PDA

View Full Version : Kỹ thuật cơ bản về nhiếp ảnh



kanehoshi
26-05-2009, 10:39 AM
Topic này tôi mở ra với mục đích giúp cung cấp những kiến thức căn bản cho các bạn mới BẮT ĐẦU chụp ảnh. Vì thời gian cũng có hạn chế nên tôi chỉ post lên đây từng phần và cố gắng sưu tầm từ các nguồn khác nhau. Hy vọng sẽ hỗ trợ các bạn nhanh chóng tự mình chụp được những bức ảnh như ý.

kanehoshi
26-05-2009, 10:41 AM
Exposure (sự phơi sáng)

Bản chất của chụp ảnh là sự phơi sáng. Máy ảnh là một hộp tối. Khi bấm nút chụp ảnh, một cánh cửa được mở ra cho ánh sáng bên ngoài đi vào qua ống kính. Ánh sáng tác dụng vào film (hay sensor đối với máy digital _ từ sau đây tôi chỉ nói đến film) để tạo ra hình ảnh. Một bức ảnh ta có thể tạm chia làm hai phần : độ sáng và sự cân đối ánh sáng.
Ta hãy hình dung film là một vật thu sáng. Và độ sáng của bức ảnh quyết định bởi lượng ánh sáng mà film thu được. Khi lượng ánh sáng vào quá nhiều thì ảnh sẽ trắng xóa còn không đủ thì ảnh sẽ bị tối. Một bức ảnh có độ sáng đúng với đối tượng được chụp gọi là đúng sáng.Ngoài yếu tố độ sáng ra, sự cân đối ánh sáng khác nhau sẽ tạo ra những bức ảnh hoàn toàn khác nhau với cùng một độ sáng.
Lượng ánh sáng film thu được gọi là Ev ( Expoure value) . Chúng ta sẽ quay lại phần Ev này sau.

Trước hết bạn sẽ tìm hiểu những yếu tố ảnh hưởng đến độ sáng của ảnh.

Apeture (Độ mở ống kính)

Độ mở ống kính là phần điều chỉnh cường độ ánh sáng đi qua ống kính. Chúng ta có thể hiểu phần này như là khả năng cho ánh sáng đi qua của ống kính. Cấu tạo bộ phận này bao gồm những lá mỏng ghép lại tạo ra khe hở dạng hình tròn có thể điều chỉnh được. Tương ứng với các độ mở ống kính ta có dãy trị số tiêu chuẩn 1 , 1.4 , 2 , 2.8 , 4 , 5.6 , 8 , 11 , 16 , 32 … các trị số này gọi là F-stop hay Khẩu độ. Tại mỗi F-stop ta có đường kính lỗ mở d tương đương f/1, f/1.4 , f/2 f/2.8 … và f chính là độ dài tiêu cự ống kính. Như vậy ta có thể thấy Khẩu độ càng lớn thì đường kính d càng nhỏ và ánh sáng đi qua ống kính càng ít. Và thêm một điều nữa là cùng một đường kính lỗ mở d nếu độ dài tiêu cự ống kính càng dài thì khẩu độ càng lớn.
* Các bạn thường hay thắc mắc tại sao dãy trị số F-stop không phải là 1 ,2 ,3… mà là dãy bội số của căn bậc hai của 2. Trong kỹ thuật chụp ảnh, người ta chọn tiêu chuẩn điều chỉnh độ sáng với một khoảng cách là gấp đôi. Bạn có thể hiểu là khi bạn mở ống kính thêm một khẩu độ có nghĩa là lượng ánh sáng thu được sẽ tăng gấp hai lần. Muốn như thế diện tích lỗ mở phải tăng gấp đôi tương đương với đường kính tăng lên 1.4 lần. Đó là lý do tại sao ta có dãy trị số trên.

Shutter Speed (Thời chụp hay tốc độ)
Ngoài việc điều chỉnh cường độ ánh sáng đi qua ống kính ta còn có thể điều chỉnh thời gian cho ánh sáng đi vào để thay đổi độ sáng của ảnh chụp. Yếu tố này gọi là thời chụp hay tốc độ chụp. Đơn vị tính là giây.
Thời gian này chính là thời gian màn trập trong máy mở ra để cho ánh sáng đi vào. Thời gian này càng lâu (tốc độ chậm) thì lượng ánh sáng đi vào càng nhiều và ngược lại, thời gian này càng ngắn (tốc độ nhanh) thì lượng sáng đi vào sẽ ít đi.
Cũng như phần độ mở ống kính, theo tiêu chuẩn thì khi tăng một nấc thời gian chụp thì lượng ánh sáng đi vào gấp đôi. Tốc độ chụp nhanh hơn 1s có 1/2 , 1/4 , ….1/125, 1/250….Còn lâu hơn 1s là 2, 4, 8 , 16s….
Ngoài ra còn có ký hiệu B : màn chập mở cho đến khi buông tay bấm nút chụp.
Ký hiệu T : màn chập mở cho đến khi bấm nút chụp lần nữa.

