Bài 1 đến 6/6

Chủ đề: Hành trình mênh mang của 'Cánh đồng bất tận'

  1. #1
    Silver Member PhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    Feb 2010
    Bài viết
    499
    Thanks
    1.405
    Thanked 1.118 Times in 288 Posts

    Default Hành trình mênh mang của 'Cánh đồng bất tận'

    Câu chuyện đầy bi kịch nhưng vẫn le lói niềm tin, trau chuốt trong từng khuôn hình, bộ phim nghệ thuật được mong đợi nhất của điện ảnh VN trong năm nay đã để lại trong lòng khán giả những cảm xúc "bất tận".

    Cánh đồng bất tận được mở đầu bằng hình ảnh một cô gái điếm đang bị đám đàn bà lao vào chửi bới, đuổi đánh. Sương - tên của cô gái điếm - gần như đã kiệt sức, chống trả lại trong sự bất lực và vùng vẫy lao ra khỏi bàn tay tàn nhẫn của những mụ đàn bà đang nổi máu ghen tuông. Thế rồi Điền xuất hiện và cứu Sương, đưa cô lên chiếc ghe mà người chị gái tên Nương và ông Võ - cha cậu bé đang chờ. Chiếc ghe nổ máy trôi đi, những người phụ nữ kia vẫn đứng trên bờ chửi và đay nghiến một cách đầy căm phẫn. Trên ghe, cô gái điếm trong bộ dạng tơi tả đã lả đi trong vòng tay của Nương. Sương đã bước vào cuộc đời của hai chị em Điền, Nương và ông Võ như vậy.


    Những khuôn hình đẹp lung linh của "Cánh đồng bất tận". Ảnh: BHD.

    Ở nơi "con kinh nhỏ vắt qua một cánh đồng rộng, những cây lúa non trên đồng, thân đã khô cong như tàn nhang chưa rụng, nắm vào bàn tay là nát vụn" ấy, ông Võ và hai đứa con Điền, Nương dẫn đàn vịt của mình đi hết nơi này đến nơi khác trong sự đe dọa của nạn cúm gia cầm lẫn sự truy đuổi gắt gao của cán bộ kiểm dịch. Nỗi cay đắng vì vợ phụ bạc đã khiến trái tim của ông Võ tan nát và biến một người đàn ông chất phác, hiền lành trở thành một kẻ nát rượu, cục cằn, là nỗi sợ hãi của hai đứa con chưa tới tuổi trưởng thành.

    Sự xuất hiện của Sương như một làn gió mới thổi mát cuộc sống của ba con người miền Tây. Sự tần tảo, chịu thương chịu khó của người phụ nữ ấy đã đem đến cảm giác ấm áp, yêu thương cho chị em Điền, Nương nhưng không xóa tan được nỗi đau trong tâm hồn ông Võ. Sương càng cố gắng nhịn nhục, vun vén cho tổ ấm nhỏ bé nơi đồng không mông quạnh bao nhiêu thì ông Võ lại lạnh nhạt và tàn nhẫn với cô bấy nhiêu. Cuộc sống của họ vẫn cứ trôi đi trong sự nặng nề, bế tắc và chẳng biết bao giờ mới có giây phút bình yên...



    Đỗ Thị Hải Yến vào vai Sương trong "Cánh đồng bất tận". Ảnh: BHD.

    Bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Nhà sản xuất đã mua bản quyền thực hiện từ năm 2006 nhưng không thể sản xuất sớm hơn do tác phẩm gốc gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận, vì khắc họa quá trần trụi cuộc sống của những người nông dân miền Tây Nam Bộ. Ngay từ đầu phim, Cánh đồng bất tận đã đem đến cho khán giả những xúc cảm rất mãnh liệt, dữ dội qua trường đoạn cô gái điếm Sương bị đuổi đánh tơi tả. Ngay sau đó, từng khuôn hình đẹp lung linh, tràn ngập sức sống của vùng sông nước miền Tây Nam Bộ tiếp tục dẫn dắt khán giả bước vào "những hành trình bất tận" của các nhân vật.

