tức khắc anh cầu thủ nổi tiếng này nổi cơn giận dữ, dùng những chữ rất nặng nề để sỉ vả ông huấn luyện viên, chẳng hạn như “biết đ... gì mà nói” hoặc “đồ con của con điếm”. Theo tờ báo, ông Domenech vẫn điềm tĩnh, bảo “nếu như vậy thì tôi không thể đưa anh ra sân được nữa” và sau đó FFF quyết định đưa anh cầu thủ cứng đầu này ra sân bay về nước.
Theo FFF, quyết định được đưa ra sau khi ông Chủ Tịch Jean-Pierre Escalettes của liên đoàn gặp riêng Anelka yêu cầu anh xin lỗi ông huấn luyện viên nhưng anh ta nhất quyết không nghe theo.
3. Chuyện đương nhiên không ngừng ở đó. Theo chương trình đã định, sáng Chủ Nhật tất cả các cầu thủ ra sân tập dượt nhẹ, và hàng trăm khán giả Pháp đứng đợi chung quanh hàng rào sân để chờ chụp hình, xin chữ ký các cầu thủ họ ái mộ. Họ chỉ thấy xe buýt chở cầu thủ đến và chừng nửa tiếng sau đó xe buýt chở cầu thủ về.
Các nhà báo săn tin tại chỗ biết ngay chuyện gì xảy ra: thủ quân Patrice Evra và ông phụ tá đặc trách huấn luyện thể lực Robert Duverne cãi nhau tới chỗ xô xát, đích thân ông Domenech phải nhảy vào giữa ngăn cản. Vài phút sau đó, ông trưởng đoàn Jean-Louis Valetin xuất hiện trước báo chí, với giọng thật giận dữ cho biết cầu thủ nổi loạn, “Họ không muốn tập dượt. Rõ ràng đây là một scandal cho nước Pháp, cho những người trẻ của Pháp đến đây chờ xem các thần tượng của họ tập dượt. Tôi quyết định từ chức. Tôi không còn liên quan gì đến FFF cả. Tôi chẳng còn gì phải làm ở đây nữa, tôi về lại Paris”.
Trước khi chuyện xảy ra, Evra là người cho báo chí biết trong hội có “kẻ phản bội” muốn phá hoại đội tuyển, ám chỉ người đã tiết lộ chuyện trong phòng nghỉ giải lao cho tờ L'Equipe. Chính điều này khiến những nhà báo có mặt nghĩ ngay kẻ phản bội mà các cầu thủ nói đến chính là ông trưởng đoàn. Khi bị chất vấn về điều này, ông Valetin nghẹn ngào bảo “không, không, không”, như muốn tự bào chữa cho mình.
Phe cầu thủ cũng có phản ứng. Trước khi lên xe, Evra đưa một tờ giấy cho phát ngôn viên của hội tuyển. Anh này cầm, liếc sơ qua và trao lại cho ông huấn luyện viên Domenech. Với giọng vừa mệt mỏi vừa chán ảnh, ông Domenech đọc cho các nhà báo nghe bản tuyên bố của các cầu thủ, trong đó có đoạn xác nhận “chuyện đáng tiếc xảy ra lúc nghỉ giải lao trong trận gặp Mexico”, nhưng đáng tiếc hơn nữa là chuyện nội bộ “lại được nói cho công chúng biết”. Bản tuyên bố cũng nói rõ tất cả các cầu thủ đồng lòng “phản đối quyết định sa thải Nicolas Anelka”.
4. Chuyện cũng chẳng chấm dứt tại đó. Các nhà báo được tin nói ngay sau khi thua Mexico và trên chuyến bay về lại Johannesburg, hai cầu thủ Franck Ribery và Yoann Gourcuff đã đánh nhau chỉ vì Gourcuff lên tiếng chê bai ông huấn luyện viên sai lầm khi để anh ngồi hàng phòng hờ và đưa cầu thủ “chẳng làm nên trò trống gì ra sân”. Cầu thủ ông Domenech chọn thay cho Gourcuff chính là Franck Ribery.
Sáng Chủ Nhật, Ribery đã phải lên tiếng đính chính tin đồn đó, cho biết “đó chỉ là lời đồn nhảm, không hề có chuyện tôi và Yoann đánh nhau trên phi cơ”.