Film speed (độ nhạy sáng của film)
Yếu tố này thể hiện khả năng hấp thụ ánh sáng của film.Có nhiều loại film khác nhau. Tuy nhiên hiện thông dụng nhất vẫn là film màu âm bản .loại film này dễ chụp hơn so với các loại khác nên thích hợp cho các bạn mới bắt đầu. Trên mỗi cuộn Film bạn sẽ thấy ghi độ nhạy sáng là 50 , 100 hay 200 ASA… Film 100ASA tốc độ thu sáng gấp đôi so với 50ASA và bằng một nửa so với 200ASA. Film có độ nhạy sáng càng cao thì hình ảnh càng độ mịn hạt càng kém.

Qua phần trên các bạn đã hiểu sơ lược về ba yếu tố liên quan đến độ sáng của ảnh chụp. Phần tiếp theo Tôi sẽ nói đến sự kết hợp ba yếu tố này.

kanehoshi
26-05-2009, 10:45 AM
Chụp ảnh đẹp bằng máy ảnh kỹ thuật số

Tùy thuộc vào từng dòng máy ảnh mà chất lượng hình khác nhau, tuy nhiên, nếu khéo chụp bạn vẫn có bức ảnh đẹp ngay cả với máy compact 100 USD.
Không phải máy ảnh nào cũng có chế độ điều khiển giống nhau.

Tùy vào từng mẫu máy ảnh mà có hay không những chế độ điều khiển. Với dòng cao cấp, người dùng có thể chỉnh tay hầu hết các cài đặt, như lấy nét, tốc độ màn trập, độ nhạy ISO, cân bằng sáng... Còn với các máy tầm thấp, chỉ có một vài lựa chọn.

Nếu khả năng tài chính dư dả, bạn nên sắm một model tầm cao để có nhiều tùy chỉnh hỗ trợ cho bức hình tốt. Nhìn chung, hình chụp có sự can thiệp của kỹ thuật luôn đẹp hơn những chế độ auto. Ví dụ, trong điều kiện thiếu sáng bạn có thể chỉnh khẩu độ lên mức cao (tức là số F nhỏ nhất). Còn khi chụp tốc độ phải tăng tốc màn trập và tăng độ nhạy ISO.

Hầu hết mọi người đều để đèn flash tự động, nhưng thực ra không nên, vì sẽ gặp trường hợp hình bị sáng ở giữa còn background của ảnh thì không có gì. Một điểm nữa rất khó hiểu là nhiều người bật đèn flash để chụp trong đêm nhưng lại đứng xa so với chủ thể được chụp. Có thể họ không hiểu rằng đèn flash không thể chiếu xa đến thế.

Tùy theo hoàn cảnh mà bạn lựa chọn có flash hay không, vì có những trường hợp không đèn màu sắc sẽ được thể hiện một cách chính xác, hậu cảnh rõ ràng. Đương nhiên là cần lưu ý một số quy tắc, như camera phải đặt ổn định lâu hơn, cho nên bạn cần dùng chân máy hay đặt lên một mặt phẳng. Tăng ISO, nhưng ở mức vừa phải, vì ISO cao quá cũng sẽ gây nhiễu.
Không nên sử dụng zoom số.

Thêm vào đó để có một bức hình đẹp, bạn cần biết cách sắp xếp bố cục ảnh. Không nên lúc nào cũng chụp ở một góc duy nhất và cho tất cả vào chính giữa. Đừng ngại đưa máy vào gần để chụp cận cảnh, cũng như tạo ra một phong cách mới khi xoay nhẹ máy để tạo góc nhìn khác. Đừng ngại thử nghiệm.

Ngoài ra cũng phải “nằm lòng” quy tắc một phần ba. Hãy hình dung, nếu chia một khung hình thành ba với 2 đường ngang và 2 đường thẳng, tạo thành 9 ô bằng nhau. Vật thể ở 4 điểm giao giữa các đường đó sẽ hút ánh mắt người nhìn.

