PDA

View Full Version : Cảm nhận về Traumerei



NHỘNG
30-06-2009, 04:00 PM
Theo yêu cầu của bạn traumerei, tôi xin được nhận xét về bản 2 bản traumerei/Mơ mộng (Phạm Duy) do Lệ Thu trình bày và Traumerei/Những ngày mộng mơ (Dương Thụ) do Mỹ Linh trình bày như sau:
Thứ nhất xin nói về lời ca: Xét về lời ca của 2 nhạc sĩ của 2 thế hệ thì với cảm nhận của riêng tôi thì Ns.Dương Thụ đặt lời không thể bằng với Ns.Phạm Duy được. Nói về NS.Phạm Duy, đã được xưng tụng là Ông vua tình ca của tân nhạc Việt Nam, về mặt ngôn ngữ học Phạm Duy là một trong những nhạc sĩ đặt lời hát hay nhất của nền tân nhạc Việt Nam, cho nên khi ông đặt nhạc cho những bài thơ hay mượn những ý thơ để soạn thành ca khúc thì không phải vì ông cạn lời mà chỉ vì ông rung động trước ý thơ như “ Kiếp nào có yêu nhau, Đừng bỏ em một mình – của Minh Đức Hoài Trinh; Ngậm Ngùi – của Huy Cận; Tiếng Sáo Thiện Thai- của Thế Lữ ….”. Khi ông đặt lời cho những ca khúc cổ điển, bán cổ điển … Tây phương như Trở về mái nhà xưa, Ave Maria, Chiều Tà, Bang bang, Mộng mơ, Người tinh lara, Lá Rụng, Ánh đèn sân khấu … thì cho đến nay chưa có ai sánh bằng. Nói lại về ca khúc mà Traumerei muốn tôi đưa ra cảm nhận mà 2 nhà nhạc sĩ đặt lời thì tôi xin nhận xét như sau:
Lời ca của Ns. Phạm Duy như một bài thơ với những hoài niệm về một người cũ trong một buồi chiều tà “Chiều rơi từ nơi nào xa vắng cũ. Bóng đêm về đón trời sầu thương nhớ và lòng nặng mong chờ.”. Trong đó nói về cuộc tình đã chia xa nhưng không bi lụy, cuộc tình đó phải chia ly theo kiếp số đã định mà người nhạc sĩ không muốn oán trách người tình khi cuộc tình tan vỡ “Vì sao lìa nhau để theo kiếp số? Cách xa nhiều quá, nhờ đêm chiếu cho thêm mịt mù.”. Vẫn một hoài niệm về mối tình xa xưa đi xuyên suốt cả lời ca khúc, người nhạc sĩ vẫn cho người nghe thấy cảm nhận về một mối tình đẹp nhưng không trọn vẹn “Tình ta hòa theo vệt sao bở ngỡ, tới nơi mơ hồ có một trời hoa, suốt một đời mơ ước thành tình ta”.
Còn về lời ca của Ns.Dương Thụ tôi nghe như một bài văn xuôi tả cảnh “Những con đường lá xòe xanh non” ; “Những con đường lá vàng như mơ bỗng xa mờ”. Nghe đâu đấy thấy như lời ca của bài Trưa Vắng - Huy Tuấn mà NS. Dương Thụ đã đặt lời “Những con đường lá xòe xanh non, góc đường nơi anh vẫn hẹn” . Tôi không cảm nhận được sự rung cảm và cái hay trong lời ca này.
Nói về hai giọng ca Mỹ Linh với Những ngày mộng mơ do Ns. Dương Thụ đặt lời và Lệ Thu với Mộng mơ do Ns. Phạm Duy đặt lời, tôi có cảm nhận như sau:
Về chất giọng, Mỹ Linh hát thể loại này hay hơn Lệ Thu. Nhưng qua cách mà Mỹ Linh thể hiện thì nhạc phẩm này nghe ở quán Bar thì hợp hơn, đoạn cao trào ca sĩ này hát nhanh quá, mất đi cái Mơ Mộng của bài hát.
Còn về danh ca Lệ Thu, khi hát ca khúc này Lệ Thu không còn ở đỉnh cao của sự nghiệp nữa, không còn là cô nữ sinh Bùi Thị Oanh với những day dứt của “Đêm vũ trường” hay những gửi gắm của những tâm hồn hoang khi phải “xa Hà Nôi năm lên 18 khi vừa biết yêu ” nữa, mà là vẫn chỉ là Lệ Thu của “Tiếng hát bay trên thành phố bâng khuâng” . Lệ Thu thể hiện ca khúc Mơ Mộng do Ns Phạm Duy đặt lời một cách quá chậm rãi, người nghe chưa thấy được cái hay qua cách thể hiện này.
Với tôi, ca sĩ thể hiện ca khúc Traumerei/ Rêverie/Mơ mộng do NS Phạm Duy đặt lời hay nhất phải là nữ danh ca Mai Hương. Traumerei cho cảm nhận khi nghe Mai Hương trình bày ca khúc này nhé.
Đây chỉ là những nhận xét của cá nhân tôi thôi, tôi không đủ trình độ để nhận xét lời nhạc cũng như giọng hát của các ca sĩ, nhạc sĩ đã thành danh ở trên mà chỉ là một nhận xét của một cá nhân mà thôi.
1. Những ngày mộng mơ (Dương Thụ)- Mỹ Linh (http://www.fileden.com/files/2009/5/14/2441376/Nhung%20Ngay%20Mong%20Mo%20-%20My%20Linh%20.mp3)
2. Mơ mộng (Phạm Duy) - Lệ Thu (http://www.fileden.com/files/2009/5/14/2441376/Mo%20Mong-Le%20Thu.mp3)
3.Mơ mộng (Phạm Duy) - Mai Hương (http://www.fileden.com/files/2009/5/14/2441376/Mo%20mong%20%28Reverie%20-%20LV%20Pham%20Duy%29%201996%20-%20Mai%20Huong%20.mp3)

