PDA

View Full Version : Rượu và hạnh phúc gia đình.



OA _ NỮ
23-11-2009, 05:32 AM
Bây giờ nói tới ảnh hưởng của rượu đối với hạnh phúc gia đình – nói cách khác là khả năng sinh lý của đàn ông con trai. Theo kinh nghiệm của LNĐ, rất có thể các chàng trai trẻ còn trong độ tuổi “đêm bảy ngày ba” không cần tới rượu, nhưng các đấng trung niên, các bậc cao niên đã chồn chân mỏi gối hoặc lúc nào cũng như “kỳ vô phong” thì cần phải có chút rượu trợ lực.



(Trong phạm vi bài này, LNĐ chỉ nói tới “rượu nguyên chất” chứ không nói tới “rượu thuốc”, bởi vì nếu lại bàn về rượu Minh Mạng, rượu Tần Thủy Hoàng, rượu Mao Trạch Đông, rượu sâm nhung, rượu tê giác, rượu bìm bịp, rượu rắn hổ, rượu tắc kè, rượu hải mã... thiết tưởng cũng phải mất thêm vài kỳ nữa!)



Nói về hạnh phúc gia đình, rượu có hai công dụng: trước hết, làm cho người đàn ông “hứng tình”, và kế tiếp, giúp tình được “bền lâu”



Theo một ông bạn của LNĐ sắp sửa bước vào tuổi lục tuần thì chẳng cần xài “Liệt Lão Phục dương Lạc cực hườn” Viagra làm chi cho nguy hiểm (chẳng hạn đứng tim mà chết: tiền thượng mã phong), mà chỉ cần mỗi bữa cơm tối làm hai ly vang đỏ và một đĩa bò tái chanh là bảo đảm (nếu muốn) kỳ sẽ “hữu phong” ngay. Những ai không dám ăn thịt tái có thể thay bằng bò bít tết hay bò lúc-lắc, nhưng cũng phải để hơi sống chứ đừng làm chín quá.







Đó là tác dụng “hứng tình”. Riêng biệt giữ cho tình “bền lâu” thì phức tạp hơn, mà căn bản là phải biết uống bao nhiêu thì vừa đủ. Uống ít quá thì không ép-phê. Mà uống nhiều quá thì lại có thể làm khổ người bạn – tình như đã nhắc tới trước đây qua câu ca dao bình: (Nàng) rằng (nàng) chẳng sợ ai, sợ thằng say rượu - - đau (nàng).



Trường hợp uống tới chỉ (goắc cần câu) thì lại còn tệ hại hơn nữa, chẳng khác nào trường hợp người hút thuốc phiện hoặc phi xì-ke. Các cụ ngày xưa muốn làm hài lòng mấy nàng hầu phơi phới xuân tình, tràn trề nhựa sống thì chỉ cần làm một cặp, giới híp-pi ngày nay muốn kéo dài đệ tam khoái thì thường phi riu riu (hút cần-sa, hít cocaine, chứ không được choác heroine, hoặc nốc LSD), đều có thể đạt được “mục đích, yêu cầu”. Nhưng nếu thay vì một cặp các cụ lại nổi hứng làm tới 4 bi, thay vì riu riu các chàng lại phi tới chỉ, thì chẳng khác nào ngọn cờ xìu xìu ển ển trước làn gió nhẹ – 10 cây số/giờ – không ủ rũ nhưng cũng chỉ nhúc nhích chứ chẳng đủ sức tung bay!



Rượu để chưng và rượu để uống


Với dân tây thì rượu chưng trong tủ, hay trên kệ cũng đều là rượu để uống, nhưng với một số người Việt mình thì rượu chưng trong tủ kính dứt khoát chỉ để... trưng bày, chứ không phải để... mời mọc.



LNĐ xin miễn bình luận về việc này mà chỉ khuyên các tửu sĩ tới khi nhà bạn bè hay người quen, muốn tỏ ra mình là người lịch sự thì không nên “dòm ngó” mấy chai rượu trong tủ kính, bởi vì nếu chủ nhà muốn mời thì chẳng cần đợi mình đòi, họ cũng lấy ra mời.



Nhưng bên cạnh đó, cũng xin lưu ý quý vị chủ nhà một điều: khác với một số chai rượu vang mà Thụy Văn đã nhắc tới, tất cả các chai rượu mạnh (cognac, whisky...), rượu ngọt (port, sherry, rosé, các loại liqueur...) để bao lâu thì cũng thế thôi chứ không ngon hơn, quý hơn, chưa kể còn có thể bị hư, hoặc bay hơi, mất mùi, rượu bị ảnh hưởng bởi ánh sáng). Cho nên, muốn chắc ăn thì một chai rượu dù quý tới đâu, cũng chỉ nên chưng trong tủ kính tối đa là 4,5 năm mà thôi, còn việc lấy ra để đãi bạn bè hay hai vợ chồng đóng cửa “nhâm nhi” với nhau là tùy ý gia chủ.



Chưng rượu gì thì tùy ý mỗi người. Có người thích chưng “rượu xịn” (XO, VSOP, whisky 15 năm, 20 năm...), có người lại thích chưng “chai đẹp”. Tuy nhiên, để chứng tỏ mình là người “biết chơi”, cũng cần phải theo nguyên tắc căn bản: chưng loại rượu gì thì nếu muốn chưng ly bên cạnh, phải là ly dùng để uống loại rượu đó.



Đó là rượu để chưng, bây giờ nói về rượu để uống.



Như đã viết trong phần đầu, xưa kia người Việt người Hoa trong khi hết lời ca tụng thú uống rượu thì lại không có nhiều rượu, hoặc nhiều loại rượu để mà uống. Nay sống ở Úc, khó khăn trở ngại đó không còn nữa cho nên các tửu sĩ có thể uống thỏa thích,có quyền chọn lựa những loại rượu hạp với khẩu vị của mình nhất.



Tuy nhiên, mỗi người đều có những điều kiện, hoàn cảnh, khả năng, sở thích khác nhau, nên ta không thể căn cứ vào việc người đó uống ít hay nhiều, uống loại rượu gì có thường mời mọc đãi đằng bạn bè hay không... để rồi đánh giá người đó chịu chơi, biết chơi hay không chịu chơi, không biết chơi. Một người bốn mùa xuân hạ thu đông chỉ uống bia, chưa chắc thú uống rượu của người ấy đã bị giảm bớt so với một người biết thưởng thức đủ mọi loại rượu.



Chính vì thế, LNĐ chỉ có thể bàn về các loại rượu, về thú uống rượu chứ không thể đem sở thích và khả năng trong việc uống rượu, chơi rượu của cá nhân mình ra làm tiêu chuẩn để người khác so sánh, bắt chước. Thành thử để kết thúc loạt bài này, LNĐ chỉ xin ra ghi ra việc “rượu chè” của một công dân Úc gốc Việt mà mình cho là điển hình nhất, để mọi người đọc... cho vui.



CHƠI DZỪA ĐỦ


Người tỵ nạn (chính trị) Nguyễn văn CHƠI, vợ là bà Trần Thị DỪA, trưởng nam Nguyễn Văn Đủ, trưởng nữ Nguyễn Thị XOÀI. Ông chơi vừa bước sang tuổi ngũ tuần, hiện là công nhân hãng xe, lương trung bình $35,000 một năm; bà Dừa 47 tuổi, may tại gia, kiếm được khoảng $20,000; cậu Đủ còn độc thân, đã tốt nghiệp đại học, mới có job với số lượng sơ khởi $30,000. Cô xoài thì vừa đính hôn.



