Bài 1 đến 2/2

Chủ đề: Dư âm một cuộc đời

  1. #1
    Silver Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    1.870
    Thanks
    3.084
    Thanked 2.095 Times in 433 Posts

    Default Dư âm một cuộc đời

    Phần I



    Ấy thế rồi nó cũng được ra khỏi trại. Chẳng có gì lớn lao, nghiện thôi ấy mà! Trong một đợt truy quét, công an đã gô cổ tống nó vào trại. Bước ra khỏi cánh cổng to đùng là nó chìa tay về phía Mẹ mà xin tiền. Vội vàng chạy tới tủ thuốc gần đó chơi hẳn một gói Zet. Bóc miếng giấy kiếng, mở nắp hộp thuốc, vạch lớp giấy bạc ra rồi đưa cả gói lên môi. Hắn cho răng cắn một điếu rồi châm lửa. Tất cả cái công việc đó hắn làm trong trạng thái như vô thức. Kéo một hơi thật dài, ém cái làn khói cay nồng sặc sụa ấy vào phổi cho nó thấm vào từng mao mạch li ti, cái chất nicotin quả là tài. Hắn thấy đầu hơi choang choang lên một tí. Ngửa cổ lên trời thở một hơi khói đầy khoan khoái, hắn ngó về phía cửa trại nhoẻn miệng cười. Mới đấy mà đã gần năm năm trời. Giờ hắn đã ngoài ba mươi, dáng đi vẫn lôi thôi, lóc cha lóc chóc như bọn trai mới lớn. Người vô lo thì lúc nào chân cũng nhảy như chim ri, chim chích.

    Cái xóm nghèo nơi hắn ở là thung lũng của tệ nạn, cứ cách vài nhà là chắc chắn sẽ có điểm bán lẻ ma túy. Có tiền thì chơi, không có tiền thì chà đồ nhôm( chôm đồ nhà ). Mà hắn chà riết rồi cô em gái cũng chỉ còn mỗi chiếc quần lành lặn để đi làm. Con bé khóc hết cả nước mắt nhưng nhằm nhò gì với cái lương tâm chó cắn ấy! Không còn gì để bán, hắn mon men đi canh chèo (công an ) cho bọn bán thuốc để chúng ngày vất cho vài mẩu đủ để thỏa cơn.

    Có một dạo mà chèo ra quân rầm rộ bên Tân Bình, các tay bán thuốc lẻ bên ấy trốn chui trốn nhủi, chẳng đứa nào dám thò mặt ra. Thế là bọn con nghiện bên ấy cứ là đuỗn người chạy đôn chạy đáo khắp nơi mà tìm hàng. Mà cái xóm của hắn thì quá nổi tiếng! Cả ngày lẫn đêm, tiếng của đủ loại xe cứ là ền ả. Lúc thì các em chân dài váy ngắn, áo lững đợi chờ dáo dác lướt qua, cái kiểu mặc đồ mà dân nói sốc lại bảo: Kéo đầu này thì hở đầu kia. Đôi gò bồng đảo chạy xe vấp ổ gà như muốn bật ra khỏi cái nôi bảo hiểm, mà nhỡ có bật ra cũng khó mà nhét cho nó chui vào chốn cũ! Váy thì ngắn tới độ đứng nghiêm như chào cờ vẫn nhìn thấy sắc màu be bé. Em nào cũng xinh như mộng. Loại này, không là cave thì cũng là gái bao hay lũ con nhà giàu lắm của.

    Lúc thì các chàng đẹp trai quần là áo lượt nhưng con mắt thì có quầng thâm cứ lượn lờ, nhưng cái loại dân làng nhàng rách rưới thì cũng không thiếu. Nhiều tay chẳng có nổi chiếc xe chỉ nhờ xe ôm chở đến. Bát nháo cả cái chợ hàng. Mà bọn bán hàng thì tinh lắm! Chúng cũng chẳng dám thò đầu ra khi bên kia có động. Thế là bọn hắn có cơ hội ngàn vàng. Một nhóm hai ba thằng đứng chờ trong lối rẽ của con hẻm. Cứ thấy con nghiện lạ đi ngang là chúng vời ngay. Mắt chúng nhìn thì đố mà sai được. Vẫy phát là chính xác con gà ác. Đúng bon con nghiện lạ đến tìm mua hàng.

