View Full Version : Tản Văn
MinhThy
22-09-2009, 10:24 AM
Đêm đi hoang, tiếng lòng cũng đi hoang
Rồi một ngày đôi chúng ta đều mỏi mệt khi ruổi rong một đời mưu cầu những bình an hư ảo và mỏi mong nụ cười đến thật tươi. Ta rã rời cuộn mình vào lòng đêm, nghe cô đơn hát lời phụ bạc, kiếp bẽ bàng phụ họa một niềm đau.
Ta chong mắt nhìn đêm trong thinh lặng, nhưng nỗi mù mờ không soi rọi quãng đường ta đã qua hay chặng đường tương lai mờ mịt. Có chăng ai thương ai đang ngồi đó, buồn hiu đếm nỗi tịch liêu mà cuộc đời trao tặng? Có chăng ai thương ai sầu tư cô tịch, đắm hồn mình vào cõi hư vô? Lòng bóng đêm trung thành bỗng một ngày hóa nỗi dửng dưng. Trong vô đỗi vô chừng khi bình yên say ngủ, linh hồn mình vội vàng đi rong trong bàng hoàng ly biệt. Trong giấc mơ người cũng đành phụ bạc, tựa khói sương tan hợp chợ đời. Trót nợ ân tình người đếm đo cân lượng, rót chưa đầy một tách sân si, mà nỡ liệng ra giang hồ tan vỡ. Từ ly bẽ bàng. Giang hồ không lối. Ta giong hồn mình đi hoang theo giấc mơ hoang tàn.
Đêm mơ màng thinh lặng, biết đất trời trở giấc chiêm bao. Tiếng xe khuya lao vun vút đêm trường, hồi còi dài hun hút nẻo đường xa. Đất dường như dài ra trên con đường khát vọng. Ta còn nghe tiếng thở lòng đêm, trong thinh lặng nghe cú rúc lạc loài, thêm khắc khoải đời phù du nhân loại. Ta thoảng nghe phà qua sông thảnh thơi về bến, hụ máy cập bờ cho khách lãng du xuôi về phương nam vời vợi. Kẻ ở, người đi, lẽ bến đời muôn ngàn lần ly biệt. Tan tác. Đêm đi hoang cùng một nỗi chia lìa.
Đêm đi trong thinh lặng ta nghe đất vươn mình đón nhận màn mưa. Cơn mưa khuya rào rào trên nóc, hăm hở gột rửa bao điều oán than. Bão về. Hình như cơn bão đầu mùa không nhỏ không to. Ào ào, giá lạnh, lang thang. Bão đi hoang. Bão đi rong rỗi trên báo đài, đi hoang trên bờ ruộng, và đi hoang cùng người. Ta trao hồn cho gió, gửi chơi vơi cho gió mưa quất quần quật mặt mày. Cuộc đời buốt giá tả tơi. Ta khum tay đong từng hồi kỷ niệm. Kỷ niệm không đầy một vốc mưa xa. Mưa mù xa. Đêm vẫn dài.
Đêm ta trở về trong thinh lặng, nghe đất lạnh lẽo ơ hờ mới thấy kiếp người chơi vơi. Người đợi người mòn mỏi đếm thời gian. Mắt nhìn tường vô vọng, lưng dựa bóng đêm im lìm, lòng gối vào cô đơn tàn tạ. Tiếng đêm trường rỉ rả khúc du ca giang hồ cô tịch. Ta hỏi đời sao người nỡ chia xa, lời đá vàng người đổi lấy từ ly? Cơn mơ ký ức đi về chình chịch, giấc mộng lòng đã chìm vào thinh không. Giấc mơ hoang tàn. Kiếp người đi hoang. Bức tường chùa dừng chân lòng thế tục. Nỗi phong trần ta gửi đấng từ bi. Lòng tin người đã thành lừa lọc thì tấm chân tình ta biết dựa dẫm vào ai.
Đêm mệt nhoài trong thinh lặng nghe tiếng đất buồn than. Nghe phách điệu trần gian theo tiếng người than thở, tiếng thở dài sườn sượt đi vào giấc mơ. Những giấc mơ ngắn dài đi hoài trong thanh bình kỷ niệm mà tấm lòng chẳng chút được bình yên. Cơn mê chập chờn. Mơ màng đi hoang, bản năng đâu thèm dẫn lối. Có những người mơ về điều xa xôi vời vợi. Lại có người mơ về những kỷ niệm buồn đau. Nhưng chưa có giấc mơ nào trở thành thực tại. Chỉ có bóng người mày mò tìm bản ngã tồn sinh trong bóng tối vô tình. Đêm đi hoang. Tiếng lòng cũng đi hoang.
