PDA

View Full Version : Hành trình 319 km rượu…



COCKOO
15-05-2009, 12:02 PM
Hành trình 319 km rượu…

Từ lâu tôi đã nghe danh, rồi có dịp được thưởng thức đặc sản rượu Shan Lùng, tuy nhiên chưa một lần được đến tận nơi, nhìn thật mắt, uống rượu tận vòi nên cũng giống như một chàng trai mang lòng yêu một cô gái nhưng chưa có dịp gặp mặt, tôi vẫn thấy như còn một mối nợ với loại rượu này. Nhân ngày nghỉ cuối tuần, tôi bắt tàu lên Lào Cai để bắt đầu cuộc hành trình 319 km rượu của mình, tìm đến thôn Shan Lùng, xã Bản Xèo, huyện Bát Xát.

http://www.vntravellive.com/upload/namth/image/thang1/Diem%20den/ruou/1%20(500%20x%20423).jpg

Vượt 270 km, chiều muộn một ngày cuối tháng 7 tôi có mặt ở Lào Cai. Anh bạn thân tên Đạt là công an huyện Bát Xát đón tôi ở ga tàu bằng chiếc xe u oát của đơn vị. Đêm hôm đó, tại bàn rượu gặp mặt ở thị trấn Bát Xát, cách thành phố Lào Cai chừng 11 km, từng chén, từng chén rượu Shan Lùng được uống cạn. Với tôi, bữa rượu tối đó để làm quen với con người và mảnh đất Bát Xát, cuộc hành trình khám phá “đất rượu” của tôi bắt đầu như thế.

http://www.vntravellive.com/upload/namth/image/thang1/Diem%20den/ruou/IMG_0080%20(500%20x%20333).jpg

Ngỡ ngàng… rượu

Đúng 7giờ 5 phút sáng, chúng tôi lên đường bằng xe máy cho “dễ bò” và cơ động. Đường lên đến xã Bản Xèo, “trung tâm thương mại” mua bán của nhân dân hai xã Bản Xèo và Mường Vi đích thị đường núi chưa được thi công nên toàn đá hộc rất trơn và sóc. Đến 9 giờ, sau khi vượt qua 27 km đường núi, đá sỏi ghồ ghề, qua hàng trăm lần đổ cua, độ dốc lên đến 250, thậm chí 300 chúng tôi có mặt ở chợ Bản Xèo. Đây là chợ phiên, chỉ họp vào sáng chủ nhật hàng tuần nên thu hút rất đông bà con dân tộc đến buôn bán và giao lưu. Trong chợ đông đúc, ồn ào nhất là khu bán rượu. Rượu trải dài từ cổng cho đến khu trung tâm của chợ. Chưa hết ngỡ ngàng, anh bạn đã kéo bệt tôi xuống một “hàng rượu” để thử. Mùi rượu thơm “điếc” mũi. ở đây, rượu được đựng trong những chiếc can trắng 20 lít, 10 lít, người bán, người mua tấp nập. Rượu được hút từ trong can ra bằng một chiếc ti - ô, nắp can thay chén. Cứ uống, cứ say, không biết là vì rượu trắng hay vì cặp má hồng, đôi mắt lúng liếng của cô gái bản. Người dân tộc rất tinh về rượu, họ chỉ cần nếm qua là biết rượu nhạt hay đậm, uống có bị nhức đầu không. Chợ Bản Xèo chủ yếu bán rượu gạo, rượu sắn và rượu Shan Lùng. Tuy nhiên, một điều làm tôi bất ngờ, rượu Shan Lùng “xịn” chỉ có ở thôn Shan Lùng, xã Bản Xèo, cách chợ Bản Xèo chừng 5 km đường núi.

http://www.vntravellive.com/upload/namth/image/thang1/Diem%20den/ruou/IMG_0303%20(500%20x%20333).jpg

Bò lên đất rượu…

Thôn Shan Lùng ở độ cao trên 1.100m. Người dân tộc Dao nơi đây sống ở lưng chừng trời, từ đời này qua đời khác nấu rượu bằng nước đầu nguồn, bằng men lá và thóc bản, chính những yếu tố này đã tạo nên một thứ “rượu đẹp” như vậy, góp mặt vào những danh tửu của đất Việt.

Rời chợ Bản Xèo, chúng tôi tìm đến thôn Shan Lùng, đường mới mở đỏ tươi màu đất mới, dốc khá cao. Đi xe máy được khoảng hơn 3 km thì hết đường lớn, chúng tôi phải để xe ở ngoài để cuốc bộ vào trong thôn. Xa xa dưới chân núi, những chiếc xe Ben, xe IFA chở đất lầm lũi bò lên dốc, nhìn không to hơn con ốc sên là mấy. Trời mưa, đường lầy toàn vết dấu chân trâu. Tôi và anh bạn phải bấu vào cây bên đường mới không bị ngã. Sau một hồi “bì bạch” vật lộn, chúng tôi cũng đến được nhà ông Lò Kin Phù, trưởng thôn Shan Lùng, đúng lúc gia đình ông Phù đang luộc thóc để nấu rượu. Phía trong nhà, đã có mấy mẻ thóc được luộc chín, đang tãi ra bạt chờ nguội, cạnh đó, bên bếp lửa hồng và một chiếc chảo bốc khói nghi ngút, cô con gái ông Phù đang luộc tiếp một mẻ thóc nữa (mỗi mẻ nấu từ 50 – 60 kg thóc). Bên cửa sổ, vợ ông Phù đang ngồi khâu áo. thời gian như đứng lại, chậm đI trên độ cao 1.100 m này, hay như chính những giọt rượu kia, đều đều, chầm chậm, như nhịp sống nơi đây và như chính sự công phu tỷ mỷ của quá trình nấu rượu Shan Lùng vậy.