    Một thằng thu tiền, thằng còn lại lẩn đi đâu đó một chốc là quay về. Cứ thế mà bọn hắn chóng lên hương. Giờ đã có bạc rủng rẻng để mua hàng về trữ. Nhìn bọn hắn lẻo khẻo, yếu ớt thế mà tay chân mắt mũi cứ như là siêu nhân. Cầm miếng lưỡi lam bẻ đôi, chúng cắt mảnh thuốc bé tẹo như hạt bột bán nấu chè thành hai nửa, cứ gọi là chính xác đến từng milimet. Có thuốc bên cạnh không ngờ lại là cái tội. Thấy là thèm! Thế là thằng nào cũng tăng cữ. Riết rồi tiền vốn cũng đi toong. Bọn chúng không còn buôn ngay bán thật mà chuyển sang buôn gian bán đểu. Lúc thì lừa đưa hàng giả cho các tay mơ, lúc thì lấy tiền xong mà cháo thì không múc. Một thằng trốn đâu đó hét toáng lên:
    Công an tới
    Thế là cả bọn nháo nhào mạnh ai nấy chạy.

    Nhưng cái kiểu làm ăn ấy cũng không bền, riết rồi không còn ai để chúng lừa. Đói thuốc vật vã, phải tìm đủ cách xoay xở cho ra. Một bi giờ phải pha vào xi lanh cho hai thằng độp. Cái khoảng thời gian bĩ cực ấy cũng chưa lâu thì hắn bị tóm đi cho tới hôm nay mới lại trở về mái nhà xưa.

    Trên bàn thờ nhang khói nghi ngút. Ngoại hắn, người yêu thương hắn nhất đã ra đi khi hắn còn trong trại. Hắn thắp nén nhang quỳ khấn mà nước mắt lưng tròng. Tự hứa trước bàn thờ sẽ không bao giờ quay trở lại con đường nghiện ngập hư hỏng ấy nữa. Mà hắn làm thế thật!

    Ở nhà được vài ngày là hắn đi năn nỉ người quen phía bên nội cho hắn vào làm. Công việc cũng tương đối nhàn, chỉ phải cái thức hơi khuya. Quán nhậu vỉa hè thuộc loại nổi tiếng thành phố. Nơi mà các ông luật sư buổi chiều thường ra ngồi tán dóc, nơi mà các đại gia buổi tối đi xe hơi đến ngồi chơi cùng các em chân dài. Hắn làm phục vụ bàn cùng một thằng em họ, hai thằng đều thuộc loại có một: Dĩ vãng dơ dáy đâu dễ gì dấu diếm.

    Lương tháng cũng tạm đủ nuôi thân, cũng không phải ăn bám vào gia đình như thời trước nữa. Thỉnh thoảng buổi trưa cũng alô về nhà chơi kỹ thuật số. Nhà hắn, ngoài con em không biết gì thì ai cũng là dân kỹ thuật số siêu hạng. Bảnh mắt ra là bàn mơ này này mơ nọ, sau đó còn đem sấp giấy dò số của từng đài trong cả năm ra nghiên cứu. Cuối cùng dứt khoát rải tiền vào đánh cho được con số quái quỷ kia. Nghĩ cũng lạ! Người ta bảo cờ gian bạc lận. Thế mà dân ghiền cờ bạc, lô đề không hề chùn chân. Cứ như những con thiêu thân lao vào ánh sáng. Hay là do sức ảnh hưởng của câu thơ:

    Một phút lóe lên rồi chợt tắt
    Còn hơn le lói mãi không thôi.

    Nuôi con số cho tới ngày nó xổ là cả một niềm đam mê cháy bỏng. Nó giống như những cặp đôi đang yêu nhau tha thiết không gì chia cắt được. Lâu lâu, trúng được quả là đãi đằng nhậu nhẹt, nói thánh nói tướng rằng mình hay mình tài. Nghiên cứu, lý luận chặt chẽ nên hôm nay nó buộc phải ra con ấy. Đúng! Đó là những giây phút huy hoàng cho những người có máu mê cờ bạc đề đóm. Nhưng thật ra, số tiền mà họ thua còn gấp trăm lần hơn số tiền mà họ được.