5. Những điều xảy ra sẽ ảnh hưởng thế nào với trận banh sinh tử của hội tuyển Pháp vào ngày mai? Mặc dù chính Ribery nhìn nhận trận thua Mexico “khiến mọi người xuống tinh thần”, nhưng bản tuyên bố của các cầu Pháp cho biết tất cả sẽ ra sân đá trận vòng bảng cuối cùng với hội chủ nhà Nam Phi “bằng tất cả quyết tâm của từng cá nhân và của toàn đội”.
Ở trận này, Pháp chỉ có một lối thoát duy nhất để vào vòng 16: phải thắng thật đậm Nam Phi -ít nhất 4 bàn- và cầu mong trận Mexico-Uruguay không kết thúc với kết quả huề.
Nguyễn Văn Khanh (từ Johannesburg)
Lão K
23-06-2010, 06:56 AM
Nhà báo và World Cup: ‘Con gì thì cũng chết với em!’
1- Anh nhà báo ảnh của một tờ báo rất nổi tiếng ở Việt Nam cười toe toét bảo với tôi: “Em biết trước thế nào cũng có upset. Ðã bảo xe tăng Ðức sớm muộn gì cũng đứt xích mà chẳng ai chịu nghe.” Chưa hết, anh bạn trẻ tuổi lần đầu tác nghiệp tại World Cup còn nói “em mà theo anh thì chết rồi. Anh cứ bảo phải đánh theo lý trí chứ đừng đánh theo con tim. Quả này em bắt hơi bị được. Con gì thì cũng chết với em.”
http://i216.photobucket.com/albums/cc126/kecuongsi/114704-WC-CaDo-400.jpg
2- Những điều tôi vừa kể chỉ là đoạn cuối của chuyện cá cược ngay trong phòng báo chí của FIFA tại Johannesburg hôm Thứ Sáu vừa rồi. Ðám nhà báo chờ xe buýt đưa đến sân vận động xem trận Hoa Kỳ-Slovenia đều dán mắt vào trận Ðức-Serbia. Trước đó anh nào cũng là thầy bàn, nhất định xem dự đoán của mình ngang tầm Nostradamus.
Ông béo phì Carlos của Paruguay bắn phát súng đầu tiên, bảo “thằng” Serbia chỉ là “đứa lót đường,” thua Ðức vài ba quả là điều bình thường. Dẫn chứng ông bạn đưa ra nghe rất cơ sở: Ðức là thế chẻ tre, Serbia là cậu bé miệng còn hôi sữa. Ðức có quá nhiều siêu sao sáng chói của sân cỏ thế giới, từng tạo cảnh mặt trời mọc giữa đêm khuya trong trận “giết” Australia vài ngày trước đó. Bằng chứng rõ nhất: trận này, Ðức chấp đủ một quả.
Nghe hợp lý đấy chứ!!! “Không đúng,” anh nhà báo ảnh Việt Nam lên tiếng phản đối ngay. Chẳng có lý do gì để bảo Serbia là vật lót đường cho Ðức, chân sút Serbia còn ngon hơn của Ðức rất nhiều. Rất thuộc bài, anh bạn tôi mới quen đưa ra những bằng chứng thật cụ thể: anh đội trưởng Dejan Stankovic là cột trụ của Inter Milan, nổi tiếng vì chuyên phá vỡ hàng hậu vệ của các hội banh khác; Nemanja Vidic 3 năm liền vào chung kết giải cầu thủ nhà nghề xuất sắc nhất của Anh Quốc; Milan Jovanovic mới đoạt giải vua phá lưới ở Vương Quốc Bỉ, dẫn Standard Liege chiếm chức vô địch quốc gia 2 năm liền. Những giải thích này nghe cũng “hơi bị được” chứ đâu phải đùa.
Ðương nhiên, tranh cãi không dừng ở đó. Tự dưng nhóm nhà báo chia làm 2 phe, một ủng hộ Ðức và phần còn lại hết lòng theo Serbia. Nhóm theo Ðức đông hơn, nhưng phe ủng hộ Serbia cũng rất mạnh miệng. Cuộc tranh cãi chỉ kết thúc khi có người nêu đề nghị “sao không cá cược xem ai thắng ai thua.” Giải thưởng: một chầu bia Jo'burg, loại bia rẻ tiền nhất của xứ Nam Phi. Ông Carlos dẫn đầu phe ủng hộ Ðức, anh bạn Việt Nam làm sếp sòng toán theo Serbia.
