PDA

View Full Version : 'Thi sĩ' trong trại giam



TeacherABC
30-08-2009, 10:56 PM
'Thi sĩ' trong trại giam

Ngày đáng nhớ nhất trong trại của Tấn là khi anh nhận được 1 triệu đồng tiền nhuận bút đăng báo. Anh giống như một đứa trẻ được điểm 10 trong ngày đầu tiên đi học, vừa hạnh phúc, vừa bối rối, ngơ ngác.


Sau 3 năm sống trong trại giam Tân Lập, có thời gian bình tâm để nhìn lại những việc đã qua, Nguyễn Thế Tấn nói rằng 19 năm cải tạo là cái giá quá rẻ cho những sai lầm của mình, vì nếu không có lẽ anh sẽ mãi trượt dài trong những u mê, nông nổi của một thời tuổi trẻ.

Là con út của một gia đình nông dân nghèo khó ở xã Anh Dũng - Kiến Thụy - Hải Phòng, tuổi thơ của Nguyễn Thế Tấn là những năm tháng cơ cực, nghèo khó. Bố mất sớm, anh trai đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài cũng bị đi tù vì làm ăn phạm pháp, nên bao nhiêu yêu thương, mẹ anh đều dành cả cho anh. Tấn còn nhớ, bà vẫn thường ôm anh bằng đôi tay xù xì, gầy guộc vì mưa nắng và nói: “Con là tất cả hi vọng và hạnh phúc còn lại của cuộc đời mẹ”.

Từ nhỏ Tấn đã rất thông minh, sáng dạ, nên gia đình hai bên nội ngoại đều yêu quý, dồn sức giúp mẹ Tấn nuôi con ăn học thành người. Ngày Tấn thi đỗ vào Đại học Hàng hải, nước mắt của người mẹ già cứ chảy dài theo những vết chân chim. Khi đó bà hạnh phúc đến nghẹn ngào, những tưởng những ngày tươi đẹp đã gần kề, còn cơ cực vất vả chỉ còn là quá khứ. Nhưng đó cũng là lúc, cậu sinh viên Nguyễn Thế Tấn bắt đầu những bước trượt đầu tiên trên con đường phạm tội.

Ba năm sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Thế Tấn đã chuyển cả chục công việc, công việc nào Tấn cũng chỉ làm một thời gian rồi bỏ, vì nó chẳng thể nào đáp ứng nổi những nhu cầu sa đọa của Tấn.

Đỉnh điểm của những sai lầm của Tấn là ngày 17/12/2005. Ngày hôm đó, Tấn cắm xe của một đồng nghiệp cùng cơ quan với giá 3 triệu đồng, rồi nướng cả vào lô đề bài bạc. Trong một phút cùng quẫn, Tấn nảy ra ý tưởng đi ăn cướp.

Giấu sẵn một con dao nhọn trong người, Tấn thuê anh Nguyễn Văn Thật (54 tuổi), trú tại Ba Đình – Hà Nội, đi xe ôm từ Hà Nội lên Yên Bái. Khi đến tổ 44, phường Đồng Tâm – thành phố Yên Bái vào lúc 6h sáng, Tấn dùng dao nhọn đâm vào gáy anh Thật để cướp chiếc xe Honda 81. Tuy nhiên anh Thật đã kịp thời kêu cứu người dân địa phương. Nguyễn Thế Tấn bị bắt ngay ngày hôm đó và phải chịu mức án 19 năm tù giam cho tội ác của mình.

Chính Nguyễn Thế Tấn cũng rùng mình kinh hãi khi nhớ lại ngày hôm đó. Dù trượt dài trong những cuộc ăn chơi sa đọa, nhưng Tấn chưa bao giờ nghĩ rằng mình dám làm một việc phi nhân tính như thế. Tấn bảo, may mà tội ác đã không thành, vì nếu không, dù có thoát khỏi sự truy cứu của pháp luật, Tấn cũng chẳng thoát khỏi lưới trời lồng lộng.

Trước khi lên trại Tân Lập thi hành án, Tấn đã được đưa đến nhà của người lái xe ôm Nguyễn Văn Thật - nạn nhân của anh ta. Đến tận lúc đó, anh ta mới biết nạn nhân của mình là trụ cột của một gia đình nghèo, ngày ngày phải lăn lộn để sống qua ngày ở thủ đô, là một người bố của ba đứa con đang học đại học. Trong ngôi nhà chật chội, mặt đối mặt với người đàn ông mình đã suýt giết hại, là lúc lương tâm trở lại với Nguyễn Thế Tấn.