Là một cựu quân nhân thỉnh thoảng cũng tham gia các sinh hoạt trong cộng đồng, quen biết tương đối nhiều, lại sắp làm sui (lên chức bố vợ), ông Chơi có khoảng 40 người bạn biết nhậu, trong số đó có gần 10 người là bạn thân, và 4 người bạn rất thân biết thưởng thức đủ mọi loại rượu.



Trong nhà, lúc nào ông Chơi cũng có một thùng VB chai nhỏ, ướp sẵn trong tủ lạnh vài chai. Mỗi khi tổ chức BBQ mời bạn bè, hoặc có tiệc tùng đình đám, tùy theo số lượng khách mà ông mua thêm một vài két nữa; nếu trong khách khứa có những người mới quen. Ông còn cẩn thận mua thêm một thùng Foster hay Hahn, hoặc cả “light beer” cho người thích uống bia nhẹ.



Trước kia ông Chơi thường uống bia trong mỗi bữa ăn tối, nhưng sau này vừa vì nghe nói “có tuổi uống bia nhiều thì bụng bự” vừa vì đã thưởng thức được cái ngon của rượu vang nên ông đã hạn chế uống bia trong các bữa tối.



* Rượu mạnh:



- Cognac:



Mỗi năm, ông Chơi chỉ uống cognac hai, ba lần vào những dịp đặc biệt. Chẳng hạn mới đây trong đám hỏi cô Xoài, đàng trai đem tới một cặp VSOP Courvoisier, ông khui một chai để khách khứa mỗi người làm một ly nhỏ cho thơm miệng. Chai còn lại, ông ép anh sui đem về (“để dành bữa nào tui sang anh, mình uống sau”) nhưng anh sui không chịu. Ít lâu sau, nhân giỗ bà già, có mời anh chị sui và mấy người bạn thân, ông Chơi mua thêm một chai VSOP nữa. Bảy, tám người uống 2 chai cognac pha với soda là vừa đủ, vừa đẹp.



Kế tới nhân sinh nhật 50 tuổi của ông Chơi, cậu Đủ mua cho tía một chai XO Martell; mấy tháng sau, nhân kỷ niệm ngày cưới, ông mời vợ chồng người bạn nối khố và hai vợ chồng bà chị vợ, cô em vợ. Chai XO khui ra, bốn ông vừa ăn vừa thưởng thức (uống sec, không pha) mùi vị tuyệt vời của rượu, lại không quên “share” cho mấy bà một chút pha vào ly coca hay limonade, gọi là lấy hương lấy hoa.



Ngoài ra, thường thường ông Chơi cũng có một chai cognac khui sẵn, vào những buổi tối mùa đông, lâu lâu ăn cơm xong, rót ra một chút để ngửi mùi thơm và nhâm nhi...



- Whisky:



Ông Chơi không thích whisky cho lắm, nhưng có ai mời thì cũng biết thưởng thức. Ông không bao giờ uống pha mà chỉ bỏ vào mấy cục đá (tiếng nhà nghề gọi là “on-the-rock”. Ông chưa bao giờ phải mua whisky nhưng trong nhà lúc nào cũng có một chai Johnnie Walker, nhãn đen hay Chivas Regal, do người này người kia biếu hoặc con cháu tết.



- Rum:



Là rượu mạnh cất từ đường mía nên có mùi thơm ngọt, nhưng uống rất dễ say và dễ nhức đầu. Ngày còn ở Việt Nam, ông Chơi chưa có dịp uống rum (rum ngoại quốc chứ không phải rum lô-can của Nhà máy đường Hiệp Hòa), sang Úc vì bà xã cần có rum để ướp thịt hoặc làm bánh, ông mua một chai hiệu Bundaberg (nổi tiếng nhất của Úc, khoảng $24 một chai).



Buồn buồn, ông theo đúng sách vở, lấy rum pha với coca để uống thử. Từ đó mới khám ra cái ngon đặc biệt của ly coca pha rum, dùng để giải khát trong những ngày hè nóng nực thì thật tuyệt vời!



* Rượu vang:



Về vang đỏ, ông Chơi thích uống Shiraz, Cabernet hay Cabernet sauvignon trong bữa cơm tối. Loại vừa túi tiền và hạp khẩu vị nhất của ông là Jamiesons Run Conawarra (khoảng $14-15 một chai), không kiếm được thì ông uống đỡ những chai shiraz, cabernet của các hãng Penfolds, Brown Brothers, Wolf Blass... có giá tương đương, hoặc rẻ hơn một hai đô-la như Windy Peak của hãng De Bortoli.



Về vang trắng, ông cho hay rằng chardonnay, riesling, hoặc sauvignon blanc giá trên dưới $12 là đủ ngon. Hiệu nào ông uống cũng được, nhưng thường là chardonnay hiệu Jamiesons Run (khoảng $14) hoặc hiệu Windy Peak (của De Bortoli, khoảng $12) vì dễ mua, hầu như nơi nào cũng có bán.



Ông Chơi không khá giả mà cũng chẳng có thì giờ đi “săn” rượu nên chỉ khi nào tiệm rượu của Safeway hay Coles gần nhà bán “sale”, ông mới dám mua những chai trước kia trên dưới $20, nay có khi còn hơn 15, 16 đô-la. Bên cạnh đó, ông còn chơi hai bình giấy 2 lít, một đỏ một trắng, phòng khi hết rượu hết tiền thì uống đỡ – không ngon lắm nhưng cũng không đến nỗi quá tệ.



Khi có mấy người bạn thật thân hẹn hò tới ăn uống, ông thường thủ sẵn một chai đỏ, một chai trắng ($12-15), khi nào khách đem tới rượu xịn hơn thì uống của khách trước.



(Muốn tìm hiểu thêm về rượu vang, quý tửu sĩ nên đọc lại loạt bài của Thụy Văn).



* Rượu ngọt:



Rượu ngọt tuy không phải là rượu uống trong bữa ăn nhưng xét ra cũng rất cần thiết trong việc giao tiếp hàng ngày. Hơn nữa rượu ngọt không thể uống nhiều, mỗi năm chỉ cần một, hai chai nên ông Chơi cũng bỏ tiền mua cho đủ bộ.



Ông luôn có sẵn 3 loại thông dụng nhất là port, sherry và rosé, dành riêng cho các bà uống chơi, mỗi chai khoảng trên dưới $10. Gần đây ông còn chơi bảnh bỏ ra $40 mua một chai liqueur Cointreau của Pháp (rượu ngọt nhưng nồng độ lên tới 40%, nặng tương đương với whisky, rum, cognac) để thỉnh thoảng uống chơi với bạn bè, hoặc sau bữa tối làm một ly nhỏ thay đồ tráng miệng.



Ông dự trù sẽ mua một chai Grand Marnier ($45), một chai Benedictine ($40) mà ngày xưa ở Việt Nam ông đã được uống vài lần, cho đủ bộ “tam anh” liqueur 40 độ.



Ông Chơi uống Cointreau rất đúng điệu dân chơi, không pha, chỉ bỏ thêm mấy cục đá (gọi là Cointreau on Ice). Cũng có khi các bà bạn tới chơi, ông pha Cointreau vào ly limonade mời để lấy điểm; kết quả bà nào cũng thích, khen có mùi thơm như bông bưởi.



