PDA

View Full Version : Đọc lời Phật dạy



dáng xưa
20-12-2009, 04:24 AM
(Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng ngày 11 tháng 10 năm 1989,

tại thành phố Hoa Liên, Đài Loan)



“Tâm chỉ niệm tuyệt, chân phú quý,

Tư dục đoạn tận, chân phước điền.”

(Tâm dừng niệm bặt, giàu sang thật

Tư dục đoạn sạch, ruộng phước thật.)


Tìm nguồn gốc của Phật tức là đoạn sạch hết thảy tư dục (những ham muốn riêng tư) để hiển lộ trí huệ quang minh vốn có. Có tư dục thì không có trí huệ, có trí huệ thì không có tư dục -trí huệ không thể tách rời tư dục, tư dục không thể tách rời trí huệ.



Phiền não chính là Bồ Đề, sanh tử chính là Niết Bàn; nếu quý vị có thể trong phiền não mà không sanh phiền não, thì quý vị sẽ có tâm Bồ Đề. Quý vị muốn chấm dứt sanh tử, thì quý vị đừng tạo thêm sanh tử nữa; và đó chính là Niết Bàn. Người người đều có sanh, do đó ai nấy đều có tử. Nếu quý vị có thể cắt đứt tư dục, thì sự sanh tử của quý vị cũng sẽ chấm dứt theo; tư dục của quý vị chưa dứt sạch, thì sự sanh tử của quý vị chưa thể kết thúc được!



“Tư” là riêng tư, điều mà chỉ một mình mình biết chứ người khác không thể nào biết được. Người có lòng tư dục chỉ muốn phô bày cái tốt ra cho người khác biết, còn cái xấu thì che đậy giấu giếm, hy vọng như thế sẽ làm cho người khác có cảm tưởng tốt về mình. Tư dục xui khiến quý vị nói dối, điên đảo thị phi, không phân biệt được thẳng cong phải trái, trắng đen hỗn loạn -tất cả chỉ vì quý vị để cho lòng tư dục chi phối, sai khiến.



Nếu quý vị không có tư dục thì trí huệ quang minh vốn có của quý vị sẽ hiển hiện, bất tất phải tìm kiếm bên ngoài, mà tự mình tìm cầu nơi chính mình. Chúng ta sống ở cõi đời này, mọi cử chỉ hành động, lời nói việc làm, đều cần phải phản tỉnh, phải quay lại tìm cầu nơi chính mình.



Quý vị cần phải: “Những gì mình không muốn thì chớ đem cho người khác.” Những gì chính bản thân quý vị không thích thì cũng đừng đem trút lên đầu lên cổ người khác. Cổ nhân có nói:



“Nhân tuy chí ngu,

trách nhân tắc minh,

thứ kỷ tắc hôn.”



Có nghĩa là người ta tuy ngu xuẩn đến cực điểm, nhưng đối với thói hư tật xấu của kẻ khác thì lại có thể kể ra rất rõ ràng, rành rẽ. Người ấy nói chuyện thị phi của kẻ khác thì thao thao bất tuyệt, có bài có bản, “biện tài vô ngại”; nhưng đối với việc của chính mình thì lại mê muội hồ đồ, tùy tiện cẩu thả, không thể biện biệt rõ ràng, phạm sai sót cũng chẳng quan tâm, thậm chí còn che giấu lỗi lầm nữa -đây là do bị lòng tư dục chi phối, xúi giục, khiến người ấy gây ra những điều sai trái, và luôn luôn tự tha thứ cho chính mình!


Nguồn: Chùa Vĩnh Khánh .

dáng xưa
22-12-2009, 12:29 AM
Muốn thương phải hiểu


Trong đạo Phật, từ bi gắn liền với trí tuệ. Không hiểu, không thể thương yêu
sâu sắc. Không hiểu, không thể thương yêu đích thực. Hiểu chính là nền tảng
của tình thương yêu.

Mỗi người có những nỗi niềm, những khổ đau, bức xúc riêng, nếu không hiểu, sẽ không thương mà giận hờn, trách móc. Không hiểu, tình thương của mình sẽ làm người khác ngột ngạt, khổ đau. Không hiểu, sẽ làm người mình thương đau khổ suốt đời.