Ta tìm người, người tìm ta khi đôi lòng lạc lối. Giấc mơ hoang ru ta cõi vô chừng. Bước giang hồ thôi ta đành một kiếp. Người gặp người trong những giấc mơ hoang.
Nguyễn Hồng Chí
MinhThy
22-09-2009, 10:26 AM
Tự sự của Khoảng cách
Tên của tôi là Khoảng cách. Mẹ Vũ trụ từ buổi hồng hoang đã sinh tôi ra để con người phải lao nhọc vì tôi trong cuộc chinh phục thiên nhiên để sinh tồn.
Nếu bạn đánh tên của tôi trong Google thì ắt sẽ được hàng chục định nghĩa và ví dụ khác nhau. Nhưng nhìn chung, tôi là một đại lượng toán học hay vật lý được dùng để đo lường độ dài giữa hai điểm nào đó trên một trục đường thẳng (cho dù mọi điểm trên trái đất này nói cho cùng lại là một đường cong nhất định). Bản thân tôi tồn tại được là do sự đo lường thông qua các đại lượng vừa cụ thể vừa trừu tượng do chính con người tạo nên. Bạn thân của tôi là Thời gian khi người ta thường gán ghép tôi với anh ấy để xác định được độ dài địa lý. Vì vậy, trong giao thông vận tải và giao tiếp viễn thông, người ta bắt anh Thời gian phải làm một đơn vị tính độ dài của tôi. Và dĩ nhiên, một người bạn không thể thiếu trên đời này là bạn Tiền bạc khi nhân loại lấy anh ấy ra để xác định sự hiện diện hữu hình của tôi.
Khoảng cách tôi luôn bị nhân loại đo đạc và tính toán chi li theo nhiều cách khác nhau. Nói một cách truyền thống, tôi luôn bị đo lường bằng chính bản thân tôi: khoảng cách được đo bằng khoảng cách. Nhờ vào sự đo lường khoảng cách này mà các công ty vận tải và truyền thông có cơ sở để quy đổi tôi ra thành đơn vị tiền tệ. Do đó, anh bạn Tiền cước phí vận chuyển và giao tiếp tỷ lệ thuận với tôi. Ví dụ như Sài Gòn cách Cần Thơ 160 km và giá vé xe khách chất lượng cao là 87.000 đồng, Bến Tre cách Mỹ Tho 17 km, giá xe hon đa ôm là 25.000 đồng. Khoảng cách giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Brisbane tại Úc là 6.556 km hay là 9 giờ 20 phút bay và trị giá cho một vé máy bay là khoảng 750 đô la Úc. Khoảng cách giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Singapore là 1.090 km hay 1 giờ 50 phút bay, 350 đô la Úc. Khoảng cách giao tiếp bằng điện thoại giữa Sài Gòn và Hà Nội sẽ được thực tế hóa bằng mức cước hoàn toàn khác so với khoảng cách giữa các điểm trong nội ô Sài Gòn.
Nhưng dù gì người ta cũng tạm vui lòng với anh Tiền bạc vì bạn Thời gian được rút ngắn đi nhiều. Ví dụ như sau khi chia tay với bạn trai ở phi trường Tân Sơn Nhất, bạn vừa về đến Mỹ Thuận thì anh ấy đã đến Singapore mất rồi. Người ta đi lại thời này tựa như cánh chim bằng bạt gió, mới còn quấn quít bên nhau bỗng chốc đã cách nhau muôn trùng. Nhưng đồng thời người ta cũng thường hay vin vào tôi - Khoảng cách - để đổ lỗi cho những sai lầm hay đưa ra những lời nói dối đau lòng dành cho nhau dù lắm khi tôi không thật sự xa vời. Ví dụ như khi không còn muốn đến với nhau, người ta thường hay viện cớ rằng khoảng cách quá xa, tiền lại không có đủ; chứ nếu thật lòng, một cái nhấp chuột trên email, cái nhấn nút Call trong điện thoại di động cũng có thể gửi cho nhau một lời hỏi thăm chân thành và những câu nói yêu thương ngọt ngào.