Sau này giao thiệp với giới trung lưu Úc cũng như Việt, ông Chơi biết thêm một số rượu ngọt của Ý – liqueur hoặc vermouth (rượu ngọt có mùi thơm cây cỏ). Nhân sinh nhật bà xã, ông mua tặng một chai liqueur Frangelico (có mùi hạnh nhân, $30), hạnh phúc vợ chồng vì thế càng thêm ngọt ngào, nồng thắm.



Mỗi lần các bà bạn tới chơi, bà Dừa thường đem chai rượu ra mời, từ đó ông Chơi tìm ra “chân lý”: cho các bà uống rượu ngọt (ngoài bữa ăn hay sau bữa ăn) vừa đỡ tốn tiền hơn là cho các bà ăn chocolate vừa không sợ mấy bả... phát triển bề ngang.



Máu huyết lại điều hòa, âm khí sung mãn, mấy bả sẽ vui vẻ, mạnh khỏe, trẻ, đẹp lâu hơn, bền hơn. Nhất là mấy bà mới sanh xong, chồng không đủ tiền mua Frangelico thì ít nhất cũng phải mua cho một chai Cinzano hay Martini, hoặc chai port 10 đô-la để giúp cơ thể sớm “phục hồi chức năng”...


Còn tiếp...

ST

OA _ NỮ
23-11-2009, 05:36 AM
Cái thú (và nghệ thuật) UỐNG RƯỢU: Nam vô tửu như kỳ vô phong? (6)

whisky

Không hiểu vào đầu thế kỷ thứ 19, nếu Hoàng đế Pháp Nã-Phá-Luân (Napoléon) không bị đại bại trước liên quân Anh và các nước Âu châu tại Waterloo, thì rượu cognac có được nhiều người uống hơn whisky hay không, mà chỉ biết hiện nay whisky – xuất xứ từ Tô-Cách-Lan (Scotland) thuộc Vương quốc Anh – là loại rượu mạnh phổ biến nhất thế giới.



Sự khác biệt chính giữa cognac và whisky (người Tô-Cách-Lan) và người Mỹ viết là whiskey) là một bên cất từ nho, một bên cất từ ngũ cốc. Từ đó hương vị cũng khác nhau hẳn. Nhận xét một cách tổng quát, whisky có mùi thơm nồng hơn và vị gắt hơn cognac. Vì thế, người đã quen thuộc với hương vị mạnh mẽ của whisky chưa chắc đã thích cognac, vốn tương đối dịu dàng hơn.



Nếu không kể whisky của Canada, của Nhật (!) hay của các quốc gia đang tập tành bắt chước, thì hiện nay ta có hai loại whisky chính là “scotch” và “bourbon” (ngày xưa ở Việt Nam ta thường gọi là rượu buốc-bông, phát âm theo tiếng Pháp).



Scotch cất từ mạch nha (malted barley), sản xuất tại Tô-Cách-Lan, còn bourbon cất từ bắp, sản xuất tại Mỹ (gọi là “bourbon” vì xuất xứ của nó là vùng Bourbon, tiểu bang Kentucky, Hoa Kỳ).



Trong các loại scotch “xịn” nhất hiện nay, LNĐ thích nhất là Johnnie Walker (nhãn đen, 12 tuổi), Chivas Regal (12 tuổi) và Dimple (15 tuổi). Johnnie Walker và Chivas Regal giá khoảng 45-50 đô-la, còn Dimple thì gần bằng giá cognac VSOP. Về rượu bourbon, LNĐ không biết nhiều, chỉ thấy chai mắc nhất (ở Úc) có lẽ là Jack Daniels, khoảng 35-40 đô-la một chai.



Dĩ nhiên whisky, giống như cognac, cũng có những hạng đặc biệt, chẳng hạn Johnnie Walker nhãn xanh (blue), trên 20 tuổi, giá từ 250 tới 300 đô-la một chai.

OA _ NỮ
23-11-2009, 05:39 AM
(Dành riêng cho các “tửu sĩ” trên 18 tuổi)



Các cụ ngày xưa phán rằng Cờ bạc-Rượu chè-Trai gái-Nghiện hút là “tứ đổ tường”, tức là có hại. Trong khi đó, một số cụ khác lại gián tiếp ca tụng thú uống rượu và thú chơi “hoa” (Một trà, một rượu, một đàn bà...). Nơi xứ người, ở cái tuổi “hơn nửa đời hư”, LNĐ đã mất đi thú uống trà, không còn đủ phong độ để “hồi xuân” mà chỉ còn thú uống rượu. Vì thế chỉ xin viết về rượu.



Kẻ hèn này muốn dẫm chân Thụy Văn chăng? Xin thưa ngay, trăm lần không, vạn lần không. Công việc của Thụy Văn mang tính cách nghiên cứu đứng đắn (chủ yếu về rượu nho), còn LNĐ chỉ tán hưu tán vượn (về đủ mọi loại rượu). Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận vì loạt bài “Bàn về rượu” của Thụy Văn mà kẻ hèn này mới phải “lạm bàn” về thú uống rượu.



Thứ nhất, Thụy Văn đã công khai tuyên bố từ bỏ môn phái cỏ – nhắc (cognac) để theo môn phái rượu nho (rượu vang), khiến kẻ hèn này cảm thấy vừa cô đơn vừa tự ái.



Thứ hai, quan trọng hơn, loạt bài Bàn về rượu đã gây ra một cuộc tranh luận dai dẳng, thậm chí có khi cãi nhau khá sôi nổi trong tửu giới – người thì nhất định cho bia vẫn là số 1, người nói uống cỏ-nhắc mới là dân chơi, kẻ nói thưởng thức rượu nho mới là người sành điệu,v.v... – mà LNĐ đã nhiều lần bị mời làm trọng tài bất đắc dĩ; bên cạnh đó còn nảy sinh ra một số đề tài phụ, chẳng hạn như ảnh hưởng của rượu đối với sức khỏe, đối với hạnh phúc gia đình (phòng the), vai trò của rượu trong việc giao tế,v.v..., cho nên thiết nghĩ cũng phải có một bài để hóa giải những bất đồng ý kiến nói trên, đồng thời góp ý với tửu giới về lợi và hại của rượu.



Rào đón như thế tưởng đã quá đủ, nhưng nếu Thụy Văn là người hẹp lượng, nhất định đòi “tửu chiến”, LNĐ sẵn sàng hầu tiếp.



Nam vô tửu như kỳ vô phong



(LNĐ không kỳ thị giới tính, mà chỉ vì lúc bắt đầu có trí khôn tới nay chưa hề nghe nói “Nữ vô tửu...”, nên tạm thời chỉ viết về rượu và đàn ông con trai).



Nhiều người, nhất là mấy bà vợ hay lo lắng cho sức khỏe của chồng, cho rằng “Nam vô tửu như kỳ vô phong” chỉ là một câu nói có mục đích khích động tự ái đám “nam vô tửu”.



LNĐ không đồng ý. LNĐ không có ý (và không có quyền) chê đàn ông con trai “vô tửu” (vì “vô tửu” đối với nhiều người được coi là một ưu điểm) mà chỉ muốn đưa ra nhận xét cá nhân (và được nhiều người đồng ý) như sau: trong những dịp họp mặt, tiệc tùng, đình đám, đực rựa nào có một hai ly vào thì dù bình thường nhút nhát, gà mái tới đâu cũng trở nên dạn dĩ, ngon lành ngay. (Dĩ nhiên, đây đang nói về việc tự nguyện uống, chứ không phải bị ép uổng).



