PDA

View Full Version : Hữu Loan - cây gỗ vuông màu tím



chuột con
22-03-2010, 09:24 PM
ÁO ANH SỨT CHỈ ĐƯỜNG TÀ
Phạm Duy
Thái Thanh

http://www.nhaccuatui.com/m/B1VJVm23Jf


http://phongthuyquan.com/diendan/index.php?action=dlattach;topic=910.0;attach=817;i mage

Màu Tím Hoa Sim

Hữu Loan

Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê…

Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh
Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
một mình đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa…

Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường đông bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu…

Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu…

(1949, khóc vợ Lê Đỗ Thị Ninh)

chuột con
22-03-2010, 09:25 PM
Hữu Loan – cây gỗ vuông màu tím

Phạm Xuân Nguyên

Ông là một nhà thơ đích thực của nền thơ hiện đại VN. Ðích thực bởi thơ. Chỉ bằng hai bài Màu tím hoa sim và Ðèo Cả, Hữu Loan đã ghi danh mình cho thơ Việt ở sự riêng tư và mới mẻ.

Màu tím hoa sim là tiếng khóc của người chồng cho người vợ xấu số, là một tiếng kêu cho tình yêu trong thời đạn lửa, là lời phẫn uất trước số mệnh phũ phàng của con người.

Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh.

Tiếng thơ ấy đã lập tức đồng vọng và lan xa trong lòng bao người, dẫu ở một thời chiến tranh bắt con người phải nén nỗi đau riêng, vùi chôn tâm trạng cá nhân để ra trận và cầm súng, bởi vì đó là tiếng thổn thức thắt nghẹn của con tim. Ðèo Cả hào hùng, hào sảng tinh thần của một thế hệ dấn thân cho vận nước trong hình ảnh những chiến binh như trượng phu ngang tàng giữa núi rừng, chấp mọi hiểm nguy, đùa cùng gian nan.

Sau mỗi lần thắng
Những người trấn đèo Cả
Về bên suối đánh cờ
Người hái cam rừng
ăn nheo mắt
Người vá áo
thiếu kim
mài sắt
Người đập mảnh chai
vểnh cằm
cạo râu
Suối mang bóng người
soi
những
về đâu?

Hai bài thơ khắc ghi dấu ấn rất riêng của Hữu Loan vào một thời thơ. Thơ, chứ không phải cái gì khác, đã làm nên Hữu Loan, đã vinh danh ông. Những nhát thơ Hữu Loan đục vào thời gian, đục vào tâm khảm, để lại dấu tích không phai.

Ông đã sống một cuộc đời dài, thật dài, mà những khổ nạn, thử thách chỉ càng làm bền thêm trong ông những lựa chọn ban đầu khi làm cách mạng và làm thơ. Bỏ phố thị thủ đô về lại quê hương, tự tay vỡ đất vỡ đá lầm lụi tháng ngày nuôi vợ con, nuôi mình chống chọi với cuộc sống thiếu thốn vất vả và nhiều chướng ngại, nhưng ông không nề hà, nản chí.

Hữu Loan là một con người cương cường. Ai đã một lần gặp ông, nhìn ngắm khuôn mặt ông, nhất là đôi mắt, và nghe giọng ông nói đều có thể cảm nhận đây là một con người không chịu gục ngã trước thử thách. Trời đã cho ông sức khỏe và ý chí để thọ cao đến vậy sau bao khổ nhọc chồng chất. Nhưng tôi tin trời thương ông nên đã ban thơ cho ông để ông sống được là mình như vậy. Ông tự gọi mình là cây gỗ vuông:

Tôi, cây gỗ vuông chành chạnh suốt đời
Ðã làm thất bại âm mưu
đẽo tròn
để muốn tùy tiện
lăn long lóc
thế nào
thì lăn lóc.
Chân lý đấy
hỡi
rìu
bào
phó mộc.

Nhà ông, trên bàn thờ chỉ để một chữ “tâm”.