    Trong suốt chiều dài phim, khán giả được chiêm ngưỡng những góc quay đẹp đến bất ngờ. Ngay cả những người chưa từng đặt chân tới miền Tây cũng có thể cảm nhận thấy mùi mặn chát của đất, mùi nồng của nước, tiếng kêu của những đàn vịt tranh nhau tìm kiếm thức ăn... Nhưng đặc biệt hơn cả chính là vẻ đẹp nên thơ, buồn man mác của những cánh đồng không tên mà hai chị em Điền, Nương gọi tên bằng những kỷ niệm. Cánh đồng bất tận được quay tại ba địa điểm của vùng miền Tây Nam Bộ là Long An, Đồng Tháp và Cần Thơ trong suốt ba tháng trời. Ánh sáng, màu sắc được xử lý tốt khiến từng khuôn hình trở nên thực sự có "hồn" và thay đổi theo từng cung bậc cảm xúc của các nhân vật cũng như khán giả.

    Bám sát với nguyên tác, diễn biến tâm lý nhân vật được đưa đẩy theo mức độ cao dần. Sương, ông Võ, Điền, Nương đều được xây dựng với tính cách rất rõ rệt. Câu chuyện phim được kể qua góc nhìn của cô bé Nương. Chứng kiến mẹ bỏ đi theo người đàn ông khác, cha thay đổi tâm tính trở thành một con người đáng sợ, chị em Điền - Nương chỉ còn biết nương tựa vào nhau mà sống. Những lời tâm sự của Nương đôi khi khiến khán giả phải chạnh lòng. Sự chăm sóc tận tình của Sương như làm lay động nỗi khát khao được yêu thương, được đùm bọc của hai đứa trẻ từ lâu đã thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người mẹ.



    Tăng Thanh Hà tham gia "Cánh đồng bất tận" trong vai trò khách mời đặc biệt. Trong phim, cô đóng vai người vợ đã bỏ chồng ra đi của ông Võ (do Dustin Nguyễn thủ vai). Ảnh: BHD.

    Cánh đồng bất tận khá thành công trong việc chọn diễn viên. Hải Yến có màn lột xác ngoạn mục với vai cô gái điếm tên Sương. Cô đã lột tả rõ "lộ trình" cảm xúc của nhân vật này từ lúc sợ hãi khi bị đuổi đánh, bối rối trước sự tử tế của chị em Điền - Nương, xao động và muốn xây dựng gia đình hạnh phúc với ông Võ cũng như lúc thất vọng, sụp đổ khi tình yêu không được đáp lại. Mặc dù phần đài từ vẫn khiến nhiều khán giả có ác cảm, diễn xuất của Hải Yến đã thực sự thuyết phục và để lại những ấn tượng mạnh mẽ, sâu sắc về hình ảnh một cô gái ăn sương có tâm hồn thanh cao.

    Dustin Nguyễn cũng chinh phục người xem bằng diễn xuất chuyên nghiệp. Trong phim, lời thoại của nhân vật Võ rất ít nên Dustin phải thể hiện cảm xúc từ trong trái tim và thông qua cử chỉ, nét mặt, đôi mắt. Qua diễn xuất của Dustin Nguyễn, khán giả có thể thấy được hình ảnh ông Võ như bước ra từ trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư. Đó là một người đàn ông tàn nhẫn, bất lực với cuộc sống của chính bản thân mình và tìm cách trốn chạy sự thực thông qua men rượu và tình dục. Sự cay đắng của số phận đã đẩy cuộc đời của ông Võ đi vào bế tắc, không có lối thoát, để rồi khi ông tỉnh ngộ ra và nhìn nhận lại mọi chuyện, nhìn lại gia đình mình thì những tia sáng hy vọng đã gần như vụt tắt.

    Tuy nhiên, để lại cảm xúc cho khán giả nhiều hơn cả là diễn xuất của hai diễn viên trẻ Lan Ngọc và Thanh Hòa trong vai hai chị em Điền - Nương. Thanh Hòa mang tới một cảm giác hoang dã, bất cần của những thanh niên trẻ vùng sông nước. Trong khi đó, Lan Ngọc dù lần đầu tiên đóng phim nhưng "diễn như không diễn" - rất tự nhiên và sinh động, đặc biệt ở những trường đoạn phải thể hiện nội tâm. Tâm trạng khắc khoải của Nương mỗi khi mong ngóng chị Sương và Điền trở về đã nhận được sự đồng cảm, thương tâm của khán giả. Âm nhạc do nhạc sĩ Quốc Trung thực hiện cũng góp phần tạo nên điểm nhấn cho bộ phim.



    Diễn xuất của nữ diễn viên trẻ Lan Ngọc trong vai Nương nhận được nhiều lời khen. Ảnh: BHD.

