View Full Version : Nghệ thuật sống
phale
02-01-2010, 10:23 PM
Hãy khen tặng trước khi góp ý
Hồi Calvin Coolidge còn làm Tổng thống Hoa Kỳ, một người bạn tôi được mời lại Nhà Trắng, bước vào phòng ông vừa đúng lúc ông nói với cô thư ký của ông:
"Chiếc áo cô bận hôm nay thật đẹp... Cô có duyên lắm...".
Tổng thống vốn ít nói. Chưa bao giờ người ta nghe ông khen những người giúp việc như vậy. Câu nói đó có tác động thật lạ lùng, thật bất ngờ, tới nỗi cô thư ký thẹn thùng đỏ mặt lên.
Tổng thống Coolidge nói tiếp:
"Lời tôi khen đó, cô đừng lấy làm tự phụ lắm; tôi chỉ muốn làm vui lòng cô thôi...
Từ nay tôi muốn khi đánh máy, cô để ý tới những dấu chấm câu hơn chút nữa".
Phương pháp đó tuy kém kín đáo, nhưng tâm lý thật sâu sắc. Sau khi được nghe lời khen rồi, ta thấy những lời trách không khó chịu lắm.
Người thợ cắt tóc, thoa xà bông thật kỹ rồi mới cạo râu.
Vậy, muốn cải thiện người mà không làm cho người đó phật ý, giận dữ, bạn hãy:
Bắt đầu câu chuyện bằng cách tặng người đó vài lời khen thành thật.
(st)
phale
07-01-2010, 03:00 PM
Câu chuyện chiếc bình
Một giáo sư đang trong giờ giảng về cách quản lý thời gian. Ông đặt vài thứ trước mặt. Đầu tiên, ông lấy một cái bình to và bắt đầu cho vào đó những quả bóng chơi golf. Sau đó, ông hỏi các sinh viên: “Theo các bạn, bình đã đầy chưa?”. “Rồi ạ!”, các sinh viên trả lời.
Giáo sư lại lấy ra một hộp đựng đầy bi và đổ vào bình. Rồi lắc lên cho bi rơi lấp vào khoảng trống giữa những quả bóng. Ông lại hỏi lần nữa và các sinh viên, lần này có vẻ ngập ngừng hơn, trả lời: “Có lẽ là rồi ạ.”
Lần này, vị giáo sư lấy ra một xô cát, và cũng đổ vào bình. Tất nhiên, cát lấp đầy các khe hở. Ông hỏi lại và các sinh viên lần này đồng thanh: “Rồi ạ!”
“Hãy xem này, “ giáo sư nói và lấy ra hai lon bia, đổ vào bình. Bia tràn vào giữa những hạt cát.
“Bây giờ,” giáo sư nói, “tôi muốn các bạn hãy tưởng tượng cái bình này như cuộc đời của mình.
Bóng golf tượng trưng cho những điều quan trọng – gia đình, con cái, sức khoẻ, bạn bè, đam mê - những điều mà nếu mọi thứ khác mất đi, thì chỉ mình chúng vẫn có thể làm cuộc sống của bạn đầy đủ.
Những viên bi là thứ khác, nhỏ nhặt hơn - nghề nghiệp, nhà cửa, ôtô. Còn cát là những gì vặt vãnh còn lại.“
“Nếu các bạn cho cát vào trước”, giáo sư tiếp tục, “sẽ không còn chỗ cho bi và bóng golf nữa. Cuộc đời cũng vậy. Nếu dành tất cả thời gian và năng lượng cho những việc vặt vãnh, bạn sẽ không bao giờ làm được những điều quan trọng.
Hãy ưu tiên làm những việc thực sự cần thiết trước. Dành thời gian cho con cái, kiểm tra sức khỏe, đi ăn với gia đình, làm những việc mình thích. Sau khi đã làm tất cả những điều đó, chắc chắn bạn vẫn còn thời gian cho những thứ nhỏ nhặt như lau dọn nhà cửa, sửa chữa đồ đạc. Vì thế, hãy luôn ưu tiên những quả bóng, và đặt chúng vào bình trước tiên.”
Khi người thầy dừng lại, lớp học vẫn im lặng một hồi. Bỗng có cánh tay giơ lên, và một sinh viên hỏi: “Thưa giáo sư, vậy bia tượng trưng cho cái gì?”
Giáo sư mỉm cười hài lòng, “Một câu hỏi hay. Bia, tôi chỉ muốn nói với các bạn rằng, ngay cả khi các bạn thấy cuộc sống của mình đã quá bận rộn và đầy đủ thì, vẫn luôn còn thời gian cho một chầu bia!”