Tôi đã thấy chữ “tâm” đó mỗi lần bước vào nhà ông ở một vùng quê xứ Thanh. Lần gần đây nhất là trước Tết dương lịch 2010 mấy ngày. Khi ấy ông đã yếu nhiều, giọng thều thào, nhưng cũng như bao lần có khách đến thăm yêu cầu, ông vẫn cất giọng đọc thơ. Ðọc hai bài Màu tím hoa sim và Hoa lúa. Một bài cho người vợ đầu xấu số mất sớm khiến ông đau xót khôn nguôi hơn 60 năm qua. Một bài cho người vợ sau gắn bó hơn nửa đời người cùng ông trải bao hoạn nạn đắng cay, sinh cho ông mười người con, giữ cho ông tinh thần phải sống.

Giọng ông lúc khỏe nghe rõ ràng, khúc chiết, sai một chữ một từ là ông sửa lại ngay. Lúc yếu, giọng nghe không rõ, nhưng vẫn thấy tỏa ra trong giọng đọc đó tình cảm sâu nặng sắt son của ông dành cho hai người phụ nữ đã làm nên đời ông – đời một con người và đời một nhà thơ.

Thơ ông đã nằm lòng bao nhiêu độc giả hàng chục năm qua. Không chỉ là một, hai bài đã nổi tiếng, mà còn những bài khác được truyền tụng. Như bài Tình thủ đô, mới được nhà thơ Dương Tường và nhà văn Mạc Lân khôi phục mấy năm trước. Như bài Hữu Loan khóc Nguyễn Sơn năm 1956:

Một đám tang đã diễu hành
Một đám tang cờ đỏ liệm quan tài
Nấc lên mầu huyết
Một đám tang đi
Không
bao
giờ
tới
huyệt.

Từ thơ, có thêm một màu là màu tím Hữu Loan. Cây gỗ vuông màu tím – đó chính là chân dung Hữu Loan đời và thơ.

(Sài Gòn 19-3-2010)

chuột con
22-03-2010, 09:31 PM
Hữu Loan – Người đi bộ ngược chiều

Nguyễn Thụy Kha

Tin buồn mà một người bạn xứ Thanh nhắn vào máy di động của tôi ngày 18/3: “Nhà thơ Hữu Loan đã ra đi” khiến lòng tôi xao xác. Vậy là thêm một nhà thơ đàn anh đầy hoạn nạn đã chuyển cõi.

Vợ anh mất sớm…

Chỉ ít lâu sau ngày Hải Phòng và miền Bắc hoàn toàn giải phóng (13/5/1955), tôi đã nghe chị em mình ngâm nga: “Nàng có ba người anh đi bộ đội / Những em nàng – có người chưa biết nói / Khi tóc nàng xanh xanh / Tôi người Vệ quốc quân / Xa gia đình / Yêu nàng như tình yêu em gái / Ngày hợp hôn nàng không may áo cưới…”

Chị tôi đã bật khóc khi đọc: “Nhưng không chết người trai khói lửa / Mà chết người gái nhỏ hậu phương / Tôi về không gặp nàng / Má tôi ngồi bên mộ nàng đầy bóng tối / Chiếc bình hoa ngày cưới / Thành bình hương tàn lạnh vây quanh“. Chị nói đấy là thơ khóc vợ của nhà thơ Hữu Loan.

Cái tên Hữu Loan đã ám ảnh tôi từ đó. Sang mùa xuân sau, tôi lại nghe bài hát Hoa lúa của Trần Chung phỏng thơ Hữu Loan hay đến xao xuyến. Tôi vừa phục nhạc sĩ vừa phục nhà thơ. Thế rồi thời gian bẵng đi, rồi chiến tranh…

Màu tím hoa sim qua giai điệu của Phạm Duy trở thành Áo anh sứt chỉ đường tà. Không hiểu sao nhiều người lính cứ thầm nghêu ngao câu nhạc “Áo anh sứt chỉ đường tà, Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu…”

Hóa ra “màu tím hoa sim” là cảnh ngộ của nhiều người lính trên trái đất này trong chiến tranh. Có một bài dân ca Grudia mà nữ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã từng rất thích cũng mang tứ như thế. Sau Màu tím hoa sim, ta còn đọc Núi đôi của Vũ Cao, Quê hương của Giang Nam đều có cái tứ ấy. Vậy là bi kịch này sẽ còn mãi nếu còn chiến tranh.