    Nội dung bám sát với tinh thần của tác phẩm văn học, nhưng Cánh đồng bất tận có thay đổi một số chi tiết quan trọng. Câu chuyện được xây dựng trong phim đỡ bi kịch hơn trong truyện và mang màu sắc tươi sáng, le lói niềm tin và mong mỏi vào một cuộc sống tốt đẹp hơn của những người nông dân miền Tây. Những hình ảnh trong đoạn kết của phim phần nào làm ấm lòng khán giả sau những kịch tính, khốc liệt và bi kịch suốt từ lúc mở đầu. Chính nhà văn Nguyễn Ngọc Tư sau khi xem phim đã xúc động phát biểu rằng, phim đã truyền tải được gần như trọn vẹn những ý nghĩa, nội dung thể hiện trong tác phẩm văn học của chị.
    Tuy nhiên, khi ra mắt, Cánh đồng bất tận cũng nhận được vô vàn những luồng ý kiến trái chiều. Có người nói rằng phim làm chưa "tới" so với truyện, người khác lại nói rằng phim dường như là một "sự minh họa" cho truyện. Phần mở đầu phim và cuối phim để lại khá nhiều cảm xúc dữ dội, nhưng phần giữa phim lại hơi dàn trải, nặng nề và tiết tấu quá chậm chạp khiến khán giả bị kéo lê đi một cuộc hành trình mà chưa biết đâu là điểm dừng. Cảnh nóng giữa Sương và ông Võ trong phim xây dựng có phần hơi ướt át và chưa lột tả hết được tâm trạng, thần sắc các nhân vật như ở nguyên tác. Cảnh Sương ra đi trên một cánh đồng mênh mông, hiu quạnh rất đẹp, rất có "hồn" nhưng cũng quá ngắn ngủi nên chưa tạo được điểm nhấn để lấy lòng khán giả hơn.

    Không thể phủ nhận rằng Cánh đồng bất tận chưa thể làm hài lòng được hết những người yêu mến tác phẩm gốc, song giữa điện ảnh và văn học rất khác nhau. Chính vì vậy, hãy nhìn nhận qua con mắt của một khán giả xem phim, chứ không phải người đọc truyện. Phim đã cố gắng truyền tải những ý nghĩa, thông điệp về số phận của những thân phận long đong, chìm nổi ở nơi sông nước miền Tây Nam Bộ. Những cuộc hành trình bất tận trong cuộc đời họ trên từng cánh đồng vẫn mãi tiếp diễn với biết bao bi kịch đau thương. Nhưng trong cái bi kịch ấy, chúng ta có thể nhận thấy sự ấm áp của tình người, tâm hồn cao đẹp của những con người tưởng như ở tận dưới đáy xã hội cũng như sự trong vắt của những đứa trẻ lớn lên cùng sông nước.

    "Là trẻ con, đôi khi nên tha thứ cho lỗi lầm của người lớn" - câu nói kết thúc "hành trình bất tận" trong cả bộ phim lẫn truyện vẫn sẽ mãi làm thổn thức trái tim của biết bao khán giả và để lại những suy nghĩ bâng khuâng, khắc khoải khi nghĩ về hai từ: "đời người".

    .................................................. .................................................. ............. Nguyên Minh
    (Nguồn: http://vnexpress.net/GL/Van-hoa/2010/10/3BA2220F/)

  2. Có 5 thành viên cám ơn bài của Đông Quân:

    Lão K (20-11-2010),OA _ NỮ (20-11-2010),Phương Lê (19-11-2010),SunWild (19-11-2010),TeacherABC (19-11-2010)

  3. #2
    Gold Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    1.372
    Thanks
    1.970
    Thanked 1.574 Times in 565 Posts

    Default Re: Hành trình mênh mang của 'Cánh đồng bất tận'

    Điều thành công nhất của bộ phim là người xem cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa và trân trọng những gì mình đang có, nếu phải so sánh với những mất mát của bao mảnh đời mà những số phận trong phim là một ví dụ. Em đọc truyện lâu rồi nên cũng quên gần hết, không có cảm giác phim bị vênh so với truyện. Tự nhiên lại nhớ đến những bộ phim của Trần Anh Hùng, nhớ sự tĩnh lặng rất riêng trong Đu đủ xanh...

