PDA

View Full Version : MỊ LỰC - Nguyễn Hiệp



COCKOO
13-05-2009, 12:42 PM
Truyện ngắn của Nguyễn Hiệp:

MỊ LỰC

Uống đại dương no cứng nỗi ham mê

Vẫn chết khát bụng người nhai đá tảng



Bốp… Bốp… Có một bệnh nhân tâm thần chốc chốc lại vỗ hai tay vào nhau, miệng lại lầm bầm: “Vì tao, tao phải đánh mày, vì mày tao phải đánh mày, đánh tao…” Thoạt đầu, chẳng ai hiểu bệnh nhân tên O này muốn nói gì, sau một lúc, mọi người mới ồ lên: A, là vỗ muỗi. Chính vì câu đố buồn cười ấy của O mà trong bệnh án có ghi thêm “dị ứng với muỗi” rồi lại thấy thêm dòng gạch nối “muỗi chứ không phải mũi”. Ai đọc trang bệnh án này cũng phì cười vì sự lẩm cẩm của vị bác sĩ tâm thần, nhưng ai đã từng ở bệnh viện lúc ấy thì thấy thương cho ông bác sĩ già suốt ngày bị “tra tấn” bởi những câu chuyện muỗi, giấc mơ muỗi quái dị của bệnh nhân tên O này. Có thời điểm tưởng O hết bệnh, vị bác sĩ đưa cho O một trang sách tiếng Anh, O đọc rành rẽ, giọng chuẩn Luân Đôn làm cho vị bác sĩ gật gù liên tục. Bác sĩ hỏi chuyện thiền, trúng đài, O phát một thôi một hồi những hiểu biết sâu sắc không chê vào đâu được. Cũng vì câu nói tỉnh táo của O: “Thiền giúp uốn nắn đặc tính dân tộc và văn hoá” mà vị bác sĩ chắc ăn O hết bệnh. Khi O bước ra cửa, ông còn nhận xét : “Thành phần của nông dân miền Nam thật phức tạp, trước khi mặc áo nâu, họ mang áo trắng cổ cồn, quá nhiều người như vậy…”



Đầu giờ chiều, vị bác sĩ đem giấy xuất viện đến cho O thì không thấy O đâu cả, bác sĩ nhìn xuống gầm giường thì phát hiện ra O đang thu mình một góc.

-Anh làm gì ở đó?

-Suỵt suỵt… Để cho mấy con muỗi tìm chết cha nó luôn…



Vị bác sĩ lắc đầu cất tờ giấy xuất viện vào túi. Trong cái lắc đầu của vị bác sĩ có sự thất vọng, có cả nỗi buồn thương những gì bệnh nhân O đã trải qua, buồn thương cho cả những giấc mơ kì dị mà ông đã nghe bằng cả tấm lòng khi chính O kể lại vào những ngày đầu óc tỉnh táo.

&

…O lôi cái bàn ủi “con gà” trong góc bếp ra, dốc dốc tay trút hết lớp tro bụi, tẩn mẩn tỉ mỉ lau cái khớp nắp hình đầu con gà bằng đồng đã rỉ xanh, hì hụi ngồi quạt mấy cục than cho hừng đỏ, công việc mà hơn hai mươi năm nay ông chưa lần nghĩ tới. O hất nắp đầu gà đánh trốc một tiếng vừa nghĩ: “Chà, rồng lại mời tôm đến nhà, chuyện lạ đây.” Vừa đè mạnh tay đưa cái bàn ủi qua qua lại lại các nếp nhăn của chiếc sơ mi “si- đa” mới mua mùa lúa trước, O vừa nghĩ ngợi lung trong đầu. O khoác áo, vuốt thêm mấy lần vạt cho phẳng rồi băng bờ ruộng qua khu toà nhà cao lớn, sáng trưng ánh điện.