Nhân danh tình thương, người ta làm khổ nhau. Chuyện đó vẫn thưòng xảy ra.

Được hiểu và được thương vốn là một nhu cầu muôn đời của con người. Nhiều người thường cảm thấy không ai hiểu mình. Họ “đói” thương, “đói” hiểu. Họ thơ thẩn, lang thang trong cuộc đời tìm người hiểu mình, thương mình. Gặp được người hiểu mình, thương mình là may mắn lớn của cuộc đời. Tình yêu nảy nở, lớn lên từ đó.

Vậy nên, “có hiểu mới có thương” là nguyên tắc chọn người yêu, chọn chồng/vợ theo quan điểm Phật giáo. Dù người ta có đẹp, có giàu đến đâu nhưng không hiểu mình sẽ làm mình khổ suốt đời. Hôn nhân có thể mở ra những con đường hoa hồng, có thể mở ra cánh cửa tù ngục. Chọn vợ, chọn chồng là một sự mạo hiểm lớn. Hãy cẩn thận, nếu không muốn chọn án tù chung thân cho cuộc đời mình.

Chọn người hiểu và thương mình - hãy nhớ - đó là nguyên tắc tìm người tri kỷ trong cuộc đời.

Bốn yếu tố của tình yêu: Từ bi hỉ xả

Phật dạy về tình yêu rất sâu sắc. Tình yêu phải hội tụ đủ bốn yếu tố: từ, bi, hỉ, xả.

“Từ” là khả năng hiến tặng hạnh phúc cho người mình yêu. Yêu thương không phải là vấn đề hưởng thụ, yêu thương là hiến tặng. Tình thương mà không đem đến hạnh phúc cho người yêu không phải là tình thương đích thực. Yêu mà làm khổ nhau không phải tình yêu. Có những người yêu nhau, ngày nào cũng khổ, đó là tình yêu hệ luỵ, chỉ mang tới sự khổ đau. Yêu thương ai đó thực sự, nghĩa là làm cho người ta hạnh phúc, mỗi ngày.

“Bi” là khả năng người ta lấy cái khổ ra khỏi mình. Mình đã khổ, người ta làm cho thêm khổ, đó không thể là tình yêu đích thực. Còn gì cho nhau nếu chỉ có khổ đau tuyệt vọng. Người yêu mình phải là người biết sẻ chia, biết xoa dịu, làm vơi bớt nỗi khổ của mình trong cuộc đời.

Như vậy, “từ bi” theo Phật dạy là khả năng đem lại hạnh phúc cho nhau. Yêu thương ai là phải làm cho người ta bớt khổ. Nếu không, chỉ là đam mê, say đắm nhất thời, không phải là tình yêu thương đích thực. “Từ bi” trong tình yêu không phải tự dưng mà có. Phải học, phải “tu tập”. Cần nhiều thời gian, để quan sát, để lắng nghe, để thấu hiểu những nỗi khổ niềm đau của người yêu, để giúp người ta vượt qua, tháo gỡ, bớt khổ đau, thêm hạnh phúc.

“Hỉ” là niềm vui, tình yêu chân thật phải làm cho cả hai đều vui. Dấu ấn của tình yêu đích thực là niềm vui. Càng yêu, càng vui, niềm vui lớn, cả gia đình cùng hạnh phúc. Cuộc nhân duyên như thế là thành công.

“Xả” là không phân biệt, kì thị trong tình yêu. Mình yêu ai, hạnh phúc của người ta là của mình, khó khăn của người ta là của mình, khổ đau của người ta là của mình. Không thể nói đây là vấn đề của em/ anh, em/ anh ráng chịu.

Khi yêu, hai người không phải là hai thực thể riêng biệt nữa, hạnh phúc khổ đau không còn là vấn đề cá nhân. Tất cả những gì mình phải làm coi đó là vấn đề của hai người, chuyển hoá nỗi khổ đau, làm lớn thêm hạnh phúc.