Chụp cận cảnh cũng là một ý tưởng hay. Tại sao lại phải chụp ảnh từ xa trong khi chụp gần lấy được nhiều chi tiết hơn. Nếu chụp gần, vật sẽ sắc nét hơn trong khi hậu cảnh lại mờ. Không cần phải để Macro suốt nhưng khi chụp những vật nhỏ thì cũng nên thử, nhất là kết hợp với góc chụp lạ.

Cuối cùng, không nên sử dụng zoom số nếu muốn có bức ảnh đẹp thực sự. Hầu hết các chế độ này trong máy ảnh kỹ thuật số không hoạt động như zoom quang, do nó chỉ lấy khung hình và tăng tỷ lệ kích thước lên. Kết quả thu được là một đống điểm ảnh lẫn lộn. Nếu không đến được gần, cũng đừng dùng zoom số, tốt nhất là bạn nên sử dụng một vài thủ thuật xử lý và crop ảnh trong Photoshop để tối ưu hóa bức hình.

OA _ NỮ
26-05-2009, 12:05 PM
Thanks Kanehoshi. Đọc bài của bạn,mình cũng vỡ vạc ra nhiều lắm. Vì mình mới chỉ abc. Hi vọng khi chụp hình chữ thày ko trả thày.

COCKOO
26-05-2009, 03:57 PM
Rất cảm ơn kanehoshi về loạt bài viết này, mình đã stick lên trên cùng để mọi người tiện tham khảo.
Rất mong chờ những đóng góp của Bạn!

COCKOO
26-05-2009, 04:26 PM
[B]Apeture (Độ mở ống kính)

Độ mở ống kính là phần điều chỉnh cường độ ánh sáng đi qua ống kính. Chúng ta có thể hiểu phần này như là khả năng cho ánh sáng đi qua của ống kính. Cấu tạo bộ phận này bao gồm những lá mỏng ghép lại tạo ra khe hở dạng hình tròn có thể điều chỉnh được. Tương ứng với các độ mở ống kính ta có dãy trị số tiêu chuẩn 1 , 1.4 , 2 , 2.8 , 4 , 5.6 , 8 , 11 , 16 , 32 … các trị số này gọi là F-stop hay Khẩu độ. Tại mỗi F-stop ta có đường kính lỗ mở d tương đương f/1, f/1.4 , f/2 f/2.8 … và f chính là độ dài tiêu cự ống kính. Như vậy ta có thể thấy Khẩu độ càng lớn thì đường kính d càng nhỏ và ánh sáng đi qua ống kính càng ít. Và thêm một điều nữa là cùng một đường kính lỗ mở d nếu độ dài tiêu cự ống kính càng dài thì khẩu độ càng lớn.
* Các bạn thường hay thắc mắc tại sao dãy trị số F-stop không phải là 1 ,2 ,3… mà là dãy bội số của căn bậc hai của 2. Trong kỹ thuật chụp ảnh, người ta chọn tiêu chuẩn điều chỉnh độ sáng với một khoảng cách là gấp đôi. Bạn có thể hiểu là khi bạn mở ống kính thêm một khẩu độ có nghĩa là lượng ánh sáng thu được sẽ tăng gấp hai lần. Muốn như thế diện tích lỗ mở phải tăng gấp đôi tương đương với đường kính tăng lên 1.4 lần. Đó là lý do tại sao ta có dãy trị số trên.


- Khi độ mở của ống kính nhỏ (ví dụ: 11, 16, 22...) thì cho độ nét của ảnh rất sâu. Thường được ứng dụng chụp: Phong cảnh, ảnh có nhiều người.
- Khi độ mở của ống kính mức trung bình (ví dụ: 5,6; 7,2; 8...) thì cho ảnh có độ nét trung bình, thường ứng dụng chụp ảnh thời sự, sinh hoạt...
- Khi độ mở của ống kính mức rộng (ví dụ: 1; 1,4; 2; 2,8...) thì cho ảnh có độ nét nông và nét điểm(nét điểm là lấy nét phần trước mặt và một ít phía sau) ứng dụng cho chụp ảnh chân dung, tĩnh vật, hoa...

kanehoshi
27-05-2009, 09:34 AM
Khi độ mở của ống kính nhỏ (ví dụ: 11, 16, 22...) thì cho độ nét của ảnh rất sâu. Thường được ứng dụng chụp: Phong cảnh, ảnh có nhiều người.