Ở Việt Nam, Hữu Loan là người phát ngôn bi kịch ấy bằng thơ đầu tiên. Một bài thơ xuất thần được trả giá bằng cái chết đau thương của chính vợ nhà thơ – bà Lê Đỗ Thị Ninh. Và với việc phát ngôn bi kịch này, ngược với cách tuyên truyền tụng ca ngày đó, Hữu Loan đã chính thức là “người đi bộ ngược chiều” trong nhiều năm tháng của lịch sử văn học Việt Nam.

Người đi bộ ngược chiều

Thống nhất đất nước, tôi trở về Hà Nội. Qua tiếp xúc với Đặng Đình Hưng, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần… và nhất là Văn Cao, tôi mới biết được khí phách của “người đi bộ ngược chiều” này. Văn Cao kể rằng sau vụ “Nhân văn Giai phẩm”, Hữu Loan có quyết định giống như Nguyên Hồng là về quê. Nguyên Hồng về ấp Cầu Đen là để viết tiếp những dự định tiểu thuyết của mình. Còn Hữu Loan thì đoạn tuyệt hẳn với nghề viết. Ông sắm xe đạp đi thồ đá ở Nga Sơn (Thanh Hóa quê ông).

Đêm trước khi về quê, Hữu Loan và Văn Cao đã đi bên nhau trắng đêm quanh hồ Thuyền Quang. Bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu tâm sự, họ đã trút sang nhau cạn kiệt đến thanh thản. Đêm ấy đã gợi cho Văn Cao viết bài thơ “Cạn”: “Những tiếng gà lên / Rụng hết, những ngôi sao cuối / Tiếng kêu ở trong tôi / Có xót xa có cả vui mừng / Tiếng kêu của một khúc thép đỏ / Trong chậu nước…”

Mùa thu 1987 là mùa thu Hữu Loan ra Hà Nội. Chính mùa thu ấy, tôi mới thực kiến diện “người đi bộ ngược chiều”. Hữu Loan vui mừng với thời đổi mới bằng việc mang ra một tập thơ mang tên “Màu tím hoa sim” với những bài thơ lừng danh một thời như “Đèo Cả”, “Hoa lúa”, “Những làng ta đi qua”, “Nguyễn Sơn”, “Quách Xuân Kỳ”… Những cuộc rượu đầm đìa nước mắt của cố nhân gặp cố nhân. Những ngày ấy, khi ông ở nhà tôi, khi ông ở nhà anh Chu Thành (tức Tú Sót). Anh em hàn huyên bao chuyện không dứt. Hữu Loan cũng là một “tiên tửu”. Càng say, ông càng vuốt những sợi râu cước oai phong và đọc vang Đường thi. Ông có lối dịch thơ Đường cũng khác người. Ông ngông đến mức không biết giữa ông với tiên sinh Tản Đà, ai hơn ai kém. Chất chứa trong lòng bao nhiêu ẩn ức, vậy mà tiếng cười Hữu Loan vẫn trong vang, sảng khoái. Tiếng cười của người thồ đá.

Có một đêm uống rượu khá say ở nhà ông Chu Thành, tôi dìu ông ra vỉa hè đường Bà Triệu và sau đó đi bộ về Hàng Bông. Vừa đi tôi vừa ngẫu hứng từng câu thơ trong cuộc “đi bộ ngược chiều” đó: Khoác vai nhau đi /ngược đường Bà Triệu /Người ba mươi năm trước / người hôm nay / Không khoảng cách / Anh thầm thì sợ lạc / như từng lạc / Khiến tôi đang say / chợt tỉnh / rồi lại say / Nếu là ôtô / Là môtô / Là xe đạp / sẽ bị tuýt còi ngay / Nhưng ngược chiều là hai người đi bộ / Những bước chân chẳng nói được gì về tốc độ / Trong đầu họ những tứ thơ vụt bay / Hai người / hai thế hệ / cách nhau ba mươi năm / vẫn đang cùng sóng đôi / Đi ngược chiều đường Bà Triệu / Trong đêm ai dõi nhìn có hiểu / Họ sẽ cùng đi tới sáng bằng lối này / Ngỡ ông say không nghe, vậy mà hết bài thơ, ông nắm chặt tay tôi. Không nói / Lại bước tiếp.