Lúc đó Tấn kinh sợ nghĩ rằng, nếu nạn nhân của mình chết đi, thì sẽ lấy ai là chỗ dựa cho cả cái gia đình tội nghiệp đấy? Sẽ có thêm một người vợ côi cút phải gồng mình nuôi 3 đứa con? Hình ảnh về người mẹ già ở quê nhà đã một mình tần tảo nuôi con đã khiến Tấn bàng hoàng khi nhận ra rằng, mình chút nữa đã đẩy một gia đình đến chỗ gần như không có lối thoát. Tấn bảo rằng, đó là lúc cái ác trong anh bị tiêu diệt, nhường chỗ cho khát khao được quay trở lại làm người.

Nguyễn Thế Tấn nói rằng, những ngày mòn mỏi trong tù, anh không ngừng sám hối. Nỗi đau ám ảnh trong ánh mắt người mẹ, nét thơ dại trên gương mặt của con và sự giận hờn, trách cứ trong giọng nói của người vợ đã khiến anh sống trong day dứt, tội lỗi. 3 năm ở trại giam Tân Lập, là 3 năm Nguyễn Thế Tấn thấm thía sự đau đớn và mất mát.

Đau đớn là khi người mẹ già đã ngoài 70 tuổi lặn lội lên thăm con, mang cho con từng lọ muối vừng mà bà đã kỳ cạch làm suốt đêm. Đau đớn là khi đứa con thơ hỏi: “Bố Tấn ơi, tại sao bố lại ở tù? Con vào ở tù chung với bố nhé!”. Khi người vợ đầu gối tay ấp lên thăm, mang theo lá đơn xin ly hôn là lúc Nguyễn Thế Tấn thấm thía cái giá phải trả cho quá khứ tội lỗi của mình. Tấn bảo rằng, anh không trách vợ, chỉ xót xa cho đứa con nhỏ vì mình mà sớm phải chịu cảnh thiếu thốn tình thương, bố ở tù còn mẹ đi lấy chồng khác.

Sống trong nỗi đau đấy, thấm thía sự mất mát đấy, anh bắt đầu làm thơ. Một bài thơ anh tặng người vợ cũ lúc nhận được tin chị đi xây dựng hạnh phúc khác. Không một lời trách cứ, van xin, chỉ một lòng nguyện cầu cho chị được hạnh phúc với duyên mới sau những bẽ bàng mà anh đã gây ra cho chị: “Chẳng dám cầu xin em ở lại/ trăm đường nào biết một con đường/mười hai bến nước…nào trong đục?/ Biết có gặp người thực lòng thương?/ Nếu theo duyên mới mà hạnh phúc/ Trăm xót ngàn thương cũng cam lòng/ Chỉ e đò lại sang bến đục/ Em lại ra về, tay trắng không…/Chuông chiều văng vẳng cuối trời xa/ Tiếng chuông cầu nguyện, chuông nhắc nhở/ Chuông nguyện hồn người hay hồn ta…” (Thư gửi vợ).

Một bài thơ anh viết cho đứa con nhỏ dại, như một lời xin lỗi với đứa con tội nghiệp mà anh đã không làm tròn trách nhiệm của một người cha: “Con đợi ba cùng đón trung thu/ Bà thành thực bảo “chốn lao tù/ Bánh, hoa không có, trăng không sáng” - Ứ, cứ đợi ba về, đón trung thu/… Cứ thế con thơ chờ đợi mãi/ Đêm lên trăng tới quá đỉnh đầu/ Khuya về, trăng vẫn còn sáng tỏ/ Chiếc đèn lồng…treo ở nơi đâu”.

Một bài thơ khác anh viết cho mẹ trong ngày mẹ đến thăm lại là cái gập người đầy ăn năn của đứa con lầm lạc dành cho người mẹ bất hạnh, là sự day dứt trước những vất vả hy sinh của mẹ: “Mẹ ơi con ở chốn này/ Đêm đêm thương nhớ, ngày ngày chờ mong/ Vậy mà khi gặp mẹ xong/ Đã nghe day dứt cõi lòng tái tê/ Đường xa vất vả mẹ đi/ Thương con nào quản bốn bề gian lao/…Mẹ già như chiếc lá vàng/ Đậu trong giông tố lại càng mong manh/ Đầu bạc nuôi kẻ đầu xanh/ Sinh con bất hiếu phận đành xót xa/ …Con sai con lỡ phụ công/ Thân con, đành vậy đau lòng mẹ cha…/Còn mẹ con khỏi bơ vơ/ Vắng mẹ, rồi biết trông chờ vào ai/…Chiều nay trời cũng khóc thầm/ Vời trông bóng mẹ khuất trong bóng chiều” (Viết ngày mẹ đến thăm).

Đến lúc sa chân vào vòng lao lý, người mà Nguyễn Thế Tấn cảm thấy mắc nợ nhiều nhất là mẹ, và anh bảo đó là lúc anh thấm thía hơn bao giờ hết cái gọi là tình mẫu tử, cái gọi là “Con dại cái mang”. Tình yêu thương vô điều kiện của người mẹ ngoài 70 tuổi, là niềm an ủi, là nguồn sức mạnh giúp anh thêm can đảm và tự tin trong những năm tháng trong trại giam dài đằng đẵng trước mặt.