3- Rõ ràng cá cược là chuyện không thể thiếu của thể thao. Dân nước nào cũng thế, cứ có trận banh là có đánh cá, bất kể đó là banh cà na ở Mỹ, banh chày ở Cuba, bóng rổ ở Âu Châu hay bóng tròn ở Nam Phi, nơi các trận banh nóng bỏng của World Cup 2010 vẫn đang tiếp diễn.
Ðánh cá ở đâu cũng có, nhưng rõ ràng có nhiều lối chơi khác nhau. Chỉ ngay tại Nam Phi này thôi, vào sòng bài Sun City là biết ngay cũng có nhiều kiểu do nhà cái đưa ra. Bắt “kèo trên” Ðức đánh 100 ăn có 60, chọn Serbia năm “kèo dưới” đánh 1 ăn tới gần 2; hoặc đánh theo kiểu Âu Châu, buộc người đặt tiền phải bắt ít nhất 3 trận và cứ nhân độ thắng từng trận lên.
Lối này không giản dị lắm, nhưng may mắn đã có máy tính giúp đỡ nên cũng chẳng khó khăn gì. Thí dụ: bắt Chile thắng Honduras ăn 1.45, bắt Spain hòa Thụy Sĩ ăn thêm 1.8, bắt chủ nhà Nam Phi hòa với Uruguay ăn thêm 1.8 nữa. Nhân 3 con số này lên sẽ thành 4.7, có nghĩa là đánh 1 đồng và trúng cả 3 trận sẽ ăn 4 đồng 7. Nếu thua một trong 3 trận đã chọn thì... đi đứt!!!
4- Tiêu chuẩn cờ bạc đòi hỏi những gì? Câu trả lời nghe được từ bà dọn phòng khách sạn Kwegu tuần nào cũng mua Lotto thử thời vận: “Suy tính làm gì cho mệt, thích đội nào thì cứ đánh chứ làm sao biết trước thắng thua.” Ông tổ trưởng Barkimoro không đồng ý với lối giải thích như vậy, nhất định “phải đánh theo suy đoán hẳn hòi chứ không thể bạ đâu đánh đấy.” Khoe mới ngày đầu đã thắng trận Nam Phi hòa Mexico (cộng thêm món bở nhờ Nam Phi mở tỷ số trước), ông này nói với giọng dặn dò: đánh bằng cái đầu chứ đừng đánh theo tiếng gọi của con tim.
“Ðánh bằng cái đầu” là điều tôi đã nhìn thấy hôm cùng với một số bạn bè đi Las Vegas. Ở ngay sòng bài - tôi quên mất tên - có ghi câu phương châm này, đồng thời có cả số điện thoại miễn phí cho những ai “máu mê quá độ” gọi để được chuyên viên tâm lý giúp chữa trị. Tôi không biết đã có bao nhiêu người gọi số đó để xin giúp đỡ cho qua cơn mê mẩn của thần cờ bạc, nhưng rõ ràng tâm lý ở đâu cũng thế: muốn đánh thì phải đánh bằng lý trí, bằng cái đầu chứ đừng đánh bằng con tim.
Nhưng chính tôi đang là nạn nhân của đánh bằng cái đầu. Tôi thuộc phe ủng hộ Ðức trong vụ đánh cược chầu bia của nhóm nhà báo, còn gọi thẳng sang bên Frankfurt nhờ cậu em kết nghĩa cố vấn xem bắt Ðức có đúng không. “Ðánh thế là chuẩn nhất rồi, gần 40 năm nay thằng này có thắng được Ðức quả nào đâu, làm sao thua được hả anh,” cậu em tôi nói giọng chắc nịch, xem như chiến thắng đã nắm chặt trong tay mình.
Kết quả: Ðức... nhất định thua, tôi và một vài người bạn khác móc tiền mua bia cho phe chiến thắng uống. Vừa uống bia, tôi vừa nhớ lại lời ông thầy bàn thể thao Jimmy The Greek vang bóng một thời của nước Mỹ bảo đoán chính trị khó 1, đoán thời tiết khó gấp trăm, đoán thể thao khó gấp triệu lần. Cũng ông này từng tâm sự bàn thể thao rất khó vì “nếu tin đội A thắng bạn sẽ có cả ngàn lý do để phải thắng, nếu nghĩ đội A thua bạn cũng có đủ một lý do khác để phải thua” và “chỉ có anh nào may mắn trúng độ thì cười toe toét thôi.”