Cứ thế, ông đã là “người đi bộ ngược chiều” cho đến hôm nay khi bước vào tuổi 95. Giống như mẹ tôi khi mất, ông đã sống thọ theo cách nói của hôm nay là “đá bù giờ sau phút”, đã ngừng hành trình của “người đi bộ ngược chiều”, tạc lại đời một khí phách Hữu Loan.

chuột con
22-03-2010, 09:32 PM
Kỷ niệm với nhà thơ Hữu Loan

Đoàn Thanh Liêm


Hai nhà thơ Hữu Loan và Hà Thượng Nhân là bạn cùng lứa tuổi và cùng xuất thân từ quê hương Thanh Hóa, nên rất gắn bó thân thiết với nhau. Hai ông vẫn xưng với nhau là “Mày/Tao” như cái hồi còn nhỏ tuổi có đến trên dưới 80 năm rồi. Ngày nay cả hai đã ở vào cái tuổi “cửu thập’ sắp sửa bước tới “bách tuế” rồi. Trước năm 1945, tại Thanh Hóa người ta vẫn gọi hai ông là Tú Loan (Nguyễn Hữu Loan), Tú Trinh (Hoàng Trinh = Phạm Xuân Ninh sau này) với sự trọng nể kính phục, vì vào thời đó những người có bằng Tú tài ở địa phương thì rất hiếm, có thể đếm trên đầu ngón tay được.

Sau 1954, Hữu Loan ở lại miền Bắc, còn Hà Thượng Nhân thì vào miền Nam. Và cả hai đều có sự nghiệp thơ văn đáng kể, mỗi người mỗi vẻ.Tôi có cái duyên được gần gũi quen biết với cả hai nhà thơ nổi danh này. Năm ngoái 2008, tôi đã viết về nhà thơ Hà Thượng Nhân, năm nay tôi xin viết về những kỷ niệm vui vui với nhà thơ Hữu Loan. Vì đã có nhiều tác giả phân tích chi tiết về các bài thơ của Hữu Loan, nên tôi sẽ không lạm bàn về lãnh vực văn chương thơ phú, mà chỉ ghi lại cái kỷ niệm riêng tư khó quên giữa nhà thơ và tôi ở Sai Gòn vào năm 1988-89.

Sau năm 1975, qua Trương Hùng Thái (chú Thái) là một nhà thơ trẻ ở miền Nam, tôi có dịp gặp gỡ làm quen được với mấy nhà thơ ở miền Bắc như Trần Dần, Hữu Loan. Các bạn trẻ ở Sai Gòn hay tổ chức những buổi sinh họat văn nghệ tại tư gia, vừa gọn gàng kín đáo mà lại vừa thân mật ấm cúng như trong phạm vi một gia đình. Anh Trần Dần hồi đó đã đau bệnh nên đi lại khó khăn. Nhưng anh Hữu Loan dù đã ở tuổi “thất thập” rồi, mà vẫn còn tráng kiện lắm, anh cỡi xe đạp rong ruổi khắp nơi trong thành phố, ra cả ngọai ô. Tôi thường dẫn anh đi ăn phở nơi các quán “Phở gánh” trong mấy đường hẻm khu Ngã Ba ông Tạ hay khu Nhà ga Phú Nhuận. Cũng như dẫn anh đi uống cà phê ở mấy quán bình dân, khuất nẻo như quán cóc trong lối xóm. Anh Loan rất thích cái phong cách cởi mở, hồn nhiên của người miền Nam. Nhiều gia chủ khi được giới thiệu anh là tác giả bài thơ nổi danh “Màu tím hoa sim”, thì đã vui vẻ khoản đãi món ăn, thức uống, mà không hề lấy tiền của Hữu Loan. Dịp này, anh tâm sự với tôi : “Bà con miền Nam thật là cởi mở hào phóng, đày ắp tình người…”

Và trong nhiều buổi tối, chú Thái và cô Tú còn hay tổ chức bữa nhậu để khoản đãi Hữu Loan, dịp này bằng hữu tha hồ chuyện trò tâm sự với nhà thơ được tiếng là “bất cần đời”, chuyên môn đi thồ những phiến đá đẽo từ khu đồi núi tại vùng quê Thanh Hóa.