Đôi khi Khoảng cách tôi được đo bằng địa vị và quyền lực trong cuộc sống hàng ngày. Này nhé, tối qua tôi nghe lóm được những lời than vãn của một tay nhân viên nào đó mới học đòi làm bợm nhậu và đang gân cổ cho rằng thằng bạn chí tình chí nghĩa của hắn vừa mới lên chức trưởng phòng đã thẳng thừng quát nạt hắn trước mặt mấy em gái cấp dưới vì lỗi trình bày văn bản không hợp quy cách. Mất mặt? Một ít thôi (vì các em lại nghĩ rằng mình là thằng cẩu thả); nhưng hắn thấy bạn mình trở nên xa xôi làm sao ấy vì tên này có phòng làm việc riêng, khi bước vào bạn phải gõ cửa và muốn gặp hắn trong giờ làm việc thì phải đặt cuộc hẹn trước với cô em thư ký chảnh chọe chẳng kém gì! Ngược lại, hình như tôi lại tỷ lệ thuận với anh bạn Tiền bạc khi anh ấy có thể giúp nhiều người phá vỡ khoảng cách địa lý và tình cảm một cách dễ dàng. Có tiền mua tiên còn được chứ huống gì tôi! Nhưng tôi nào có gây ra tội tình chi khi người ta bắt tôi làm thước đo phân hóa giàu - nghèo, kẻ có chức quyền - loại vô danh. Rồi vì đó mà nhân loại hiềm khích, chán ghét và ruồng rẫy tôi! Vì thế đôi lúc tôi lại mâu thuẫn với chính bản thân mình khi người đứng thật gần người nhưng khoảng cách quá xa: mắt nhìn tận mặt mà thấy lòng xa xôi vời vợi!
Thật ra, trong thời đại toàn cầu hóa, các tác giả lớn như Giddens, Held, McGrew, Robertson hay Yeung đều cho rằng những tiến bộ về giao thông vận tải và giao tiếp đã khiến cho thế giới này thu nhỏ lại rất nhiều như thể “một ngôi làng toàn cầu”. Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh từng cho rằng những thành tựu khoa học này đã giúp thu hẹp thế giới mênh mông này bằng “tốc độ cao, khoảng cách nhỏ, mật độ cao và cường độ lớn”. Thomas Friedman cũng đã khẳng định rằng thế giới này trở nên bằng phẳng hơn bao giờ hết khi từng cá nhân có thể tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa bằng những phương tiện liên lạc điện tử và những kiểu sản xuất toàn cầu của thiên niên kỷ mới. Khoảng cách tôi lại một lần nữa bị thu hẹp lại, bị đánh đồng vào nhóm của những người bạn mới thuộc tầng lớp trí thức cao sang như Mạng Web, Mã nguồn mở, Sản xuất ra nước ngoài... Khoảng cách tôi âu cũng là một tiền đề khiêm tốn ảnh hưởng đến sự ra đời những lý thuyết mới trong lịch sử tiến hóa nhân loại. Tuy nhiên, Khoảng cách tôi cũng được đo lường bằng những sự chênh lệch giữa giàu và nghèo. Theo một báo cáo thường niên của Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc UNDP năm 1999, tỷ lệ chênh lệch thu nhập giữa 20% dân số ở các nước giàu và 20% ở các nước nghèo là 1:30 vào năm 1960, 1:60 năm 1990 và 1:74 năm 1997. Vào năm 1997 thu nhập bình quân tính theo đầu người ở các nước giàu cao gấp 288 lần so với nước nghèo. Hiện tại có trên 3 tỷ người có thu nhập dưới 2 đôla Mỹ/ ngày và có 1,3 tỷ người có thu nhập dưới 1 đô/ngày. Và anh bạn Tiền bạc của tôi luôn là người khuất phục tôi và bạn Thời gian. Những ai không có đủ năng lực tài chính hoặc không phải tầng lớp trí thức trong xã hội đành phải thuộc về nhóm bất lợi trong cuộc đua ngoạn mục này.