Này người trẻ, bạn nghĩ về tình yêu của mình đi, có “từ bi hỉ xả không”? Bạn hãy can đảm tự hỏi mình rằng “Người yêu ta có hiểu niềm vui nỗi khổ của ta không? Có quan tâm đến an vui hàng ngày của ta không? Người ấy có nâng đỡ ta trên con đường sự nghiệp không?...” Và tự hỏi lại mình, liệu bạn có đang thành thực với tình yêu của mình?! Liệu tình yêu của bạn đã đủ “từ bi hỉ xả”?!



Nguồn / Tu Tâm Đạo

dáng xưa
23-12-2009, 12:09 AM
Sự an lạc trong gia đình


<..........................................>


Mọi người gặp gỡ nhau trong kiếp sống này và sống chung với nhau như vợ chồng, theo đạo Phật, phải có nhân duyên với nhau, hoặc thiện duyên, hoặc ác duyên. Nếu là ác duyên, hay còn gọi là nghiệp chướng tiền khiên, tức do oan nghiệp nhiều đời mà nay gặp lại nhau, thì sẽ trở thành vợ chồng trong hoàn cảnh sống “Oán tắng hội khổ”. Người thế gian cũng có nhận thức về “Khổ duyên vô cùng” của vợ chồng qua câu nói chúng ta thường nghe là “Vô oan trái bất thành phu phụ”. Cho nên, vợ chồng sống chung với nhau trong một gia đình, chẳng những không thể đồng tình với nhau, không thương quý nhau, mà trái lại, họ không bao giờ có cùng suy nghĩ, có cùng niềm vui, cho đến luôn luôn có lời nói và thái độ chống trái nhau, thậm chí thù ghét nhau. Mỗi ngày sống chung trong một mái nhà, mà vợ chồng nhìn nhau bằng cặp mắt bực bội, khó chịu và nỗi oán ghét đó lớn dần và bị dồn ép đến mức độ không chịu đựng được nữa, thì phần lớn người chồng sẽ có hành động “vũ phu”. Sự bạo hành trong gia đình phát xuất từ đây.

Thiết nghĩ để hóa giải vấn đề bạo hành trong cuộc sống vợ chồng, người phụ nữ cần phải chọn người chồng thích hợp, không cần phải là người giàu có, hay có địa vị trong xã hội, nhưng phải chọn người mình thương yêu được, quý trọng được và người bạn đời cũng thương quý mình, thì đó là mẫu người bạn đời để người phụ nữ chung sống, xây dựng gia đình hạnh phúc. Vì vậy, nếu không chọn được người bạn đời như thế, nhiều người đã chọn đời sống độc thân, chắc chắn sẽ không bị sự bạo hành xảy đến cho họ.

Trong thực tế cuộc sống, chúng ta thấy không ít những phụ nữ đã chọn lầm người bạn đời, hoặc nói đúng hơn là do nghiệp chướng mà phải gặp người chồng hung dữ, độc ác, thù nghịch, nhưng vẫn phải sống trong một nhà với người chồng chuyên đánh đập họ một cách tàn nhẫn. Bạo hành trong gia đình thường xuyên xảy ra một cách tự nhiên mà họ phải gánh chịu như không khí họ hít thở vậy!

Đối với những người phụ nữ đang mang “Túc nghiệp” như thế, Đức Phật dạy họ nên quán sát lý nhân duyên, theo đó, họ sinh lại cuộc đời này là để trả mối oan trái đã tạo ra trong kiếp quá khứ với người chồng của họ. Nghĩa là người vợ chấp nhận thực tế, tức chấp nhận nghiệp đã tạo; vì theo Phật, không có việc gì tự nhiên xảy đến cho mình; mọi việc đều có nhân đời trước, nay hội đủ duyên, mới kết thành quả báo như vậy.

Theo Phật, chấp nhận nghiệp không có nghĩa là thụ động buông xuôi, phó mặc cho số mệnh. Trái lại, áp dụng pháp Phật dạy, người phụ nữ nhẫn nhục, nhịn chịu và niệm Phật, để nương nhờ Phật lực mà xóa nghiệp. Thường quán sát rằng thân vật chất này hiện hữu trên cuộc đời là để trả nợ; cho nên bình tĩnh để tìm xem người bạn đời muốn gì, cần thì “trả”, kể cả họ cần ly hôn cũng bằng lòng.