Có lần chúng tôi tổ chức cho mấy bạn trẻ đi thăm mấy địa điểm khảo cổ về văn minh “Óc Eo Phù Nam” tại quận lỵ Đức Hòa hồi đó đã được sát nhập vào tỉnh Long An, thì Hữu Loan cũng tham gia và anh rất phấn khởi được biết nơi đây hồi trên 1.500 năm trước đã là thủ phủ của Vương quốc Phù Nam. Chuyến đi này được thực hiện là do sự sắp xếp của anh Võ Sĩ Khải là một chuyên gia khảo cổ, trước kia là một môn sinh của vị Giáo sư nổi danh Nghiêm Thẩm. Phái đoàn đi tham quan gồm nhiều Bác sĩ, Nha sĩ, Y tá trẻ vốn tham gia công tác thiện nguyện để chăm sóc y tế cho bà con người thiểu số tại miệt Túc Trưng, Định Quán. Có cả cựu Dân biểu Phan Xuân Huy cùng mấy tu sĩ Phật giáo, Công giáo và một số nhà giáo cũng đi theo nữa. Là một chuyên gia lâu năm trong ngành khảo cổ, anh Khải đã giải thích tường tận cho chúng tôi về những khám phá những cổ vật tại một số địa điểm được đào bới, mà xưa kia là các đền thờ của người thuộc Vương quốc Phù Nam theo đạo Bà La Môn, rồi bị người Khmer từ phía Cambodia đến chiếm đóng và xua đuổi họ tản mát đi lên phía rừng núi hay ra biển khơi mất dạng luôn.

Nhà thơ Hữu Loan rất tò mò ngắm nghía các cổ vật còn được lưu trữ tại Bảo tàng viện tạm thời ở thị xã Long An, mà trên đường về lại Sai Gòn, chúng tôi lại được anh Võ Sĩ Khải hướng dẫn đến thăm viếng để hiểu biết chi tiết hơn về cái nền văn minh Óc Eo Phù Nam đã bị sụp đổ từ trên 14 – 15 thế kỷ trước. Anh Khải cho biết, theo ý kiến của Linh mục Trần Tam Tỉnh vốn là một Giáo sư về Khảo cổ học lâu năm ở Canada, thì nên xây dựng Viện bảo tàng chính thức ngay tại Đức Hòa là nơi được xác nhận trước kia là thủ phủ của vương quốc Phù Nam, vì xung quanh đó tập trung rất nhiều di tích đền đài, dinh thự của nhà vua.

Và đặc biệt là còn tìm thấy được tấm lắc bằng vàng có chạm trổ “Lệnh rút quân” của nhà vua ban ra, lúc quân Khmer kéo tới rất đông để chiếm đóng lãnh thổ của Vương quốc vào thế kỷ thứ VI sau Công nguyên. Cổ vật này là một bằng chứng xác thực nhất về sự tồn tại của Vương quốc Phù Nam, mặc dầu nó đã bị xóa sổ từ gần 1.500 năm nay rồi. Anh Loan cứ tấm tắc khen ngợi công trình nghiên cứu khoa học của anh Khải và các chuyên viên khảo cổ trong khu vực miền Nam ở đây.

Vào thời gian đó, nhà thơ Hữu Loan còn được Báo Tuổi trẻ tặng cho một Giải thưởng về một bài báo mới nhất do anh viết, với số hiện kim lên đến mấy trăm ngàn là một món tiền lớn lúc bấy giờ. Nhưng không may cho anh, là sau đó anh bị kẻ bất lương tước đoạt gần hết món tiền này, khi tụi chúng giật được cái cặp da anh cột ở phía sau yên xe đạp mà anh vẫn chạy đi trong thành phố. Đây quả là cái mặt trái đen tối của cái thành phố xô bồ, vàng thau lẫn lộn. Chúng tôi thật thông cảm bùi ngùi xót xa với anh trước cái tai nạn thật đáng tiếc ở dọc đường phố Sai Gòn như thế ấy.

Nhân tiện cũng xin nhắc lại là trong dịp vào thăm miền Nam năm 1988-89, Hữu Loan đã tham gia với phái đoàn của mấy “Dũng sĩ Đà Lạt” gồm nhà thơ Bùi Minh Quốc, nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự đi khắp các tỉnh từ Nam ra Bắc để vận động các văn nghệ sĩ cùng ký thư thỉnh nguyện yêu cầu phải có tự do sáng tác, tự do xuất bản, báo chí theo tinh thần “đổi mới – mở rộng dân chủ” mà Nhóm văn nghệ Đà Lạt đã chủ trương và công bố trong một Bản Tuyên ngôn, khiến gây chấn động dư luận khắp nơi hồi đó. Quả thật nhà thơ lão thành Hữu Loan đã tiếp sức thật đúng lúc, đúng chỗ cho các bạn dũng sĩ trẻ ở miệt cao nguyên Langbian vào cái thời hé mở “đổi mới” sau năm 1986. Chi tiết vụ này đã được nhà văn Bảo Cự ghi đầy đủ trong cuốn sách Hành trình cuối Đông xuất bản ở hải ngọai mươi năm trước đây.