  4. Có 3 thành viên cám ơn bài của SunWild:

    Lão K (20-11-2010),Phương Lê (22-11-2010),TeacherABC (19-11-2010)

  5. #3
    Gold Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket Triplec's Avatar
    Ngày gia nhập
    Jun 2009
    Bài viết
    605
    Thanks
    1.803
    Thanked 1.799 Times in 418 Posts

    Default Re: Hành trình mênh mang của 'Cánh đồng bất tận'

    Triplec đưa những bài bình phim "Cánh đồng bất tận" trong blog của nhà văn Nguyễn Quang lập về chia sẻ cùng mọi người.

    Tôi không đứng về phe nước mắt…(Nguyễn Quang Lập)


    Phim Cánh đồng bất tận bọ đi xem hai lần. Lần đầu cho 6/ 10 điểm. Về uống rượu với một ông nhà văn, một ông nhạc sĩ, một ông tổng biên tập, một ông nhà báo lừng danh, một ông phó tổng giám đốc ngân hàng. Ông nhà văn nói:” Đây là phim đáng xem nhất của điện ảnh Việt Nam trong vòng 35 năm qua.” Ông tổng biên tập nói: “Nó khá hơn phim Vũ khúc con cò chút xíu”. Ông nhạc sĩ nói: ” Tôi mua vé cho cả nhà đi xem, ai cũng khóc sưng mắt. Mắt tôi còn sưng đây này”. Ông phó tổng giám đốc ngân hàng nói: ” Tôi xem phim này hai lần, lần nào cũng chẳng hiểu vì sao ngươì ta khóc cả. Nghe đạo diễn Vũ Ngọc Đãng khóc 5 lần thì thất kinh.” Ông nhà báo lừng danh nói: “Xem xong phim này tôi rút ra bài học rất quan trọng: Để còn bạn còn bè tốt nhất là không nên đi xem phim”. Bọ quyết định đi xem lần hai, lần này cho 4/ 10 điểm, đến khi gặp cái kết phim thì trừ nốt cả bốn điểm đã cho, về viết bài: Cánh đồng bất tài. Nhưng rồi vì bạn vì bè, vì nghề vì ngỗng bọ đã ném bài ni vô sọt rác. Vì vậy bọ trân trọng giới thiệu 2 bài viết, một của nhà văn Hồ Trung Tú, một của nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn- hai người bạn không hèn nhát như bọ.

    Nguồn: quechoablog.worldpress.com
    Last edited by Triplec; 19-11-2010 at 01:01 PM.

  6. Có 6 thành viên cám ơn bài của Triplec:

    Đông Quân (20-11-2010),Lão K (20-11-2010),OA _ NỮ (20-11-2010),Phương Lê (22-11-2010),SunWild (19-11-2010),TeacherABC (19-11-2010)

  7. #4
    Gold Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket Triplec's Avatar
    Ngày gia nhập
    Jun 2009
    Bài viết
    605
    Thanks
    1.803
    Thanked 1.799 Times in 418 Posts

    Default Re: Hành trình mênh mang của 'Cánh đồng bất tận'

    Xem phim Việt: Từ photocopy (Giao lộ định mệnh) đến photoshop (Cánh đồng bất tận)

    Nguyễn Thanh Sơn

    Có một câu nói rất đúng cho tình cảnh của điện ảnh Việt nam hiện nay “chúng ta đã có quá nhiều những kẻ thông minh (vặt), thiếu là thiếu những người dũng cảm”!

    Đúng vậy, bởi đưa được những giá trị nhân văn trong tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Ngọc Tư lên được màn ảnh rộng rất cần sự dũng cảm. Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư là tiếng thét câm lặng, uất ức của hiện thực về số phận bi thảm của người nông dân miền Tây: bị bần cùng hóa, bị đẩy vào một “cánh đồng bất tận” của nghèo đói, áp bức và sự thờ ơ vô cảm của xã hội. Trên cái nền tương phản của vô tận sông nước và đồng lúa trù phú của miền Tây, những số phận nghèo khổ cứ phải trôi nổi, tưởng có thể tụ vào nhau rồi lại phải ly tán, để lại cho người đọc dư vị đắng cay của sự bất lực, cho dù ẩn sâu trong nó vẫn mêng mông chan chứa tình người.

