Ngày rằm, tôi chở thằng cháu 9 tuổi đi chợ mua chút đồ ăn chay, chí ít thì việc không sát sinh cũng khiến tâm hồn thanh thản. Lúc về, loay hoay lấy xe quay lại thì thằng cháu cùng với giỏ thức ăn đã biến đi đâu.

Nháo nhác tìm kiếm một hồi mới thấy nó ngồi trong góc chợ với người ăn xin đang nằm lê lết trên một mảnh gỗ được di chuyển bởi bốn bánh xe gắn tạm bợ. Vừa sợ, vừa tức nhưng không thể quát mắng bởi tay trái của thằng cháu đang cầm bịch sữa đậu nành đưa vào miệng người đàn ông; tay phải là miếng đậu hũ đã bị ăn quá một nửa. Nó nhìn thấy tôi nên tay nó run, gương mặt không còn hồ hởi, nhưng vẫn kiên nhẫn ngồi chờ người đàn ông bị bại liệt nên chân tay teo tóp như đứa trẻ lên năm ấy ăn hết miếng đậu hũ và bịch sữa.

Tôi cảm động vì biểu hiện của thằng cháu vốn rất hồn nhiên, nhưng vẫn nạt nộ khi nó lẽo đẽo đi theo: “Nếu muốn thì cứ cho người ta vài ngàn là được rồi, cùng lắm thì cho cây xúc xích hay thịt hộp, đồ ăn chay thì dì chỉ mua đủ chứ có dư đâu”.

Đôi mắt thằng cháu lấp lánh niềm vui dù đang rất sợ bị ăn đòn: “Cháu chỉ muốn cho chú ấy phần của cháu. Dì bảo ăn chay trong ngày rằm sẽ được hạnh phúc, mạnh khỏe, cháu sợ đưa tiền chú ấy sẽ không đi mua...”.

Tôi cố vớt vát, bởi tôi luôn dạy cháu chắt phải ngoan ngoãn, nhưng chưa kịp dạy những việc nó mới vừa làm: “Vậy sao không nói trước để dì phải đi tìm khắp nơi?”. Thằng nhỏ đáp lí nhí trong cổ họng: “Cháu sợ dì sẽ không cho cháu làm như vậy! Với lại cháu chỉ định mang đến rồi đi ngay... nhưng chú ấy không tự ăn được, dì ạ!”.

Có lẽ thằng cháu nói đúng, có thể tôi sẽ cho những người ăn xin những đồng tiền lẻ, nhưng sẽ không bao giờ ngồi đút cho họ phần thức ăn của mình giữa chợ búa đông người. Bởi vì người lớn luôn ngại ngùng thể hiện tình cảm, không ngây thơ và tốt bụng như trẻ con: có thể dành phần ăn chay của mình cho một người tàn tật dù có bị ăn đòn; chỉ vì nghĩ sẽ mang lại điều may mắn cho họ.

(Sưu tầm)