5 mẹo nhỏ giúp chụp ảnh phong cảnh đẹp hơn

Để chụp được những bức ảnh phong cảnh có hồn, nói lên được nhiều điều về địa danh, người cầm máy phải nắm được những kỹ thuật mà chỉ những trường lớp bài bản mới có thể cung cấp cho họ, nhưng với những tay máy nghiệp dư, 5 mẹo nhỏ sau đây có thể sẽ giúp ích được phần nào.

Có những nguyên tắc bất di bất dịch mà bất cứ ai nếu muốn chụp ảnh phong cảnh đẹp đều phải tuân thủ, như lựa chọn thời điểm, vị trí thích hợp. Có người phải dậy từ trước bình minh, leo lên đỉnh núi để mong có được một bức ảnh mặt trời mọc ưng ý. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, ống kính góc rộng là một thiết bị vô cùng hữu ích nếu muốn có những bức ảnh phong cảnh sáng giá.

1. Tuân thủ nguyên tắc "giờ vàng"
Sáng sớm và buổi chiều tà là lúc ánh sáng thích hợp nhất cho chụp ảnh phong cảnh.
Rất nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng từng chụp được những bức ảnh phong cảnh để đời luôn tuân thủ nghiêm ngặt một nguyên tắc mang tên "giờ vàng" (golden hours). "Giờ vàng" đối với nghệ thuật nhiếp ảnh thường rơi vào buổi sáng hoặc buổi chiều tối. Đó là khi nhiệt độ không khí chưa lên cao, ánh nắng mặt trời cũng chưa chói chang mà mới chỉ đủ để tạo nên những mảng màu ấm áp và những khối hình đổ bóng, mang đến cảm giác về một không gian ba chiều cho khung cảnh khi đó. Nếu không may để lỡ ánh nắng ban mai, hãy cố gắng làm lại vào buối xế chiều.

2. Chọn vị trí
Tránh để ánh sáng chiếu thẳng từ sau lưng, bởi nó sẽ khiến khung cảnh trở nên âm u.
Quen thuộc và hiểu rõ về địa điểm nơi bạn chuẩn bị chụp sẽ là một lợi thế lớn, còn nếu tốt hơn nữa thì hãy nắm chắc những vị trí mà ánh nắng mặt trời sẽ chiếu vào trong những thời điểm nhất định trong ngày. Cho dù bức ảnh bạn chụp có thể nhiều ánh sáng hơn nếu bạn đứng quay lưng về phía mặt trời, nhưng hãy cố gắng tránh điều đó, bởi nó sẽ làm cho khung cảnh trở nên âm u và không đẹp.

3. Chi tiết nổi bật và những chi tiết bóng
Ánh sáng dành cho nền trời và tiền cảnh thường rất khác nhau. Nhược điểm mà những chiếc máy ảnh du lịch thường hay mắc phải là đo sáng sai, dẫn tới tình trạng tiền cảnh thì có được ánh sáng và màu sắc tối ưu, trong khi những khung cảnh nổi bật trên nền trời lại không được chú trọng đúng mức. Vì vậy, nếu máy ảnh của bạn có chế độ tùy chỉnh độ phơi sáng hoặc tính năng bù trừ sáng, hãy thử chỉnh xuống mức âm xem có thể giữ lại các chi tiết trên nền trời hay không. Thà chịu hy sinh các chi tiết bóng còn hơn bị mất các chi tiết nổi bật.

4. Bầu trời và những đám mây
Những đám mây sẽ xuất hiện khi nào và ở đâu là điều mà con người không thể kiểm soát được. Nhưng nếu chụp được bức ảnh trên nền trời có mây, nó sẽ tạo ra cảm giác về chiều sâu cho ảnh, đồng thời giúp cho bầu trời bớt đi sự nhàm chán. Muốn cho bầu trời hiện lên xanh ngắt, hãy gắn thêm filter phân cực vào ống kính. Nếu máy của bạn chỉ là máy du lịch thông thường, hãy thử các chế độ cài đặt về màu sắc trong menu để so sánh các kết quả với nhau rồi chọn lấy bức có hiệu ứng đẹp nhất.

5. Dòng nước óng ánh
Các dòng suối và thác nước là những đối tượng chụp đòi hỏi nhiếp ảnh gia phải xử lý một cách tinh tế.