Thực tế cho thấy một số nữ Phật tử đã nghe lời tôi khuyên, cố gắng giữ tâm không buồn, không giận, không lo, không sợ và thường nhiếp tâm niệm Phật, cho nên họ đã hóa giải ác nghiệp, được người bạn đời cư xử tốt lại, hoặc có người không phải sống chung với người chồng hung ác nữa thì cũng hết khổ.

Tóm lại, nếu biết thể nghiệm lời Phật dạy trong cuộc sống, mọi người và phụ nữ nói riêng, dù sống trong hoàn cảnh nào, cũng sẽ được tinh thần an lạc và xây dựng được gia đình hạnh phúc ấm êm.

HT.Thích Trí Quảng

dáng xưa
23-12-2009, 12:38 AM
Sự Khổ Đau Trong Đời Sống Vợ Chồng


Thầy gửi bài nầy đến các đệ tử


Để mở thêm hiểu biết

Giúp đỡ những cặp vợ chồng sống không hạnh phúc,

Các đệ tử coi đây là một Phật sự cần thiết hàng ngày.

Trong số các đệ tử,
Trước đây cũng có nhiều kinh nghiệm khổ đau giữa chồng vợ.
Nay đã vượt qua nên hành đạo giúp người
Coi đây là một trong những việc hoằng truyền chánh pháp,
Bởi tâm của quý vị đã nhiều thanh tịnh.

1. Thầy nhận thấy đâu đâu cũng có nổi khổ trong đời sống vợ chồng,

- Hoặc chồng bỏ vợ theo tình mới,

- Hoặc chồng bỏ vợ vì không thích nữa,

- Hoặc vợ bỏ chồng hay muốn bỏ chồng vì không còn phù hợp để đi với người khác hay ở vậy một mình.

- Hoặc vợ chồng vẫn sống với nhau nhưng bằng mặt không bằng lòng.

- Hoặc có người ham sắc hay lý do riêng mà nên vợ chồng không đúng nghĩa.

Nói chung, Đời sống chồng vợ trở thành một vấn nạn lớn thực sự và khá phổ biến.

Vấn đề nầy ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc của hai người, Sau đó là con cái và những người thân.

2. Như vậy, Nguyên nhân từ đâu? Có thể vượt qua bất hòa hoặc hàn gắn lại được không, bằng cách nào?

3. Trong bao nhiêu ngàn lần tiếp xúc. Thầy nhận ra rằng,

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bất hạnh hay khổ đau tan vỡ tình chồng vợ:

- Thiếu kiến thức đời sống chồng vợ, kiến thức về gia đình hạnh phúc.

- Thiếu hiểu biết về chính mình và người bạn đời.

- Mỗi người chấp vào ý nghĩ và quan niệm của mình là đúng, rồi bắt người kia phải nghe theo.

- Mỗi người bị các cảm xúc và sự tưởng tượng lôi kéo không kìm hãm được.

- Hoặc có những thành kiến riêng trong tâm.

- Hoặc có sự khác nhau về niềm tin tôn giáo.

- Hoặc bị chi phối bởi áp lực gia đình.

- Hoặc cách cư xử thô bạo thiếu tế nhị.

- Hoặc tâm ích kỷ, nhỏ hẹp sống chung với tâm rộng lớn.

- Hoặc hai người đều có tâm ích kỷ hẹp hòi.

- Hoặc tình yêu đã cất cánh hay tình yêu chưa phát sinh.

- Thiếu kiến thức về mục đích cuộc sống.

- Đôi khi không biết rõ mình muốn gì trong đời nầy.

4.Nói tóm lại có bốn nguyên nhân chính:

Không biết mình thiếu trí tuệ, thiếu kiến thức về cuộc sống hạnh phúc.

Không nhận ra mình thiếu tình thương chân thành, kể cả đối với chính mình,nghĩa là mình chưa hề thương ai thật sự.

Không nhận ra tâm mình chật hẹp và tăm tối.

Chưa bao giờ thấy mình chỉ sống theo cảm tính hay cảm xúc, và ý nghĩ riêng.

5. Chuyện khổ đau hay bất hạnh trong tình chồng vợ,Khó vượt qua, khó khắc phục và hàn gắn,
Nhưng hoàn toàn có thể xây dựng một gia đình tương đối hạnh phúc.