http://www.vntravellive.com/upload/namth/image/thang1/Diem%20den/ruou/IMG_9888%20(500%20x%20333).jpg

Rượu Shan Lùng được nấu bằng thóc do bà con trong thôn tự cấy. Thóc được đem luộc cho đến khi nứt ra, nhìn rõ phầm thịt gạo màu trắng thì đem tãi ra bạt hay nong cho nguội bớt, sau đó rắc men vào, ủ như thế chừng hai ngày, sau đó sẽ chuyển vào ủ trong thùng, trong chum. Chừng 5 ngày đến một tuần thì có thể đem nấu. Quy trình nấu rượu Shan Lùng cơ bản cũng giống với các công đoạn nấu rượu bình thường, chỉ có khác ở nguyên liệu, men, nguồn nước, cùng với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Men rượu là bí quyết gia truyền, người Dao trong thôn Shan Lùng không truyền cho con gái. Men được sản xuất từ các loại lá cây trong rừng. Mỗi quả men to khoảng chừng bằng cái bánh rán, màu nâu (do cất trên gác bếp), đường kính quả men khoảng 8 - 10 cm. Mỗi quả nấu được một mẻ thóc. Nguồn nước nấu rượu được lấy từ những khe nước nhỏ trên núi Tam Long. Nước được dẫn về nhà bằng cây bương, cây vầu. Núi Tam Long được hợp thành từ ba ngọn núi chụm lại với nhau. Tiếng Dao, Shan Lùng có nghĩa là “ba con rồng”. Do đó nếu gọi là Sán Lùng là không chính xác. Ông Phù cho biết: “rượu Shan Lùng chỉ ngon khi được nấu bằng nước khe, còn nếu nấu rượu bằng nước suối, chảy thành dòng lớn sẽ không ngon, không đúng vị Shan Lùng”.

Khác với các loại rượu Shan Lùng tôi từng uống trước đây, rượu Shan Lùng “xịn” trong vắt như nước suối, không màu. Mới rót ra chén, tận buồng trong mà hương thơm ngào ngạt bay ra tận gian nhà ngoài. Ông Phù mời tôi thử một chén. Vị cay, cùng với hương thơm của rượu lan toả, một cảm giác lâng lâng bay bổng. Cơ thể nóng bừng, khoan khoái. Cái thú của việc thưởng thức rượu Shan Lùng lại chính ở việc thưởng thức thứ rượu này, ngay bên bếp lửa hồng, bên nồi nấu rượu, tại nơi khai sinh ra nó. Anh bạn bèn trêu tôi: “thế là đã thoả niềm mong ước nhé! Cậu đang uống rượu Shan Lùng trên độ cao hơn nghìn mét đấy, đáng cái công “trèo đèo lội suối rồi nhé! ”.

Từ biệt thôn Shan Lùng, trên tay tôi có thêm một chiếc can nhựa 2 lít, rượu nhà ông Phú nấu, mới ra lò và còn ấm lắm. Món quà về xuôi với tôi thật ý nghĩa, chắc chắn khi cùng những người bạn nâng ly, tôi sẽ kể cho bạn bè nghe về cuộc hành trình của mình: 319 km rượu....

http://www.vntravellive.com/upload/namth/image/thang1/Diem%20den/ruou/IMG_9969%20(500%20x%20333).jpg

Thông tin thêm

Đến Lào Cai bằng cách nào?

Từ Hà Nội, có ba chuyến tàu hoả đi Lào Cai khởi hành vào 20h30’ hàng tối . Khoảng 5 giờ sáng hôm sau tàu sẽ đến ga Lào Cai.

Đến Mường Hum bằng cách nào?

Từ bến xe Lào Cai, bắt xe đi Mường Hum, bắt xe tuyến này rất dễ vì có khoảng 5- 6 chuyến/ngày. Trên đường đến Mường Hum, xe sẽ chạy qua thôn Shan Lùng ( trung tâm thôn Shan Lùng chỉ cách mặt đường quốc lộ khoảng 3km).

Đến huyện Bát Xát bằng cách nào?

Từ thành phố Lào Cai đến trung tâm huyện Bát Xát là 12 km, từ trung tâm huyện Bát Xát đi đến Shan Lùng là 26 km. Có thể đi ô tô nhưng đường gập ghềnh nên rất sóc, phương tiện tốt nhất cho khách du lịch là thuê xe máy của người dân bản địa để tự đi, (có thể đi về trong ngày là khám phá được hết cả Shan Lùng và Mường Hum).

Giá rượu ngô tại Shan Lùng dao động từ 18 - 19.000đ/lít (mua tại thôn).