Khi thấy mình có quá nhiều việc phải giải quyết, và 24 giờ mỗi ngày là không đủ, thì bạn hãy nghĩ đến chiếc bình này, đặt những quả bóng vào trước. Và... đừng quên những cốc bia!
(St)
Hãy yêu nhau nhiều hơn
Ngày đẹp trời, một cặp vợ chồng khoảng 70 tuổi đến văn phòng luật sư. Họ muốn làm thủ tục ly hôn. Lúc đầu vị luật sư vô cùng ngạc nhiên, nhưng sau khi nói chuyện với đôi vợ chồng già, ông đã hiểu ra câu chuyện...
Hơn 40 năm chung sống, cặp vợ chồng này luôn cãi nhau, suốt cuộc hôn nhân của họ, và dường như chẳng bao giờ đi đến quyết định đúng đắn.
Họ chịu đựng được như vậy đến tận bây giờ là vì những đứa con. Giờ con cái đã lớn, đã có gia đình riêng của chúng, đôi vợ chồng già không còn phải lo lắng điều gì. Họ muốn được tự do sau những năm tháng không hạnh phúc. Cả hai vợ chồng đều đồng ý ly hôn.
Hoàn tất thủ tục ly hôn cho cặp vợ chồng này, với vị luật sư, là điều không hề dễ. Ông thực sự không hiểu vì sao, sau 40 năm chung sống, đến tuổi 70, đôi vợ chồng ấy vẫn muốn ly hôn.
Vừa ký các giấy tờ, người vợ già vừa nói với chồng: "Tôi thực sự yêu ông, nhưng tôi không thể chịu đựng hơn được nữa. Tôi xin lỗi".
"Không sao mà, tôi hiểu..." - Ông chồng già đáp lời.
Nhìn cảnh này, ông luật sư đề nghị được mời hai vợ chồng ăn tối. Người vợ nghĩ: "Sao lại không? Dù ly hôn vẫn sẽ là bạn cơ mà".
Bên bàn ăn, một không khí im lặng đến khó xử.
Món ăn mang ra đầu tiên là gà quay. Ngay lập tức người chồng gắp một miếng đùi gà cho vợ: "Bà ăn đi, đó là món bà thích mà".
Nhìn cảnh này, vị luật sư nghĩ "vẫn còn cơ hội cho họ". Nhưng người vợ đã cau mày đáp lại: "Vấn đề ở đấy đấy. Ông luôn đề cao mình quá và không bao giờ hiểu cảm giác của tôi. Ông không biết tôi ghét đùi gà thế nào à?".
Nhưng người vợ không biết, bao nhiêu năm qua, người chồng luôn cố gắng để làm hài lòng bà. Bà không biết, đùi gà là món yêu thích của ông, cũng như ông không biết, bà chưa bao giờ nghĩ rằng ông hiểu bà. Ông không biết bà ghét đùi gà, mặc dù ông chỉ muốn dành những miếng ngon nhất, những điều tốt nhất cho bà thôi.
Đêm đó cả hai vợ chồng già đều không ngủ được. Sau nhiều giờ trằn trọc, người chồng không thể chịu đựng được nữa, ông biết rằng ông vẫn còn yêu bà và không thể sống thiếu bà. Ông muốn bà quay trở lại. Ông muốn nói lời xin lỗi, muốn nói "tôi yêu bà".
Ông nhấc điện thoại lên và bắt đầu bấm số của bà. Tiếng chuông không ngừng reo, ông càng không ngừng bấm máy.
Đầu bên kia, bà vợ cũng rất buồn. Bà không hiểu điều gì đã xảy ra sau tất cả những năm tháng sống cùng nhau đó. Ông ấy vẫn không hiểu bà. Bà vẫn rất yêu ông nhưng bà không thể chịu đựng cuộc sống như vậy nữa.
Mặc cho chuông điện thoại reo liên hồi, bà không trả lời dẫu biết rằng đó chính là ông. "Nói làm gì nữa khi mọi chuyện đã hết rồi. Mình đòi ly hôn mà, giờ đâm lao phải theo lao, nếu không mất mặt lắm". Bà nghĩ, chuông điện thoại vẫn cứ reo và bà quyết định dứt dây nối ra khỏi điện thoại.
Bà đã không nhớ rằng ông bị đau tim...
Ngày hôm sau, bà nhận được tin ông mất. Như một người mất trí, bà lao thẳng đến căn hộ của ông, nhìn thấy thân thể ông trên chiếc đi văng, tay vẫn giữ chặt điện thoại. Ông bị nhồi máu cơ tim trong khi đang cố gắng gọi cho bà.
Bà đau đớn vô cùng. Một cảm giác mất mát quá lớn bao trùm lên tâm trí.