6. Có nhiều con đường vượt khổ đau về nổi khổ nầy.

- Phải thật sự có quyết tâm chung sống cùng nhau.

- Phải học cách chung sống với nhau

- Đừng nhìn người bạn đời bằng cái nhìn thành kiến hay phiên diện chủ quan,mà phải nhìn cho rõ những khác biệt và chấp nhận nó.

- Cố gắng tìm ra những điều hay, điều đáng thương để thêm sự yêu thương.

- Hãy mở rộng tâm, dễ dàng thông cảm và bỏ qua những bất đồng.

- Thay vì gắt gỏng và nóng giận, hãy thương yêu và dịu dàng trong cư xử.

- Nên quan tâm tạo niềm vui cho nhau, vì con người đã quá nhiều chịu đựng.

- Cùng nhau xác định một hướng đi chung cho cả hai người.

- Hãy dám nói những điều khó nói để cùng nhau vượt qua sự kém kiến thức.

- Nên sống hồn nhiên và giảm sự hơn thua tranh cải.

- Hãy tỏ ra mình là người rõ ràng và công bằng.

- Cả hai nên dành thời gian nhiều nhất cho nhau, cho con cái và nhà cửa.

- Gạt bỏ những quá khứ dù hay dù dở.

- Đừng phát sinh nhiều nhu cầu hiên tại.

- Đừng quá mơ mộng về tương lai.
-
Ngày ngày sống đơn giản và mở rộng lòng thương.

- Hãy động viên và an ủi nhau trong những lúc khó khăn.

- Đừng để ý nghĩ riêng của mình phá hủy sự bình yên trong tâm hồn của chính mình và người phối ngẫu.

Nói tóm lại,

Tâm phải mở thật rộng.

Sống đơn giản, không phát triển nhiều nhu cầu hàng ngày.

Tăng yêu thương và an ủi lẫn nhau.

Mở mang kiến thức về cuộc sống hạnh phúc vợ chồng.

Giành nhiều thời gian cho nhau và đừng để bất cứ gì chung quanh chi phối cuộc sống vợ chồng.

Vui vẻ chấp nhận những khác biệt.

Tôn trọng và công bằng lẫn nhau.

Dùng những lời lẽ dễ nghe trong cư xử.

7. Thầy tóm lược vài điều căn bản dễ nhận ra như vậy,
Mong quý đệ tử để tâm đến nổi khổ nầy của chúng sanh.

Thầy cầu nguyện cho quý vị tăng thêm bi-trí-dũng để làm điều gì nhỏ có lợi cho đời!
Cầu nguyện Chư Vị Đại Giác
Phù hộ cho quý đệ tử trên đường hành đạo,
Cầu mong Chư Thiên dẫn đường chỉ lối
Để các con góp nhặt niềm vui cho đời!

Nguồn / Duy Tuệ .

dáng xưa
17-02-2010, 12:58 AM
Đức Phật giảng về tiền kiếp cho Phạm Thiên Baka vì vị này tự xem mình là cao thượng và bất diệt


http://farm5.static.flickr.com/4059/4329641248_db7fb9392b.jpg

dáng xưa
17-02-2010, 01:02 AM
<..................>

Nhân Quả và Nghiệp Báo. Không có điều gì xảy ra mà không do nhiều nhân và duyên. Quả vui hay khổ của những ai đang gặt hái đều trổ sanh từ những nhân tốt hay xấu đã tạo, trong kiếp hiện tại, hoặc trong những kiếp quá khứ. Lý trí và nhận thức bình phàm rất khó thấu triệt những nhân duyên phức tạp của sự sống. Chúng ta thấy trước mắt cái quả đang trổ mà không thấy được tất cả nguyên nhân vi tế và xa xăm đã tạo điều kiện cho quả ấy phát sanh.

Người con hấp thụ một số đặc điểm của cha mẹ, nhưng trí năng và tánh nết mỗi người con mỗi khác, và có nhiều trường hợp cha mẹ lương thiện sanh ra đứa con ngỗ nghịch, hoặc cha mẹ tầm thường sanh ra người con thông minh xuất chúng. Phật Giáo công nhận có ảnh hưởng của di truyền, truyền thống và môi trường, nhưng nhấn mạnh một yếu tố khác gọi là nghiệp.