-Ô, người anh em, hàng xóm với nhau bao nhiêu năm…

-…Nhà lớn ngạch cửa cao…

-Ôi, của nả phù du, láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau. Chẳng qua anh… Thôi, mời mời…

-…

… - Mây xứ mình lạ thiệt đó! Đêm mà mây cứ mồn một như giữa ban ngày. Tui gọi nó là mây Niết bàn, anh thấy được hông? Hắn nói. O ậm ừ. Không phải là không có gì trong đầu nhưng O mang máng ngờ cái lõi của chuyện mời mọc này chưa được nói ra. Khi hắn gọi thứ mây hồng ở đây là mây Niết bàn thì O định cãi lại: Niết bàn là cõi không còn tham sân si sao lại ví kì cục vậy được, nhưng rồi chính O cũng đã tìm được cách lí giải theo hướng ma ma Phật Phật của hắn, thật ra thì do nhiều đêm ngồi một mình O cũng thường ngắm mây hồng bay trong đêm.



…Mây hồng trôi trong đêm là thứ phù hoa hơn tất cả các loại phù hoa, có lần ngồi bó gối ngước lên bầu trời, O đã lẩm nhẩm hát một đoạn như vầy: “Cho mây ươm tóc em nồng /Tình yêu tắm trong mây hồng…”, nhưng rồi thả trôi ánh mắt mình hồi lâu theo những mảng sắc hồng hồng anh ánh đó O chợt xấu hổ vô cùng vì cái tính trời trợt bẩm sinh của mình, đến mức nhầm lẫn thứ màu mỡ giả tạm, thứ phong lưu mượn hồn độc hại với nhẹ hồng buổi sớm, với rung động đầu đời, với đôi môi nồng nàn lãng mạn đẹp đẽ nhất kiếp nhân sinh. Mây hồng ở đây là loại mây xà xuống thấp do ánh đèn của hàng chục ngàn bóng điện tròn bảy lăm oat đồng loạt hực lên cả đêm mà hồng hồng đỏ đỏ vàng vàng, mà biến ảo hư hư thật thật, bởi vậy sắc của nó mới vừa giả tạo vừa bợm bãi đe doạ làm sao, hình của nó mới vừa hào nhoáng, vừa rỗng xốp đến kẻ dại nhất cũng sinh lòng nghi ngờ, hồn của nó lờ đờ trôi thấy đó mà như là chẳng có. Nó là ngọn lửa đã tắt. Nó sinh ra từ hư không (hư không chứ không phải tính không) và đang lừ lừ bay về hư không, như một xác tro không hơn không kém. Vậy mà hắn, gã trọc phú mới, đi đâu ngồi đâu cũng xưng danh nhà thơ ấy, cứ huyên thuyên.

COCKOO
13-05-2009, 12:43 PM
Chỉ miền quê rặt, chó ăn đá gà ăn muối, mái tranh vách đất u u ám ám… mà rồi đột ngột xôn xao nhà nhà người người chong điện sáng trời sáng đất, mật độ hạ bình điện trong nháy mắt đã hình dung biểu đồ dâng một cột đỏ lòm lòm cao nhất nước, xe xe cộ cộ rồ rồ ăn chơi bia bọt, tiệc tùng chung chi, mánh mung, phe cánh, thủ đoạn rục rịch trắng đêm,… mới có loại mây hồng lờ lờ sáng bầu trời khuya. Màu mây, loại mây ấy chưa thời nào, chưa nơi nào trên trần gian này đường đường chính chính trình diễn trên bầu trời đêm lâu vậy. Phàm thứ gì màu mỡ giả tạm, qua nhanh thì người đời gọi phù hoa, vậy mà mây hồng ở đây thì hắn lại xem là mây Niết bàn: rung riêng rủng riểng trắng nói đen còn được thì bài ca con cá mây Niết bàn nghe sặc luận điệu ru dụ có gì là lạ, những gã “nhà thơ” địa phương như hắn xét cho cùng chỉ là những thứ trang sức, đầu sai hoặc dùng mỹ từ “thơ” chỉ một mục đích là “cho sang”, (nghe nói có người trong hai năm đã viết được chín trăm bài thơ, gửi đăng khắp các tờ tin từ cấp huyện cho đến cấp ngành nghề, có người nhờ hai tiếng nhà thơ mà thăng quan tiến chức như diều gặp gió, có kẻ trọc phú mở miệng là “cánh nhà thơ tụi mình”… Kiểu “nhà thơ” nhan nhản các chiếu nhậu), họ không đáng để tranh cãi. O thầm nghĩ vậy rồi đưa tay phẩy một cái vào khoảng không.