Mặc dù một bức ảnh có độ sắc nét cao luôn đẹp, nhưng trong trường hợp này, nếu ảnh nét quá sẽ không diễn tả được tính chất đang chuyển động nhanh của dòng nước. Vì vậy, nếu có thể, hãy giảm tốc độ trập xuống và sử dụng chân máy. Với những cài đặt đó, mặt nước sẽ hiện lên trong bức ảnh mượt mà và óng ả hơn, mang đến cho người xem những cảm nhận thú vị. Ngược lại, nếu máy ảnh du lịch của bạn không có nhiều tính năng tùy chỉnh, hãy sử dụng những chế độ chụp mặc định mà máy cung cấp. Đôi khi, chúng làm việc rất tốt.
(sưu tầm)

TeacherABC
27-05-2009, 09:47 AM
Một topic có ích! Thank kanehoshi!

OA _ NỮ
30-05-2009, 08:46 AM
Từ ngày tham khảo về kĩ thuật chụp ảnh rồi, tự nhiên cầm máy ảnh lên, rồi lại đặt xuống. Thở ngắn rồi lại thở dài. Nhìn lại hình mình chụp, nhìn lại hình của các cao thủ chụp, thấy đỏ hết cả mặt...

Phu sinh
30-05-2009, 09:09 AM
Từ ngày tham khảo về kĩ thuật chụp ảnh rồi, tự nhiên cầm máy ảnh lên, rồi lại đặt xuống. Thở ngắn rồi lại thở dài. Nhìn lại hình mình chụp, nhìn lại hình của các cao thủ chụp, thấy đỏ hết cả mặt...

Trùi! Ai cũng thế mà, người ta chơi máy chỉnh tay có cả đồ chơi kèm theo, mình chơi tự động là xa nhau ngàn dặm rồi! Đừng thở dài, đừng sợ hãi cứ chụp để nhuần nhuyễn những căn bản là hay rồi, PS nghĩ thế!

kanehoshi
30-05-2009, 09:44 AM
Từ ngày tham khảo về kĩ thuật chụp ảnh rồi, tự nhiên cầm máy ảnh lên, rồi lại đặt xuống. Thở ngắn rồi lại thở dài. Nhìn lại hình mình chụp, nhìn lại hình của các cao thủ chụp, thấy đỏ hết cả mặt...
Máy móc là cái phụ trợ thôi; đừng quan tâm đến máy chuyên nghiệp hay máy ngắm chụp. Cái chính là bắt được khoảng khắc.

Hoa súng e chụp bằng máy ngắm chụp nè:

http://i107.photobucket.com/albums/m312/kanehoshi/hoasung-1.jpg

OA _ NỮ
30-05-2009, 10:23 AM
Máy ngắm chụp là máy tự động phải ko? sao mà nét thế. Oa Nữ chụp nhiều hoa lắm, và xương rồng nữa xong cũng không nét được như thế.
Đẹp quá, ON chưa bao giờ được ngắm hoa súng thật ngoài đời. Sao màu lại thế? Hoa súng màu tím xanh như thế sao.

Phu sinh
30-05-2009, 01:16 PM
Lâu rồi vào công viên Đầm Sen cũng chụp được vài tấm hoa súng màu xanh tím như thế, cũng canh tới canh lui nhưng không thể nào được như vậy, nhìn cứ như mấy tấm Oa chụp mấy bữa nay (hi..hi... sorry Oa nhe, là so sánh với mấy tấm này) có lẽ do không nắm được cái khoảnh khắc.

NHAT NGUYET
30-05-2009, 10:41 PM
Các bác chỉ giúp, tớ chụp pháo hoa chỉ được thế này (và tệ hơn) là tại làm sao nhỉ? Máy tớ có chế độ chụp pháo hoa ( nhưng lại lười không dùng chân )

http://i612.photobucket.com/albums/tt204/nhatnguyetphotos/DSC00777.jpg

http://i612.photobucket.com/albums/tt204/nhatnguyetphotos/DSC00776.jpg

http://i612.photobucket.com/albums/tt204/nhatnguyetphotos/DSC00779.jpg

NHAT NGUYET
30-05-2009, 10:51 PM
http://i612.photobucket.com/albums/tt204/nhatnguyetphotos/DSC00750.jpg
Nhạc nước

OA _ NỮ
31-05-2009, 01:50 AM
NN ui, Hình chụp đẹp thế còn j. On nhìn mà mê quá đi, ko biết bao giờ mình mới chup nổi được màu sắc, góc độ như thế..

