PDA

View Full Version : Mắt



Anna
26-10-2009, 02:08 PM
Nam kín đáo quan sát nó. Anh bị cận khá nặng nên chỉ thấy một hình hài mờ mờ. Anh đeo kính vào nhưng cái thân xác còm cõi ấy chẳng bớt nhạt nhòa là bao. Chỉ đôi mắt nó nở trên khuôn mặt hốc hác. Một đôi mắt buồn hoa cúc, sáng bừng hoa hướng dương và sự thèm khát của một con hổ non bị bỏ đói. Đôi mắt khao khát và hoang mang. Một đôi mắt hiếm thiếu nữ đang yêu nào có được. Cô bé đứng bên cửa sổ nhìn vào lớp học. Nó nhìn từ cửa sổ bên này xuyên qua cửa sổ bên kia. Như thể căn phòng kê bàn ghế và mấy mươi cái đầu non măng không hề tồn tại. Cô bé cứ nhìn trân trân như vậy. Không hề bối rối trước hàng chục cặp mắt tò mò nhìn ra. Vì nó chẳng nhìn vào ai cả. Nó cứ nhìn đi đâu đâu. Như thể mắt con chuồn chuồn, lúc nào cũng giương to mà không biết nó đang dõi về nơi nao.
Nam chỉ ngỡ ngàng tại sao trong mắt một đứa trẻ lại chứa nhiều cảm xúc đến thế. Nhiều hơn của hàng trăm người anh từng tiếp xúc gộp lại. Tại sao trái tim nó lại sống được trong một lồng ngực mong manh và tiều tụy kia? Trời ạ! Đôi mắt nó chứa cái đớn đau của một kẻ mất đi một cái gì hết sức thiêng liêng mà không biết đó là cái gì. Ta bị cận cơ mà, Nam tự nhủ, mà con bé lại ở tít xa. Hay ta đang nhìn vào mắt mình? Ở cô bé ấy có một sức gợi khủng khiếp. Nó gợi lên tất cả ký ức, tất cả nỗi đau, tất cả những gì trong trẻo nhất bị đè nén.
Nam bỏ lớp học đang lúi húi làm bài. Anh bước ra, lại gần cô bé. Đôi mắt nó vẫn không động đậy. Như bị hoá đá. Nhưng Nam biết nó nhận ra sự có mặt của anh. Tấm thân còm của nó run lên. Manh áo và mái tóc thưa khá dài rung lên, rưng rưng. Anh không dám đặt bàn tay hơi chai của mình lên vai cô bé. Anh sợ nó sẽ sụp vỡ. Anh hỏi thật khẽ để nó khỏi thót mình: “Em có thích đi học không?”. Lúc này, không thể không đáp lại, con bé quay người, bề ngang cũng không nhỉnh hơn bề dọc là bao, cúi gằm mặt. Nó run lên từng chặp. Nam hỏi: “Em lạnh à?”. Nó lắc đầu. Nam cảm thấy khó xử. Anh muốn ôm cô bé vào lòng như ôm đứa em nhỏ, để nó ấm lên, để nó cảm thấy được an toàn, được che chở. Anh lại sợ nó sẽ thét lên vì sợ hãi. Cuối cùng, không biết làm gì, anh lại rảo bước vào. Nhìn ra cửa sổ. Con bé không còn ở đó nữa. Mà anh tưởng như đôi mắt đầy ám ảnh cứ lơ lửng treo mãi ở đó.
Bẵng đi mấy hôm, con bé lại xuất hiện. Nam không ra ngoài nữa, anh muốn nhìn vào đôi mắt để tìm hiểu những ý nghĩa. Cũng là một cảm thú mới trong chuỗi ngày thủa Nam Cao. Con bé có một thao thiết muốn nói ra. Nó muốn xin học chăng? Hay nó muốn tận hưởng những giây phút được nhìn ngắm những con người trong một không khí phần nào trang nghiêm, phần nào dễ chịu? Nam miên man mãi và thảng thốt: Có những con người thật kỳ lạ và khó gần còn sót lại nơi này.
Con bé đứng mãi ở đó. Cứ giờ ra chơi nó lại biến mất. Chắc nó sợ đám học sinh của anh làm quen hoặc trêu chọc.
Rồi một hôm không chịu nổi trò chơi đoán tim, Nam lại gần cô bé và cố nói một giọng thật ấm: “Em đừng sợ. Hãy nói cho thầy biết em muốn gì?”. Tiếng “thầy” có lẽ làm con bé yên tâm hơn. Nó thoáng rùng mình. Lúc nào Nam cũng có cảm tưởng nó sẽ oà khóc hoặc sẽ tan biến. "Em…” - Nó ngừng lại. Dường như để nhận ra đó có phải là tiếng của chính mình không. Nam khuyến khích: “Em yên tâm, thầy sẽ nghe em”. “Em muốn…” - Nó rụt rè và mặc cảm quá. Chắc nó chưa xin ai cái gì bao giờ. “Em muốn đi học à?”. Đôi mắt con bé rúm lại. Nam biết mình lỡ lời. Anh đặt khẽ tay lên vai cô bé, để lửng lơ như vậy, để cô bé không cảm thấy sức nặng và vẫn đủ ấm. “Em nói đi.” “Thầy. Thầy ơi. Thầy cho mẹ em đi học, thầy nhé!” Nam rùng mình. Đây có phải một hồn ma không? Không, bờ vai nhỏ của cô bé đang ấm lên. Nam lại linh cảm một chuyện chẳng lành. “Mẹ em bao nhiêu tuổi rồi?”, anh chẳng biết hỏi gì khác. “Em không biết. Em không dám hỏi. Nhưng mẹ em còn trẻ lắm.” “Thế mẹ em đâu?” “Mẹ em ở nhà.” “Sao mẹ em không tự đến gặp thầy?” Nam cảm thấy mình như một kẻ rỗng tuếch nhưng anh phải hỏi liên tục. Anh sợ bất cứ khoảnh khắc im lặng nào lúc này.
