PDA

View Full Version : Nhà thơ Tế Hanh qua đời



chuột con
17-07-2009, 11:05 AM
Nhà thơ Tế Hanh qua đời

http://www.bbc.co.uk/worldservice/assets/images/2009/07/16/090716123410_te_hanh.jpg
Nhà thơ có nhiều thành tựu ở cả phong trào Thơ mới và sau 1945 đã qua đời hôm 16/07 ở Hà Nội, vì căn bệnh tai biến não nhiều năm.

Sinh năm 1921 ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Tế Hanh bước vào phong trào Thơ Mới với tập thơ Nghẹn ngào (1939), được giải khuyến khích của Tự lực văn đoàn.

Nhà văn Nhất Linh, khi công bố giải, đã nhận xét: "Tế Hanh có rất nhiều hứa hẹn trở nên một thi sĩ có tài, ông có một linh hồn rất phong phú, có những rung động rất sâu sắc; và để diễn tả tâm hồn, ông có đủ nghệ thuật và cách đặt tìm câu chữ."

Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh - Hoài Chân cũng khen tác giả "là một người tinh lắm".

Như nhiều trí thức, văn nghệ sĩ yêu nước hy vọng một cuộc đổi đời sau ngày độc lập 1945, Tế Hanh phấn khởi đi theo cuộc kháng chiến chín năm.

Trong một bài viết về Tế Hanh trước lúc ông qua đời, nhà phê bình Vương Trí Nhàn cho rằng từ 1954-1986, ông là "một trong những cây bút hàng đầu của nền thơ".

Điểm đặc biệt ở nhà thơ, theo Vương Trí Nhàn, là "suốt thời gian 1945 - 1975, qua việc khai thác những oái oăm ngang trái trong tình cảm nẩy sinh từ việc đất nước bị chia cắt, Tế Hanh đã tạo nên được cả một mạch thơ buồn, nó là một thành phần tự nhiên của tình cảm con người, tuy rằng bao giờ nó cũng mang bóng dáng riêng tư của thời đại".

Còn nhà thơ Thanh Thảo, người cùng quê Quảng Ngãi, nhận xét với BBC Việt ngữ rằng thơ Tế Hanh "mộc mạc, trong trẻo, giản dị như một dòng sông."

Tế Hanh viết nhiều về nỗi nhớ của người xa quê, qua các bài như Quê hương, Nhớ con sông quê hương...

Theo Thanh Thảo, ngay từ lúc xuất hiện trong phong trào Thơ Mới, Tế Hanh đã là hiện tượng "vì sự mộc mạc, chân thành."

"Thơ Tế Hanh không có gì lạ lẫm, gần gụi như con đường làng, dòng sông, nhưng đọng lại trong ta rất lâu khi ta đã đi qua," nhà thơ Thanh Thảo nói.

Phản bác ý kiến cho rằng thơ của Tế Hanh, như nhiều người khác của thời Thơ Mới, đã kém đi từ sau 1945, ông Thanh Thảo nói:

"Có rất nhiều bài bình thường của Tế Hanh, thì vẫn có những tác phẩm rất hay sau Cách mạng, vẫn hồn nhiên như thế. Thơ sống lâu hơn các cuộc cách mạng, biến thiên của lịch sử."

Một góc Nhân Văn

Năm1957, sau khi Hội nhà văn Việt Nam thành lập, Tế Hanh tham gia Ban Biên tập tuần báo Văn của Hội.

Theo ông Lại Nguyên Ân, khi báo Văn bị tạp chí Học tập phê bình là không thể hiện được "con người thời đại" (con người XHCN), Tế Hanh là một trong những nhà văn lên tiếng phản đối mạnh mẽ, cho là biểu hiện của thứ phê bình giáo điều, máy móc.

Rốt cuộc, báo Văn bị đóng cửa. Sau khi kết thúc đợt chống Nhân Văn - Giai Phẩm, Hội nhà văn ra báo "Văn học" chứ không tiếp tục báo "Văn".

Tế Hanh cũng có một kỷ niệm dính đến vụ Nhân Văn - Giai Phẩm, nhưng là ở một góc cạnh khác.

Năm 1956, ông được cử đi Trung Quốc cùng nhà thơ Phan Khôi (1887-1959) dự hội nghị kỷ niệm Lỗ Tấn.

Sau đó, Phan Khôi, vì tham gia thành lập tờ Nhân Văn và có các bài phê phán giới lãnh đạo văn nghệ, đã bị chỉ trích và bị cấm sáng tác trước lúc qua đời năm 1959.

Trong lúc xảy ra cuộc đấu tranh này, theo Lại Nguyên Ân, Tế Hanh cũng đã viết phê bình Phan Khôi "tương đối nặng" về chuyến đi Trung Quốc.

Có một câu chuyện sau này, trong thời Đổi Mới, được Tế Hanh kể lại.

Trước khi Tế Hanh và Phan Khôi đi Trung Quốc, hai ông đến một tiệm may áo comlê.

Mấy chục năm sau, hồi thập niên 1980, Tế Hanh tình cờ gặp lại người thợ may đó, và được cho hay "vì tôi may áo cho ông Phan Khôi, sau này họ bắt tôi đi cải tạo gần chục năm".

Ông Lại Nguyên Ân cho rằng sau vụ Nhân Văn - Giai Phẩm, Tế Hanh "ít nhiều mất đi hăng hái sáng tác".

Dẫu vậy, ông nhận định Tế Hanh là "một trong những gương mặt đáng kể của nền thơ Việt Nam thế kỷ 20".

nguồn BBC

chuột con
17-07-2009, 11:07 AM
http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/15/40/tehanh1.jpg

Một chút gì cho anh

một người đi phải đâu là vĩnh biệt
thơ vẫn còn như bóng thoáng qua đây
dưới mồ kia thân gầy có hoang lạnh
lệ tôi rơi mong đất ấm dần lên.

17/07/09
chuột con