5- Chầu bia - cộng thêm với những gói đậu phộng - kéo dài đến quá nửa đêm mới kết thúc. Tíu tít trong bữa nhậu vẫn là anh nhà báo ảnh đến từ Việt Nam. Cứ chừng dăm mười phút anh lại quay sang tôi bảo “em đã nói mà mọi người chẳng ai tin cả. Làm sao mà Ðức ăn được? Ðánh với em bằng cái đầu cũng chết, đánh bằng con tim cũng chết luôn. Con gì mà chẳng chết với em.”
Câu kết của anh bạn trẻ này vô tình dẫn tôi về tới Việt Nam. Một anh bạn cũng dân nhà báo kể lại “bên nhà đánh lớn lắm, tuần rồi dân cá cược toàn bị thua ngược,” tới mức ở miền Tây đã xảy ra cảnh “cá bè trôi theo cá độ.”
Con gì mà chẳng chết, đừng nói chi tới con cá nuôi bè ở miền Tây!!!
Lão K
29-06-2010, 06:56 AM
Thắng vinh quang mà bại vẫn anh hùng
1. Tất cả các cầu thủ không ai nói với một lời nào. Hậu vệ Carlos Bocanegra ngồi bệt xuống sân, khuôn mặt thẫn thờ không tin vào sự thật. Thủ môn Tim Howard cũng buồn bã rời sân, quên cả lấy chai nước anh thường mang theo mỗi lần ra trận. Người hùng Landon Donovan cũng chẳng nói câu nào, vừa đi vừa cởi chiếc áo để đổi cho một cầu thủ Ghana, trong khi anh bạn đồng đội Maurice Edu nằm dài trên sân cỏ, mắt ngước nhìn trời.
http://i216.photobucket.com/albums/cc126/kecuongsi/115123-WC-MyThua-400.jpg
Dù đá thành công quả phạt đền nhưng Donovan và đồng đội đã không
vượt qua được Ghana (Hình: Timothy A. Clary/AFP/Getty Images)
Ở ngoài sân, ông huấn luyện viên Bob Bradley cũng bước thật nhanh vào phòng thay áo, không nói gì với dàn phụ tá đi đằng sau. Một vài phút trước đó, ông huấn luyện viên hội tuyển Hoa Kỳ ôm vai ông huấn luyện viên Milovan Rajevac của Ghana nói lời chúc mừng và chúc may mắn. Lời chúc đó dài không qua 10 giây đồng hồ.
Những sự kiện nêu trên xảy ra tối hôm qua ở sân Nam Phi. Hoa Kỳ vừa thua Ghana 1-2 trong trận tranh tài của vòng 16. Ghana sẽ đi tiếp ở tứ kết, Hoa Kỳ chính thức chia tay với World Cup 2010.
2. Kể từ ngày đến Nam Phi, ông huấn luyện viên Bradley và ngay cả những cầu thủ Hoa Kỳ nhiều lần lên tiếng nói: “Quyết định thắng bại của những trận banh quan trọng chỉ xảy ra trong tích tắc” và “ai biết nắm lấy cơ hội đó sẽ là người thành công.” Tích tắc đó đến vào phút thứ 3 của hiệp phụ, và nắm bắt cơ hội là tiền đạo Asamoah Gyan của Ghana chứ không phải hàng hậu vệ của Hoa Kỳ. Ðưa ngực hứng quả banh do bạn đồng đội đá từ xa tới, Gyan xả hết tốc lực chạy đua với thủ quân Bocanegra của hội tuyển Hoa Kỳ, trong khi anh hậu vệ Mỹ Jay DeMerit cũng cố gắng chạy về cứu nguy.
Tất cả đều quá trễ: cú sút chân trái và đường banh như sấm sét của Gyan đi thẳng vào góc, thủ môn Tim Howard tung người cứu nguy nhưng không kịp. Bàn thắng quyết định trận banh đó đã đưa Ghana vào đến tứ kết, giúp hội tuyển duy nhất của Phi Châu còn sót lại ở World Cup 2010 cơ hội gặp Uruguay để tranh vé vào bán kết. Bất kể hội nào thắng hay thua ở trận tới, cả Ghana lẫn Uruguay đều không phải là ứng viên mọi người chờ đợi.