    Mỗi lần đánh thua là mỗi lần cay cú. Có những gia đình mà hai mẹ con chỉ còn mỗi cái quần lành lặn. Tất cả đã được bán tuốt tuồn tuột để bao lô. Nói thật là cái quần ấy chỉ dành cho người phải đi ra ngoài khi có việc, chứ nếu không thì nó cũng có cánh để bay. Nghe bỗng dưng nhớ đến giai thoại Chữ Đồng Tử ngày xưa, hai cha con chỉ dùng chung chiếc khố. Oải toàn thân

    Họ chơi cho đến chẳng còn gì để chơi và họ đánh quyết ăn thua cũng như:

    Còn cái lai quần cũng đánh.

    Chơi với xác xuất năm ăn năm thua còn chổng gọng, bán nhà. Chứ như chơi đề thì xác suất thắng là 1% với tỉ lệ 1 ăn 70 thì thấy chưa chơi đã lỗ 30%. Thế mà vẫn chơi. Đúng là hết chi nói nổi!

    Còn tiếp
    Ta già chưa nhỉ em ơi?
    Để thơ hon hỏn vay đời nỗi đau.

  2. Có 8 thành viên cám ơn bài của kehotro:

    bachvan (30-04-2011),Boulevard (27-04-2011),MinhThy (13-05-2011),Nhím con (14-05-2011),OA _ NỮ (27-04-2011),Phu sinh (13-05-2011),SunWild (27-04-2011),thuphong (27-04-2011)

  3. #2
    Silver Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    1.870
    Thanks
    3.084
    Thanked 2.095 Times in 433 Posts

    Default Re: Dư âm một cuộc đời

    Phần II

    Cha hắn là một người rất có hiếu với bà nội. Cái ngày giải phóng, cha hắn đã leo lên tàu rồi nhưng nghĩ đến bà nội nên đành phải leo xuống trở về. Ấy thế mà lại may. Nếu không thì làm gì có hắn và con em hắn. Nhưng hình như quy luật cuộc đời luôn trớ trêu khi người ta nói : Lợi bất cập hại.

    Bà nội hắn sau này nuôi các em của cha hắn vất vả quá nên cha hắn lại ra đi lần nữa. Lần này, cha hắn đi tuyến đường bộ sang Campuchia mà lúc này đang là thời điểm đánh nhau ác liệt giữa bộ đội VN và bọn Pôn pốt. Mãi sau này, khi người bạn đi cùng từ Mỹ viết thơ về VN nhờ người sang nhắn hộ với bà nội hắn là cha hắn bị Pôn Pốt bắn chết. Thì gia đình hắn mới lập bàn thờ mà khóc vơi nước mắt. Bảy người đi chỉ một người chạy thoát sang Thái Lan, bốn người bị phía Việt Nam bắt lại và hai người không tìm thấy xác. Mẹ hắn đau khổ đến tột cùng và vẫn ở vậy tới giờ để nuôi hai anh em hắn.

    Nhưng hắn biết rất rõ, Mẹ hắn luôn đổ lỗi cái chết của cha hắn là do bà nội. Mặc dù, trong thâm tâm hắn cũng cho rằng chưa chắc đó là chuyện đúng. Nhưng hắn thấy Mẹ hắn quá đau thương nên hắn chẳng bao giờ nói gì mỗi khi Mẹ hắn cằn nhằn những chuyện xa xưa. Người phụ nữ không chồng một nách hai con lại còn phải nuôi cả bà ngoại. Đây quả thật cũng là chuyện phi thường trong cái thời kỳ ăn độn bo bo và bột mì Liên xô.

    Khuôn mặt của Mẹ hắn luôn phảng phất một nỗi buồn u uất. Người phụ nữ với dáng người dong dỏng cao, khuôn mặt vẫn còn đầy nét quyến rũ đã thu hút nhiều người đàn ông. Rất nhiều người đã bóng gió hay trực tiếp ngỏ lời nhưng kết quả chỉ là cái lắc đầu muôn thuở. Mẹ hắn vẫn không hề lay chuyển. Hắn rất thương Mẹ nhưng giá như hắn đừng ở cái xóm ấy, đừng chơi với những thằng bạn hư hỏng ấy thì hắn đã không đến nỗi như ngày nay! Mẹ Trang Tử còn có tiền để chuyển nhà năm lần bảy lượt chứ Mẹ hắn làm sao có tiền để làm chuyện ấy.