OA _ NỮ
31-05-2009, 03:09 AM
Oa Nữ cũng chụp thử hoa bằng máy tự động, mà sao ko nét bằng máy của Kanehoshi.

http://i663.photobucket.com/albums/uu355/oanu/IMG_0208.jpg

COCKOO
31-05-2009, 09:39 AM
Các bác chỉ giúp, tớ chụp pháo hoa chỉ được thế này (và tệ hơn) là tại làm sao nhỉ? Máy tớ có chế độ chụp pháo hoa ( nhưng lại lười không dùng chân )

1. Lựa chọn cân bằng trắng WB ở "cloudy".
2. Lựa chọn ISO ở 50.
3. Nếu như máy có chế độ Av thì chọn f/11 hoặc f/8 với những máy ảnh cầm tay thông thường chỉ có f max. = 8.
4. Chọn chế độ đo sáng trung tâm.
5. Chọn chế độ chụp ảnh "Landscape" hoặc đặt nét vào vô cực nếu có thể.
6. Tắt đèn flash.
7. Chọn chế độ chụp liên thanh.

Các thao tác chụp ảnh pháo hoa với máy ảnh chụp cầm tay thì bạn nên lưu ý các vấn đề sau:
1. Khuôn hình: bạn nên chọn một vị trí thuận lợi, không bị cản trở trong thao tác chụp ảnh. Vì là chụp không có tiền cảnh và không gian rộng nên bạn cần lưu ý tới đồ hình của những chùm pháo hoa.
2. Bạn nên quan sát khoảng 3 phút cách thức bắn pháo hoa và thời gian giữa các chùm pháo hoa để có thể lựa chọn được thời điểm bấm máy thích hợp.
3. Bấm máy vào lúc nào? Theo kinh nghiệm thì luôn bấm máy vào đúng khoảnh khắc viên đạn pháo hoa đạt đủ độ cao và bắt đầu phát sáng. Bạn nên chọn cảnh có nhiều chùm pháo hoa cùng bắn lên nhé vì máy ảnh cầm tay không thể chụp như dSLR với chân máy ảnh được.
4. Chế độ chụp liên thanh sẽ rất hữu dụng khi pháo hoa bắn lên liên tục. Bạn cần cố gắng giữ máy ở một vị trí ổn định là sẽ có hình ảnh đẹp.

kanehoshi
31-05-2009, 09:49 AM
Các bác chỉ giúp, tớ chụp pháo hoa chỉ được thế này (và tệ hơn) là tại làm sao nhỉ? Máy tớ có chế độ chụp pháo hoa ( nhưng lại lười không dùng chân )