3. Ðây không phải lần đầu tiên Hoa Kỳ gặp Ghana ở World Cup và cũng chẳng phải lần đầu tiên Hoa Kỳ chấp nhận thua cuộc với tỷ số 1-2. Bốn năm trước đây ở vòng bảng của sân World Cup Ðức, các cầu thủ Hoa Kỳ đã nếm mùi thất trận như thế này. Mới hôm qua (Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2010), Landon Donovan còn nhắc lại chuyện cũ, bảo thất bại đó đã khiến anh và những bạn đồng dội xuống tinh thần. Dù anh không nói ra, nhưng những gì anh trình bày đủ để cho mọi người hiểu Ghana đang nợ Hoa Kỳ một món nợ và trận tranh vòng 16 ở Nam Phi là cơ hội để hội tuyển Hoa Kỳ đòi món nợ cũ.
4. Món nợ cũ bao giờ cũng khó đòi. Từng có lúc các cầu thủ Hoa Kỳ thấy được chiến thắng nằm ở ngay chân mình nhưng tất cả các cú dứt đều không tới đích. Cả Edu lẫn Clint Dempsey đều từng đứng lừng lững trước khung thành của Ghana, nhưng cú sút đều chạm chân anh thủ môn Richard Kingson. Ngay cả những quả phạt bay bổng khi rời chân Donovan cũng thế, hết chạm vai cầu thủ Ghana này đến chạm chân cầu thủ Ghana khác, ngay cả trái banh xe gió khi rời chân Robbie Findley cũng không làm sao vượt qua đôi tay của Kingson. Rõ ràng trong suốt 120 phút đồng hồ của trận cầu, trái banh mang tên Jabulani (có nghĩa là vui mừng) đã không đem lại thành công và hạnh phúc cho các cầu thủ Mỹ cũng như cho những người yêu chuộng môn bóng tròn ở Hoa Kỳ.
5. Chắc chắn trong những ngày sắp tới, sẽ có nhiều người lên tiếng chỉ trích hội tuyển Mỹ. Họ sẽ chê bai ông huấn luyện viên Bob Bradley sai lầm khi đưa Ricardo Clark vào sân, chê bai cầu thủ Mỹ đá rời rạc ở hiệp đầu và không cố gắng đúng mức ở hiệp phụ. Họ sẽ chỉ trích thủ môn Tim Howard chạy ra đón banh quá lố, chỉ trích sơ hở của hàng hậu vệ giúp Ghana hai cơ hội làm bản, trách hàng tiền đạo vội vã tung những cú sút không thể nào tung lưới đối phương. Họ cũng sẽ bảo nhau hội tuyển Mỹ vào được tới vòng 16 đã là quá mức rồi, và có đi xa hơn nữa thì cũng chẳng đi tới đâu. Họ cũng dự đoán nếu ở lại, Hoa Kỳ “chắc chắn” sẽ thua Uruguay ở tứ kết, hoặc bị Brazil hay Hòa Lan đè bẹp ở bán kết. Họ có đủ mọi lý lẽ để chê bai.
6. Nhưng chẳng vì thất bại hay bị chê bai mà các cầu thủ Hoa Kỳ không được quyền ngửng đầu hãnh diện.
Với nước Mỹ, bóng tròn không phải - và có lẽ chẳng bao giờ - là môn thể thao được ưa chuộng, nhưng trận gặp Ghana đã giúp người dân Hoa Kỳ một cơ hội để đoàn kết lại. Mọi ủng hộ, tất cả cổ võ đều dành cho đoàn tuyển thủ áo trắng đại diện cho quốc gia.
Về khả năng, mọi người đều biết sẽ chẳng bao giờ có cơ hội so sánh nghệ thuật nhồi bóng của Hoa Kỳ với tài nghệ của các nước Âu Châu hay Nam Mỹ, cũng như chẳng bao giờ có thể đem làng bóng tròn Hoa Kỳ ra để so sánh với Brazil, nhưng không thể chối cãi các cầu thủ Mỹ thể hiện hết sức của của họ trên sân, vào đến vòng 16 phải được xem là một thành quả lớn. Bằng chứng rõ nhất: trước ngày World Cup 2010 bắt đầu, chẳng mấy người tin Hoa Kỳ sẽ qua khỏi vòng bảng, cho tới khi Hoa Kỳ đứng đầu Bảng C - trên cả Anh Quốc - mọi người mới bắt đầu chú ý đến thực lực và tài nghệ của hội tuyển Mỹ.
