PDA

View Full Version : Tiểu quốc Chùa Tháp” trong lòng Thất Sơn



COCKOO
20-05-2009, 12:08 PM
Tiểu quốc Chùa Tháp” trong lòng Thất Sơn

Bài và ảnh: Lucia Nguyễn

Từ thị xã Châu Đốc xuôi theo quốc lộ 91, đi thêm 12 km nữa là tới thị trấn Nhà Bàn. Tại ngã ba Nhà Bàn có hai hướng: Một rẽ phải về cửa khẩu Tịnh Biên, một rẽ trái theo tỉnh lộ 948 về vùng Thất Sơn hùng vĩ. Chúng tôi rẽ vào con đường Thất Sơn để khám phá vùng đất được mệnh danh là “tiểu quốc chùa tháp” của tỉnh An Giang, nơi có đến gần 50% người dân tộc Khmer sinh sống cùng nhiều ngôi chùa đẹp, cổ xưa được xếp hạng di tích văn hóa - lịch sử của quốc gia.

http://www.vntravellive.com/upload/namth/image/thang3/khampha/1b-%20Chua%20Xa%20Ton%20b.jpg

Trên đường đi, chúng tôi gặp khá nhiều quán võng ven đường cho khách đường xa ngả lưng, trước mỗi quán có bảng ghi “Thốt nốt ướp lạnh”. Những hàng cây thốt nốt thẳng tắp do người Khmer trồng hai bên đường, một loại cây chỉ xuất hiện những nơi có người dân tộc Khmer sinh sống. Dọc theo đường đi, cứ khoảng vài km thì thấy có một ngôi chùa, hoặc vào các phum sóc (làng) đông dân, ở đó cũng có chùa. Có lẽ cây thốt nốt và ngôi chùa là hai hình ảnh gắn liền với đời sống và tâm linh của người Khmer.

Ngôi chùa lưu giữ bộ kinh lá nhiều nhất Việt Nam

Ngôi chùa đầu tiên chúng tôi ghé thăm là chùa Xà Tón (Svayton) ở thị trấn Tri Tôn. Được xây dựng vào năm 1696, đến nay đã hơn 300 tuổi, chùa có lối kiến trúc đặc trưng theo kiểu thức chùa tiểu thừa Khmer. Những kiến trúc độc đáo bên ngoài như: nóc nhọn có 2 mái cong lại gần như giao nhau, mái tam cấp lợp ngói đỏ, xanh, vàng, nhiều bức tượng các vị thần trông rất lạ mắt. Nếu bên ngoài chùa với cảnh trí xinh đẹp, cảnh quan thoáng mát, không khí trong lành, thì bên trong ngồi chùa cổ này vẫn còn lưu giữ một báu vật đối với người dân tộc Khmer. Đó là những bộ kinh lá.

http://www.vntravellive.com/upload/namth/image/thang3/khampha/10-Khu%20nha%20mo%20%20tai%20chua%20Khmer.jpg

Hiện nay, chùa Xà Tón còn lưu giữ nhiều bộ kinh lá đồ sộ, đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Ngôi chùa lưu giữ bộ kinh lá nhiều nhất Việt Nam” vào năm 2006. Có những bộ trên 100 tuổi nhưng vẫn còn nguyên vẹn, không bị mối mọt cắn phá, nét chữ vẫn còn rất rõ nét. Kinh được viết trên lá buông bằng mũi sắt nhọn, do lực từ mũi sắt hằn lên phiến lá buông để lại những vết lõm xuống. Đơn giản là vậy nhưng việc viết chữ trên lá buông rất công phu, tỉ mỉ, sơ ý một chút thì coi như tấm lá buông đó hỏng hoàn toàn. Viết xong lấy than đập thành bột pha với dầu lửa, lấy khăn vải nhúng vào hỗn hợp than rồi bôi lên tờ kinh lá, chữ sẽ hiện ra.