Nghiệp là tổng hợp các hành vi trong quá khứ và hiện tại. Những việc mình làm, dù lớn, dù nhỏ, đều có một hậu quả nào đó, xấu hay tốt, không sớm thì muộn, không biết trước được. Cũng như mỗi vật dính liền với bóng, mỗi hành vi có tác ý đều dính liền với quả. Nghiệp ví như cái hột có khả năng trở thành cây và quả ví như trái cây. Trái cây lớn hay nhỏ, ngọt hay chua, tượng trưng cho khác biệt về sức khỏe, thịnh vượng, và những kinh nghiệm trong đời sống vật chất và tinh thần. Những hành vi tạo tác trong quá khứ dẫn tới hoàn cảnh an lành hay khó khăn trong hiện tại. Mỗi người có khả năng vun bồi thiện duyên cho sự tiến hóa của mình trong tương lai. Người thế gian thường nói về định mệnh hay số mạng an bài, nhưng trong Phật Giáo không có quan niệm ấy.

Trong sự báo ứng của nghiệp, tâm là yếu tố quan trọng nhất. Tất cả ý nghĩ, lời nói và hành động đều bắt nguồn nơi tâm. Hành vi thiện hay ác tạo quả lành hay dữ. Phật dạy chúng sanh thanh tịnh tâm ý và tạo tác những hành vi thiện lành để hòa dịu nghiệp lực. Như vậy, chúng ta có khả năng chuyển nghiệp, đến mức độ nào chỉ tùy chí nguyện và cố gắng.

<............................>
Nguon : Internet

dáng xưa
17-02-2010, 01:16 AM
Điều phục cơn giận

Viết bởi HT. Thích Nhất Hạnh

Mỗi khi giận hay buồn, ta phải biết trở về hơi thở chánh niệm và khởi sự đi thiền để chăm sóc thân tâm. Ta dùng năng lượng chánh niệm để ôm lấy niềm đau của ta. Năng lượng này được chế tác bằng hơi thở và bước chân. Ta ôm niềm đau ấy như ôm một em bé với tất cả lòng ưu ái, thì năng lượng chánh niệm sẽ làm nhẹ niềm đau sau năm hay mười phút.

Tiếp tục thở và đi trong chánh niệm, ta nhìn sâu vào tự tánh của niềm đau, nghĩa là những nguyên do xa gần đã làm nó phát khởi. Ta không nên đè nén cơn giận và nỗi buồn. Ta phải cho phép chúng có mặt, và ôm ngay lấy chúng bằng năng lượng chánh niệm. Có chánh niệm là có Bụt bảo hộ, ta đã được đặt vào một khung cảnh an toàn rồi.



Chỉ thực tập thở và đi trong chánh niệm thôi, ta không nói hay không làm bất cứ một điều gì để phản ứng lại khi nỗi buồn hay cơn giận còn đó, bởi vì nói và làm như thế ta sẽ gây sự đổ vỡ trong ta và trong người đối diện. Khi thấy được hạt giống giận hờn và tập khí hay nổi nóng trong ta, và khi thấy được rằng người kia cũng đang có nhiều khổ và tập khí, ta sẽ hết giận và thấy rằng chỉ có sự thục tập hiểu và thương mới giúp được cho ta và cho cả người ấy. Trừng phạt không phải là giải pháp, dù sự trừng phạt ấy được thực hiện bằng lời nói hay bằng hành động. Khuynh hướng muốn trừng phại người kia, làm cho ngườ kia đau khổ để cho mình bớt khổ là khuynh hướng bạo động trong ta, ta phải thấy được điều này trong khi thực tập hơi thở và bước chân ý thức.

HT. Thích Nhất Hạnh

nguoithamlang08
25-02-2010, 06:04 PM
rất hay và thank vì đã có công sưu tầm những câu chuyện cho những người còn u ê trên con đương tăm tối sớm giác ngộ và tình thức để đạt tới đạt đạo của bậc giác ngộ và tỉnh thức