COCKOO
13-05-2009, 11:14 AM
Đàn bà - Sáu Nghệ
Mồng Tám tháng Ba, cái ngày quả thật đặc biệt, chẳng có ngày nào như ngày này trong suốt một năm, cả thế giới hướng về nửa thế giới. Cả thế giới dành cho nửa thế giới. Đã cầm bút, tôi nghĩ nên có một bài viết về ngày này, nhưng không bóng bẩy ngụ ý, mà viết trực tiếp về cái đích hướng tới của ngày này. Đó là phụ nữ, con gái, đàn bà và xin gửi bài viết sau đây.
Không ít lần ở đâu đó, trong trường hợp nào đó chợt vang lên câu hỏi: Đàn bà là gì? Câu hỏi tuyệt vời tương tự: Vũ trụ là gì? Có thể trả lời bằng một câu nhưng cũng có thể nói suốt ngày không dứt. Trả lời như thế chẳng bằng không trả lời, quả là “nói chuyện trời”, càng nói càng mù mịt.
Tôi cũng nói chuyện đàn bà mà không dám trả lời câu hỏi “đàn bà là gì?”. Vậy nói được chuyện gì khi chưa hiểu đàn bà là gì? Thì chẳng lẽ chưa hiểu lại không có quyền nói, thiên hạ vẫn cãi nhau suốt ngày đủ mọi thứ chuyện đấy thôi mặc dầu cuối cùng xem ra cũng chẳng mấy ai hiểu được chuyện gì. Tôi thấy gì nói nấy vậy.
Trước cửa nhà tôi, một hôm từ đâu xuất hiện một cô gái bán chè gánh. Cứ sáng sớm cô đặt gánh trên vỉa hè trước cửa nhà tôi, bán một lúc rồi gánh tiếp đi đâu tôi không rõ, sáng hôm sau lại xuất hiện. Ban đầu tôi không để ý, gặp cô nhiều lần mới để ý và thấy cô có khuôn mặt trắng trẻo khá xinh, đặc biệt đôi mắt rất đẹp. Mỗi lần tôi đi qua, dù đang làm gì, cô cũng ngửng lên nhìn tôi với đôi mắt đen tròn vừa có vẻ ngạc nhiên vừa có vẻ mừng rỡ, miệng cô hơi mỉm cười về sau thì hé ra để lộ hàm răng trắng đều như ngọc. Tôi cảm thấy bâng khuâng. Rồi tôi ngồi xuống ăn chè của cô. Tôi trả tiền, cô thối tiền và cô nói với tôi bằng một thứ giọng mà tôi nghĩ là trong trẻo êm ái chưa từng nghe. Sáng nào tôi cũng ăn một chén chè thơ mộng của cô. Cho đến một hôm, tôi bắt gặp cô ở nơi khác, cô đang uống cà phê bên gánh chè. Cô không thấy tôi còn tôi thấy cô long lanh đôi mắt, miệng chúm chím cười duyên với hình của cô hiện ở … chiếc muỗng khuấy cà phê bằng i ốc. Mỗi lúc nhấc muỗng lên khỏi ly cà phê cô đều chìa muỗng để soi và cười duyên, tôi hiểu ra trước nay cô cười duyên với tôi chắc cũng như với chiếc muỗng i nốc kia.
Sắc đẹp của đàn bà rực rỡ khi nó được tự ngắm, tự thỏa mãn. Người đàn bà có hạnh phúc là người hài lòng với bản thân, với cuộc sống và do đó thường giữ được sắc đẹp lâu bền. Nói sắc đẹp của đàn bà nhằm dành cho đàn ông là một cách nói nịnh nhau. Sắc đẹp của đàn bà trước hết dành cho chính đàn bà, còn ban phát cho đàn ông thì chẳng qua như soi vào một loại gương biết nói để đàn bà ngắm thêm sắc đẹp của mình bằng lỗ tai mà thôi. Tôi hiểu ra giá trị của tôi đối với cô gái bán chè xinh đẹp ngang bằng chiếc muỗng i nốc khuấy cà phê trên tay cô thì tôi thấm thía lời dạy: Sắc đẹp của đàn bà như gươm sắc nên ở xa. May mà tôi chỉ mới mất một tuần ăn chè buổi sáng, chưa vướng bệnh thừa đường, một chứng nan y của thời đại.