Bà phải làm rõ tất cả tài sản của ông. Khi bà nhìn vào ngăn kéo, bà thấy một hợp đồng bảo hiểm, được lập từ ngày họ cưới nhau, là của ông làm cho bà.
Kẹp vào trong đó, bà thấy có một mẩu giấy ghi rằng: "Gửi người vợ thân yêu nhất của tôi. Vào lúc bà đọc tờ giấy này, tôi chắc chắn không còn trên cõi đời này nữa. Tôi đã mua bảo hiểm cho bà. Chỉ có 100 đô thôi, nhưng tôi hy vọng nó có thể giúp tôi tiếp tục thực hiện lời hứa của mình khi chúng ta lấy nhau. Tôi đã không thể ở cạnh bà nữa. Tôi muốn số tiền này tiếp tục chăm sóc bà. Đó là cách mà tôi sẽ làm nếu như tôi còn sống. Tôi muốn bà hiểu rằng tôi sẽ luôn luôn ở bên cạnh bà. Yêu bà thật nhiều".
Nước mắt bà tuôn chảy. Bà cảm thấy yêu ông hơn bao giờ hết. Bà muốn nói lời xin lỗi, muốn nói "tôi yêu ông". Nhưng ông đã không thể nghe được nữa.
Khi bạn yêu một ai đó, hãy cho họ biết, vì bạn không lường trước được ngày mai sẽ ra sao. Hãy học cách xây đắp hôn nhân hạnh phúc. Hãy học cách yêu nhau nhiều hơn, vì người bạn yêu thương, chứ không vì bất kỳ điều gì khác.
TeacherABC
07-01-2010, 04:10 PM
Hãy khen tặng trước khi góp ý
.................................................. ......
Vậy, muốn cải thiện người mà không làm cho người đó phật ý, giận dữ, bạn hãy:
Bắt đầu câu chuyện bằng cách tặng người đó vài lời khen thành thật.
(st)
Câu chuyện chiếc bình
.........................................
Khi thấy mình có quá nhiều việc phải giải quyết, và 24 giờ mỗi ngày là không đủ, thì bạn hãy nghĩ đến chiếc bình này, đặt những quả bóng vào trước. Và... đừng quên những cốc bia!
(St)
Hãy yêu nhau nhiều hơn
...............................
Khi bạn yêu một ai đó, hãy cho họ biết, vì bạn không lường trước được ngày mai sẽ ra sao. Hãy học cách xây đắp hôn nhân hạnh phúc. Hãy học cách yêu nhau nhiều hơn, vì người bạn yêu thương, chứ không vì bất kỳ điều gì khác.
Cả ba bài học thật hay! Cám ơn Pha Lê và Anna!
phale
08-01-2010, 09:33 AM
Cả hai đều đúng - bài học khi tranh luận
Một hiền giả Ấn Độ, ngày kia, xem bài các đệ tử phê bình về một bài thơ của mình. Có hai người đệ tử, trước khi trình cho thầy bài luận của mình, lại đổi nhau xem trước. Họ cãi nhau không ai chịu nhận bài của bạn mình là đúng. Thế rồi, họ bảo nhau để xem thầy sẽ phán xét như thế nào.
Ông thầy xem đến bài của từng người đều gật đầu khen phải cả. Đến lượt hai người này, thầy cũng gật đầu khen đúng nữa. Một người liền đứng lên phản đối:
“Thưa thầy, bảo rằng bài của các bạn con đều đúng, thì con không dám cãi, vì con không được biết họ nói gì trong đó. Chứ như đối với bài của anh này, thì con chắc chắn không thể nào thầy cho là đúng được, trong khi thầy cũng nhận cho bài của con cũng đúng nữa. Hai lập luận của chúng con là khác nhau, chắc chắn không thể bên nào cũng đúng được! hễ anh ấy đúng thì con sai, mà con đúng thì anh ấy sai”.
Ông thầy mỉm cười, ôn tồn bảo:
“Hai trò đều bàn đúng cả đấy. Sở dĩ trò này nói như thế này là tại trình độ hiểu biết của trò đó chỉ đến đó là cùng. Sao có thể bảo trò đó nói sai hay hiểu sai cho được! Bài thơ của thấy như vầng Thái Dương, hoa nào cũng nhờ ánh Thái Dương mà nở, nhưng cây hoa nào nở hoa nấy; cây này không nở hoa kia, mà cây kia không thể nở hoa nọ được… Sao có thể bảo bài của người này đúng, mà bài của kẻ kia sai!”.
Nếu ở đời, ai cũng biết lấy sự độ lượng của hiền giả này mà cư xử, thì ắt không bao giờ cần phải học đến thuật xử thế, mà việc gì trong đời cũng sẽ được xuôi chèo mát mái cả…
(St)
Nghệ thuật tha thứ
Một người cứ luôn luôn bị tỉnh dậy vào buổi đêm, vì một giấc mơ cứ lặp đi lặp lại. Anh ta thấy mình bơi trong một cái hồ, bơi giỏi như một vận động viên.