Kỹ thuật cơ bản về nhiếp ảnh: Chụp pháo hoa
1. Dùng tripod:
Trước hết, bạn cần thiết phải có chân chống máy (tripod). Không có cách nào bạn tránh khỏi dùng tripod, vì tấm ảnh ấn tượng gần như chắc chắn sẻ đòi hỏI bạn mở màn chập (shutter) vài giây đồng hồ. Vì thế, máy ảnh của bạn phải được giữ vững và đảm bảo đứng yên khi bạn chụp.
Bạn cũng nên tìm cách chụp ảnh mà không đụng vào máy. Các máy chuyên nghiệp trước đây hay dùng nút bấm nối bằng dây (cable remote shutter release) các máy sau này thì dùng nút bấm không dây (wireless electronic remote). Loại nào cũng được miễn là nó hoạt động… mà không cần bạn nhấn ngón tay vô làm rung máy.
2. Dùng đúng loại film:
Hoàn toàn ngược lại với đa số suy đoán, film càng chậm và càng ít nhạy với ánh sáng (slower speed film) càng tốt cho chụp pháo hoa. Film nhanh và nhạy ánh sáng sẽ làm cho ảnh ít đậm đà màu sắc và ít trong trẻo – nguyên lý hoàn toàn ngược với chụp chủ thể trong bóng tối.
Cho nên nếu bạn chụp film thì mua film ISO 50, ISO 64, hay ISO 100… và nhớ mua nhiều cuộn film. Nếu bạn đang chụp gần đến giai đoạn đẹp nhất mà hết film thì tiếc lắm. Nếu bạn dùng máy digital thì để ISO thấp nhất… và đem theo nhiều thẻ nhớ để không mất phần hay nhất.
Dùng film chậm và ít nhạy ánh sáng đi đôi với dùng tripod rất quan trọng.
3. Chọn địa điểm chụp:
Cũng như khi chụp mặt trời lặn hay chụp cảnh panorama, chúng ta nên xen vào những vật thể thú vị làm cho ảnh ấn tượng hơn. Một toà nhà được soi sáng hay một tượng đài thể hiện trong bầu trời tỏa sáng pháo hoa sẻ làm ảnh của bạn ấn tượng hơn của các nhiếp ảnh gia khác.
Khi chụp pháo hoa, ít khi tôi muốn đến các chổ tụ tập bán vé coi pháo hoa. Thay vào đó tôi đi xung quanh khu vực pháo hoa bắn lùng sục chung quanh trước mấy ngày, tìm một chổ vắng vẻ mà tôi có thể nhìn rỏ lể hội và có cái tòa nhà hay tượng đài…
4. Khẩu độ, tốc độ và thời điểm:
Trước khi bắt đầu, để khẩu độ f8.0 hay nhiều hơn một tý. Chờ đến khi bạn thấy một cái tia lửa sắp vọt lên không trung (nếu không thì ráng canh coi khi nào người ta sắp bắn lên)
Để máy ở chế độ “bulb” (nếu máy bạn có chế độ này), nếu không thì để khoảng từ 4 giây – 20 giây tùy theo pháo hoa lâu hay mau và tùy khẩu độ. Thường thường có thể để khẩu độ bulb rồI ngưng khi nào một cái pháo hoa bung ra hết rồi tắt.
Nếu có chủ thể mà bạn muốn xen thêm vô ảnh thì đo sáng từ chủ thể đó, nếu không thì cứ thử mấy khẩu độ khác nhau cho vui.
5. Tránh ánh sáng thừa:
Khi bạn chụp mà không để mắt vào lổ ngắm (view finder), ánh sáng không ước tính có thể len vào máy làm ảnh hơi sáng, để tránh trường hợp này các bạn nên che lại. Một số máy ảnh có kèm theo miếng che, nếu không có thì bạn lấy giấy đen dán kín lại để ánh sáng không lọt vào từ đàng sau là được rồi.
6. Dùng máy film và máy kỹ thuật số:
Vậy dùng máy film và máy kỹ thuật số thì có khác nhau nhiều không? Không nhiều lắm, về nguyên tắc vẫn giống nhau.
Cái khác nhau nhiều ít là giữa máy Point&Shoot tự động và máy có khả điều chỉnh. Nếu máy của bạn cho phép mở ống kính rất lâu (bulb mode) là bạn có thể chụp pháo hoa được rồi.
7. Mẹo vặt khi không có tripod:
Bạn không có tripod… không sao, bạn tìm 1 cái bờ tường hay cái bệ chêm kỹ càng làm tripod. Nếu bạn chêm không kỹ mà máy rớt xuống đừng có đền người viết bài này.
8. Mẹo vặt khi không có remote:
Tôi không có nút bấm remote… không sao, có 2 cách:
Cách 1: tôi để hệ thống chụp tự động (timer) thật ngắn. Sau đó phải tự đoán khi nào họ bắn lên thì bấm trước đó vài giây. Cách này hơi khó nhưng còn dễ có ảnh đẹp hơn là rung máy.
Cách 2: cách này hơi giống chụp pin hole, nếu máy tôi có chế độ bulb để máy mở thật lâu, sau đó làm các bước sau:

a. tôi sẽ lấy 1 cái nón hay khăn màu đen đậy ốnh kính

b. sau đó nhẹ nhảng bấm máy, vì ống kính bị che kín nên không có gì thâu lại cái rung

c. sau đó khi thấy pháo bắn lên thì lấy đồ che ống kính ra để bắt đầu thâu ánh sáng

d. khi pháo bung ra hết... nhẹ nhàng che ống kính lại cho tối om

e. cuối cùng bấm máy để đóng sensor.
(bài này do TheAmateur biên soạn)

Ảnh pháo hoa do tôi chụp ở Đà Nẵng vừa rồi:

http://i107.photobucket.com/albums/m312/kanehoshi/hanabi-SACMAU.jpg

http://i107.photobucket.com/albums/m312/kanehoshi/hanabi-5.jpg

COCKOO
31-05-2009, 09:50 AM
Oa Nữ cũng chụp thử hoa bằng máy tự động, mà sao ko nét bằng máy của Kanehoshi.
Với chiếc Digital IXUS 980 IS của chị không hề kém hơn chiếc Digital IXUS 900 IS của Kanehoshi, thậm chí còn hơn. Với máy này tiêu cự chụp close up cho hoa cỏ với chế độ macro là từ 50cm đến 5cm. Như ảnh trên của chị là chụp thiếu sang nên phải dùng tới đèn flash, con ảnh của Kanehoshi là chụp ngoài trời nên có ánh sáng tự nhiên tốt hơn.