    Những giá trị đáng trân trọng đó của Cánh đồng bất tận, rất tiếc, đã bị đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đánh rơi trên con đường “phải đạo hóa” tác phẩm điện ảnh của mình. “Phải đạo hóa” bằng việc biến một bi kịch xã hội thành một bi kịch cá nhân-vợ Út Võ bỏ ba cha con đi theo một chú Chệt chỉ đơn giản vì những miếng vải đẹp; Út Võ hoàn toàn có thể sống một cuộc sống ổn định, làm một ông lái đò đưa học sinh tới trường nếu ông muốn vậy. “Phải đạo hóa” bằng việc biến đám “cường hào mới” ở nông thôn, những kẻ phải chịu trách nhiệm về những đắng cay áp bức mà người nông dân phải gánh chịu thành đám lưu manh giang hồ vùng sông nước- ồ, bi kịch của người nông dân miền Tây chỉ xuất phát từ lỗi của chính họ, và hóa ra sự áp bức bất công mà họ phải gánh chịu cũng chỉ xuất phát từ những người cùng khổ như họ.

    Vo cho tròn sự quyết liệt của tác phẩm văn học, lại thiếu dũng cảm để chọn cho mình một hướng tiếp cận mới cho tác phẩm điện ảnh, không ngạc nhiên khi đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình rất lúng túng khi xử lý góc nhìn của bộ phim. Ban đầu, bộ phim đã có một sự khởi đầu khá tốt khi ống kính được đặt ở góc nhìn của Điền, nhưng ngay sau đó, bộ phim bị kéo lê thê bằng góc nhìn trung tính minh họa cho tác phẩm văn họ. Lẽ ra, nếu đạo diễn làm rõ được đây là góc nhìn của Nương, thì bộ phim phải được nhìn nhận từ góc nhìn Sương chỉ là chất xúc tác đẩy tình cảm và xung đột của ba cha con Út Võ lên đến cao trào. Nguyễn Phan Quang Bình đã dành quá nhiều ưu ái cho nhân vật Sương, nên góc nhìn của bộ phim không thể hiện được những xung đột phức tạp của tình cảm giữa Út Võ- Nương-Điền, và khi cô Sương ra đi, bộ phim bị mất điểm nhấn, càng trở nên dài dòng và thừa thãi.

    Là một đạo diễn, Nguyễn Phan Quang Bình phải thừa hiểu, thế mạnh của tác phẩm điện ảnh là hình ảnh, hành động và lời thoại điện ảnh của nhân vật. Nhưng đáng tiếc, anh đã quá lệ thuộc vào lời thoại của tác phẩm văn học. Chi tiết rất hay trong truyện qua lời kể của Nương “từ ngày đó, ba em chỉ gầm gừ và tằng hắng. Chúng em phải nương theo tiếng tằng hắng của ba để đoán ý ba thế nào”…phải được thể hiện trong phim bằng cách Nương/Điền đoán định ý ba qua tiếng tằng hắng ra sao. Nhưng Út Võ không hề gầm gừ hay tằng hắng mà chỉ thấy quát tháo trong phim, cũng không có gì trong phim chứng tỏ Nương và Điền hiểu tiếng tằng hắng hay gầm gừ của cha. Hay để chứng tỏ cuộc sống trôi nổi vô định của gia đình Út Võ, phải có hàng loạt hành động điện ảnh, chứ không phải đơn giản như câu thoại của Nương khi thấy Điền làm hàng rào quanh cây bưởi mới trồng “trồng làm gì để đi xa rồi lại nhớ”- nỗi nhớ, lẽ ra phải được thể hiện bằng hình ảnh, thì lại đơn giản thông qua một câu thoại mùi mẫn. Hay hình ảnh có tính ẩn dụ về cây sống đời mà “mỗi một lá rơi xuống lại đem lại một mầm sống, như tình cảm của chị đối với chúng em, đi xa nhưng vẫn sống mãi”-lại cũng là một câu thoại văn học hầu như không chút ăn nhập với hình ảnh phim

    Chính vì không hiểu (hay không dám hiểu) giá trị nhân văn chính của tác phẩm văn học, trong việc xây dựng tính cách nhân vật, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã đánh mất đi cái đẹp sâu sắc tiềm ẩn trong tính cách của mỗi một số phận trong Cánh đồng bất tận, và điều đó khiến cho dàn diễn viên nổi tiếng của anh có những vai diễn đáng thất vọng nhất trong bộ phim này. Dustin Nguyễn, trong đoạn phỏng vấn để quảng bá cho bộ phim, nhắc đi nhắc lại “ông Võ là người rất dã man…nhưng xem phim, bạn sẽ thấy ông ấy có lý do để làm như vậy…”- Dustin đã nhầm, vấn đề ở đây không phải ở “lý do”, mà bản chất, ông Võ không phải là người “dã man”. Tại sao dù đau khổ nhưng Nương và Điền vẫn bám theo ba suốt dọc hành trình,vì các em hiểu rằng- dưới lớp vỏ cộc cằn, cay đắng và thậm chí đôi lúc tàn nhẫn là tình thương các con, là một tâm hồn, một tình cảm bị tổn thương sâu sắc. Dustin Nguyễn chỉ diễn được chất cộc cằn và tàn nhẫn, diễn căng cứng, một chiều và chỉ chạm rất phớt được tầng sâu đó của nhân vật, nên khi anh cố gắng diễn sâu hơn, như khi anh đưa lại chiếc nhẫn cho Nương, hay cảnh kêu trời thống thiết đáng thất vọng của anh ở cuối phim thì cách diễn lại mang đầy tính “kịch” giả tạo. Tạo hình vạm vỡ của anh, cái cách anh ngồi uống rượu, chặt củi hay ân ái với Sương đều rất ít điểm chung với nhân vật nông dân miền Tây mà anh phải thể hiện.