Tuy nhiên, cái hồ rất rộng mà chân tay anh ta thì mỏi, anh ta khó lòng bơi tới được bờ. Bỗng nhiên, cha anh ta bơi thuyền đến gần, đưa tay ra, bảo anh ta bám lấy. Anh ta nhớ lại hồi nhỏ thường bị bố mắng mỏ, thậm chí đánh đòn, nên mỉm cười khô khan và nói: "Cảm ơn bố, cứ kệ con!".
Anh ta bơi tiếp, cố hết sức hướng về phía bờ. Rồi anh ta nhìn thấy một người khác bơi thuyền lại gần. Ðó là cô em gái. Cô em gái quăng một chiếc phao về phía anh ta và bảo: "Anh dùng phao đi!". Nhưng nhớ lại rất nhiều lần cô em gái hỗn hào ương bướng cãi lời mình, anh ta lắc đầu và xua tay.
Sau những nỗ lực lớn lao, cuối cùng anh ta cũng vào được đến bờ. Anh ta nằm vật ra trên bãi cát ướt, sự mệt mỏi làm đầu óc trở nên lơ mơ, còn chân tay thì không cử động nổi. Một đám đông người tụ tập quanh anh ta. Khuôn mặt nào anh ta cũng thấy quen. Ðó là gia đình, họ hàng, bè bạn của anh. Người thì muốn đưa anh vào bệnh viện, người thì muốn đốt lửa, người thì muốn lấy bộ quần áo khô và khăn cho anh lau... Nhưng cứ khi mỗi người định làm gì, anh ta lại nhớ lại những khi con người đó đối xử không tốt với mình. Và "Không, cảm ơn!" - Anh ta lại nói - "Cứ kệ tôi!". Anh gượng đứng dậy, quần áo ướt sũng, dính đầy cát, chân tay rã rời, mệt mỏi đi xa đám đông.
Sau khi liên tục nằm mơ thấy giấc mơ đó trong vòng vài đêm, anh ta liền đi hỏi bà, người duy nhất chưa bao giờ làm gì không tốt với anh, và người mà anh tin tưởng sẽ không bao giờ làm gì không tốt với anh cả.
- Bà không phải là người biết ý nghĩa của những giấc mơ - bà anh nói - Nhưng bà nghĩ cháu đang giữ trong đầu quá nhiều bực bội và hằn học.
- Bực bội ư? Hằn học ư? Không thể thế được! - Anh ta kêu lên - Nếu có thì cháu phải cảm thấy chứ!
Bà của anh ngồi yên và bình tĩnh đáp :
- Những cố gắng của cháu và hồ nước trong giấc mơ chính là những gì cháu đang phải cố gắng trong tâm trí cháu. Cháu cần sự giúp đỡ, cháu muốn được quan tâm, nhưng cháu thấy không ai đủ tốt cho cháu tin tưởng. Cháu đã bơi được tới bờ một lần, nhưng còn những lần khác thì sao? Sự tha thứ không phải là những điều mà chúng ta làm cho người khác, mà chúng ta làm cho chính chúng ta đấy thôi. Vì khi chúng ta không tha thứ, có phải là chúng ta đã xây dựng trong tâm trí mình những bực bội và tức giận ngày càng lớn đó không?
Có một câu nói thế này: "Bạn không phải là người hoàn hảo, nên bạn cũng có những sai lầm. Nếu bạn tha thứ những sai lầm của người khác đối với bạn, bạn cũng sẽ được những người khác tha thứ những sai lầm của bạn".
(St)
Cuộc sống là như thế !!!
Ngày xưa có đôi vợ chồng nọ có một cậu con trai 12 tuổi và một con lừa nhỏ.
Một hôm họ quyết định đi chu du thiên hạ để xem nhân tình thế thái.
Khi đi qua một làng đầu tiên họ nghe thấy những người ở đây thì thầm: "Xem thằng bé trên lưng lừa kìa, đúng là thứ không được dạy bảo đến nơi đến chốn... Ai lại ngồi thế khi cha mẹ phải lội bộ bên cạnh."
Nghe vậy người vợ liền nói với chồng: "Không thể để họ nói xấu về con mình như vậy đươc".
Người chồng bèn nhấc cậu bé xuống và nhảy lên lưng lừa ngồi.
Khi qua xóm thứ hai họ lại nghe mọi người ở đây xì xầm: "Xem kìa, thằng chồng kia quả là không biết xấu hổ, khỏe mạnh thế mà lại ngồi trên lưng lừa để vợ và con đi bộ."