Uống hết hai bình trà với đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Hắn huyên thuyên. O ậm ờ. Mấy lần nhìn vói xuống bếp, hắn mới hắng giọng: Xong chưa bây? Dọn cho bác O với tui mâm đặc biệt nha, dọn thẳng ngoài hiên này cho mát! Vợ hắn lật đật bưng mâm chén bước lên, thơn thớt nói cười, chợt mắt bỗng lấm la lấm lét, mặt cúi gầm xuống đất. O đã thấy được thái độ ấy nhưng chưa biết nó là gì. Mùi thịt thà, xà lách, bánh mì bay thốc lên mũi, O cố kềm chế để không phải nuốt nước miếng.



Hắn tự tay nhấc chiếc chảo dày đặt lên bếp ga, đổ dầu ăn vào, chảo vừa bốc lên mấy sợi khói, hắn gắp hai miếng thịt bò bỏ vào xèo xèo, đẩy qua đẩy lại. Hắn nói: Món bò bít tết này phải làm tới đâu ăn tới đó mới ngon. O đã nuốt trôi ba miếng, ly rượu Tây đã làm hai má O nóng bừng, O mới hỏi “Nay có chuyện gì mà thịnh soạn thế này?” “Có gì đâu, hàng xóm láng giềng chiều chiều lai rai với nhau tí chút thì nhầm nhò gì mà thịnh với soạn.”…

Khi đã ngà ngà lâng lâng, hắn đưa O ra cổng, vừa vỗ vỗ vai, hắn vừa thì thào: Tôi chỉ cho anh bí quyết làm thịt bò cho mềm nghen: Một chút chanh, anh nhớ chưa, còn hầm thì phải là ổi non, chua chát nó mới mềm, chua chát nó mới…mềm… Hắn vỗ vai O một cái thật mạnh rồi cười hề hề quay vào nhà.



Mấy lần lên bờ xuống ruộng, cuối cùng O cũng lảo đảo đặt chân lên đất nhà. “Chua chát nó mới mềm”, sao hắn lại nhấn mãi cái câu ấy? Chợt có linh tính điều gì đó chẳng lành, O phăm phăm tiến về phía chuồng bò nhà mình. Lẽ ra O phải nghe tiếng cạ cạ vào chuồng của con Khú mới phải, sao lại im lặng? O rút khúc cây cài cửa. Con Khú nằm bẹp một góc chuồng. Chân O dẫm phải thứ gì sền sệt như bùn. Máu! O dụi mắt liên tục, rõ ràng là máu…

&

Cuộc đời O nghĩ cũng tủi thân, thật ba chìm bảy nổi chín lênh đênh. Lúc còn nhỏ thì tức tối lồng lộn với bọn bạn bè trẻ con cứ theo trêu chọc bằng cái câu hỏi khốn kiếp “Ai đi đó?”, rồi nói lái lại là “O đi…”, chỉ vậy mà suốt thời niên thiếu lúc nào O cũng như người ngứa gan, sẵn sàng cà khịa với bất cứ ai. Lem luốc lớn lên, giấc mơ nào cũng thấy mình đóng vai người hùng, kẻ giàu có, được thiên hạ ngưỡng mộ nghiêng mắt lặng người, nhưng mải chỉ trơ những bước chân khập khiễng té trượt chúi nhũi bữa đói bữa no, giờ lại ánh hồng tàn tro, mị lực đảo chao bám riết hành hạ trong đầu. Từ ngày nghe được ba tiếng Mây - Niết - Bàn, lòng chợt bất an, nửa muốn cãi lại cái gã nhà thơ trọc phú mở miệng là văn nhã xập xoè, nửa hy vọng tìm ở đó sự quyến rũ, lý giải khác: Có thể Niết bàn ở đây được hiểu là cách nói theo kinh nghiệm nội tâm. O trách mình sao lại không biết trong lịch sử thiền cũng đã từng có cách nói “Cầu trôi chứ nước không trôi” phi lý và mâu thuẫn này? Có lẽ tay nhà thơ lừa bịp mua đất của O nói những điều phi lý một cách đầy lý lẽ? Rồi O muốn xét lại mình, O phỉ báng mình, coi ba cái lý sự cùn, ba cái chữ sĩ trong đầu có phải là thứ vô dụng ác độc giam hãm tù đày mình lâu nay.