Theo luật tự nhiên, đàn ông con trai thuộc dương, nên dù có nhỏ con (hoặc nhỏ tuổi) hơn đào, hay bà xã thì cũng vẫn phát tiết, tỏ lộ ra những gì tượng trưng cho sự mạnh dạn, tính anh hùng, sức chịu đựng.



Rượu (trừ rượu ngọt) bao giờ cũng nồng và đắng. Hơi nồng bốc lên hai lỗ mũi tạo ra phấn chấn, vị đắng chảy qua cuống họng để lại cái hậu tuyệt vời từ đầu lưỡi tới kẽ răng.



Không cần phải đọc Tiếu Ngạo Giang Hồ để nghe Kim Dung tả cảnh Lệnh Hồ Xung uống rượu mà chỉ cần quan sát một người đàn ông bình thường trong bàn tiệc. Hầu như người nào cũng vậy, tay cầm ly rượu đưa lên, bao giờ đôi mắt cũng nhìn vào trước khi uống. Người uống nước ngọt cũng có thể nhìn vào ly trước khi uống, nhưng một là nhìn mà không suy nghĩ gì cả, hai là do thói quen, nhìn để “make sure” không có con gián, con ruồi nào chết đuối trong ly nước của mình!



Dân uống rượu trái lại, nhìn là để cặp mắt chiêm ngưỡng “dung nhan” của rượu – có thể là mầu đỏ tím bắt mắt của rượu chát, màu đỏ nâu đậm đà của cỏ-nhắc, màu vàng rực rỡ của rượu bia..., kể cả màu rượu thuốc huyền bí cũng có nét quyến rũ đặt biệt của nó.



Sau khi nhìn mới đưa ly rượu lên môi. Trước khi uống vào miệng, dù chỉ trong nửa giây đồng hồ ngắn ngủi, mũi đã ngửi được mùi thơm, môi đã làm một màn tiếp xúc giao hữu. Sau đó, mắt nhắm lại – nhắm lim dim thôi chứ không phải nhắm chặt (chỉ có kẻ bị ép uống rượu mới nhắm chặt) – để không còn bị chi phối bởi khung cảnh trước mặt, như thế vị giác mới có thể thi hành chức năng một cách trung thực để rồi tường trình lên não bộ.



Uống xong, mở mắt ra, khà một cái thú vị, đầu óc lâng lâng, tâm hồn sảng khoái, cảm thấy tự tin gấp bội phần. Ôi, còn gì đẹp cho bằng ngọn cờ tung bay trước gió!



Tới đây cũng phải viết thêm để tửu giới đừng vội hiểu lầm người nào uống rượu cũng đáng phục, đáng khen, đáng mến. Nói cách khác, cùng là người uống rượu nhưng có được gọi là “tửu sĩ” hay không còn tùy vào tính tình mỗi người, cung cách uống rượu, lượng rượu uống vào, và khi say có “quậy” hay không?!



Một cách chung chung, muốn uống rượu còn là một cái thú, và muốn người khác không có lý do để bài bác thú uống rượu, dân uống rượu phải biết giới hạn của mình. Cũng giống như ngọn cờ, có gió mới tung tăng bay, nhưng nếu gió mạnh tới 200,300 cây số/giờ thì lại hỏng bét – cờ rách tả tơi, đứt giây, đổ cột – thà đừng có gió còn hơn!



Vào ba ra bảy


LNĐ có dịp tham dự một vài đám tang của người Tây phương và phải công nhận họ vừa giản tiện tới mức tối đa, vừa thực tế, vừa tôn trọng nguyên tắc. Người thân, người quen – mặc quần áo màu đậm – tới nhà quàn, hoặc nhà thờ phúng vòng hoa, tham dự tang lễ, tiễn ra nghĩa trang, bắt tay hoặc ôm hôn tang chủ để chia buồn rồi... chia tay.




Người Á đông – ít nhất cũng là Việt Nam và Trung Hoa – thì khác. Khi mọi việc ngoài nghĩa trang xong xuôi, bao giờ tang chủ cũng mời mọi người về nhà mình để cùng nhau dùng “bữa cơm thanh đạm”, cho trọn tình trọn nghĩa. Dĩ nhiên, ăn thì phải đi với uống. Uống ở đây là phải uống rượu.



LNĐ còn nhớ trước năm 1975, nhiều vị Linh mục đã lên tiếng chỉ trích con chiên về việc tổ chức ăn uống say sưa, phung phí trong các dịp ma chay. Ngày ấy, kẻ hèn này cho rằng các vị ấy “dũa” như thế là đúng, từ đó bụng dạ (hẹp hòi) mới suy ra rằng thể nào cũng có một số người tới chia buồn, hoặc đi đưa đám chỉ cốt để được... ăn nhậu!



(Chú thích: ở VN, người ta không chỉ đãi tiệc sau khi chôn cất xong xuôi, mà còn có thông lệ đãi ăn uống những người tới chia buồn).



Nhưng sau khi sang Úc, nơi mà đồ ăn thức uống dư thừa, rẻ mạt, nơi mà thì giờ quý báu đến mức nhiều người phải tìm đủ mọi cách để từ chối, né tránh tiệc tùng, việc mời ăn uống sau tang lễ vẫn còn được duy trì, vẫn có người ở lại tham dự thì bắt buộc chúng ta phải thừa nhận đó là một tập quán của người mình trong việc thể hiện tình nghĩa, chứ không phải là một thủ tục phát xuất từ lòng ham mê ăn uống của con người.



Cho nên đối với một số người khó tính, hoặc không thích uống rượu, cho rằng chè chén trong dịp tang ma là hành động bất hiếu (của con cái) và vô ý thức (của người tới chia buồn), LNĐ e rằng họ đã quá khắt khe, và rất có thể đạo đức giả.



Vậy thì – trở lại với rượu – trong lúc “tang gia bối rối” mà mình còn chén chú chén anh được thì nói gì tới những dịp mừng vui, những lúc thoải mái.



Với người Tây phương, vì tính cách phong phú, đa dạng của các loại rượu, uống rượu là cả một nghệ thuật thưởng thức. Người mình không có nhiều loại rượu, không sành rượu, nhưng được cái hay là coi tinh thần (cách tiếp đãi nhau) quan trọng hơn vật chất (loại rượu gì). Vì thế, trong khi người Tây phương có thể “enjoy” uống rượu một mình, người Việt người Hoa uống rượu dứt khoát phải có bạn.



Rượu ngon không thể thiếu bạn hiền là thế!



“Bạn hiền” trong câu này có nghĩa là bạn tốt, hiểu biết và hợp tính tình. Ai hiểu được hai chữ “bạn hiền” sẽ đạt tới chân-thiện-mỹ của “tửu đạo”.



“Bạn nhậu” chưa hẳn đã là “bạn hiền để uống rượu”.



Chẳng hạn, uống rượu với nhau mà cứ nhất định thực thi nguyên tắc “vào ba ra bảy” thì cùng lắm mới chỉ là bạn nhậu. Theo LNĐ, có lẽ người mình có tính hay phóng đại (người Bắc gọi là nói khoác) lại thích thơ văn nên thường chế ra những câu ca dao, tục ngữ thành ngữ, cực kỳ vô lý, khó tin. Một người dù dễ tin tới mức cho rằng “lấy chồng từ thưở 13, đến năm 18 thiếp đà 5 con...” là việc có thể xảy ra được, cũng không thể nào tin trên đời này có cặp vợ chồng nào, dù mới cưới, đủ sức “đêm bảy ngày ba, vào ra không kể”!!!



