PDA

View Full Version : Dấu Chấm Hỏi - Nhóm Cỏ Lạ



COCKOO
27-12-2009, 09:18 AM
http://img198.imageshack.us/img198/8564/dauchamhoicolav1inner1.jpg

Đàn giỏi, hát hay, các cô trong nhóm "Cỏ lạ" sử dụng điêu luyện nhiều loại nhạc cụ dân tộc, chương trình biểu diễn của nhóm luôn tươi mới, làm người xem ngỡ ngàng về sự biến hóa kỳ diệu của âm nhạc truyền thống...

Họ gồm 8 cô gái, là giảng viên và sinh viên Khoa Âm nhạc Dân tộc, Học viện Âm nhạc Quốc gia và Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Có chung tình yêu, niềm say mê âm nhạc dân tộc họ đã quây quần bên nhau trong một ban nhạc đã trở nên quen thuộc với khán thính giả, có tên là “Cỏ lạ”.

Nhóm “Cỏ lạ” có Thanh Hương - chơi sáo, giảng viên Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội; Thùy Anh - đàn nhị, giảng viên; Hồng Ánh - đàn tam thập lục, giảng viên; Ánh Hồng - đàn bầu, giảng viên; Kim Thu - đàn tỳ bà, thạc sĩ văn hoá học - ngành văn hóa dân gian; Thu Trang – sáo; Khánh Chung - đàn tranh và Phương Thuý - ca sĩ, sinh viên Khoa Âm nhạc truyền thống.

Người đầu tiên đưa ra ý tưởng và tham gia thành lập nhóm nhạc là Kim Thu và Thùy Anh. Kim Thu cho biết, nhóm nhạc thành lập từ năm 2006, với mục đích là thực hiện ước mơ của cả nhóm, muốn được biểu diễn thường xuyên trên sân khấu và được giới thiệu tiếng đàn cùng những làn điệu dân ca, điệu ru trữ tình của quê hương đến với khán giả và du khách trong và ngoài nước. Đặt tên “Cỏ lạ” hàm ý là nhóm nhạc sẽ có sức sống như cây cỏ, dù gieo trồng ở nơi đâu vẫn nẩy mầm xanh tươi.

Trong một chương trình ghi hình “Quán âm nhạc” của VTV (sắp phát sóng), những bản nhạc, bài hát mà các cô biểu diễn đều lấy từ album đầu tay “Dấu chấm hỏi”. Tôi cứ suy nghĩ mãi về tên của album này. Phải chăng đó chính là câu hỏi dành cho những người làm công tác quản lý: Chúng ta đã làm gì để âm nhạc truyền thống giữ được sức sống mãnh liệt của nó?

Ra đời cách đây 3 năm "Cỏ lạ" đã thu được một số thành công nhất định, đã trở nên "quen" với khán giả. Ban nhạc đã đi biểu diễn hầu hết các địa phương, tại những lễ hội lớn của đất nước và đã mang âm nhạc dân tộc đến nhiều nơi trên thế giới như: Nga, Ukraina, Hàn Quốc, Hong Kong, Trung Quốc… sắp tới sẽ là Pháp.

Nhiều thành viên trong nhóm đã từng đoạt các giải thưởng âm nhạc tại các hội thi và hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp. Mỗi cô biểu diễn một nhạc cụ dân tộc, từ tiếng sáo véo von, tiếng nhị réo rắt, tiếng đàn bầu thánh thót đến tiếng đàn tỳ bà và tiếng đàn tranh du dương, đằm thắm… cùng tấu lên những giai điệu ngọt ngào và độc đáo của quê hương: Ngựa ô Huế, Đêm xuân, Lời ru Âu Lạc, Dân ca Đồng bằng Bắc Bộ…

Đàn giỏi hát hay, các cô trong nhóm sử dụng điêu luyện nhiều loại nhạc cụ dân tộc khác nhau, chương trình biểu diễn của nhóm luôn tươi mới, làm người xem ngỡ ngàng về sự biến hóa kỳ diệu của âm nhạc truyền thống, đằm thắm mà không nhàm chán, dân tộc nhưng hiện đại.

Nguyễn Đăng Tấn


http://static.mp3.zing.vn/skins/gentle/flash/mp3playlist.swf?xmlURL=http://mp3.zing.vn/play/?pid=IW6WU0Z0||1&songID=0&autoplay=false&wmode=transparent