Và tôi cũng tỷ lệ thuận với kiến thức mà loài người có được. Bạn hãy suy nghĩ về khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giữa nước giàu và nước nghèo với mức độ phát triển dân trí đi nhé. Tôi đã từng chứng kiến một đoàn sinh viên đi thực tế ở một xã nghèo của huyện Thạnh Phú cách Thị xã Bến Tre chỉ 45 km và giáo viên hướng dẫn đã sững sờ khi một em trai (hay có thể gọi là anh trai vì nó già khụ so với lứa tuổi 14) sờ vào bóng đèn xe 25 chỗ còn sáng trưng của đoàn và ngớ ngẩn hỏi đám bạn đang tụ tập trước xe, “Sao cái này [bóng đèn xe] không đổ dầu lửa mà nó vẫn cháy hả tụi mày?” Thậm chí tôi còn biết rằng tại một thị trấn nhỏ ở Ấn Độ, một người có khá nhiều tiền đã nảy ra sáng kiến mua lại một chiếc máy bay cũ mèm như thứ sắt vụn để kinh doanh dịch vụ “đi máy bay”. Mỗi “hành khách” phải trả 1 đôla để có được cảm giác bước vào máy bay, được phục vụ một lon nước ngọt và được nghe các thông báo của phi hành đoàn như thể mình đang bay cách mặt đất 11 km với vận tốc 1.000 km/giờ thật sự. Nói cho cùng, dân nghèo cũng đổ xô mua vé để hưởng thụ cảm giác có một không hai này khi được chinh phục khoảng cách: khoảng cách về kiến thức và trải nghiệm trong đời.
Và khi Khoảng cách được lấy ra để làm thước đo khoảng cách trong tim thì tôi vừa trở thành một cầu nối tình cảm vừa là dòng sông chia cắt tình duyên. Bạn có thể thấy được sự hiện diện của tôi ở ga đi của phi trường, nhà ga, bến xe hay bến tàu bằng những nụ cười hớn hở hay những giọt nước mắt tủi lòng trong cuộc từ ly. Thông thường, tôi là đại lượng tỷ lệ thuận với những chia xa nhưng đôi khi lại tỷ lệ nghịch với tình cảm. Bằng chứng là một chàng sinh viên đang gục mặt khóc âm thầm sau bụi cây trong sân trường đại học ở Úc khi nhận được email của người yêu ở Việt Nam báo tin nàng phải lên xe hoa vào cuối tuần khi không thể chờ đợi mãi bóng chàng biền biệt ở miền Nam bán cầu xa lơ xa lắc nào đó. Một thời yêu đương nồng đượm, bao lời thề hẹn ba sinh, những phút giây thật gần bên nhau đến độ không thể chia lìa chợt trở nên xa cách nghìn trùng. Tình cảm bỗng trở nên phù du vô đỗi vô chừng khi khoảng cách trong tim một người dành cho một người bỗng trở nên lạnh lùng vô hạn...
Khoảng cách tôi tồn tại hầu như trong mọi mặt của cuộc sống: trong những giới hạn địa lý, thông qua sự sở hữu trí tuệ, vật chất và quyền lực, thậm chí cả trong tình cảm giữa người dành cho người. Đôi khi bản thân tôi tồn tại hữu hình, nhưng lắm khi chỉ là mơ hồ ảo ảnh. Nếu người không có trái tim biết lắng nghe để cảm thông, Khoảng cách tôi bỗng trở nên to lớn và hoang dại biết dường nào khi tôi biết cách hành hạ loài người trong cuộc đua marathon với đích đến cuối cùng là sống và yêu. Tự tôi biết mình đã tạo ra những khoảng cách đau xót dành cho nhau khi người ở bên người mà lòng đã thật sự chia lìa nhau từ lâu. Chắc không còn gì buồn cho bằng khi biết tình người đã đổi thay và khoảng cách này không thể nào chinh phục được vì tôi luôn là kẻ chiến thắng trong những đau khổ lặng thầm!