Suy ra “vào ba ra bảy” cũng thế. Vào, mà chưa “đụng trận” ở nơi nào khác thì uống 3 ly rượu mạnh, 3 lon bia có thể là việc không lấy gì làm ghê gớm cho lắm, nhưng ngồi vào bàn rồi, đã uống ít nhiều rồi mà muốn “bái bai” phải ực tới 7 ly, hay 7 lon thì xin lỗi, trên cõi đời này ngoài Đoàn Dự ra không một ai, kể cả Lệnh Hồ Xung, mà không bỏ xác tại trận!



(Đoàn công tử – trong Thiên Long Bát Bộ – là người uống rượu rất dở, nhưng nhờ học được Nhất Dương Chỉ, uống tới đâu vận công cho rượu thoát hết ra ngoài qua đầu ngón tay, nên không bao giờ bị “xỉn” cả!) (Còn tiếp)

ST

OA _ NỮ
23-11-2009, 05:42 AM
“Nữ hữu tửu...”



Trước khi tiếp tục lạm bàn về Uống Rượu, LNĐ xin ghi ra ý kiến của một “lão tửu sĩ”, tự xưng là Hà Công Công. Công Công có lẽ là người khá từng trải và lịch thiệp, cho rằng câu “Nam vô tửu như kỳ vô phong” ít nhiều hàm chứa ý nghĩa chê người không uống rượu. Vì thế, dù là của các cụ để lại, mình cũng không nên xài. Từ đó Công Công đề nghị:



- Tại sao mình không nói “Nam hữu tửu như kỳ hữu phong”? Cũng mang ý nghĩa ca tụng đàn ông con trai uống rượu trong khi lại chẳng đụng chạm gì tới những người không uống rượu cả!...



- Quả là cao kiến! LNĐ xin đồng ý cả hai tay với Hà Công Công và đề nghị mọi người từ nay không nên sử dụng câu “Nam vô tửu...” nữa, và thay vào đó bằng câu “Nam hữu tửu...”



Nhưng Hà Công Công không chỉ góp ý kiến mà còn nêu thắc mắc. Thắc mắc đó là: chúng ta đang sống trong một xã hội nam nữ bình quyền, suy ra phụ nữ cũng được quyền uống rượu như nam giới. “Vậy nếu đàn bà con gái uống rượu (nữ hữu tửu) thì theo LNĐ, gọi là gì?”



Sau một đêm suy nghĩ nát óc, LNĐ đành chịu thua, không thể tìm ra câu nào nghe vừa thuận tai vừa hữu lý. Tuy nhiên, có còn hơn không, kẻ hèn này xin ghi đại ra một câu khá... vô duyên, không ngoài mục đích khiến các bậc cao nhân phải ngứa ngáy, để rồi lên tiếng sửa dùm. Đó là:



“Nữ hữu tửu như... sư hữu tình”


Xin viết ngay để tránh hiểu lầm, “sư” ở đây không phải là sư trong sư phụ, sư huynh, sư tỷ, sư ông, sư cụ, sư cô, sư bà... mà là sư... có nghĩa con sư tử, chẳng hạn như chữ sư trong công phu Sư Tử Hống của Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn (trong truyện Cô Gái Đồ Long) , hoặc nôm na hơn, trong Sư tử Hà Đông.



Như đã viết trong kỳ trước, khi có chất men vào máu, người ta thường trở nên mạnh dạn, tự tin, đầu óc lâng lâng, con tim dạt dào, vì thế so sánh đàn bà con gái “hữu tửu” với “sư tử” kể ra cũng không sai mấy. Việc so sánh này không mang tính cách xúc phạm hay nói xấu các bà các cô, bởi vì đi liền sau chữ “Sư” lại là hai chữ “hữu tình”.



Hữu tình, tạm dịch sang tiếng Anh là fascinating, có nghĩa nhấn mạnh hơn là “đáng yêu” (lovely). Hãy thử tưởng tượng ra lúc Hoàng Dung uống rượu cùng Quách Tĩnh, Miêu Phượng Hoàng cạn chén với Lệnh Hồ Xung, Nữ hoàng Cleopatra cụng ly với Đại tướng Mark Antony, Thúy Kiều “cheer” với Kim Lang, Trương Quỳnh Như đối ẩm cùng Phạm Thái... là ta có thể thấy được tính cách “hữu tình” ấy: hai má ửng hồng, cặp mắt long lanh, đôi môi chúm chím, tiếng cười xé lụa...



Nếu không “hữu tửu” thì làm sao “hữu tình” được như thế?!



Hơn nữa, chư PHONG ở trên, chữ TÌNH ở dưới, kể ra cũng khá chỉnh, trong trường hợp chỉ có một đôi nam nữ cùng nhau uống rượu (phong tình: erotic):



Nam hữu tửu như kỳ hữu phong

Nữ hữu tửu như sư hữu tình

Cụng ly chỉ có hai mình
Giao bôi nửa lít*, phong tình năm canh



*Nửa lít: rượu vang đỏ



***



Trở lại đề tài Uống Rượu. Kỳ trước, LNĐ đã vạch ra những cái vô lý của luật “vào ba ra bảy”, bây giờ xin tiếp tục:



... Vì vậy, để cho hợp tình hợp lý, và để chứng tỏ “được uống rượu” là một quyền lợi chứ không phải là hình phạt, LNĐ mạo muội đề nghị sửa câu “vào ba ra bảy” thành “vào hai bai một”. Tức là nhập cuộc trễ (có lý do chính đáng) thì được đền bù 2 ly (hay 2 lon); có việc phải bái-bai sớm thì được quyền “double”, gọi là uống thêm một ly để từ giã.



Nói tóm lại, muốn trở thành “bạn hiền để uống rượu” thì trước hết phải biết thưởng thức cái ngon của rượu; kế đến phải uống hết tình (không nhất thiết phải uống hết mình) – hết tình nhưng vẫn thể hiện được phong cách; phải tùy theo mức độ thân quen mà giữ lịch sự tối thiểu, phải tỏ ra hiểu biết, không nên nài ép, nhất là khi có sự hiện diện của vợ con người ta; và cuối cùng, khi thấy bạn mình có nguy cơ say xỉn thì phải tìm cách này cách khác ngăn cản, hoặc lỡ “đụng trận” thì phải “anh ngã em nâng” chứ đừng “sống chết mặc bay” – không tốt, khó bền.



TỬU SĨ và THẰNG SAY RƯỢU


Với những người coi rượu là một cái thú – tức là các tửu sĩ – thì một khi đã uống rượu, phải uống cho say mới cảm thấy thú.



Ca dao đã có câu:



Còn trời còn nước còn non

Còn cô bán rượu anh còn say sưa



Nhưng cũng lại có câu khác, bình dân hơn (mà LNĐ phải sửa lại 3 chữ, bỏ bớt 2 chữ cho đỡ tục):



(Nàng) rằng (nàng) chẳng sợ ai

Sợ thằng say rượu - - đau (nàng)



Ba chữ “thằng say rượu” cho thấy một thực tế: người “say” nói chung thường bị dân gian chê bai nhiều hơn là khen ngợi. Tiên trách kỷ hậu trách nhân. Chúng ta phải thừa nhận rằng chính một số “bợm nhậu” không nên nết đã khiến cả tửu giới phải mang tiếng xấu lây.