Nhưng thế nào là sắc đẹp của đàn bà? Một nhà thơ đã viết, đại ý: Không thể biết mắt của nàng đẹp như thế nào bởi không thể biết được cỡ nòng khẩu đại bác đang chĩa thẳng vào anh, sắp bắn cho anh một phát! Thật bay bổng và chính xác. Còn tôi thì nôm na nghĩ rằng sắc đẹp của đàn bà là để trị đàn ông. Đàn ông bất kham, trở chứng cỡ nào cũng có sắc đẹp của đàn bà ghì cương cho thành ngoan ngoãn.
Ơ kinh Thầy Cả dưới Cà Mau có người đàn ông thứ ba, làm nghề thiến heo nên gọi là ông Ba Thiến. Cuộc đời ông lênh đênh, lang bang theo các con kinh, nổi tiếng chơi bời, đủ món rượu chè, cờ bạc, đá gà và đặc biệt là đàn bà. Ngày ông không thiến được con heo nào là đói, đêm không ôm đàn bà là ông không ngủ được, đến năm bảy mươi hai tuổi ông vẫn còn sung. Vợ qua đời đã mấy năm, quậy quạng lung tung rồi ông rước về nhà một bà mới cỡ năm mươi, mập mạp, khỏe mạnh. Được bốn hôm, đến hôm thứ năm bà này xách nón ra đi từ sớm, tới quán cà phê đầu ấp thì bà chủ quán cà phê đon đả gọi vào. Bà chủ quán vốn không quen bỏ sót tin tức mới lạ của ấp nên gọi vào, mời ngồi, xăng xái pha ly cà phê đen mời uống rồi nhẹ nhàng bắt chuyện. Cư xử như thế có chuyện trong lòng không thể không bộc bạch:
- Em cũng thương ổng lắm nhưng không chịu nổi chị ơi – Bà xách nón ra đi kể – Đêm nào ổng cũng bắt em trần truồng như nhộng mà làm hùng hục, em không ngủ được, ở thêm với ổng chắc em chết mất.
Bà chủ quán cà phê cười hi hí, lâu nay chỉ nghe đồn thổi, giờ mới được người trong nhà kể tỏ tường. Chuyện lan ra, đàn bà trong ấp thấy ông Ba Thiến là tránh từ xa. Thế rồi ông Ba Thiến rước về một bà tuổi đúng bằng tuổi ông, bảy mươi hai, còn chèo xuồng phăm phăm, hôm về nhà chính tay bà chèo xuồng còn ông Ba Thiến ngồi thu lu đầu mũi. Từ đó, hàng ngày bà chèo xuồng chở ông đi thiến heo dạo và về, mỗi ngày vài chục cây số không dưới. Hễ về nhà là ông bà quấn quít nhau, ông Ba Thiến không còn lang bang cờ bạc, đá gà như trước nữa. Xóm ấp thấy lạ. Bà chủ quán cà phê tìm cơ hội mời bà vợ bảy mươi hai tuổi của ông Ba Thiến vào uống cà phê, dò la:
- Nghe nói ổng mạnh lắm?
- Mạnh thì có mạnh nhưng vào tay chị là phải thua-Bà bảy mươi hai tuổi trả lời.
- À chẳng trách từ ngày có chị thì ổng bớt chơi bời. Trước kia dữ dằn lắm.
- Còn sức đâu mà quậy quạng bên ngòai – Bà bảy hai tuổi nói rồi cười lớn.
Từ đó, xóm ấp nhìn bà bảy mươi hai tuổi với ánh mắt nhiều thiện cảm, gần gũi hơn, hiểu biết hơn, như người của ấp chứ không phải nơi đâu mới về. Bà có một sắc đẹp mạnh khỏe được ngưỡng mộ. Nếu “cứ có dáng vẻ uy phong của đàn ông là có thể luận bàn về dáng vẻ dịu dàng của phụ nữ” như ông Tào Thực bên Trung Quốc nói thì với đàn bà hễ cầm cương được đàn ông là có thể tự hào về một sắc đẹp chính đáng.