Chữ viết trên lá buông là chữ Khmer cổ, có kích cỡ lớn hơn chữ Khmer thường nên mỗi lá kinh chỉ có thể viết được 5 dòng. Do vậy khi chép kinh phải cân nhắc chọn lựa từng từ sao cho nghĩa đầy đủ và súc tích, điều này đòi hỏi người viết phải có học thức uyên thâm, trung bình chỉ viết được 5 - 6 lá buông/ngày. Mỗi lá buông là một tờ kinh, nhiều tờ kinh xâu lại bằng dây thành một quyển, nhiều quyển thành một bộ kinh. Muốn đọc được kinh lá người đọc phải biết cách cầm lên và lần dở từng trang kinh.

Phần lớn số kinh lá này do hòa thượng Chau Ty, trụ trì chùa viết từ năm 1963, và giờ đây vùng Thất Sơn chỉ còn duy nhất hoà thượng biết viết loại kinh này. Hoà thượng Chau Ty kể, cây buông còn có tên Khmer là slắt krút giống như cây cọ, lá dài 3m, bề rộng giữa lá 4m. Cây buông có nguồn gốc từ Campuchia do các nhà sư mang về, chủ yếu là trồng lấy lá làm sách. Để lá buông có thể dùng viết kinh thay giấy thì lắm công phu. Cách bảo quản hiện nay của các sư trong chùa Xà Tón là lấy vải quấn kín từng bộ kinh và để trong tủ kính có thuốc chống ẩm.

http://www.vntravellive.com/upload/namth/image/thang3/khampha/18-Chau%20Tuc%20Phos.jpg

Xứ sở của chùa và… văn hóa chùa chiền

Vùng Thất Sơn có đến gần 50% người Khmer sinh sống. Nhìn chung đời sống họ còn khá nghèo nàn, lạc hậu, tuy vậy họ là những tín đồ phật giáo rất ngoan đạo. Dù nghèo tiền bạc, họ vẫn sẵn sàng dâng hiến phần lớn số tiền thu nhập của gia đình để xây dựng chùa chiền, nuôi sư sãi, vì họ tin làm như thế sẽ được hưởng những điều tốt đẹp ở kiếp sau. Các vị sư sãi có địa vị cao trong chùa, rất được người dân Khmer kính trọng. Toàn vùng này có rất nhiều chùa, theo người dân địa phương cho biết chỉ riêng huyện Tịnh Biên đã có trên 30 ngôi chùa của người Khmer, mỗi chùa có diện tích từ 15 đến 20 ngàn m2. Kiến trúc ngôi chùa, cổng chùa và tường rào bao quanh được điêu khắc rất lạ mắt, nhiều ngôi chùa nơi đây đã có tuổi đời trên 100 năm.

Chùa Khmer xây bằng gạch đá, to lớn, vững chắc, mái nhọn lợp ngói, trên nóc chùa được điểm xuyến bằng những hoạ tiết điêu khắc, chạm trổ rất công phu. Nét nghệ thuật rất riêng này của người Khmer không thể lẫn với bất cứ một trường phái nghệ thuật điêu khắc nào khác. Trong khuôn viên chùa có rất nhiều ngôi mộ, nơi cất giữ tro cốt của nhiều người trong một gia đình hay tộc họ. Theo phong tục của người Khmer, ông bà, cha mẹ sau khi chết được hoả táng và tro cốt đưa đến các ngôi mộ tại chùa. Chùa chính là nơi an nghỉ của tổ tiên ông bà, cũng chính là nơi những linh hồn của người thân được nghe các sư sãi trong chùa tụng kinh cầu siêu. Do đó hằng ngày họ thường xuyên lui tới thăm viếng chùa và cũng để cầu nguyện cho linh hồn người quá cố trong những dịp lễ trọng trong năm của chùa.

http://www.vntravellive.com/upload/namth/image/thang3/khampha/12-Nguoi%20Khmer%20di%20choi%20Tet.jpg

Người Khmer không tổ chức lễ giỗ cho ông bà, cha mẹ đã mất như người Kinh, mà tổ chức lễ giỗ chung cho tất cả những người đã khuất tại chùa vào ngày tết Dolta, hay còn gọi là lễ cúng ông bà, dịp lễ này thường kéo dài khoảng nửa tháng, từ cuối tháng 9 đến 15 tháng 10 âm lịch hàng năm. Tất cả những gia đình trong phum sóc đều dâng cơm, nước, bánh trái, những món ngon nhất mà trong nhà được mang đến chùa, bày lên bàn thờ ông bà tổ tiên một cách trang trọng trong suốt kỳ lễ, cúng bái và cùng với các vị sư sãi cầu nguyện cho linh hồn người đã khuất. Người Khmer cũng không có họ riêng, nam thì họ Chau, nữ họ Neang nên tất cả người Khmer được xem như một đại gia tộc.