Vì muốn mua mấy mảnh ruộng và lô vườn liên canh liên cư mà hắn đành đoạn cho người thẻo mông con bò Khú để tách O ra khỏi mảnh ruộng của mình. Bữa tiệc thịt bò bít tết ấy đã làm O chết điếng cả năm trời, chẳng làm ăn gì được, O đã khóc hết nước mắt. Nhớ lại đêm ấy, O ngồi ôm ngang cổ con Khú suốt đềm, mắt dại chằm chằm nhìn muốn đục chém màn đêm cho hả giận. “Khú ơi! Là Khú ơi! Mày có tội tình gì đâu!?” Đến nửa khuya, thì O cũng gào rú được một thôi một hồi. Con Khú đã gắn bó với O trên mảnh ruộng sớm sớm chiều chiều như hình với bóng hỏi làm sao không buồn thương cho được. Cứ nhìn cái lưỡi cày rỉ sét lỗ chỗ vàng, bơ vơ bất động nắm một góc hiên là không cầm nước mắt. Mỗi lần rơi nước mắt là mỗi lần hình ảnh cặp mắt lấm lét của vợ hắn lại hiện lên làm cho người O căng lên, nóng bức không chịu nổi… Cuối cùng lòng thù hận cũng nguôi ngoai, bởi làm gì hắn thì thật tình O cũng chẳng dám làm gì phạm pháp, đành ngậm chát nuốt chua mà bán tất cả ruộng vườn hương hoả ông bà để lại cho hắn. Đôi lúc, nhớ lại mọi chuyện, O còn cám ơn hắn, nhờ hắn mớm cho viễn cảnh “phi thương bất phú” mà anh mới có ý tưởng độc đáo riêng mình. O mang tiền bán đất đi thuê một lô mặt đường, O gò lưng đi gom lượm, khiêng, vác, thồ mấy chục phiến đá vảy đủ hình thù trốc ra vương vãi dưới chân núi, mướn thợ may hàng chục bộ nhục bồ đoàn, áo nâu, mở quán cà phê Thiền, với mong muốn giúp người tĩnh tâm, quên đi sân hận, ham muốn, O quá ngao ngán với những chiếc bóng người, mọi tầng lớp, đang xoèn xoẹt lao đi cuồng dại mê đắm với bụi đường, bụi tiền, bụi tham bám dính, bụi ác dày trơ ngoài kia, quá ngao ngán với bao thủ đoạn ác độc chiếm đất, chiếm nhà của bọn trọc phú mới. O muốn xả và cũng muốn mọi người cùng xả nhưng O đã nhầm, con người ở đây chỉ chiếc bè trôi chở chống lòng tôn sùng của nả, bạc tiền đang mê cuồng trôi với cuộc đời bão dông. Thời của những thói mạt tâm. Quán khai trương cả tháng vẫn vắng như chợ bà Đanh, lỗ trắng mắt lại còn bị người ta chửi cho ê mặt: Vớ vẩn, uống cà phê để bàn chuyện làm ăn, để bạn bè tán gẫu, để giết chết thời gian… sao thiền được. Dù O ra sức thuyết giảng, giải thích cũng không ai nghe. O nói: Ngồi tĩnh tâm với ly cà phê sẽ giúp mọi người đánh thức sức mạnh vốn có bên trong mình. Họ bịt tai, bịt mắt, bịt miệng.

COCKOO
13-05-2009, 12:44 PM
Lời nói của O gió thổi bay đi. Thiền quán của cũng tan như bọt nước. Từ ngày cất những chiếc áo nâu và những chiếc nhục bồ đoàn vào một góc nợ nần, O chuyển qua mở trại bia lộ thiên ven con đường vào Lũng Say này, những đêm vắng khách O thường nhìn mây hồng bay, lâu dần thành thói quen, O đâm nghiện loại mây phù hoa này mới hết nước nói. Khách quen ở trại bia thường ngồi ngập vào những buổi chiều chỉ là cán bộ công nhân viên chức và các tay mánh mung buôn bán chung chi, lần đầu tiên O thấy gã nông dân xuất hiện ở đây mà lại uống “lầy”, không biết bao nhiêu là vỏ bia vương vãi quanh bàn, quanh chân. Thoạt đầu, gã uống và nói chuyện trâu bò heo gà, thanh long gạo đậu:



-Hai răng trưởng thành chính giữa mọc bằng, hai răng sữa áp vừa rụng, nó hai năm tuổi. Tôi nói sai tuổi trâu mới là lạ…

…- Thanh long năm nay được giá, cái xứ chết đói đến nơi, bo bo mì lát muôn năm, tự dưng lại được trời cứu đói…

Sau đó, gã tự kể chuyện của mình, rồi gã khóc, rồi gã hát như bị rượu xô rượu đẩy, tẩu hoả nhập ma, sa đà trẻ nhỏ. Gã này uống bia nhiều đến nỗi O nhìn mà say theo. Cũng có thể trí tưởng tượng của O có vấn đề, nhìn gà hoá cuốc còn đỡ, đằng này lại nhìn một nhoè thành ba, O thật sự thấy trên cái bàn ấy có ba người ngồi, O nghe rõ ràng họ nói chuyện với nhau, họ hát với nhau. Thoạt đầu xét mức độ thân mật của họ, O đoán: Ba con người này, I, Ư và Ơ, O đặt tên cho họ như thế cũng vì những lời hát phát ra mang sắc thái dân ca đủ cả ba miền:



- Đẹp như trong mộng ì ì ì ì ì… Í…i… ì…

-Say... Say …Trời đất lăn quay…ứ… ư… O tưởng tượng ra người bên cạnh vừa ngã nghiêng ra bộ ra tịch vừa đưa tay định dìu người có giọng hát i i kéo nhựa ấy thì bị nhét ly rượu vào tay.



-Kể từ biết uống tới giờ, tớ uống đã hơn ba chiếc thuyền lớn… chở đầy rượu…i…i… Say hả? Say này… Này rót… uống nhá… nhá… Trăm phần trăm… Dzô đi! Dzô…í…ì…i… Người tên I dừng lại đột ngột, ly rượu rơi xoảng xuống nền gạch. I cũng rơi người xuống, ngoẹo đầu qua thành ghế rồi lịm nhanh như nhúm than cây sến cây sơn vốn chẳng giữ lửa lại vừa bị hất đúng một thùng nước đầy, chỉ kịp xèo cái đã nguội lạnh, người I bây giờ chưa đến mức như món đông sương nhưng ẹo oặt nhũn nhoẹt một bị thịt chợ chiều. Kẻ vừa chịu đựng cú ép trăm phần trăm, đưa chân trượt trên vỏ chai ngã sượt khỏi bàn lại lồm cồm vịn ghế khom lưng xốc nách bạn nhậu. Người ngồi lầm lì nãy giờ, cứ đưa ly lên là nốc cạn ở ghế bên kia đủng đỉnh nhấc từng chân ra khỏi ghế rồi vừa bước tới nhét vội tà áo của người say vào quần vừa ngước cằm lắc lắc, chợt phồng gân cổ mà lên câu vọng cổ mùi mẫn: Lan ơi… Sao đành cắt đứt dây chuông… Ánh điện đường mới mắc của thị trấn Lũng Say hắt bóng họ đổ dài, mỗi lần họ nghiêng chao sát đất, bóng chợt ngắn lại, tiếng ư ư ơ ơ nhề nhệ trôi theo họ như những đám mây chứa âm thanh, mớ âm thanh chẳng nghĩa lý gì. O bực mình vì người khác uống mà sao mình lại say, rõ ràng O đã mang thật sự đầy đủ các triệu chứng của người say. Tím chi tím tái tím tê (ơ ơ), tím xanh tím mét (ơ), mắt mê tối sầm. Tím gì như thịt da thâm, trận đau hôm trước, tím bầm hôm sau…(ớ…ơ …ơ…). Lúc Ơ bước xiêu vẹo bên đường, O mải nhìn theo, không buồn dọn quán. O hiểu ra: Khi người ta đau, người ta thường hát hò kiểu đó. Con đường của thị trấn Lũng Say về khuya hiu hắt khó tả, chợt O rợn lạnh trong người, vừa thụt lùi vào quán, O vừa rùng mình thấy các đám mây hồng đang chuyển sang tím rịm một góc trời.