    Nhưng thất vọng lớn nhất của bộ phim là Đỗ Thị Hải Yến. Thách thức và áp lực đối với cô ở vai Sương là rõ rệt: hình ảnh một cô gái điếm miền Tây đơn sơ, bị cuộc sống đầy đọa nhưng vẫn mong mỏi yêu thương và được yêu thương, sẵn sàng hi sinh nhưng cũng sẵn sàng rời bỏ khi cảm thấy nhân cách của mình bị xúc phạm… là một vai diễn khó với Hải Yến. Và cô đã không vượt qua được thách thức này. Dù có những cảnh diễn đạt (cảnh đầu tiên của phim, cảnh cô xăng xái tươi cười tràn ngập hạnh phúc xới cơm cho gia đình Út Võ sau đêm ân ái), nhìn chung khán giả không nhìn thấy cô gái điếm trong cô. Đài từ quá yếu của cô (“ôi chị làm gái ấy mà”), ánh mắt giả tạo (“ba của mấy cưng đẹp trai ghê ta”), trang phục xa lạ (áo trắng tinh) đến hành động tạo hình (nắm bàn tay Út Võ, từ từ ngả người ra sau, những cảnh cô xoa đầu trò chuyện với Điền, Nương) đều thấy rõ sự “diễn” gượng gạo của cô. Nếu không được bù đắp lại bằng diễn xuất duyên dáng tươi trẻ của Lan Ngọc (vai Nương), khắc khổ và chân thành của Thanh Hòa (vai Điền), thì diễn viên có thể được coi là thất bại lớn thứ hai của phim Cánh đồng bất tận.

    /*-rõ rệt ở hình ảnh và sắp đặt của bộ phim -không phải mầu nâu của đất, màu đen của sình lầy, không phải những giọt mồ hôi hay nếp nhăn của nghèo đói và tuyệt vọng trên khuôn mặt của các nhân vật- mà trong phim vàng rực màu vàng của lúa, màu xanh ngắt của cỏ và màu trắng của những chiếc áo của Nương, của Sương. Để “đẹp hóa” bộ phim, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình sẵn sàng hi sinh tính trung thực của thực tế, mà cảnh Sương tắm trong đìa sen là một ví dụ điển hình- bất cứ người dân miền Tây nào cũng biết đìa sen với gai góc và bùn lầy là nơi bẩn nhất, là nơi không ai có thể tắm. Hay những hình ảnh sắp đặt của hai cô gái Nương và Sương mặc áo trắng múc từng gáo nước trên thuyền- cảnh quay lẽ ra phải để Sương gợi cho Nương nhớ đến người mẹ mà cô hàng đêm mong nhớ- thì lại trở thành một cảnh quay tạo hình một vẻ đẹp “chẳng để làm gì” giữa trời nước miền Tây.

    Với một cốt truyện hay, một dàn diễn viên nổi tiếng, được đầu tư chu đáo, lẽ ra Cánh đồng bất tận hoàn toàn có cơ hội để trở thành một tác phẩm điện ảnh thành công, hơn là chỉ được đánh giá cao về diễn xuất của một vài diễn viên, của hình ảnh đèm đẹp hay âm nhạc mang đậm tính dân tộc/hiện đại của Quốc Trung. Victor Hugo có một câu nói nổi tiếng về sự dũng cảm của người nghệ sĩ „hãy như con chim không e ngại sà xuống cành cây sắp gẫy, cho dù cảm thấy cành cây trĩu xuống, vẫn hát bài ca thường nhật, vì biết rằng mình vẫn còn đôi cánh để nâng đỡ”. Phải chăng vì thiếu đi sự nâng đỡ của đôi cách (tài năng) ấy, mà Cánh đồng bất tận không có được sự dũng cảm của một tác phẩm nghệ thuật đích thực?