Chùa Khmer không có nữ tu, cũng không thấy bóng dáng của những vị sãi cao tuổi, chỉ có những vị sư người trẻ tuổi và sãi cả thường ở tuổi trung niên.

Những người tu hành trong chùa Khmer mỗi ngày chỉ được phép ăn khi mặt trời mọc đến 12 giờ trưa. Ngoài giờ qui định các sư không được ăn bất cứ thứ gì dù là trái cây, chỉ được uống nước lã, sữa cũng không được uống. Sãi cả Chau Hac chùa Tức Phos lý giải: “Nếu ăn quá nhiều, cả ngày cứ lo nấu, lo ăn hoài còn thời gian đâu mà chuyên tâm tu hành!”. Thức ăn của họ được các vị sư dưới quyền sư cả, đi khất thực từ những phum sóc, được chi ăn nấy. Nói là khất thực nhưng thật ra họ đến nhà dân trong phum, sóc nhận về, vì người dân tình nguyện nấu và chờ họ đến lấy đưa về chùa như một sự hiến dâng.

Sau một ngày “lạc” vào “Tiểu quốc chùa tháp” chúng tôi nhận thấy, mặc dù đời sống vật chất của người dân tộc Khmer nơi đây còn thiếu thốn, nhưng trông họ sống rất vui vẻ và hạnh phúc với những gì mình đang có. Họ sống với tính cộng đồng rất cao, trong đó ngôi chùa là nơi tụ hội, duy trì nét văn hoá dân tộc. Cho nên dù sống chung với cộng đồng người Việt hàng mấy trăm năm qua nhưng họ vẫn giữ được truyền thống văn hoá và những bản sắc rất riêng của mình; và xung quanh những ngôi chùa Khmer vẫn còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết, có lẽ nó vẫn huyền bí như chính sự huyền bí của dãy Thất Sơn nơi họ đã và đang gắn bó.

http://www.vntravellive.com/upload/namth/image/thang3/khampha/17-Thap%20trong%20vuon%20chua%20b.jpg

Thông tin thêm:

Phong tục người Khmer ở vùng Thất Sơn

Theo phong tục, con trai Khmer khi bước vào tuổi thành niên phải vào chùa tu hành. Ngoài học đạo, học cách đối nhân xử thế, họ còn được học văn hoá như trường học phổ thông của người Kinh do các vị sư trong chùa phụ trách giảng dạy. Thời gian tu hành tại chùa của một người thanh niên ít nhất là 3 năm hoặc nhiều hơn càng tốt. Sau nhiều năm tu hành họ mới trở về với xã hội, sống đời bình thường.

Người Khmer theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ chủ động đi cưới chồng. Các chàng trai đã qua kỳ tu hành được xem như một thanh niên hoàn hảo và thường được các cô gái Khmer để mắt đến. Những thanh niên không tu hành coi như chưa tốt, dễ bị cảnh cô đơn vì ít được các cô gái đoái hoài.

Đến Thất Sơn bằng cách nào?

Vùng Thất Sơn bao gồm hai huyện miền núi Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang. Từ TP. HCM, muốn đến đây trước tiên phải đến thị xã Châu Đốc, đô thị lớn thứ hai của An Giang. Châu Đốc cách TP. HCM khoảng 240 km về hướng Tây Nam. Từ thị xã Châu Đốc xuôi theo quốc lộ 91, đi thêm 12 km nữa tới thị trấn Nhà Bàn. Tại ngã ba Nhà Bàn có hai hướng: Một về cửa khẩu Tịnh Biên, một rẽ trái theo tỉnh lộ 948 về vùng Thất Sơn.