Anh chồng liền nhảy xuống khỏi lưng lừa và để chị vợ ngồi lên. Hai cha con đi bên cạnh.
Qua xóm thứ ba họ lại nghe thấy người ta xì xầm: "Tội nghiệp anh chồng, làm lụng vất vả cả ngày kiếm cơm áo về cho gia đình lại phải đi bộ, còn xem con vợ kìa! Cả thằng con nữa, đúng là vô phúc mới có được bà mẹ như vậy."
Nghe vậy cả ba quyết định tất cả cùng ngồi lên lưng lừa rồi đi tiếp.
Khi đi qua một xóm nữa họ nghe thấy mọi người nói với nhau: "Đúng là lũ vô cảm, độc ác chẳng khác thú vật. Ba người ngồi trên lưng co vật nhỏ nhắn thế kia thì nó gẫy lưng mất chứ."
Nghe vậy ba người liền tụt khỏi lưng lừa và đi bên cạnh con vật.
Đến xóm tiếp theo mọi người cảm thấy không thể tin vào tai mình nữa khi nghe thấy người dân ở đây cười nhạo báng: "Nhìn kìa, đúng là lũ ngu. Cả ba lếch thếch đi bộ trong khi con con lừa chẳng có gì trên lưng."
Kết luận: người ta sẽ luôn luôn tìm cách chỉ trích bạn, nhạo báng bạn và hoàn toàn không đơn giản để tìm được một người chấp nhận bạn như bạn vốn có.
Cho nên: hãy sống như bạn cảm thấy là đúng đắn và hãy đi đến những miền mà trái tim bạn chỉ lối...
"Cuộc sống như một màn kịch không có phần tập dượt trước. Bởi vậy: Hãy hát ca, nhảy múa và yêu mỗi một giây phút của cuộc đời bạn trước khi vở kịch hạ màn không một tiếng vỗ tay" (Charlie Chaplin)
Cái tôi trong mỗi người
Con người từ khi ra đời đã tồn tại cái tôi. Tự điển Thesaurus định nghĩa về cái tôi (hay ngã kiến - egoismism/the selfness) là sự tự nhận thức của một người về tư cách, nhân phẩm hoặc giá trị của chính mình, đặc biệt là để phân biệt mình với thế giới bên ngoài và các cá nhân khác.
Cái tôi trong mỗi người phát triển theo thời gian trong quá trình sống của con người... Khi còn nhỏ người ta ít bị các yếu tố xã hội tác động vào nhận thức về chính mình, nói cách khác, cái tôi được phát triển tương đối độc lập. Một em bé sẽ ít bị tổn thương hay bị chạm tự ái như người lớn khi bị phê bình hay khiển trách. Trẻ em thường quên rất mau và ít khi "để bụng" những chuyện buồn phiền. Trong khi đó người lớn có thể tức giận rất lâu và phản ứng rất nặng nề nếu bị chạm tự ái.
Quan niệm về cái tôi thường được hiểu theo hai khía cạnh: (1) Tích cực: sự hãnh diện phù hợp về những giá trị, nhân phẩm của chính bản thân; (2) Tiêu cực: sự nhận định sai về những giá trị, nhân phẩm của mình đưa đến sự tự ti hay tự tôn.
Ở đây không bàn đến trường hợp của một người hay nhún nhường hoặc thường khoe khoang vì lý do nào đó trong giao tiếp xã hội. Nếu một người không nhìn thấy được giá trị của chính mình sẽ cảm thấy bi quan và dễ bị tổn thương. "Mình thật chẳng làm nên trò trống gì là vô tích sự", "Tôi thật là xấu xí, "Chẳng ai ưa tôi cả"... đó là một số những suy nghĩ thường có của một số những người luôn hoài nghi về giá trị thực sự của mình.
Khi bị chìm đắm trong sự tự ti, mặc cảm, người ta thường suy diễn, so sánh mọi thứ, mọi việc để cuối cùng tự cho mình là kẻ thua cuộc dẫn đến thái độ bi quan hoặc chán ghét mọi thứ xung quanh mình, đặc biệt là có ác cảm với những người mà họ cho là ba hoa, phô trương và kiêu ngạo... Không hài lòng với chính mình, ta cũng chẳng vui vẻ, cởi mở với ai. Tự ti có xu hướng sinh ra tự tôn. Khi bị đè nén, cái tôi bị bóp méo và khi chính chủ nhân thổi phồng nó lên (sau khi đã đè nén nó), thì cái tôi đó nó lại là sản phẩm của trạng thái tâm lý không tự chủ và giả tạo.