Nhưng Khoảng cách tôi không hề biết gây phiền não cho người, mà tôi chỉ muốn mình thật sự nhỏ bé hơn để kết nối những trái tim khao khát yêu thương lại với nhau. Tôi chỉ muốn thế giới bình yên trong một ngôi làng thanh bình bé nhỏ, giúp loài người biết rằng mình đang gần nhau đến thế và biết rằng mình đang rất yêu thương người bên cạnh đến vậy. Những khoảng cách địa lý mà tôi gây ra vẫn có thể được chinh phục một cách dễ dàng nếu trái tim của bạn vẫn đập những nhịp yêu thương chân thành. Cũng như vậy, có thể có người rất yêu thương bạn đang chờ mong bạn chinh phục tôi để đến được với nhau, để động viên nhau, để giúp đỡ nhau hay đơn giản chỉ để gần nhau thôi, dẫu là gần nhau trong một thế giới ảo vô bờ không hạn định. Vậy nếu bạn có đang đọc những dòng tâm sự này, xin bạn hãy yêu thương người đang ở bên mình hoặc người đang ở cách xa mình nghìn dặm, xin hãy quý trọng bạn Thời gian và đừng để Khoảng cách tôi chia lìa trong tim của bạn. Trái tim của Khoảng cách tôi là những tiếng lòng yêu thương bạn dành trọn cho nhau trong cuộc đời đầy ắp ngăn cách này.
Nguyễn Hồng Chí
MinhThy
22-09-2009, 10:27 AM
Giấc mơ của vô chừng thời gian
Ta vốn chỉn chu với các lý do cho hành động của mình nên luôn tự hỏi lòng chắc trời còn chút duyên thừa nên bắt mình quen nhau khi vốn dĩ bọn ta cứ như là sa mạc Sahara bỏng cát và vùng biển Bắc băng trôi.
Nhưng lại hoài nghi cho rằng mọi thứ tựa thể được xếp đặt theo một trình tự trong một giấc mơ do chúng mình điều khiển. Bạn phì cười bảo rằng chín mươi chín phần trăm giấc mơ là những chắp vá hoang đường và một phần trăm ít ỏi là tiềm thức và bản năng. Đơn giản, ta quen nhau vì chúng ta quen nhau.
Chắc mình quen nhau khi không có sự khởi đầu.
Mà bạn có hàng trăm người bạn: bạn gái yêu đương chóng vánh, bạn văn phòng để uống cà phê, chiến hữu đi nhậu, thanh niên để đi chơi vũ cầu, thậm chí các lãng tử giang hồ để cá độ với những trận hào hùng của MU. Và ta cũng chẳng biết ta là loại bạn gì của bạn nữa vì ta chỉ đực mặt ngáp ruồi ở quán cà phê khi bạn cứ mải mê bám lấy mấy anh chàng văng tục đánh bài Tiến xuống. Mà ta cũng không thể nào nốc hết một chai bia ở bàn nhậu thì đừng nói chi đến chuyện đi chơi thể thao vào cuối tuần và khao một bàn thua cá độ.
Có lần ta đi cà nhắc vì chiếc xe 110 kí lô đè lên bàn chân và tối tăm mày mặt khi biết rằng xe được làm từ sắt thép. Bạn nhởn nhơ nhìn rồi hỏi có gãy chân chưa! (Nhưng vẫn đưa ta về nhà và đưa ta đi dạy từ lúc sáng sớm. Kể ra cũng còn có chút tình người!) Rồi bực mình vì bị cơ quan bắt phải đi làm từ hai ba giờ sáng, ta quát oang oang vào di động mà bạn cứ cười khì khì nói thanh niên làm việc nhiều thì tốt cho quê hương. Ta biết mình còn tệ hơn bóng đèn đường lu nhòe trong hẻm và bạn chẳng bao giờ xem ánh nhạt vô duyên đó là tài sản của mình. (Dù đôi khi bạn xỉn quắc cần câu và bỗng cần nó như cần ta đưa bạn về nhà lúc nửa đêm ấy mà.)
Ta đăng được bài trên tờ báo địa phương, trang web khoa học phổ thông ở Pháp rồi tạp chí khoa học ở Mỹ. Mừng như điên. Mà điên thật khi thấy đôi mắt bạn lồi ra thêm ba centimét như thể nghi ngờ năng lực học thuật của ta. (Nhưng có hôm ta tò mò lục lọi trên computer của bạn mới thấy một folder đầy đủ các bài viết của ta mà thậm chí ta cũng chẳng nhớ chúng là gì. Ắt là bạn có nhiều thời gian tải nhạc trên mạng nên sẵn tiện tìm chúng cho đầy bộ nhớ máy tính chăng?)