7. Chỉ tiếc rõ ràng Hoa Kỳ còn sức để đi xa hơn nhưng lại không có cơ hội, đành phải chia tay khá sớm với World Cup Nam Phi 2010. Chia tay, nhưng với những gì đã đạt được và tạo được trên sân cỏ thế giới, các cầu thủ Mỹ có quyền hành diện đã khoác áo một hội tuyển “thắng vinh quang mà bại vẫn anh hùng.”
Lão K
29-06-2010, 07:02 AM
Thắng vinh quang mà bại vẫn anh hùng
1. Tất cả các cầu thủ không ai nói với một lời nào. Hậu vệ Carlos Bocanegra ngồi bệt xuống sân, khuôn mặt thẫn thờ không tin vào sự thật. Thủ môn Tim Howard cũng buồn bã rời sân, quên cả lấy chai nước anh thường mang theo mỗi lần ra trận. Người hùng Landon Donovan cũng chẳng nói câu nào, vừa đi vừa cởi chiếc áo để đổi cho một cầu thủ Ghana, trong khi anh bạn đồng đội Maurice Edu nằm dài trên sân cỏ, mắt ngước nhìn trời.
http://i216.photobucket.com/albums/cc126/kecuongsi/115123-WC-MyThua-400.jpg
Dù đá thành công quả phạt đền nhưng Donovan và đồng đội đã không
vượt qua được Ghana (Hình: Timothy A. Clary/AFP/Getty Images)
Ở ngoài sân, ông huấn luyện viên Bob Bradley cũng bước thật nhanh vào phòng thay áo, không nói gì với dàn phụ tá đi đằng sau. Một vài phút trước đó, ông huấn luyện viên hội tuyển Hoa Kỳ ôm vai ông huấn luyện viên Milovan Rajevac của Ghana nói lời chúc mừng và chúc may mắn. Lời chúc đó dài không qua 10 giây đồng hồ.
Những sự kiện nêu trên xảy ra tối hôm qua ở sân Nam Phi. Hoa Kỳ vừa thua Ghana 1-2 trong trận tranh tài của vòng 16. Ghana sẽ đi tiếp ở tứ kết, Hoa Kỳ chính thức chia tay với World Cup 2010.
2. Kể từ ngày đến Nam Phi, ông huấn luyện viên Bradley và ngay cả những cầu thủ Hoa Kỳ nhiều lần lên tiếng nói: “Quyết định thắng bại của những trận banh quan trọng chỉ xảy ra trong tích tắc” và “ai biết nắm lấy cơ hội đó sẽ là người thành công.” Tích tắc đó đến vào phút thứ 3 của hiệp phụ, và nắm bắt cơ hội là tiền đạo Asamoah Gyan của Ghana chứ không phải hàng hậu vệ của Hoa Kỳ. Ðưa ngực hứng quả banh do bạn đồng đội đá từ xa tới, Gyan xả hết tốc lực chạy đua với thủ quân Bocanegra của hội tuyển Hoa Kỳ, trong khi anh hậu vệ Mỹ Jay DeMerit cũng cố gắng chạy về cứu nguy.
Tất cả đều quá trễ: cú sút chân trái và đường banh như sấm sét của Gyan đi thẳng vào góc, thủ môn Tim Howard tung người cứu nguy nhưng không kịp. Bàn thắng quyết định trận banh đó đã đưa Ghana vào đến tứ kết, giúp hội tuyển duy nhất của Phi Châu còn sót lại ở World Cup 2010 cơ hội gặp Uruguay để tranh vé vào bán kết. Bất kể hội nào thắng hay thua ở trận tới, cả Ghana lẫn Uruguay đều không phải là ứng viên mọi người chờ đợi.
3. Ðây không phải lần đầu tiên Hoa Kỳ gặp Ghana ở World Cup và cũng chẳng phải lần đầu tiên Hoa Kỳ chấp nhận thua cuộc với tỷ số 1-2. Bốn năm trước đây ở vòng bảng của sân World Cup Ðức, các cầu thủ Hoa Kỳ đã nếm mùi thất trận như thế này. Mới hôm qua (Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2010), Landon Donovan còn nhắc lại chuyện cũ, bảo thất bại đó đã khiến anh và những bạn đồng dội xuống tinh thần. Dù anh không nói ra, nhưng những gì anh trình bày đủ để cho mọi người hiểu Ghana đang nợ Hoa Kỳ một món nợ và trận tranh vòng 16 ở Nam Phi là cơ hội để hội tuyển Hoa Kỳ đòi món nợ cũ.