    Buổi sáng hắn thường nằm ườn ở nhà xem tivi hay siêng hơn là ra đầu ngõ ngồi nhấm nháp ly cà phê đen nóng. Đốt thuốc và hưởng thụ cái cảm giác lâng lâng, ngồi tán dóc với vài người ngồi uống cà phê rồi đợi đến giờ thì đi làm. Hôm nay, hắn phát hiện có một nhân vật mới keng. Một thằng nói giọng bắc vào quán kêu một cái nâu. Bà chủ chẳng hiểu hắn gọi đó là cái gì, nhì nhằng mãi mới hiểu hắn gọi ly cà phê sữa. Thế là cả cái quán nhỏ được một trận cười no nê. Vài ngày sau thì cũng quen dần và hắn cũng phát hiện thằng kia cũng từng là dân nghiện. Thằng này ăn nói có duyên và phải nói là hay chuyện. Hắn lượm lặt ở đâu mà đủ thứ chuyện trên đời. Đương nhiên, hắn cũng biết thừa là tay kia phải thêm thắt dặm mắm dặm muối vào nên câu chuyện mới vừa nêm.

    Có lần thằng ấy kể đi cùng thằng bạn vào lối đường tàu để chơi hàng. Chẳng là thằng kia trúng quả bốn chiếc xe đạp. Hai thằng hỉ hả vừa đi vừa cười nói. Mọi khi, thằng kia chỉ chơi một bi nhưng hôm nay tiền nhiều quá. Thằng kia quyết thưởng thên nửa bi nữa. Can không được nên đành cho chơi. Ấy thế mà phê lòi! Mọi khi còn về được, lần này vừa đi vừa lim dim mắt, đã thế lại cứ hết lấy trái rồi lấy phải. Đến phố đông người ai cũng phải tránh đường cho ông tướng nghênh ngang. Mà trời xui thế nào mà tay ấy đi húc ngay vào cái cột đèn.

    Cái đầu nghe tê tê nhưng hắn nhanh mồm bảo:

    Cháu xin lỗi bác ạ!

    Nối rồi, thằng ấy đánh vòng để tránh khỏi va nhưng chẳng hiểu sao lại đâm đầu vào cột điện. Nó lại nhanh nhẩu:

    Cháu xin lỗi bác ạ.

    Rút kinh nghiệm, lần này thì đánh một cái xa thật xa nhưng đấy là nó nghĩ. Bước tới lại va đầu vào cột đèn. Cu cậu cay quá, quyết không nhịn nữa. Hắn to còi rống lên:

    Cháu xin lỗi bác rồi mà sao bác không cho cháu đi?

    Cả hàng phố hôm ấy cười một trận cứ gọi là vỡ bụng. Mà ở cái quán cà phê ấy cũng được trận cười no nê.

    Một bữa đang làm thì gặp chú út đến nhậu cùng bạn bè. Giơ cốc bia lên mời nó uống rồi hỏi làm ở đây thấy thế nào? Hắn cũng thật thà nói tạm ổn, chỉ có điều làm hơi khuya. Chú út nói, sáu tháng nay theo dõi, thấy mầy lo làm không còn ham chơi nên để tao xin cho mày sang làm chỗ khác. Chỗ này rất ngon và lương cao. Ráng lo mà làm nha!

    Chẳng cần đợi hết tháng, hắn vội vã xin nghỉ lấy nửa tháng lương và chuyển chỗ làm. Chú út kiếm đâu ra cho hắn mấy bộ đồ đem tới nhà bảo hắn mặc thử. Hắn cởi trần ra mà chú út hốt hoảng. Người hắn trông cứ như Thảo cầm viên với nào rồng nào rắn rồi thì cả bò cạp, chú út nói ngay:

    Mày đừng có mà ăn mặc kiểu phô trương mấy thứ đó ra, chỗ này toàn dân có tiền đến. Trông thấy rồng thấy rắn, bố bảo ma nào nó dám vào.

    Hắn ậm ừ cho qua chuyện và lựa lấy mấy chiếc sơ mi tay dài mặc vào. Nhưng miệng hắn thì lẩm bẩm:

    Mẹ kiếp, mấy năm trời nhịn hút nhịn xơi, đánh đổi biết bao nhiêu giờ công lao động mới được xăm trổ đầy đủ như thế này. Thử vào trong đó xem chúng nó có đánh cho mà giập mật. Nói là đi cai chứ chẳng khác đi tù.