    Nguồn: quechoablog.worldpress.com

  8. Có 6 thành viên cám ơn bài của Triplec:

    Đông Quân (20-11-2010),Lão K (20-11-2010),OA _ NỮ (20-11-2010),Phương Lê (22-11-2010),SunWild (19-11-2010),TeacherABC (19-11-2010)

  9. #5
    Gold Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket Triplec's Avatar
    Ngày gia nhập
    Jun 2009
    Bài viết
    605
    Thanks
    1.803
    Thanked 1.799 Times in 418 Posts

    Default Re: Hành trình mênh mang của 'Cánh đồng bất tận'

    NGHĨ VỀ PHIM ” CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN”

    (Hồ Trung Tú)

    Hiếm có một tác phẩm văn học nào lại được công chúng chờ đợi để được xem phim chuyển thể như truyện ngắn “Cánh đồng bất tận”. Mà không chỉ công chúng, giới điện ảnh cũng nhấp nhổm chuyện làm phim tác phẩm này ngay sau khi nó được in. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả kịch bản nhiều phim danh giá nhất của Việt Nam thì nói: “Chuyện có, văn có, cảnh có, nhân vật rất đậm nét, chỉ còn có hình có nhạc nữa là xong bộ phim. Sẽ là bộ phim hay, tôi tin lắm”. Nguyễn Quang Lập thì kể: “Đọc xong cánh đồng bất tận, mình thấy ngôn ngữ điện ảnh đầy ắp. Chưa thấy tác phẩm nào mà người Nam bộ lại đẹp một cách đau đớn đến thế. Mình điện cho đạo diễn Thanh Vân, Vân bảo em mới đọc xong, chỉ mong đến sáng để gọi cho anh. Tuy nhiên, nó phải làm thế nào, làm bởi ai, nếu không khéo đó chỉ thuần tuý một câu chuyện thương tâm thì lại vứt”.

    Thế nhưng, dường như chúng ta đã có một khả năng xấu nhất trong mọi khả năng có thể. Rơi vào tay một đạo diễn khác chúng ta cũng vẫn sẽ có một phim lấy nước mắt người xem như thế chứ không thể kém hơn (bằng chứng là bản chuyển thể kịch nói và cải lương truyện này cũng lấy nước mắt người xem đâu kém ?), nhưng chúng ta chí ít cũng sẽ có được những khung hình lặng lẽ cô đơn của chiếc xuồng giữa mênh mông đồng nước (ừ, lạ nhỉ, cả phim không có lấy được một khung hình nào như thế mà thay vào đó là những ầm ĩ của đám đông, của chợ búa làng xóm ); chúng ta cũng sẽ có được cơn đau của người bố Út Vũ khi bò quanh con, cố tìm thứ đó gì để đắp lên cái thân thể rách bươm của cô con gái chứ không phải đứng lên rồi hét trời ơi !

    Có quá nhiều việc phải làm, có quá nhiều chi tiết cần phải được thể hiện để dẫn đến các cao trào thế nhưng các nhà làm phim đã lại chọn một câu thoại để thay thế. Cậu bé trai Điền yêu cô gái điếm Sương là cả một quá trình chứa trong nó rất nhiều chi tiết vốn là sở trưởng của điện ảnh, thế nhưng đạo diễn đã cho qua tất cả, không một chi tiết nào được mô tả. Để chuẩn bị cho cảnh Điền ôm chiếc áo lót của Sương mà hôn, không một chi tiết nào được nói đến ngoại trừ câu thoại của Sương: “Chị biết là em yêu chị” !

    Những chi tiết ký ức về người mẹ của đứa con gái đâu rồi để chỉ còn lại mỗi một câu thoại “Em nhớ mẹ !”. Cũng vậy, để kéo được người mẹ cạn lòng lên giường lão bán vải cũng chỉ buông độc một câu tán tỉnh trong khi trong truyện và cả trong bài học điện ảnh cơ bản nhất thì đó là đất dụng võ của ngôn ngữ điện ảnh, đó là chỗ điện ảnh tung hoành mà không loại hình nghệ thuật nào có được ưu thế như nó.