4. Món nợ cũ bao giờ cũng khó đòi. Từng có lúc các cầu thủ Hoa Kỳ thấy được chiến thắng nằm ở ngay chân mình nhưng tất cả các cú dứt đều không tới đích. Cả Edu lẫn Clint Dempsey đều từng đứng lừng lững trước khung thành của Ghana, nhưng cú sút đều chạm chân anh thủ môn Richard Kingson. Ngay cả những quả phạt bay bổng khi rời chân Donovan cũng thế, hết chạm vai cầu thủ Ghana này đến chạm chân cầu thủ Ghana khác, ngay cả trái banh xe gió khi rời chân Robbie Findley cũng không làm sao vượt qua đôi tay của Kingson. Rõ ràng trong suốt 120 phút đồng hồ của trận cầu, trái banh mang tên Jabulani (có nghĩa là vui mừng) đã không đem lại thành công và hạnh phúc cho các cầu thủ Mỹ cũng như cho những người yêu chuộng môn bóng tròn ở Hoa Kỳ.
5. Chắc chắn trong những ngày sắp tới, sẽ có nhiều người lên tiếng chỉ trích hội tuyển Mỹ. Họ sẽ chê bai ông huấn luyện viên Bob Bradley sai lầm khi đưa Ricardo Clark vào sân, chê bai cầu thủ Mỹ đá rời rạc ở hiệp đầu và không cố gắng đúng mức ở hiệp phụ. Họ sẽ chỉ trích thủ môn Tim Howard chạy ra đón banh quá lố, chỉ trích sơ hở của hàng hậu vệ giúp Ghana hai cơ hội làm bản, trách hàng tiền đạo vội vã tung những cú sút không thể nào tung lưới đối phương. Họ cũng sẽ bảo nhau hội tuyển Mỹ vào được tới vòng 16 đã là quá mức rồi, và có đi xa hơn nữa thì cũng chẳng đi tới đâu. Họ cũng dự đoán nếu ở lại, Hoa Kỳ “chắc chắn” sẽ thua Uruguay ở tứ kết, hoặc bị Brazil hay Hòa Lan đè bẹp ở bán kết. Họ có đủ mọi lý lẽ để chê bai.
6. Nhưng chẳng vì thất bại hay bị chê bai mà các cầu thủ Hoa Kỳ không được quyền ngửng đầu hãnh diện.
Với nước Mỹ, bóng tròn không phải - và có lẽ chẳng bao giờ - là môn thể thao được ưa chuộng, nhưng trận gặp Ghana đã giúp người dân Hoa Kỳ một cơ hội để đoàn kết lại. Mọi ủng hộ, tất cả cổ võ đều dành cho đoàn tuyển thủ áo trắng đại diện cho quốc gia.
Về khả năng, mọi người đều biết sẽ chẳng bao giờ có cơ hội so sánh nghệ thuật nhồi bóng của Hoa Kỳ với tài nghệ của các nước Âu Châu hay Nam Mỹ, cũng như chẳng bao giờ có thể đem làng bóng tròn Hoa Kỳ ra để so sánh với Brazil, nhưng không thể chối cãi các cầu thủ Mỹ thể hiện hết sức của của họ trên sân, vào đến vòng 16 phải được xem là một thành quả lớn. Bằng chứng rõ nhất: trước ngày World Cup 2010 bắt đầu, chẳng mấy người tin Hoa Kỳ sẽ qua khỏi vòng bảng, cho tới khi Hoa Kỳ đứng đầu Bảng C - trên cả Anh Quốc - mọi người mới bắt đầu chú ý đến thực lực và tài nghệ của hội tuyển Mỹ.
7. Chỉ tiếc rõ ràng Hoa Kỳ còn sức để đi xa hơn nhưng lại không có cơ hội, đành phải chia tay khá sớm với World Cup Nam Phi 2010. Chia tay, nhưng với những gì đã đạt được và tạo được trên sân cỏ thế giới, các cầu thủ Mỹ có quyền hành diện đã khoác áo một hội tuyển “thắng vinh quang mà bại vẫn anh hùng.”
Powered by vBulletin® Version 4.2.2 Copyright © 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.