Traumerei
04-07-2009, 04:07 PM
Trời ơi, vẫn nhớ là mình hỏi cảm nhận của KTMQA về Traumerei/Mơ mộng (Phạm Duy - Lệ Thu" và Traumerei/Những ngày mộng mơ (Dương Thụ - Mỹ Linh) mà giờ đọc tiêu đề của thread này vẫn giật mình. Tưởng có ai than phiền gì về nick Traumerei vì cái tội không biết gì mà lại hay đòi hỏi chứ (j/k) :o

Cảm ơn KTMQA đã viết một bài rất tỉ mỉ trả lời Tr. về hai phiên bản tiếng Việt của Traumerei/Reverie (Schumann). Tr chỉ định hỏi cảm tưởng của KTMQA về hai bài hát, hai giọng ca để làm của thôi ai dè KTMQA đòi lại vốn thế này. Tr. mà không trả lời bạn thì thật là không phải. Nhưng quả thực Tr. chỉ toàn nghe được chăng hay chớ nên những gì viết ra đây chỉ là những cảm nhận rất đơn giản và rất cá nhân của Tr. thôi. KTMQA đọc lên thấy “ngô nghê” quá thì bỏ qua cho Tr. nhé.

Trước hết nói về Mơ mộng. Không ai có thể phủ nhận tài đặt lời Việt cho những bản nhạc nước ngoài của Phạm Duy. Mơ mộng của Phạm Duy dẫn người ta về những hoài niệm của một tình yêu xưa, da diết mà không bi lụy, than trách. Cách phối âm trong Mơ mộng của Phạm Duy cũng gần với Traumerei của Schumann hơn là Những ngày mộng mơ. Lãng đãng, nhẹ nhàng…

Tuy vậy, Tr. cũng có cảm nhận giống KTMQA về tiếng hát Lệ Thu và Mơ mộng. Mặc dù Lệ Thu hát rất tròn vành rõ chữ, một đặc điểm mà không nhiều ca sĩ hiện nay có được, nhưng khi nghe Lệ Thu hát không hiểu sao Tr. không thấy mình “mơ mộng” như khi đắm mình vào giai điệu du dương trong Reverie của Schumann. Có lẽ bởi khi Lệ Thu hát bài này giọng hát của bà đã qua thời đỉnh cao đã lâu nên Tr. chỉ cảm thấy sự lê thê, mệt mỏi và gắng sức. Mai Hương đúng là ca sĩ đã thể hiện thành công nhất Mơ mộng của Phạm Duy, nhẹ nhàng mà sang trọng.

Mặc dù vậy Tr. cũng rất thích Những ngày mộng mơ của Dương Thụ, cả về ca từ, cách phối âm cũng như giọng ca của Mỹ Linh trong tác phẩm này.

Trước hết nói về ca từ, nếu như Mơ mộng của Phạm Duy vẽ lên trước mắt ta hình dáng một tiểu thư khuê các đang ngồi sạu song cửa nhớ về người tình đã xa, với đầy đủ những nhớ thương, hoài niệm và... với một dáng vẻ rất cam chịu vào số phận thì Những ngày mộng mơ của Dương Thụ mang đến cho ta cũng một người con gái đang nhớ thương, đang hoài niệm về mối tình xưa nhưng có gì đó mạnh mẽ hơn. Những nhớ thương của cô gái trải cùng những kỷ niệm theo bốn mùa. Tình yêu trong hoài niệm của cô là sự tươi vui của mùa xuân, sự nồng nàn của mùa hạ, nỗi buồn man mác của mùa thu và nỗi cô đơn day dứt của mùa đông. Mặc dù vậy, người con gái trong Những ngày mộng mơ dường như không cam chịu vào số phận và sự cách xa mà “biết anh là xa xôi, vẫn đợi chờ”, vẫn thắp “ngọn đèn khuya” trong “cơn mưa phùn” và mơ mộng về những ngày xa xưa…

Người con gái trong Mơ mộng là người con gái của những năm 40 – 50 của thế kỷ trước còn người con gái trong Những ngày mộng mơ là người con gái của những năm đầu thế kỷ 21 này. Có phải vậy nên Tr. thấy mình gần gũi hơn với Traumeren/Những ngày mộng mơ chăng?

Hòa âm của Những ngày mộng mơ cho dù không gần với Traumerei của Schumann bằng Mơ mộng nhưng có lẽ đó là chủ ý của các tác giả (Dương Thụ - Huy Tuấn) để mang lại một vẻ tươi mới, hiện đại cho bản nhạc. Mặc dù Mỹ Linh đôi khi lợi dụng cộng minh mở hơi lâu nhưng cô đã thể hiện rất thành công Những ngày mộng mơ theo cái cách mà Tr. nghĩ rằng các tác giả của bài hát muốn nó được thể hiện. Cách ngân giọng, nhả chữ của Mỹ Linh làm cho những sự hoài niệm và mộng mơ dường như mênh mang hơn…

Mấy dòng cảm nhận rời rạc của Traumerei về Mơ mộng và Những ngày mộng mơ, gửi KTMQA đọc cho vui.

Have a nice weekend!