&

…Đêm thứ nhất, sau khi bán đất cho hắn, O nằm mơ thấy mình bị róc đi hai mông đít, máu chảy ra lênh láng một mép ruộng, không thấy đau nhưng mất hết sinh lực, tay chân không buồn động cựa, ruồi bu không đuổi nổi.

Đêm thứ hai, O lại nằm mơ thấy một hình hài da bọc xương đang gục gặc di chuyển trên một bãi cỏ gai. Đến gần thấy bộ xương quen quen, giáp mặt hoá ra bộ xương đó chính là mình.



Đêm thứ ba, vừa nhắm mắt là O chìm vào vùng trời đầy mây hồng, O vừa lao theo những đám mây sặc sỡ là là bên trên tầm tay với, chợt O sựng lại vì phát hiện những cơn gió đang xuyên qua người mình, gió lạnh buốt, gió xuyên qua tim, những sợi gân máu treo nối lửng lơ đầy ngay trong cơ thể, O đưa tay rờ rẫm khắp thân mình, chỗ nào O cũng chạm phải những khúc xương, xương cứng đơ, lạnh ngắt như xương của lễ Sang cát, của ngày bốc mộ. Trong đám mây hồng, chợt xuất hiện hàng đàn muỗi khổng lồ, tiếng “vo ve” rền rền góc trời, muỗi núp bóng trong sắc mây hồng, những cặp chân cao khều lòng khòng khua động, chúng đông đến mức làm cho những đám mây như phình ra. Quái vật muỗi! Những con muỗi có cặp mắt kép đe doạ. Xúc tu của chúng rất nhạy với mùi mồ hôi của con người. Vừa thấy một đám đông áo nâu đang cày bừa trên đồng ruộng, đàn muỗi mừng quíu, âm thanh “vo ve” của chúng nghe rộn ràng, nghe xôn xao như kiểu đám người dự tiệc. O cứ trố mắt nhìn, ngỡ có loài muỗi mới chuyên hút mồ hôi người, không phải hút máu truyền bệnh sốt rét như loài A- no- phen. Chúng quần tụ trên đầu những người nông dân như những chiếc máy bay, những chiếc xúc tu nhạy cảm mồ hôi huơ huơ đánh mùi. Bầy muỗi liên tiếp phát ra những tiếng “vo ve” rền trời rền đất. Họ đã dừng tay cày, dừng tay cấy, họ quay đầu nghe bên phải, quay đầu nghe bên trái, họ đứng yên, miệng nở nụ cười thật tươi, khuôn mặt họ rạng ngời, rồi cùng kéo nhau đi về một hướng theo sự điều khiển của tiếng “vo ve” trên bầu trời. Ngay lúc những người nông dân đang vui mừng thì những cái vòi khổng lồ của bầy muỗi căng ra, chúng đồng loạt lao xuống đồng ruộng xanh um, lao xuống những khu vườn trù mật. Thoạt đầu O cứ tưởng những người nông dân đã nghe theo những âm thanh hướng dẫn đúng đắn hấp dẫn nào đó, giờ lại thấy những chiếc vòi muỗi đồng loạt hút, bụng chúng căng phồng lên từng giây một. Những người áo nâu đang vui vẻ đi với nhau như sau một ngày cần lao cực nhọc, chợt chao đảo ngã nghiêng. Có người té sấp. Có người té ngửa. Đất dưới chân họ bời bời vườn ruộng cò bay thẳng cánh chợt thụt dần, thụt dần rồi biến mất, họ chơi vơi rơi, chơi vơi lộn đầu xuống, cứ thế tất cả đều rơi thẳng, những vật rơi cùng phương. Bầy muỗi hút đất càng lúc bụng càng phình to, có con đã lặc lè vẫn còn cố hút. Tiếng “vo ve” vui mừng rền động át cả tiếng kêu rú của những người áo nâu. O cũng nhắm mắt rơi cùng phương với họ. Nỗi sợ hãi làm mồ hôi lạnh tuôn túa giọt giọt hai bên thái dương. Chợt O mở mắt trừng trừng xuống đáy thẳm. O hét lên một tiếng kinh hoàng rồi giật mình tỉnh giấc. Hoá ra chỉ là cơn ác mộng. Bây giờ đang là đêm. O lại đưa tay vỗ muỗi. Bốp. Và bốp. Và… bốp… nữa…, không… thôi.

Chân núi Tà Cú 3/2009