Thực ra, cùng là uống rượu nhưng cái say cũng có tới năm bảy đường say, tùy theo tính tình, cung cách uống rượu và lượng rượu mỗi người uống vào. Tính tình, cung cách là những gì khó lòng thay đổi, cho nên LNĐ chỉ bàn về “lượng rượu”.



Trước hết nói về “say”. Say là trạng thái bất bình thường của não bộ, do tác động của tỷ lệ rượu trong máu. Mỗi khi uống rượu, tùy theo lượng rượu uống vào, và tùy theo tửu lượng (khả năng uống rượu) cao thấp của từng người, ta sẽ lần lượt trải qua một, hai, ba, hoặc cả bốn tình trạng sau đây:



Say lâng lâng – say vừa phải – say quá chén – say bí tỉ.



* Say lâng lâng:



Lượng rượu uống vào chỉ đủ làm “nóng máy” (warm up). Có thể làm người ta vui vẻ, hăng hái hơn lúc bình thường (hoặc ai oán, sầu đời, nếu đang bị thất tình) nhưng vẫn hoàn toàn kiểm soát được hành động, lời ăn tiếng nói của mình. Với một người có tửu lượng trung bình như LNĐ thì lượng rượu đủ để làm say lâng lâng vào khoảng 3-4 ly tiêu chuẩn (standard drink) – tức 2-3 lon bia.



Với những anh chàng bình thường nhút nhát, say lâng lâng có thể đem lại can đảm, dạn dĩ, hoạt bát trong việc tán đào!



* Say vừa phải:



Có thể gọi là “hơi quá chén”, là tình trạng vẫn còn nhận biết phải trái, đúng sai, nhưng đôi khi không còn kiểm soát được mức độ bộc lộ cảm xúc, hoặc lời ăn tiếng nói của mình.



Theo tửu giới, đây là mức say “đẹp” nhất, “hay” nhất (riêng đàn bà con gái cũng chỉ nên uống tới mức này là tối đa). Bởi vì người say sẽ mở toang cánh cửa tâm hồn bình thường vẫn khép kín, sẽ để lộ con người thật tốt xấu, sẽ dốc cạn bầu tâm sự, bộc bạch mọi nỗi niềm, ước mơ, buồn vui, thương hận..., thậm chí có người còn phát tiết cả những tài hoa mà lúc bình thường không hề thấy có.



Chẳng hạn Anh Hai “lốp-bi”, cứ tới lúc say vừa phải thì lại ngâm bài Hồ Trường. Trước 1975, LNĐ đã nhiều lần nghe người bạn hiền Lê Đình Điểu ngâm Hồ Trường, mà theo giới mộ điệu, trong “làng ngâm tài tử” khó ai qua mặt được chàng. Nhưng nay, mỗi lần Anh Hai “lốp-bi” uống rượu rồi thì ngâm Hồ Trường, LNĐ vẫn thấy một nét gì đó độc đáo mà một Lê Đình Điều “tỉnh” không có. Đó chính là “cái hồn”- không phải hồn của thơ mà là hồn của người ngâm có men rượu.



Thêm một ví dụ khác: trong những năm tháng đồn trú ở Pleiku, LNĐ thường được thấy người bạn bên Quân Đoàn dắt đi uống rượu ở khu gia binh. Nhưng không uống ở quán mà uống ở nhà một ông Thượng sĩ thuộc Tiểu Đoàn 20 CTCT, và bao giờ cũng có mặt anh chàng tài xế “xâm mình” nọ.



“Xâm mình” hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nghĩa đen là 6 chữ Thương song thân – Nhớ vợ hiền xâm trên cánh tay trái (mốt của các chàng lính xa nhà thời đó). Nghĩa bóng: anh chàng nổi lỳ lợm và ba gai, uýnh lộn với đủ mọi màu áo quân binh chủng, và mỗi lần đi phép thường niên thì đi mút mùa lệ thủy!...



Có mấy lần, ông Thượng sĩ đã nói đùa:



- Mấy ông thầy coi, thằng A (tên chàng tài xế) này mà thương nhớ ai. Cỡ nó chắc chỉ có “Đâm song thân – Chém vợ hiền” thôi!



Không hiểu lời trù ẻo của ông Thượng sĩ sau này có biến thành sự thật hay không, chỉ biết cứ 10 lần uống rượu thì hết 9 lần – sau khi làm khoảng 1 xị đế – chàng tài xế lại... khóc vì nhớ “bà già”.



Một hai lần đầu, LNĐ cứ tưởng anh “chàng xỉn”, không còn biết mình đang làm gì cả. Sau nhiều lần chuyện trò hỏi han (trong bàn rượu), LNĐ mới hiểu được tâm sự anh chàng: nhớ mẹ già và hối hận vì đã bỏ nhà đi giang hồ từ nhỏ. Điều đáng nói là lúc tỉnh, chàng tài xế không bao giờ đề cập tới mẹ mình, và đồng đội nào dại dột đem việc anh chàng khóc khi say ra để chọc quê, diễu cợt là coi chừng bị ăn đòn ngay!



Như vậy, có thể nói xị đế kia đã đem lại cho chàng tài xế những giây phút ấm lòng khi nhớ tới mẹ già, làm sống lại tuổi thơ êm đềm đã đánh mất...



Nhưng cũng phải lưu ý các bạn trẻ, nếu đã say tới mức này (hơi quá chén) thì chớ dại dột tán tỉnh những cô gái mới quen biết. Bởi vì rất có thể sẽ bị đánh giá là “ba hoa”, thậm chí “nham nhở”! (Còn tiếp)

ST

OA _ NỮ
23-11-2009, 05:51 AM
Rượu vang (rượu nho):



LNĐ được biết mùi rượu vang đầu tiên cách đây khoảng 35 năm, nhân dịp theo một tay bạn học về thăm nhà ở Đà Lạt. Trong bữa ăn tối, ông già hắn xách ra bình rượu chát Bồ Đào Nha (loại bình trong giỏ đan có quai xách, khá thịnh hành trong giới trung lưu thời bấy giờ). Thú thật, lúc đó LNĐ chỉ thấy nó vừa chua vừa chát chứ chẳng ngon lành một chút nào cả.



Sang Úc, vào đầu thập niên 80, bạn bè của LNĐ đa số còn nghèo, lại phải chắt chiu từng đồng gửi về cho bà xã và xấp nhỏ ở VN, nên chẳng mấy ai có khả năng tài chánh để uống bia hàng ngày. Vì thế một vài người chuyển sang uống rượu vang loại rẻ tiền nhất (bình 4 lít, lúc đó giá khoảng 4-5 đô-la), vừa tiết kiệm vừa ra vẻ... dân tây! Riêng LNĐ, vốn “con nhà lính, tính nhà quan”, không có tiền uống bia thì đành nhịn, chứ không thể enjoy được loại rượu vang này.



(Tới đây cũng cần mở một dấu ngoặc để độc giả nào đang uống rượu nho trong bình 4 lít khỏi buồn: rất nhiều người Úc, kể cả một số có đồng lương tương đối, thường ngày vẫn uống rượu nho trong bình 4 lít, chỉ có cuối tuần hay có khách, hoặc đi ăn nhà hàng mới uống rượu trong chai mà thôi. Họ coi loại rượu trong bình 4 lít như một thứ giải khát – refresh ment – có chất men vậy).