Bạn giả vờ gật gù hiền triết nhưng lời nói lại châm biếm ta bắt chước Thomas Friedman, cho rằng thế giới này hoàn toàn bằng phẳng trong bài tóm lược cho quyển Thế giới phẳng. Nhưng hình như ta đã phải nhận định lại rằng thế giới này chỉ bị đánh dẹt theo hai trục Bắc - Nam mà thôi. (Vì gia đình nghèo của bạn và ta là một ví dụ điển hình.)
Có một ngày ta hét toáng lên, vò tóc bạn như vò lá sâm khi nhận được e-mail từ một trường đại học Úc báo tin ta được cấp học bổng toàn phần đi học tiến sĩ. Vuốt lại nếp tẻ. Tỉnh bơ. Bạn nhìn ta chằm chằm (vẫn là ba centimét đúng mực) rồi làm thinh. (Con nít vẫn biết khen một câu nữa đấy nhưng bạn đã gần ba mươi tuổi chứ nhỏ nhít chi!) Nhưng hôm sau ta thấy trên bàn làm việc của mình có bộ hồ sơ xin visa vào Úc. Chả lẽ bạn còn dư một bộ từ khách hàng đến tư vấn hay chăng?
Rồi vì trục trặc giấy tờ nên ta đành ở lại. Bật khóc nức nở trên đường về nhà. Không tiếc vì vuột mất một tỷ tư đồng tiền học bổng, mà buồn vì không thể thực hiện được đề tài nghiên cứu cho quê hương. Bạn làm thinh, đưa tấm lưng ốm nhách cho ta rảy đầy nước mắt nước mũi. Rồi làm thinh mở cửa nhà trọ cho ta, kêu đi rửa mặt để ăn cơm. Bạn nhìn ta khóc.
Ta hụt hẫng, lao vào viết sách. Viết như thể ngày mai là tận thế. Đất trời đổ sụp và mình không còn đủ thời gian ghi lại những gì đã học ở Úc trước đây. Viết đến ba bốn giờ sáng. Chợt phát hiện bạn nằm ngủ chèo queo ở văn phòng. Ta đã nói là ta sợ cái lạnh lẽo vô vị của căn phòng này, sợ tiếng gỗ nở vô cớ ma quái vào ban đêm. Vậy mà bạn lại ngủ mất biệt. Đêm lạnh mới biết yêu thương ngày nóng nực! Sáu tháng ròng. 650 trang. Ta mất ngủ. Chắc gì bạn có giấc ngủ ngon? (Vì bạn nằm chò co đã qua hai mùa xuân hạ.) Và cái bóp của bạn bỗng eo xèo rỗng tuếch đến ngờ nghệch khi phải thay mực in mấy lần, trả tiền dịch vụ Internet, điện thoại, tiền thuê văn phòng cho ta! Suy nghĩ nát óc, ta tặng lại bằng mấy câu cảm ơn màu mè bằng tiếng Anh trên trang đầu quyển sách. Bạn nói hát cải lương như vậy tổ chỉ phí một tờ giấy in thêm cho người đọc!
Ta than dài vì tiền tác quyền thấp quá, chắc chỉ đủ mua sách tặng người quen thì hết nhẵn. Lười viết quyển thứ nhì. Nhưng mắt bạn lại lồi ra. Bạn hỏi ta viết sách để kiếm tiền ư? Xấu hổ! Hàng khối sinh viên ắt học được ít nhiều từ những gì ta nói. (Dù bạn nói rằng ta hay bàn tán những thứ lâng lâng chín tầng mây.) Và hôm nay ta lại viết được một phần của chương hai.
… Ta kể lể giấc mơ quái đản của mình khi nhảy ùm xuống giếng để tìm lại những viên bi sáng hơi hới cất giấu từ ngày ấu thơ. Ta khăng khăng nói rằng con người có thể mơ được những giấc mơ, tỷ như ta nằm mơ thấy mình mơ về những ngày vụng dại: không có điều thua được chua cay trần tục, chỉ có tiếng cười giòn tan ám cả vào mơ. Nhưng sao lần này bạn lại làm thinh? Ta bảo rằng giấc mơ có thể cười.