Trong mối quan hệ đàn ông với đàn bà, niềm tự hào có khác nhau. Niềm tự hào của đàn bà là giữ được đàn ông, niềm tự hào của đàn ông lại ở lòng chung thủy của đàn bà. Lòng chung thủy của vợ mang lại niềm tự hào cho chồng và vì thế người chồng hãy tin vợ mình là người đàn bà nết na nhất thì sẽ có hạnh phúc. Nhưng danh dự của người đàn bà phần nhiều lại tùy thuộc vào nhận xét của những người xung quanh, mà các nhận xét ấy đương nhiên thường dựa trên những cử chỉ bề ngoài mà không biết những lỗi lầm bên trong. Nên để hưởng thụ sắc đẹp của đàn bà, đàn ông khôn ngoan không nghiêm trọng hóa dư luận, không để tâm quá nhiều những lời gièm pha. Một nhà hiền triết bên Trung Quốc, ông Bảo Phác Tử đã nói: “Ngọc mà hóa ra đá, châu mà hóa ra sỏi, là tại bởi lời gièm pha cả”.
Dân gian có câu: “Làm hoa cho người hái, làm gái cho người trêu”. Dân gian cũng khuyên những người “tóc bạc đầy đầu hoa hồng đầy trái tim” rằng chớ trêu ong, chọc vợ. Người đàn bà như tấm kính mỏng, không phải thứ để tùy tiện chọc phá hoặc đem thử nọ kia. Có anh chồng lấy được vợ đẹp cứ băn khoăn không yên về lòng chung thủy của vợ. Anh ta bày trò thử lòng chung thủy của vợ bằng cách cho vợ gần gũi với một người bạn thân của mình. Rốt cục mất cả vợ lẫn bạn. Đàn bà là tấm kính mỏng, càng đẹp càng mỏng nên không được thử xem nó dễ vỡ hay không.
Cần Thơ dịp 8.3
Nguồn: vanvn.net
Mồng Tám tháng Ba, cái ngày quả thật đặc biệt, chẳng có ngày nào như ngày này trong suốt một năm, cả thế giới hướng về nửa thế giới. Cả thế giới dành cho nửa thế giới. Đã cầm bút, tôi nghĩ nên có một bài viết về ngày này, nhưng không bóng bẩy ngụ ý, mà viết trực tiếp về cái đích hướng tới của ngày này. Đó là phụ nữ, con gái, đàn bà và xin gửi bài viết sau đây.
Không ít lần ở đâu đó, trong trường hợp nào đó chợt vang lên câu hỏi: Đàn bà là gì? Câu hỏi tuyệt vời tương tự: Vũ trụ là gì? Có thể trả lời bằng một câu nhưng cũng có thể nói suốt ngày không dứt. Trả lời như thế chẳng bằng không trả lời, quả là “nói chuyện trời”, càng nói càng mù mịt.
Tôi cũng nói chuyện đàn bà mà không dám trả lời câu hỏi “đàn bà là gì?”. Vậy nói được chuyện gì khi chưa hiểu đàn bà là gì? Thì chẳng lẽ chưa hiểu lại không có quyền nói, thiên hạ vẫn cãi nhau suốt ngày đủ mọi thứ chuyện đấy thôi mặc dầu cuối cùng xem ra cũng chẳng mấy ai hiểu được chuyện gì. Tôi thấy gì nói nấy vậy.