Hôi cuối năm 1989, tôi có việc phải đi từ Sai Gòn ra Hà Nội và nhân tiện ghé thăm anh chị Trần Dần tại nhà ở gần Ga Hàng Cỏ. Anh Dần cũng cho biết Hữu Loan mới ra đây, đang đi thăm bạn hữu ở Hà Nội. Đúng lúc đó thì xảy ra Đại hội Nhà văn và có sự tranh luận sôi nổi về tự do sáng tác văn nghệ theo trào lưu đổi mới. Anh Dần phấn khởi cho tôi hay là: “Nhìn chung, thì phe tiến bộ dân chủ đã thắng thế trong Đại hội này”. Nhưng tôi lại không được gặp lại Hữu Loan trong dịp cả hai chúng tôi cùng ở Hà Nội vào cuối tháng 11 năm 1989 đó. Theo tôi biết thì Hữu Loan bỏ hết mọi sinh họat với Hội Nhà văn, nên đã không hề tham dự đại hội này. Nhưng chắc chắn là anh cũng như anh Trần Dần đã rất phấn khởi trước sự can đảm bày tỏ ý kiến của một số bạn văn nghệ sĩ của các anh trong dịp đại hội vừa kể.

Nhân tiện cũng xin ghi lại một câu đối mà chính Hữu Loan đã đọc cho tôi ghi lại như sau: Đã lâu có một văn nghệ sĩ ( hình như là Chu Thành [Tú Sót – Nghệ An], vì tôi không nhớ rõ Hữu Loan xác định tên tác giả này) ra câu đối :

“Bác bôi tôi không bằng tôi bôi bác”;

thì Hữu Loan đối lại là:

“Mày ăn dân hết nước dân ăn mày”.

Tôi mới được đọc trên internet là Hữu Loan còn làm rất nhiều câu đối vào lọai khó đối đáp, như câu:

“Da trắng vỗ bì bạch” [1]

Chính tôi thì chưa được biết câu đối lại của Hữu Loan riêng cho vế này ra sao. Mong có bạn nào sưu tầm được các câu đối này để cho bạn đọc bốn phương được thưởng thức, thì hay lắm vậy.

Và kể khi qua định cư ở Mỹ năm 1996, thì tôi không có dịp trực tiếp liên lạc với anh Hữu Loan nữa. Nhưng qua nhà thơ Hà Thượng Nhân ở San Jose và mới đây qua nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự cũng qua thăm bà con ở Mỹ, thì tôi lại được biết thêm chi tiết về cuộc sống của anh Loan. Ông lão nay đã ngoài 90 tuổi rồi, mà vẫn còn minh mẫn, cương nghị như hồi nào. Đọc trên internet, tôi thật phấn khởi được biết anh vẫn sống thanh thản nơi quê hương Thanh Hóa cùng với đại gia đình rất đông con, cháu, chắt và đặc biệt người vợ đã tận tình chia sẻ cay đắng, ngọt bùi với anh trên nửa thế kỷ nay.

Đối với tôi, Hữu Loan là một nhân cách thật lớn lao, kiên cường đã giữ vững được tiết tháo liêm sỉ của người sĩ phu trí thức theo đúng với truyền thống tốt đẹp của dân tộc chúng ta. Tôi thật may mắn được quen biết thân thương với những bậc đàn anh vừa có tài năng, vừa có tư cách đáng quý, đáng trọng như Hữu Loan...
Xin cầu chúc Anh và Gia quyến luôn được mọi sụ An Lành Tốt Đẹp./

California, Tháng Tám 2009

ĐTL

Nguồn: Bài do GS Phạm Xuân Yêm chuyển cho Bauxite Việt Nam.

[1] Câu đối này thật ra tương truyền có từ rất xưa, có giai thoại gắn với nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (BVN).