Tôi rất tâm đắc với một câu chuyện kể về Đức Đạt Lai Lạt Ma, người có một quan điểm đơn giản nhưng rất thiết thực về cách làm sao để tìm thấy sự tự tin cho mình. Khi được hỏi: làm sao Ngài có thể tự tin thuyết giảng trước đám đông hàng ngàn người, hoặc không e dè ngại ngần khi bắt chuyện với một người hoàn toàn xa lạ? Ngài trả lời: "Hãy thành thật với chính mình".
Sự chân thành cộng với việc đánh giá đúng mức khả năng và những giá trị thực có của chính mình sẽ giúp chúng ta mạnh dạn hơn, cởi mở hơn với thế giới quanh ta cũng như sẵn sàng đón nhận để vượt qua các chướng ngại trong cuộc sống. Qua đó, nếu bạn cảm thấy thiếu hụt về một lĩnh vực nào đó, bạn không nên mất tự tin, bởi vì bạn biết rằng bạn còn có những giá trị khác. Cũng giống như một đứa bé gái khi bị trêu chọc là sún răng, nó liền hỏi lại: "Còn đôi mắt con thì sao?". Nghĩ rằng mình có đôi mắt đẹp, cô bé đó muốn được nhìn nhận ưu điểm này của nó. Nó làm điều đó một cách tự nhiên, chân thành, không mặc cảm, không sợ bị đánh giá. Nếu "chịu khó" và chân thành (nghĩa là công bằng với chính mình) trong cuộc tìm kiếm, chắc chắn mỗi người sẽ tìm thấy những giá trị riêng của chính mình.
Thế thì một người phụ nữ nội trợ sẽ không thấy mất tự tin vì nghĩ rằng mình không tạo ra đuợc thu nhập và có vị trí xã hội như những người khác. Là một người vợ và một người mẹ tốt, giá trị của họ vô cùng to lớn đối với gia đình của họ và do đó họ tất nhiên là những người rất cần thiết trong xã hội. Một người không có diện mạo xinh đẹp vẫn có thể gây thiện cảm với mọi người xung quanh họ nếu người ấy thân thiện và vui tính.
Không những chỉ dừng lại ở việc tìm thấy và trân trọng những giá trị sẵn có của mình, con người còn có thể phát triển thêm những giá trị mới cho chính mình. Điều này cũng tương tự như việc các công ty trong quá trình phát triển giá trị thương hiệu đã không ngừng phát triển những dịch vụ cộng thêm (value adding service) cho khách hàng của mình. Ví dụ như các đại lý bán vé máy bay phát triển thêm dịch vụ giao vé tận nhà, hướng dẫn lộ trình bay, tư vấn cách chọn chuyến bay...
Mỗi người chúng ta cũng vậy, ai cũng có thể tạo thêm giá trị cho "thương hiệu" của chính mình bằng những việc làm đơn giản nhưng thiết thực, ví dụ như thể hiện sự quan tâm với những người xung quanh, sống vui vẻ, hòa nhã với mọi người, xây dựng những mối quan hệ tốt với người thân, bạn bè... Mọi nỗ lực dù nhỏ nhoi nhưng đều mang lại những kết quả đáng kể.
Khi tạo cho mình được nhiều giá trị, làm cho "cái tôi" của mình đẹp hơn, người ta sẽ cảm thấy tự tin, cởi mở và tìm thấy cũng như tạo ra được nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Thấy hiểu được giá trị thật về cái tôi của mình, người ta có thể "là chính mình" và sống thật với mình hơn. Họ sẽ không bị môi trường chung quanh chi phối cách nhìn về "cái tôi" của họ, không mặc cảm tự ti, không dễ bị tổn thương hay "chạm tự ái" với những câu nói, hành vi và thái độ dù vô tình hay cố ý của những người khác.
Tuy nhiên, ranh giới giữa việc nhận thức cái tôi tích cực và cái tôi tiêu cực là rất mong manh. Cái tôi một khi bị thổi phồng lại thường gây ra nhiều đổ vỡ, trở ngại... vì hình như cái tôi lại thường hay phát triển và được phóng đại cùng với cái tài. Cho nên căn bệnh "cái tôi quá to" cố hữu về sự kiêu ngạo và cố chấp trầm kha thường lại rơi vào những người có những thành công nhất định trong xã hội.
Một người leo lên nấc thang danh vọng, địa vị càng cao, thì cái tôi mà họ vác trên vai dường như càng nặng. Vì thế nếu khi một người bình thường đón nhận sự bất đồng về ý kiến của người khác một cách cởi mở, thì các "sếp" có thể xem đó là "không thể chấp nhận được". Chính cái tôi quá lớn đã giam cầm một số người trong nhà tù của sự tự mãn và kiêu căng của chính mình. Mà đã là tù nhân thì làm sao có hạnh phúc?