“Mẹ em… Mẹ em… Chết rồi! Em phải về!”
Cô bé chạy vụt đi. Anh chưa từng thấy cô bé nào di chuyển nhanh như thế. Nó gầy quá hay tại không gian béo quá?
Thật ra, Nam cũng không hiểu hai tiếng “chết rồi” kia là một câu kể hay một câu cảm thán buột miệng. Cách ngắt nhịp của cô bé rời rạc và đều đều quá. Nam càng hoang mang. Trời ơi! Con người. Sao một đứa trẻ lại có thể kỳ dị thế?
Thế rồi con bé không trở lại nữa. Nó khiến Nam mong ngóng và cồn cào trí tò mò. Anh phỏng đoán, liên tưởng đủ điều về người mẹ kia. Một người mẹ tàn tật? Một người mẹ tưởng tượng? Hay một người mẹ còn nhút nhát với đời hơn cả đứa con bé bỏng đáng thương của mình? Mà tại sao đứa trẻ lại xin cho mẹ nó đi học? Nó muốn cứu mẹ nó chăng? Đến thế rồi ư? Người lớn không cứu được người lớn, không cứu được trẻ con. Cuối cùng, trẻ con phải đi cứu người lớn ư? Nam trằn trọc và khổ đau trước sự bất lực của con người. Tại sao con người lại có thể giấu trong lòng bao điều huyền bí mà không ai biết nổi, cả chính bản thân mình cũng hoang mang?
Có lần, học sinh về hết, Nam thử đứng ở nơi cô bé vẫn đứng, khom người xuống và nhìn xa xăm. Anh chỉ có cảm giác mắt mình đùng đục, cay cay. Chẳng còn gì khác.
Có lần, khi học sinh đang làm bài, Nam cũng thử đứng ở chỗ ấy. Nhưng anh biết, anh không phải là cô bé thủa nào.
Thủa nào là thủa nào?
Mới hôm qua, hôm kia, hay đã từng đời từng kiếp? Biết bao con người đã đứng khát khao và chẳng bao giờ được thoả mãn dù khao khát ấy là những điều quá đỗi giản đơn.
Nam nhìn những đứa học trò của mình. Anh có yêu nghề không khi những đứa trẻ kia chẳng yêu anh? Chúng yêu ai? Bố mẹ hay những đồng quà bánh? Hay chúng không biết yêu là gì? Không có ai dạy chúng? Không có ai mang đến cho chúng? Hay chính anh, anh chẳng nhìn được những tình yêu thương từ rất sâu, rất kín mà chúng đã sớm bị tự giấu đi? Anh, những đứa học sinh, cô bé kia và những sinh linh còn lại của cuộc đời, ai sướng ai khổ hơn ai?
Dòng đời vẫn cuốn đi tất cả, kể cả những kẻ chưa biết bơi.
Nam nhìn quanh cả lớp một lượt. Những đôi mắt sáng trong còn rất thơ ngây. Anh khẽ đặt tay lên ngực, trái tim đập có hồn hơn và người hơn. Anh biết thế. Vì từ trước đến nay, anh toàn nghĩ đâu đâu.
Một trang giấy học trò bay lướt xuống thềm gạch. Nam giật mình, suýt dẫm lên. Anh cúi xuống, nâng lên, thổi nhẹ và đặt lại lên bàn. Anh cẩn thận lấy cái thước nhỏ chặn lên. Cô trò nhỏ nhìn trang giấy trắng phau ấp úng: “Con cảm ơn thầy.” Nam mỉm cười. Anh biết hình ảnh ấy chắc sẽ còn được cô bé mang theo trong nhiều năm nữa. Một cái ám ảnh rất người.
Người? Nam lại nhớ đến quặn lòng cô bé có đôi mắt cuộc đời. Đúng. Cô bé ấy là người. Vì chính những học sinh của anh cũng nhìn thấy cô bé ấy. Dù chúng chẳng bàn tán bao giờ.
Trong cuộc sống này, Nam thấy mình lại bị đánh cắp một cái gì đó. Thật ra, anh lại bị thổi thêm vào người một nỗi nhớ dai dẳng khủng khiếp. Anh thấy mình gần gũi với cô bé ấy hơn tất thảy. Vì anh biết, mình và cô bé ấy, đều nghèo.