Về sau, LNĐ quen một bà bạn Úc thuộc giới trung lưu, lần nào tới thăm cũng “bị” bả mời rượu vang, kể cả ngoài bữa ăn. Cái khổ tâm chính của LNĐ không phải là không biết thưởng thức mà cứ bị mời, nhưng là không hiểu biết gì về rượu vang cả mà cứ bị hỏi “Du (you) thấy chai rượu này uống được không”? (Sau này mới biết thường thường, khi khui một chai rượu khá mắc tiền, người ta hay hỏi cảm tưởng của khách). Dĩ nhiên, bố bảo LNĐ cũng không dám cương ẩu, khen bậy, mà đành phải thú thật là mình “no idea” vì chỉ quen uống bia thôi!



Lần đầu tiên trong đời, LNĐ uống rượu vang thấy ngon là vào khoảng cuối thập niên 80, khi đại diện TVTS tham dự buổi phát giải thưởng kinh doanh sắc tộc (dành cho cá nhân, hoặc công ty thành công nhất trong năm) do một ngân hàng nọ bảo trợ và hệ thống truyền thông SBS đứng ra tổ chức tại đại sảnh của khách sạn 5 sao Grand Hyatt ở đường Collins St, Melbourne – nơi mà trước kia chính phủ tiểu bang Victioria (thời John Cain) đã tổ chức quốc yến để chào mừng Thái Tử Charles và Công Chúa Diana khi hai vợ chồng sang thăm Miệt Dưới.



(LNĐ kể tên khách sạn này ra không phải để “khoe” mà chỉ để quý tửu sĩ độc giả thấy được rằng trong một buổi ăn tối trịnh trọng, người Tây phương chỉ uống rượu vang).



Tối hôm ấy, trong thời gian chờ đợi, chuyện trò ngoài tiền sảnh (foyer), mọi người được mời uống bia sâm hoặc sâm-banh.



Vào bên trong, LNĐ ngồi chung bàn với một người Việt và 6 người Tây phương. Thực đơn trước sau chỉ có 3 món ăn (tuyệt vời): 1 món ăn chơi (entrée) và 1 món ăn chính (main course), nhưng trước mặt mỗi người có đặt sẵn 4 cái ly – 1 ly lớn, 2 ly vừa vừa, 1 ly nhỏ và cao, cái lớn nhất, LNĐ đoán là để uống bia. Nào ngờ người ta chỉ cho mình uống rượu vang (sau này mới biết cái ly lớn nhất là để uống... nước lạnh, còn cái ly nhỏ và cao là để uống rượu ngọt sau bữa ăn).

Không thấy “người rót rượu” mang bia ra, LNĐ ngơ ngác như “mán về thành”, bèn lén liếc sang vợ chồng nhà báo gốc Đức ngồi bên cạnh để quan sát. Thấy họ cầm cái ly vừa vừa lên thì mình cũng bắt chước, họ uống rượu đỏ thì mình cũng uống rượu đỏ, tới khi họ đổi ly để uống rượu trắng thì mình cũng làm y hệt, thậm chí thấy họ ăn thứ gì mình cũng ăn thứ đó, cho chắc ăn!



Lúc đầu còn thấy hơi ngượng ngập, nhưng sau hai, ba ly thì đã “thuộc bài” và trở thành “tự nhiên như người Hà Nội”. Và quan trọng hơn cả là thấy ngon miệng!



Có thể nói chính nhờ bị uống rượu vang bất đắc dĩ trong buổi dạ tiệc đó mà LNĐ có cơ hội thưởng thức được (một phần nào) cái ngon của rượu đỏ, rượu trắng.



Từ đó, LNĐ mới bắt đầu quan tâm tìm hiểu về rượu vang (qua hỏi bạn Úc và qua sách vở, “phụ trương rượu vang” của các báo). Học phải đi đôi với hành, cho nên ngoài những lần uống “rượu chùa”, lâu lâu kẻ hèn này cũng phải móc bóp mua một chai về để vừa thưởng thức, vừa thu thập kinh nghiệm.



Sau một thời gian tập tành, LNĐ bắt đầu uống thường xuyên, nhất là trong bữa cơm tối (thường là uống chardonnay). Trước kia mỗi lần bà xã làm một món ăn đặc biệt, LNĐ mở tủ lạnh lấy lon bia ra là bị cự ngay: “Ông uống bia thì đầy bụng rồi, làm sao ăn còn thấy ngon nữa!”



Bà xã của LNĐ đã sai ở chỗ không biết rằng với một người thích uống rượu thì thức ăn càng ngon càng cần phải có chút bia, chút rượu đi kèm, bằng không thì thà đừng ăn còn hơn. Nhưng xét cho kỹ thì bả “cảnh cáo” như thế cũng đúng một phần. Bởi vì ăn càng ngon miệng thì càng uống nhiều, và chỉ cần hai lon là đã cứng bụng, không thể ăn thêm được nữa.

Vì thế, khi LNĐ chuyển sang uống rượu vang, cái lợi đầu tiên là có thể vừa ăn vừa uống cho tới cuối bữa mà vẫn không bị đầy bụng. Kế tiếp, uống rượu vang tiện lợi ở chỗ muốn uống ít hay nhiều cũng được, khác với bia, khui ra là phải uống hết chai, hết lon.



LNĐ là người uống ít nhưng lại hay uống. Khi nào điều kiện cho phép (ngày nghỉ, hoặc cuối tuần) thì kể cả bữa trưa, dù chỉ là cặp sandwich, cũng thích có chút men đi kèm. Khui chai bia thì uống không hết (vả lại giờ đó còn sớm quá, uống bia chưa ngon), nên không gì tiện bằng một ly vang trắng hay vang đỏ!



Tới đây, dù có bị “môn phái vi-bi” khai trừ, LNĐ cũng phải công nhận uống rượu vang là một cái thú mà mình nên tập tành. Đồng thời cũng là một nét văn minh mà một người sống trong xã hội Tây phương nên học hỏi để khi cần, chứng tỏ mình dù không thích, cũng biết.



Chạy xe Toyota hay Ford, Holden?



Trong loạt bài bàn về rượu vang, Thụy Văn có viết rằng một số người Úc đã gọi giới thượng lưu, trưởng giả là “người uống chardonnay (một loại rượu vang trắng)”, suy ra tầng lớp bình dân là “người uống vang đỏ”. Thế nhưng, cũng theo quan niệm một số người Úc thì dù uống vang đỏ vẫn còn “sang” hơn là uống bia!



Nói có sách mách có chứng. Trên “phụ trương xe hơi” của nhật báo Herald Sun, số ra ngày 20/8/99 mới đây, ký giả Paul Gover – Trưởng ban biên tập về xe hơi toàn quốc – có bài giới thiệu kiểu xe Centaur của hãng Toyota (Úc), dự trù tung ra thị trường vào giữa năm 2000. Đây là một kiểu xe mà người Úc gọi là “large family car”, tức là cỡ xe Commodore của hãng Holden hoặc Falcon của hãng Ford
Cũng cần nói thêm là trong mấy chục năm qua ở Úc, trong tất cả các kiểu “large family car” chỉ có Commodore và Falcon là sống thọ – và thay phiên nhau đoạt danh hiệu “best selling car” ở Úc. Còn những kiểu khác, dù chế tại Úc như Valiant, Leyland P76, Magna (Vereda) hoặc nhập cảng như Cressida của Nhật, Taurus của Mỹ, dù có tối tân hơn, nhiều tiện nghi hơn, “đáng đồng tiền bát gạo” (value for money) hơn, cũng không có sức thuyết phục dân Úc mua nhiều.