Chắc bạn là giấc mơ rất đỗi bình thường trong vạn ngày tẻ nhạt. Buồn, vui, thương, giận. Để cho ta cự nự lúc bực mình, ngồi im re mặc tình ta bốc phét, kiêu hãnh khoe một mẩu xương vai gầy đủ để mình gục mặt bình yên khi bên đời còn nhiều mưa bão. Tự tiềm thức, bạn đã là như vậy.
Chuyện thu phong đã biết bấy nhiêu mùa rền rã. Ta mặc nhiên xem mình hiện hữu bên nhau, đến đỗi thấy nhau cũ sì, nghe chán từng hơi thở. Nhưng bạn vẫn nghển cổ nghe ta phiếm chuyện đẩu đâu về một thế giới vô bờ phẳng lặng. Và lơ đễnh nhìn ta co giò chạy miết theo những chặng mơ dài.
Có lẽ chín mươi chín phần trăm giấc mơ này là hiện thực. Còn một phần trăm là cho ta được mơ thấy bạn ta đồng hành lặng lẽ cùng ta trong những giấc mơ vô thường.
Hình như chẳng giấc mơ nào có hồi kết cục.
Nguyễn Hồng Chí
sơn_nữ83
09-11-2009, 11:25 AM
Second-hand
Thường ta nhớ đến những đồ vật second-hand khi có ai cần, hoặc khi ta vứt bỏ. Cuộc sống gia đình ít nhiều sinh ra những đồ second-hand đôi khi chờ mãi chả ai xin. Như trong đống đồ đạc của tôi còn một chiếc nhẫn cưới cũ kỹ.
Những năm tháng thanh xuân qua đi, tôi đã second-hand lúc nào không nhận ra. Vì không có mốc, tính từ lúc tôi thấy tôi thừa ra khỏi tuổi trẻ. Cũng không có dấu hiệu nào cả, chỉ là một hôm sao thấy mình tự do quá, mình đi đâu chả ai hay biết, ai ở đâu mình cũng chẳng hay biết. Rồi thấy mình nhu mì khép nép của tuổi trẻ biến thành mình chua ngoa ghê gớm. Rồi thấy mình vứt bỏ những cảm xúc ngày xưa nâng niu, những ý niệm về thế giới trở nên tan hoang, niềm tin và sự say mê ngày càng khó chia sẻ hơn.
Nhưng tôi không buồn.
Chắc không mấy ai muốn nhớ lại những vụng dại của mối tình đầu, khi ta chưa đủ chín chắn để hiểu thế nào là tình yêu, nhưng lại nôn nao mong chờ lần yêu đầu tiên. Kết quả là ta đã vội vã đánh mất những khoảnh khắc đầu tiên khi ta chưa kịp chuẩn bị sẵn sàng để yêu, để được yêu, để được giản dị cảm nhận nhau mà không bị ràng buộc bởi những thứ như tự ái, gia giáo, quà tặng, đòi hỏi, so sánh. Mối tình đầu là lúc con trai không biết nói gì còn con gái lại nói quá nhiều về bản thân. Mối tình đầu là lúc chưa đủ tiền để chăm sóc nhau, chưa đủ thời gian để hiểu nhau. Thì đã chia tay.
Nếu nụ hôn đầu tiên ngọt ngào như trên phim ảnh, hẳn bạn cảm động lắm. Nhưng tôi chỉ thấy toàn nước bọt. Tôi nghĩ muốn hôn ngọt ngào và tha thiết, ta đã phải hôn nhau hàng trăm lần, đã phải bên nhau hàng trăm ngày, hiểu nhau, thân hơn cả bạn thân, mới có được cái hôn sâu nồng nàn. Cho nên nếu không sợ hoặc... ngại ngại trong lần hôn đầu tiên thì hẳn, người yêu của bạn đã được tập dượt hàng trăm lần với đôi môi khác, để học được cách ngọt ngào.
Thật sự có rất nhiều những cái "lần đầu tiên" mà bạn muốn quên, hoặc muốn sẽ khác đi. Nhưng nó đã xảy ra, bạn không thay đổi được, vì có lần đầu tiên đó, bạn mới có lần thứ hai.
Sao tôi muốn làm người thứ hai quá.