kanehoshi
31-05-2009, 10:09 AM
Với chiếc Digital IXUS 980 IS của chị không hề kém hơn chiếc Digital IXUS 900 IS của Kanehoshi, thậm chí còn hơn. Với máy này tiêu cự chụp close up cho hoa cỏ với chế độ macro là từ 50cm đến 5cm. Như ảnh trên của chị là chụp thiếu sang nên phải dùng tới đèn flash, con ảnh của Kanehoshi là chụp ngoài trời nên có ánh sáng tự nhiên tốt hơn.
Tôi góp thêm một ý nhỏ nữa là:
- Có thể bị run tay
- Thiếu PS

Xin mạng phép "bùa" lại ảnh của OA__NỮ chút xíu

http://i107.photobucket.com/albums/m312/kanehoshi/OA-NU-1.jpg

COCKOO
31-05-2009, 10:17 AM
Tôi góp thêm một ý nhỏ nữa là:
- Có thể bị run tay
- Thiếu PS


Máy ảnh cầm tay thường mang lại độ nét sâu khi chụp hoa cỏ và không bị sai nét, nhưng nó lại có nhược điểm cực lớn là không thể làm mờ phông hình dẫn tới việc không làm nổi bật được chủ thể. Nhưng vẫn có mẹo chụp để tạo phông mờ trong ảnh macro với ống kính góc rộng là chọn hướng chụp với hậu cảnh thật xa.
Khi chụp macro ở vị trí ống kính télé thì ta rất dễ dàng cảm thấy ngay những khó khăn kỹ thuật: thứ nhất là khoảng cánh giữa máy ảnh và hoa xa hơn, khó canh nét hơn và ống kinh télé cũng kém nhạy sáng hơn, đòi hỏi tốc độ chụp cao hơn để tránh rung.
Nếu có thể thì nên dùng chân máy ảnh hoặc tìm một điểm tựa thích hợp để có thể chụp ảnh thoái mái hơn. Lợi thế của chụp ảnh macro ở vị trí télé là độ sâu của trường ảnh rất nhỏ, bạn có thể làm mờ phông hình như những ống kính macro chuyên nghiệp

NHAT NGUYET
31-05-2009, 11:56 AM
Cảm ơn hai bác Cockoo và kanehoshi nhiều lắm, đọc những góp ý của các bác tớ học được rất nhiều điều, thế mới biết thế nào là "không thầy đố mày làm nên". Thật thú vị với những "mẹo vặt" của 2 bác đã chỉ vẽ cho, đúng là nghề chơi cũng lắm công phu thật. Lần nữa xin được cảm ơn 2 bác rất nhiều.

OA _ NỮ
31-05-2009, 07:51 PM
Topic nhiếp ảnh này thật rất hữu ich với người abc như Oa Nữ, hiểu biết được nhiều lắm.
Hôm qua con gái soạn đưa cho một mớ sách học về nhiếp ảnh, rồi cậu hàng xóm qua đưa thêm mấy cuốn nữa, ON cám ơn rối rít xong trong bụng nghĩ học trên NR còn chưa hết, đọc những cuốn này tẩu hỏa nhập ma là cái chắc....
Thanks các cao thủ...

kanehoshi
02-06-2009, 01:25 PM
Topic nhiếp ảnh này thật rất hữu ich với người abc như Oa Nữ, hiểu biết được nhiều lắm.
Hôm qua con gái soạn đưa cho một mớ sách học về nhiếp ảnh, rồi cậu hàng xóm qua đưa thêm mấy cuốn nữa, ON cám ơn rối rít xong trong bụng nghĩ học trên NR còn chưa hết, đọc những cuốn này tẩu hỏa nhập ma là cái chắc....
Thanks các cao thủ...
Đối với tôi thì phần lý thuyết coi như bằng zero nhưng có một phương châm là: "chụp, chụp nữa, chụp mãi ....... ".
Tôi từ trước đến giờ chỉ chuyên về ảnh hàng không (vì mê hàng không :botay: ) nên cuối tuần nào cũng đi chụp nên cũng tự mình rút ra được nhiều đều từ những bức hình đã chụp.