    Cũng có đại bàng cát cứ, cũng có băng nhóm tranh giành rồi lại còn chế độ tem phiếu. Vì tiền mặt thì mua thuốc, mua đồ ăn giá khác còn dùng tem phiếu thì giá khác nên mỗi lần Mẹ hắn đi thăm là xem như hắn phải nuốt vào bụng tờ năm trăm ngàn. Quản giáo có xét cũng chẳng thấy gì. Đến lúc đi toa-let lại bươi bươi quẹt quẹt mà lấy ra xài. Cũng nhờ bà nội đưa tiền cho Mẹ hắn tiếp tế mà hắn được ưu đãi hơn. Chứ cái loại nhát cáy như hắn làm gì mà được thế!

    Thằng nào không số má giang hồ vào đều phải tựa lưng vào tường giang hai tay ra cho bọn chúng phang vào ngực đến quỵ mới thôi. Đêm ngủ phải nằm gần nhà xí, lại còn phải đấm lưng, đấm bóp cho bọn đàn anh. Đồ ăn gia đình đưa vào nếu không biết điều thì chúng cướp sạch. Đố thằng nào dám thưa với cán bộ nếu không muốn đang ngủ bị trùm mềm đánh cho một trận thừa sống thiếu chết.

    Sau lần đầu bỡ ngỡ, hắn được khôn ra nhiều. Bằng cách nào để giấu tiền, bằng cách nào để trữ thuốc hút, hắn đều học được. Rồi còn đặt quan hệ với những thằng có thể tuồn thuốc lá vào bán trong trại. Mua được thuốc cũng là một nghệ thuật, không phải cứ có tiền là đã có hàng. Một gói thuốc trong này, được móc nối và bán với giá đắt gấp mười lần so với bên ngoài. Vậy mà còn chẳng có để mua. Thuốc lá trong tù được ví như vàng ở ngoài đời. Có thuốc là có tất cả.

    Những hôm trại tổ chức giao lưu văn nghệ thì mới biết thế nào là giá trị của nó. Thằng nào có thuốc là có em. Mà nếu đưa giá cao thì cũng xơi được toàn những em xinh xắn. Thử hỏi đàn ông mà cả mấy tháng trời không được gần phụ nữ thì cảm giác nó như thế nào? Bọn chúng cứ giống như những con hải thác vào mùa giao phối. Ai trình diễn văn nghệ cứ trình, nhạc cứ đánh xập xình mà đâu đó trong các góc khuất, những tiếng thở hổn hển, những tiếng gào đầy khoái cảm vẫn vang lên. Nếu không có tiếng hát át tiếng gào hẳn người ta sẽ nghĩ mình đang là đoàn làm phim quay cảnh bầy hải thác đang lên cơn cuồng nộ.

    Chưa bao giờ hắn cảm thấy mình làm chuyện đó mà mạnh mẽ như vậy, chưa bao giờ hắn cảm thấy PN lại đáng yêu đến như vậy! Cái cảm giác da thịt cứ mạnh mẽ rung lên, tỏa ra, lan đến tận cùng những ngõ ngách của cơ thể, rung lên đến tận mỗi tế bào.

    Hắn đã từng có mấy mối tình nhưng đến khi nghiện thì người yêu hắn nhất cũng phải rơi nước mắt mà ra đi. Hắn cũng chẳng cần đoái hoài đến chuyện cô ấy đi lấy chồng. Thời kỳ ấy điều hắn cần là thuốc. Muốn giữ hắn cô người yêu phải cho hắn tiền. Nhưng tiền cỡ nào cũng đâu chịu nổi so với đồng lương công nhân ít ỏi. Thế là chia tay trong cơn mưa như cảnh các phim VN thường diễn.

    Còn tiếp
    Ta già chưa nhỉ em ơi?
    Để thơ hon hỏn vay đời nỗi đau.

  4. Có 4 thành viên cám ơn bài của kehotro:

    bachvan (14-06-2011),MinhThy (13-05-2011),Nhím con (14-05-2011),Phu sinh (13-05-2011)

Posting Permissions

  • Bạn không thể tạo chủ đề mới
  • Bạn không thể trả lời
  • Bạn không thể dùng tập tin đính kèm
  • Bạn không thể hiệu chỉnh bài
  •