Vậy làm sao cởi bỏ được cái gánh nặng cái tôi đó ra? Làm thế nào để kiểm soát được trạng thái tâm lý tự ti mặc cảm, hay ngược lại, tâm lý tự cao tự đại của mình? Làm sao để có thể vượt ra khỏi cái tôi tiêu cực, cái bản ngã nghiệp chướng của chính mình để có thể là một người tự do, được sống hồn nhiên yêu đời và hạnh phúc?
Khi chê ai đó có cái tôi quá lớn, người ta thường nói "cái tôi của hắn to bằng quả núi", hoặc "anh ta tưởng anh ta là cái rốn của vũ trụ", là "trung tâm của thế giới"... Như vậy, vô hình trung, chúng ta đã thừa nhận mình chỉ là những cá thể rất nhỏ trong một vũ trụ rộng lớn. So với vũ trụ và thế giới chung quanh, quả thật mỗi cá nhân chúng ta chỉ là những hạt nhân nhỏ bé. Những hạt nhân này khi di chuyển va đụng vào nhau, giao tiếp, hỗ tương với nhau, sau đó lại di chuyển tiếp trong quỹ đạo của riêng mình trong vũ trụ.
Đã không phải là vũ trụ hoặc chỉ là "cái rốn" của vũ trụ, thì tại sao lại dám xem mình là cả vũ trụ? Bên cạnh đó, mỗi cá nhân là một thực thể tồn tại, phát triển, sinh ra và mất đi, có sự hình thành và cấu tạo rất riêng biệt, với những giá trị nhất định riêng trong thế giới này. Mỗi hạt nhân tuy nhỏ bé nhưng đều có một chỗ đứng nhất định trong mối tương quan với vũ trụ và các hạt nhân khác, và không tồn tại vĩnh viễn trong một thực thể nhất định.
Cuộc đời có giới hạn, vậy thì tại sao chúng ta phải mang vác cái tôi nặng nề mà không cởi bỏ nó, để làm một người tự do, ung dung, tự tại và được là chính mình trong cuộc đời này?
Nhudadauyeu
13-01-2010, 04:38 PM
ĐÔI KHI
Đôi khi, có ai đó vô tình bước vào cuộc đời bạn, bạn sẽ không biết trước được người đó sẽ là ai và chỉ đến khi gặp họ, bạn mới biết họ có ý nghĩa quan trọng với bạn như thế nào. Họ giúp bạn nhận ra được mình là ai và người mà bạn muốn trở thành.
Đôi khi có những việc xảy đến với bạn dường như thật đau đớn và quá sức chịu đựng. Nhưng khi vượt qua rồi, bạn mới chợt nhận ra rằng nếu không có những biến cố đó, bạn đã không thể trưởng thành hơn và nhận biết được sức mạnh của chính mình.
Mọi việc xảy ra đều có lý do của nó, không có điều gì là tình cờ hay may mắn cả. Tất cả mọi bệnh tật, mất mát hay những giây phút khó khăn chính là thử thách của cuộc sống. Không có những thử thách này, bạn sẽ không có cơ hội để học hỏi điều gì, để nhận ra đâu là điều thực sự quan trọng và có ý nghĩa đối với bạn.
Đôi khi, chính những trải nghiệm cay đắng sẽ giúp bạn chiêm nghiệm cuộc sống mình một cách rõ ràng và chính xác hơn. Một thất bại luôn chứa đựng niềm hy vọng. Một sự kết thúc bao giờ cũng đi liền với một sự khởi đầu, nếu bạn nhận ra.
Nếu ai đó làm bạn tổn thương, đau buồn hay làm tan nát trái tim bạn, hãy tha thứ cho họ vì chính họ sẽ giúp bạn sẽ nhận ra giá trị của niềm tin.
Hãy thử nói chuyện với những người trước giờ bạn chưa từng trò chuyện và nên lắng nghe họ một cách chân tình.
Hãy tự nhủ rằng mình là một người vững vàng. Vì nếu bạn không tin vào chính bạn, sẽ rất khó khiến người khác tin vào bạn được. Bạn có thể tạo nên cuộc sống của mình với bất cứ điều gì bạn muốn, và sống trọn vẹn với nó.
Nếu ai đó yêu bạn thật sự, hãy trân trọng tình cảm ấy và mở lòng ra với họ, không chỉ bởi họ yêu bạn, mà còn bởi họ đang giúp bạn biết cảm nhận cuộc sống và cách nhìn cuộc sống bằng một tâm hồn sâu sắc.
Bạn không bao giờ biết trước điều gì đang chờ đón bạn ngày mai. Hãy sống hết mình cho ngày hôm nay và tin tưởng vào ngày mai cho dù bất kỳ điều gì xảy ra đi nữa.
