Nền kinh tế đất nước ngày càng phát triển, số hộ nghèo ngày một giảm đi, đời sống ngày càng khấm khá hơn. Có vẻ như rất nghịch lý khi trong điều kiện như thế lại đưa ra nhận định rằng mỗi người chúng ta dường như ngày càng ít được ăn ngon hơn.

Nhưng... hãy lấy ví dụ từ những chuyện ăn uống đơn giản nhất. Đó là ăn hoa quả.

Là giám đốc của một Học viện lớn tại Hà Nội, kỹ tính trong công việc bao nhiêu thì ông Thắng cũng kỹ tính trong chuyện ăn uống bấy nhiêu. Ông Thắng bảo: Đã từ lâu lắm rồi, ông không dám ăn bất kỳ loại hoa quả nào. Đến nước cam cũng không dám uống.

Lý do cho sự “sợ hãi” của ông Thắng là vì ông đã từng chứng kiến có những quả táo, quả cam người ta mang đến biếu ông, nhìn rất đỏ, rất ngon, lại có nhãn mác đàng hoàng... Ấy vậy mà khi ông bỏ quên ba tuần vì đi công tác nước ngoài, khi trở về, nhìn nó vẫn đỏ và tươi ngon như vậy, như vừa được trẩy từ trên cây xuống!

“Những loại hoa quả... mãi mãi với thời gian như vậy là đi ngược với quy luật sinh tồn của tự nhiên! Tuy chưa có ai bảo tôi là ăn những loại quả như vậy sẽ bị thế nọ, thế kia nhưng tự tôi cũng lấy làm kinh sợ rồi!” - ông Thắng tâm sự.

Ông khẳng định, những sự bất thường như vậy luôn luôn tiềm ẩn sự nguy hiểm và nó cũng chính là mặt trái của sự phát triển ngày càng đi lên của đời sống!

Quả thật, nếu lượn một vòng ở các hàng hoa quả trong chợ thì những thứ bầy bán luôn làm người ta hoa mắt và đầy e ngại. Chỉ riêng quả xoài cũng đã có bao nhiêu loại và người ta khó hình dung những cây xoài đó như thế nào. Quả to như cái bát ô tô cũng có mà quả bé như cái chén hạt mít cũng nhiều. Tên gọi của chúng thường được những người bán hàng tự... phong.


Bà Hiền, giáo viên nghỉ hưu ở khu chợ Khâm Thiên, giãi bày: “Ăn hoa quả bây giờ quả gì cũng sợ, loại quả đắt tiền thì lại càng sợ! Chẳng bao giờ mình biết nguồn gốc của loại quả mà mình vừa ăn là gì! Một số giống quả của Việt Nam quen thuộc thì dường như càng ngày càng teo tóp, cằn cỗi đi.

Ví như quả táo ta, hương vị đặc trưng thế, lành thế nhưng mùa táo càng ngày càng ngắn lại. Hồi giáp Tết tôi chỉ mua được vài quả táo non vì người bán hàng giải thích là chưa đến mùa! Đến vừa ra Tết, tìm mua quả táo cũng khó vì cũng lại đã hết mùa! Trong khi táo Tàu thì quanh năm lúc nào cũng có! Nhiều lúc thấy thèm cái hương vị của Việt Nam lắm mà đi chợ bây giờ, khó mà tìm thấy!”.

Bên cạnh đó, các loại quả thuần Việt tạo cảm giác an toàn cho người ăn lại ngày càng đắt đỏ. Cũng là quả táo, nếu là táo Tầu, quả to tướng, một cân chỉ 3, 4 quả, vào thời điểm này giá bán khoảng 8 đến 10 nghìn đồng/cân; trong khi táo ta có giá 12 đến 15 nghìn đồng/cân!

Theo danh mục những mặt hàng xuất khẩu và nhập khẩu với Trung Quốc mà Ban quản lý cửa khẩu Móng Cái cung cấp, trong khi Trung Quốc chỉ chọn những giống hoa quả đặc sản và rất ngon của Việt Nam để nhập thì chúng ta lại nhập những loại hoa quả mà chúng ta... rất sẵn.

Cụ thế như trong thời điểm từ 25/2 đến trung tuần tháng 3/2008, họ nhập khẩu của ta nào là cam sành Tiền Giang, cam chanh, vú sữa bơ, nho Bình Thuận, xoài cát, xoài ChâuNghệ (Trà Vinh), sầu riêng khổ qua... Trong khi đó, ta lại nhập khẩu về quýt lai, ổi lai, quýt vỏ đỏ, nho và cam chum - loại quả có bạt ngàn, đặc biệt là ở các vùng núi phía Bắc...

Ai khẳng định được đời sống cao hơn thì chúng ta cũng ăn ngon hơn?

Một phép “phù thủy” của hoa quả!

TS. Nguyễn Văn Khải cho biết về một phép "phù thủy" hoa quả mà những người bán hàng sử dụng: Người bán nếu muốn hoa quả tươi lâu, bán được từ ngày này sang ngày khác và không sợ hỏng, thường sử dụng cách pha thuốc diệt cỏ cùng nước và “tắm” cho hoa quả. Sau đó bọc chúng vào trong nilon để cho các chất diệt cỏ không bay hơi, mà ngấm vào vỏ rồi khuyếch tán vào ruột quả.

Khi các chất diệt cỏ khô đi và kết tinh lại, chúng chui vào các tế bào lục lạp trong quả và đóng chặt ở đó. Quả càng mọng nước, vỏ càng mỏng, quá trình khuyếch tán càng nhanh và thời gian để càng lâu, nồng độ trong ruột càng tăng cao (cho đến khi nồng độ ở vỏ và ruột bằng nhau).

TS Khải cũng chỉ ra một số cách để nhận biết được hoa quả có “tắm” bằng thuốc diệt cỏ là chúng không có cuống hoặc chỉ có cuống giả được cắm thêm vào để “ngụy trang”. Nếu là cuống thật thì chúng sẽ có biểu hiện là trắng bong và khô cứng. Hoa quả bóng đẹp khác thường.

Khi thuốc diệt cỏ vào đường tiêu hóa, chúng sẽ hấp thu nhanh vào máu. Phổi là cơ quan tổn thương nặng nhất do chúng tích luỹ tại đây và phá huỷ cấu trúc tế bào. Tình trạng ngộ độc ban đầu có thể biểu hiện không nặng nhưng tình trạng tổn thương phổi vẫn tiếp diễn ở những ngày sau dẫn đến xơ phổi, suy hô hấp.

Các cơ quan khác đặc biệt là thận và gan cũng chịu tổn thương. Ngoài ra, khi nhiễm độc thuốc diệt cỏ, tim của bệnh nhân có thể bị tổn thương nặng, biểu hiện từ loạn nhịp tim đến hoại tử cơ tim, truỵ mạch, tụt huyết áp. Tổn thương thần kinh trung ương biểu hiện nhiều mức khác nhau: hốt hoảng, vật vã, mê sảng...(st)