Kết quả, Valiant và Leyland chết yểu, Magna nghe nói sắp bị khai tử (hãng Misubishi ở Úc có thể sẽ đóng cửa), Cressida tuyệt tích giang hồ, Taurus chìm vào quên lãng.



Nay, trước những lời trù ẻo, tiên đoán rồi đây Centaur sẽ cùng chung số phận với những kiểu xe nói trên, me-xừ John Conomos, giám đốc hãng Toyota Úc, đã khẳng định Centaur sẽ thành công rực rỡ, bởi vì nó “thu hút khách hàng ở những gì khác biệt với Commodore và Falcon”. Ông dự trù ngay trong năm đầu tiên sẽ bán được 25,000 chiếc (Commodore hiện bán khoảng 90,000) cho những người Úc không có đầu óc “Úc khăng khăng” (tạm dịch từ “true blue”, vốn chỉ biết nhắm mắt trung thành với Commodore và Falcon.



Rồi ông phán một câu rất dễ mất lòng, đại khái như sau:



Centaur sẽ nhắm vào khách hàng thuộc giới uống rượu vang hơn là giới uống bia. Họ là những người đòi hỏi khả năng về mọi mặt (của xe) chứ không chỉ thích “dọt” mà thôi, bên cạnh đó họ cũng cho rằng điều đáng quan tâm là việc khôn ngoan tận dụng khoảng trống (space), cách sắp xếp trong ca-bin xe, chứ không chỉ là cái bề ngoài to xác!

Khi nói như thế, rõ ràng là me-xừ Conomos đã lấy điểm dân uống rượu vang và làm mất lòng người uống bia; vì theo ông ta, người uống rượu vang hiểu biết (có chiều sâu) hơn, trầm tính hơn dân uống bia!



LNĐ là khách trung thành của Holden từ ngày tới Úc (chạy từ Kingswood tới Commodore), thoạt nghe sơ qua cũng thấy hơi tự ái, nhưng xét kỹ thì thấy lối so sánh của ông John Conomos cũng có lý chứ chẳng phải không.



Nhưng dù cho không có câu nói ấy của me-xừ John Conomos, LNĐ cũng khuyên dân Mít nhà mình ai chưa làm quen với rượu vang, nên uống thử cho biết và bỏ chút công sức tìm hiểu. Người mình xưa nay vốn có tiếng là “biết chơi” (và thường chơi bảnh, chơi tới nơi tới chốn). Chẳng hạn ngày xưa ở VN mà đã biết uống rượu cỏ-nhắc, chơi loa AR, máy chụp hình Nikon..., thì nay sang Úc dù lúc đầu chưa thưởng thức được cái ngon của rượu vang, cũng nên có một số vốn liếng kiến thức căn bản về loại rượu này để cho dân tây họ nể.



Dĩ nhiên, một người bình thường thì không thể bỏ công tìm hiểu cặn kẽ, nghiên cứu tường tận như Thụy Văn, mà chỉ cần biết những loại rượu căn bản; và muốn biết hiện nay đang có những loại rượu nào ngon thì chỉ cần đọc trang giới thiệu rượu vang, trong “phụ trương ăn uống” của các nhật báo (chẳng hạn phụ trương Epiture của The Age, ngày thứ Ba).



Vấn đề thứ hai được đặt ra là uống rượu cỡ bao nhiêu tiền một chai thì mới được coi là... dân chơi. Xin thưa ngay: không cần phải chơi những chai Grange giá trên dưới 300 đô-la, mà chỉ cần mua những chai 10 tiền.

Lại nói có sách mách có chứng: trong trang rượu vang của The Age, khi liệt kê các chai rượu ngon, đáng đồng tiền bát gạo nhất trong tuần, người ta luôn luôn phân ra nhiều cỡ giá tiền khác nhau, mà rẻ nhất là 8-10 đô-la. Và việc những chai rượu “nhà nghèo” này chẳng những không bị “kỳ thị” mà còn có khi được chấm “đáng đồng tiền bát gạo” (value for money) đã cho thấy chỉ cần uống rượu vang giá từ $8-10 trở lên là không sợ bị Úc họ cười.



Nhưng bị cười hay không là một chuyện, còn có cảm thấy ngon hay không lại là một chuyện khác. Theo cá nhân LNĐ – một người không dễ tính mà cũng chẳng khó tính – rượu giá $12 trở xuống là “tạm được”, $12 trở lên là “khá ngon”, trên dưới $20 là “rất ngon”, và từ $35 trở lên là “ngon tuyệt”.



(LNĐ có một ông bạn già, trước kia làm chủ nhà hàng bên Pháp – tức là rành sáu câu về ruợu – nay sang Úc định cư, cho biết theo ông thì rượu vang đỏ ở Úc giá $12-15 là ngon lắm rồi, dân nhà giàu bên Tây đi ăn nhà hàng thường cũng chỉ chơi tới cỡ đó mà thôi!)



Từ tiêu chuẩn đó, cộng với khả năng tài chánh không lấy gì làm dồi dào của mình, LNĐ thường nhật chỉ uống rượu trong bình giấy 2 lít (giá trên dưới $12 một bình, nếu vô chai giá khoảng $6-7 một chai), của các hãng như De Bortoli, Yalumba, Bankrock, Station, Remano...



Cuối tuần, hoặc có bạn hiền tới chơi thì uống rượu $12 trở lên. Chỉ trong những dịp đặc biệt như sinh nhật “vợ hiền”, Father’s day, hoặc “trúng mánh” thì mới dám chơi rượu 20 đô... Tính trung bình, mỗi tuần tốn khoảng $20-25 cả rượu lẫn bia (dĩ nhiên, khi có party, bà xã phải chi thêm).



Cuối cùng, vì tuần trước đã viết về cái bất tiện của bia (xả xú-bắp), tuần này cũng phải nêu ra một trở ngại của rượu đỏ rượu trắng. Đó là vì không có chất “ga” nên rượu vang thấm vào máu tương đối chậm, tới khi biết mình say thì đã “too late”.



Cho nên khi phải lái xe, đi đâu được mời uống rượu vang thì phải tự lượng sức mình. Bên cạnh đó, uống rượu vang nhiều rất dễ buồn ngủ. Trong bữa ăn tối, ngon miệng quá trớn làm tới 3,4 ly thì sau đó khoảng nửa tiếng mắt cứ híp lại. Thành thử những người cần thức khuya để làm việc (như nhà báo, người may tại gia...) mỗi bữa không nên uống quá hai ly. Riêng với những đấng làm chồng (có vợ còn trẻ hoặc đang độ hồi xuân) mà ăn tối xong, xem tivi, đọc báo một lát là lăn đùng ra ngủ thì quả là một tội nặng.



Vẫn biết “Ăn được ngủ được là tiên” nhưng nếu tiên chỉ biết “ăn” và “ngủ” thì có lẽ trong chúng ta, trừ các vị chân tu ra, chẳng ai muốn làm tiên cả! (Còn tiếp)


ST