SỐNG TRỌN VẸN TỪNG NGÀY
Trong một buổi diễn thuyết vào đầu năm học, Brian Dison - tổng giám đốc của Tập đoàn Coca Cola – đã nói chuyện với sinh viên về mối tương quan giữa nghề nghiệp với những trách nhiệm khác của con người.
“Bạn hãy tưởng tượng cuộc đời như một trò chơi tung hứng. Trong tay bạn có năm quả bóng mang tên là: công việc, gia đình, sức khoẻ, bạn bè, và tinh thần. Bạn sẽ hiểu ngay rằng công việc là quả bóng cao su. Vì khi bạn làm rơi nó xuống đất, nó sẽ nảy lên lại. Nhưng bốn quả bóng còn lại – gia đình, sức khoẻ, bạn bè và tinh thần - đều là những quả bóng bằng thủy tinh. Nếu bạn lỡ tay đánh rơi một quả, nó sẽ bị trầy sướt, có tì vết, bị nứt, bị hư hỏng hoặc thậm chí bị vỡ nát mà không thể sửa chữa được. Chúng không bao giờ trở lại như cũ. Bạn phải hiểu điều đó và cố gắng phấn đấu giữ cho được sự quân bình trong cuộc sống của bạn.
Bạn làm thế nào đây ?
Bạn đừng hạ thấp giá trị của mình bằng cách so sánh mình với những người khác. Đó là vì mỗi chúng ta là những con người hoàn toàn khác nhau, chúng ta là những cá nhân đặc biệt. Bạn chớ đặt mục tiêu của bạn vào những gì mà người khác cho là quan trọng. Chỉ có bạn mới biết rõ điều gì là tốt nhất cho chính mình.
Bạn chớ nên thờ ơ với những gì gần gũi với trái tim của bạn. Bạn hãy nắm chắc lấy như thể chúng là những phần trong cuộc sống của bạn. Bởi vì nếu không có chúng, cuộc sống của bạn sẽ mất đi ý nghĩa.
Bạn chới để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai. Chỉ bằng cách sống cuộc đời mình trong từng khoảng khắc của nó, bạn sẽ sống trọn vẹn từng ngày của đời mình.
Bạn chớ bỏ cuộc khi bạn vẫn còn điều gì đó cho đi. Không có gì là hoàn toàn bế tắc mà nó chỉ thật sự trở nên bế tắc khi bạn thôi không cố gắng nữa.
Bạn chớ ngại nhận rằng mình vẫn chưa hoàn thiện. Đó chính là sợi chỉ mỏng manh ràng buộc mỗi người chúng ta lại với nhau.
Bạn chớ ngại mạo hiểm. Nhớ mạo hiểm với những vận hội của đời mình mà bạn học biết cách sống dũng cảm.
Bạn chớ khóa kín lòng mình với tình yêu bằng cách nói bạn không có thời gian yêu ai. Cách nhanh nhất để nhận được tình yêu là hãy cho đi. Cách chóng nhất để đánh mất tình yêu là níu giữ thật chặt. Còn phương thế tốt nhất để giữ được tình yêu là bạn hãy chắp cho nó đôi cánh.
Bạn chớ băng qua cuộc đời nhanh cho đến nỗi không những bạn quên mất nơi mình sống mà còn có khi quên cả bạn định đi về đâu.
Bạn chớ quên nhu cầu tình cảm lớn nhất của con người là cảm thấy mình được đánh giá đúng.
Bạn chớ ngại học. Kiến thức không có trọng lượng. Nó là kho báu mà bạn có thể luôn mang theo bên mình một cách dễ dàng.
Bạn chớ phí phạm thời giờ hoặc lời nói một cách vô trách nhiệm. Cả hai điều đó một khi mất đi sẽ không khi nào bắt lại được. Cuộc đời không phải là một đường chạy mà nó là một lộ trình bạn hãy thưởng thức từng chặng đường mình đi qua.
Quá khứ đã là lịch sử. Tương lai là một màu nhiệm. Còn hiện tại là một món quà của cuộc sống, chính vì thế mà chúng ta gọi đó là tặng phẩm ”.
HAI CÂY LÚA
Có hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt, đều to khỏe và chắc mẩy.
Một hôm, người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nhủ thầm:
“ Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lý tưởng để trú ngụ.” Thế là nó chọn một góc khuất trong kho lúa để lăn vào đó.
Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới.
Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà bởi vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì- nó chết dần chết mòn. Trong khi đó, hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới...
Đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ - đó là sự chọn lựa của hạt giống thứ hai.
Tôi hy vọng đó cũng sẽ là sự lựa chọn của bạn và tôi khi đứng trước cánh đồng cuộc đời bao la này...
Powered by vBulletin® Version 4.2.2 Copyright © 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.