Trước cửa nhà tôi, một hôm từ đâu xuất hiện một cô gái bán chè gánh. Cứ sáng sớm cô đặt gánh trên vỉa hè trước cửa nhà tôi, bán một lúc rồi gánh tiếp đi đâu tôi không rõ, sáng hôm sau lại xuất hiện. Ban đầu tôi không để ý, gặp cô nhiều lần mới để ý và thấy cô có khuôn mặt trắng trẻo khá xinh, đặc biệt đôi mắt rất đẹp. Mỗi lần tôi đi qua, dù đang làm gì, cô cũng ngửng lên nhìn tôi với đôi mắt đen tròn vừa có vẻ ngạc nhiên vừa có vẻ mừng rỡ, miệng cô hơi mỉm cười về sau thì hé ra để lộ hàm răng trắng đều như ngọc. Tôi cảm thấy bâng khuâng. Rồi tôi ngồi xuống ăn chè của cô. Tôi trả tiền, cô thối tiền và cô nói với tôi bằng một thứ giọng mà tôi nghĩ là trong trẻo êm ái chưa từng nghe. Sáng nào tôi cũng ăn một chén chè thơ mộng của cô. Cho đến một hôm, tôi bắt gặp cô ở nơi khác, cô đang uống cà phê bên gánh chè. Cô không thấy tôi còn tôi thấy cô long lanh đôi mắt, miệng chúm chím cười duyên với hình của cô hiện ở … chiếc muỗng khuấy cà phê bằng i ốc. Mỗi lúc nhấc muỗng lên khỏi ly cà phê cô đều chìa muỗng để soi và cười duyên, tôi hiểu ra trước nay cô cười duyên với tôi chắc cũng như với chiếc muỗng i nốc kia.
Sắc đẹp của đàn bà rực rỡ khi nó được tự ngắm, tự thỏa mãn. Người đàn bà có hạnh phúc là người hài lòng với bản thân, với cuộc sống và do đó thường giữ được sắc đẹp lâu bền. Nói sắc đẹp của đàn bà nhằm dành cho đàn ông là một cách nói nịnh nhau. Sắc đẹp của đàn bà trước hết dành cho chính đàn bà, còn ban phát cho đàn ông thì chẳng qua như soi vào một loại gương biết nói để đàn bà ngắm thêm sắc đẹp của mình bằng lỗ tai mà thôi. Tôi hiểu ra giá trị của tôi đối với cô gái bán chè xinh đẹp ngang bằng chiếc muỗng i nốc khuấy cà phê trên tay cô thì tôi thấm thía lời dạy: Sắc đẹp của đàn bà như gươm sắc nên ở xa. May mà tôi chỉ mới mất một tuần ăn chè buổi sáng, chưa vướng bệnh thừa đường, một chứng nan y của thời đại.
Nhưng thế nào là sắc đẹp của đàn bà? Một nhà thơ đã viết, đại ý: Không thể biết mắt của nàng đẹp như thế nào bởi không thể biết được cỡ nòng khẩu đại bác đang chĩa thẳng vào anh, sắp bắn cho anh một phát! Thật bay bổng và chính xác. Còn tôi thì nôm na nghĩ rằng sắc đẹp của đàn bà là để trị đàn ông. Đàn ông bất kham, trở chứng cỡ nào cũng có sắc đẹp của đàn bà ghì cương cho thành ngoan ngoãn.
Ơ kinh Thầy Cả dưới Cà Mau có người đàn ông thứ ba, làm nghề thiến heo nên gọi là ông Ba Thiến. Cuộc đời ông lênh đênh, lang bang theo các con kinh, nổi tiếng chơi bời, đủ món rượu chè, cờ bạc, đá gà và đặc biệt là đàn bà. Ngày ông không thiến được con heo nào là đói, đêm không ôm đàn bà là ông không ngủ được, đến năm bảy mươi hai tuổi ông vẫn còn sung. Vợ qua đời đã mấy năm, quậy quạng lung tung rồi ông rước về nhà một bà mới cỡ năm mươi, mập mạp, khỏe mạnh. Được bốn hôm, đến hôm thứ năm bà này xách nón ra đi từ sớm, tới quán cà phê đầu ấp thì bà chủ quán cà phê đon đả gọi vào. Bà chủ quán vốn không quen bỏ sót tin tức mới lạ của ấp nên gọi vào, mời ngồi, xăng xái pha ly cà phê đen mời uống rồi nhẹ nhàng bắt chuyện. Cư xử như thế có chuyện trong lòng không thể không bộc bạch:
- Em cũng thương ổng lắm nhưng không chịu nổi chị ơi – Bà xách nón ra đi kể – Đêm nào ổng cũng bắt em trần truồng như nhộng mà làm hùng hục, em không ngủ được, ở thêm với ổng chắc em chết mất.