Có lần tôi viết trên blog, hồi lâu rồi, rằng tôi muốn làm người đến sau. Để được nâng niu chiều chuộng, trân quý. Tôi muốn nhận lấy những phần thừa, cả linh hồn lẫn tình cảm, bởi tôi sẽ được đáp lại đầy đủ và điềm đạm hơn mà không bị đòi hỏi nhiều. Bởi có những người đau khổ, họ mới thấy cần bình yên, bởi họ đã mất mát, họ mới sợ tôi ra đi. Bởi họ đã bị thương, họ mới muốn tôi ở lại. Tôi cần những người níu kéo tôi lắm đấy.
Rồi một bạn trẻ vào comments lại rằng, chị ạ, em vẫn hay đọc blog của chị cho mẹ em nghe, em đọc cả các comments "muốn làm người đến sau " của chị nữa, vì thấy nó kỳ kỳ. Nhưng mẹ em lại bảo, đấy mới là người hiểu biết đấy con ạ.
Thường ta hay níu giữ, vì ta sợ ta sẽ mất những tháng ngày ta đã có, sợ ta đã mất mấy năm bên nhau, sợ rằng rồi sau này ta còn gặp ai nữa không, còn ai đáng quý, đáng yêu, yêu ta và ta cũng yêu họ, như mối tình đầu không?
Tôi lại biết rằng, càng ngày ta sẽ càng gặp những người đàn ông hiểu biết hơn, những người phụ nữ chín chắn hơn. Càng sống ta sẽ càng có cơ hội đến với người ta yêu quý nhất, hiểu ta nhất, những người ta gặp càng về sau càng tuyệt vời hơn. Chỉ cần ta chấp nhận chờ đợi, và trong lúc chờ đợi ấy, phấn đấu và sống xứng đáng để được nhận hạnh phúc đó.
Tất nhiên rồi, những người con trai bạn quen ở trường khi bạn mới đôi mươi và những người đàn ông trưởng thành bạn gặp tại công sở khi bạn đã có vị trí trong xã hội, tất nhiên khác xa nhau. Không phải họ khác nhau mà vì chính bạn đã trưởng thành, bạn thuộc về đẳng cấp khác, bạn có những giá trị mới thực sự là giá trị. Vì thế nên cuộc sống của bạn thay đổi, giao tiếp của bạn đã trưởng thành, và cơ hội của một tình cảm bền vững nghiêm túc đã nhiều hơn.
Đừng oán trách mối tình đầu đã tan vỡ. Hãy nghĩ rằng, tôi trưởng thành từ trong nỗi đau đó!
Lần đầu tiên chỉ có giá trị như một cột cây số trên đường đời của mình. Sau đó mình phải đi tiếp, chứ mình không dừng lại để mãi mãi tưởng niệm cái cột mốc ấy. Nếu cột mốc đó đánh dấu hạnh phúc của mình, ví dụ như tình yêu ấy ở bên ta mãi mãi, người đầu tiên ấy trở thành người cuối cùng, thì tuyệt vời biết bao. Tôi cũng mơ ước tôi chỉ cưới một lần rồi sống suốt đời. Nhưng nếu không được như thế, phía trước vẫn là hành trình, dài dằng dặc, và bao nhiêu con đường mới chờ ta rẽ, chờ ta đi tới, chờ ta trân trọng ta bởi chính họ cũng đã bỏ lại sau lưng mối tình đầu, họ hiểu rằng cái gì mới được gọi là bền bỉ và tin yêu.
Cho đến khi không cần tặng hoa, gọi điện, những nghi thức thuộc về tình yêu, ta vẫn tin vào tình cảm của nhau; Không cần lời hứa hẹn ta vẫn tin chúng ta sẽ thực hiện những gì ta mong muốn cho nhau; Không cần phải có một lễ cầu hôn có nhẫn, có hoa, ta vẫn tin sẽ là một cuộc hôn nhân nghiêm túc, thì khi đó có thể yên tâm là sẽ ở bên nhau trọn đời.
Trước kia tôi vẫn tự nhủ, kiếm lấy một chiếc xe second-hand để rong ruổi một mình, rồi sẽ kiếm lấy một người đàn ông second-hand để yêu.
Dường như mạo hiểm quá phải không bạn, trao cả sinh mệnh của mình cho những second-hand. Nhưng hạnh phúc là được rồi, đúng không?
Vì tôi cũng là một người phụ nữ second-hand đấy thôi. Nhưng tôi không buồn, mà tự tại.
(Trang Ha's Blog)
Powered by vBulletin® Version 4.2.2 Copyright © 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.