Mặc dù vậy Tấn vẫn luôn tâm niệm rằng mình không được ủ rũ, không được ủy mị vì mình là một người đàn ông. Đã phạm tội thì phải biết chuộc tội, phải biết hướng thiện, không than vãn ngay cả than vãn trong lòng bằng những câu thơ.

Với anh, thơ là liều thuốc xoa dịu những vết thương tinh thần, là con đường giúp anh tìm lại ánh sáng lương tri, là dòng nước mát ươm mầm cho ước mơ phục thiện. 3 năm trong tù, anh đã làm được hàng trăm bài thơ. Rất nhiều bài đã bị “thi sĩ” ném vào sọt rác một cách tức giận vì thấy nó ngô nghê, trẻ con và không diễn đạt được tâm tư tình cảm của mình.

Thói quen của “thi sĩ trại giam” Nguyễn Thế Tấn là dù đang đi lao động hay trong giờ chơi thể thao, dù lúc đi ăn hay đi tắm, anh cũng dắt theo bên người một tờ giấy và một cái bút, “đề phòng” những lúc một tứ thơ bất chợt thoảng qua. Có những đêm, trong giấc mơ, anh mơ thấy có người tặng thơ cho mình. Chừng đó cũng đủ để buổi sáng thức dậy, anh có một bài thơ hay. Một người tù lãng mạn đã là một điều lạ, một người tù thích làm thơ gần như bị coi là điều không bình thường.

Chính thói quen kỳ lạ của “thi sĩ” đã khiến Tấn có thời gian bị các bạn tù xa cách, coi là kẻ lập dị, không bình thường. Nhưng giờ đây, sau khi đọc những bài thơ anh đăng trên báo, những người bạn tù bắt đầu yêu cầu Nguyễn Thế Tấn đọc thơ trong những giờ giải lao. Những người tù tìm thấy ở đó hình bóng của mình. Họ thấu hiểu và thêm đồng cảm với anh hơn.

Cái ngày đáng nhớ nhất trong trại của Tấn là ngày anh nhận được 1 triệu đồng tiền nhuận bút đăng báo. Cầm nhuận bút, bàn tay anh run rẩy, nước mắt anh trào ra. Nước mắt của một người thanh niên một thời lầm lỡ hoá ra giản dị đến không ngờ. Người tù ấy bảo rằng, anh giống như một đứa trẻ được điểm 10 trong ngày đầu tiên đi học, vừa hạnh phúc, vừa bối rối, ngơ ngác, chỉ mong nhảy chân sáo về nhà khoe với mẹ.

Trên cả vật chất, khoản tiền nhuận bút đó, những bài thơ đăng báo đó đã chứng minh sự hối cải, ăn năn và khao khát được làm một con người thực sự đang ngày ngày bừng cháy trong tâm hồn của người thi sĩ trại giam này.

Nguyễn Thế Tấn kể rằng, vì là những bài thơ trong tù, nên hành trình của nó cũng vất vả, gian nan. Anh đã phải viết thư cho những nhà văn, nhà thơ mà anh vô tình biết được địa chỉ qua các phương tiện thông tin đại chúng, anh đã phải thắc thỏm chờ hồi âm trong lo âu, hi vọng và cả thất vọng.

Người mẹ già tội nghiệp của anh, vì thương con đã không quản đường xa, lặn lội lên miền rừng núi Phú Thọ, mang thơ của con trai ngược đường về với hi vọng ước mơ trở thành thi sĩ sẽ giúp đứa con lầm lạc của bà tìm thấy được con đường về với cuộc sống. Vì vậy, những bài thơ đã được hàng vạn độc giả đọc chính là lời xin lỗi ý nghĩa nhất mà Nguyễn Thế Tấn dành cho người mẹ ở đất cảng Hải Phòng.

(Theo Cảnh sát toàn cầu)

OA _ NỮ
31-08-2009, 07:03 AM
Câu chuyện đọc cảm động quá. Hi vọng he cải tạo tốt để được ân xá...19 năm, cái giá quá đắt cho một lần lầm lỡ.Án ở VN nặng thiệt, thảo nào bao nhiêu người VN khi qua đây họ nói ( Ở VN buôn lậu chút cũng bị mấy năm tù...Ở đây tha hồ buôn lậu, hay làm việc phi pháp cũng ko bị tù, nếu có cũng chỉ 1, 2 năm. Tội gì mà ko tận dụng kẽ hở của luật pháp mà làm giàu...)

Eric Cantona
31-08-2009, 07:04 PM
theo e đc biết 19 năm nếu đc ân xá thì cũg phải hoàn thành 2/3 quãng đường ... mong là ng ấy sẽ sớm đc ra về với con và ng mẹ già ở nhà