Bà chủ quán cà phê cười hi hí, lâu nay chỉ nghe đồn thổi, giờ mới được người trong nhà kể tỏ tường. Chuyện lan ra, đàn bà trong ấp thấy ông Ba Thiến là tránh từ xa. Thế rồi ông Ba Thiến rước về một bà tuổi đúng bằng tuổi ông, bảy mươi hai, còn chèo xuồng phăm phăm, hôm về nhà chính tay bà chèo xuồng còn ông Ba Thiến ngồi thu lu đầu mũi. Từ đó, hàng ngày bà chèo xuồng chở ông đi thiến heo dạo và về, mỗi ngày vài chục cây số không dưới. Hễ về nhà là ông bà quấn quít nhau, ông Ba Thiến không còn lang bang cờ bạc, đá gà như trước nữa. Xóm ấp thấy lạ. Bà chủ quán cà phê tìm cơ hội mời bà vợ bảy mươi hai tuổi của ông Ba Thiến vào uống cà phê, dò la:
- Nghe nói ổng mạnh lắm?
- Mạnh thì có mạnh nhưng vào tay chị là phải thua-Bà bảy mươi hai tuổi trả lời.
- À chẳng trách từ ngày có chị thì ổng bớt chơi bời. Trước kia dữ dằn lắm.
- Còn sức đâu mà quậy quạng bên ngòai – Bà bảy hai tuổi nói rồi cười lớn.
Từ đó, xóm ấp nhìn bà bảy mươi hai tuổi với ánh mắt nhiều thiện cảm, gần gũi hơn, hiểu biết hơn, như người của ấp chứ không phải nơi đâu mới về. Bà có một sắc đẹp mạnh khỏe được ngưỡng mộ. Nếu “cứ có dáng vẻ uy phong của đàn ông là có thể luận bàn về dáng vẻ dịu dàng của phụ nữ” như ông Tào Thực bên Trung Quốc nói thì với đàn bà hễ cầm cương được đàn ông là có thể tự hào về một sắc đẹp chính đáng.
Trong mối quan hệ đàn ông với đàn bà, niềm tự hào có khác nhau. Niềm tự hào của đàn bà là giữ được đàn ông, niềm tự hào của đàn ông lại ở lòng chung thủy của đàn bà. Lòng chung thủy của vợ mang lại niềm tự hào cho chồng và vì thế người chồng hãy tin vợ mình là người đàn bà nết na nhất thì sẽ có hạnh phúc. Nhưng danh dự của người đàn bà phần nhiều lại tùy thuộc vào nhận xét của những người xung quanh, mà các nhận xét ấy đương nhiên thường dựa trên những cử chỉ bề ngoài mà không biết những lỗi lầm bên trong. Nên để hưởng thụ sắc đẹp của đàn bà, đàn ông khôn ngoan không nghiêm trọng hóa dư luận, không để tâm quá nhiều những lời gièm pha. Một nhà hiền triết bên Trung Quốc, ông Bảo Phác Tử đã nói: “Ngọc mà hóa ra đá, châu mà hóa ra sỏi, là tại bởi lời gièm pha cả”.
Dân gian có câu: “Làm hoa cho người hái, làm gái cho người trêu”. Dân gian cũng khuyên những người “tóc bạc đầy đầu hoa hồng đầy trái tim” rằng chớ trêu ong, chọc vợ. Người đàn bà như tấm kính mỏng, không phải thứ để tùy tiện chọc phá hoặc đem thử nọ kia. Có anh chồng lấy được vợ đẹp cứ băn khoăn không yên về lòng chung thủy của vợ. Anh ta bày trò thử lòng chung thủy của vợ bằng cách cho vợ gần gũi với một người bạn thân của mình. Rốt cục mất cả vợ lẫn bạn. Đàn bà là tấm kính mỏng, càng đẹp càng mỏng nên không được thử xem nó dễ vỡ hay không.
Cần Thơ dịp 8.3
Nguồn: vanvn.net