    Thay vào những chi tiết cần phải có với một tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa thì các nhà làm phim lại dành quá nhiều thời lượng cho những pha rên rỉ, đau đớn và khóc lóc. Bị đòn ghen, Sương rên than dài quá, đến sốt cả ruột. Lúc bỏ đi Sương cũng khóc đến là lâu, khóc uất ức, đau xót như mất mát hoặc oan ức nào đó trong khi lẽ ra đó là nước mắt của sự giận dữ trước sự tàn nhẫn của người cha lòng chứa đầy hận thù kia.

    Cứ vậy, câu chuyện được kể rề rà, như làm cho xong chuyện, lời thoại thay cho vô số tình huống cần mô tả bằng hình ảnh, thỉnh thoảng lại đầu tư vào vài cao trào lấy những mắt người xem.

    Nếu nói về thành công nào đó thì thành công hoàn toàn thuộc về Nguyễn Ngọc Tư. Với một câu chuyện văn học như vậy thì chuyển thể sang kịch nói, cải lương, hát chèo gì đi nữa thì cũng lấy nước mắt khán giả một cách dễ dàng, làm phim thì, dù nhà đạo diễn non tay thế nào đi nữa chắc chắn cũng sẽ khó mà tệ hơn những gì ta đã được xem. Nếu lấy những phát biểu như “Nước mắt đã rơi” “khán giả hài lòng” “tôi đã khóc qua từng khung hình” “đẫm nước mắt qua từng cảnh phim”… để đánh giá tác phẩm thành công hay không thì kịch nói, cải lương cũng làm được vậy chứ đâu kém hơn; hoặc số lượng người xem đến rạp, thì cần phải nói rõ do chính vì số lượng người đọc “Cánh đồng bất tận” chứ đâu phải chỉ bản thân chất lượng phim ! Tác phẩm văn học đã chạm được đến những tầng sâu cảm xúc của ghen tuông, hận thù và cả yêu thương nhưng tác phẩm điện ảnh này thì không, nó chỉ còn là câu chuyện thương tâm không hơn không kém. Đó là chưa nói ý của nhà văn Nguyên Ngọc, đây không chỉ là cách đồng ở miền tây, ở Việt Nam mà là cách đồng của nhân loại, của thế giới bởi ở đâu cũng sẽ có những yêu thương đau khổ và hận thù như thế; đã không được bộ phim này chạm đến.

    Dù biết thế nào là một tác phẩm điện ảnh hay là một điều rất khó có tiếng nói chung, giống như người thích ăn thịt gà còn người thì không, có cách hình dung truyện thế này nhưng cũng có cách hình dung truyện thế kia. Thế nhưng kiểu gì thì kiểu, đã là điện ảnh mà bỏ qua tất cả những sở trường của điện ảnh thì không thể bảo đó là tác phẩm hay được. Cao trào chính của phim để giải quyết, mở nút toàn bộ câu chuyện, cao trào khiến người cha phá sản một lối sống, một nỗi hận thù phụ nữ, chính là trường đoạn Nương bị lũ côn đồ hiếp. Đọc truyện, chất điện ảnh đậm đặc qua mô tả của Nguyễn Ngọc Tư, nó lặng yên, thậm chí là im phăng phắc cho dù hoàn cảnh là sự la hét đau đớn. Nương trong truyện nằm lặng im nghe cơ thể bị xé toạc, nước mắt lặng im lăn ra vì nhớ đến mẹ, vì chợt nhận ra đó không phải là niềm hoan lạc, vì chợt nhận ra mình gọi Điền cứu chứ không gọi cha cho dù cha ở ngay bên cạnh. Lẽ ra đó phải là một trường đoạn của lặng im, của những pha quay chậm như không gian và thời gian đã dừng lại, lặng im không một tiếng động trên những vẻ mặt đau đớn của Út Vũ, của cưỡng hiếp. Ở phim, thì đó chỉ là sự la hét, gào thét như bất cứ cuộc hiếp dâm rẻ tiền nào khác. Cái nằm bất động của Nương cũng là cái bất động của người bất tỉnh chứ không phải là sự ê chề của cả cuộc sống bất hạnh dồn nén đổ lên đầu cô gái 17 tuổi chưa kịp làm trẻ con, chưa kịp làm người lớn ấy. Biết đòi hỏi là vô lý khi các tác giả đã không thể chạm tới được những tầng sâu ấy của tác phẩm nhưng chúng ta vẫn có quyền tiếc. Đơn giản là vì chúng ta đã bị đánh cắp mất đề tài, mất cơ hội để xem một tác phẩm điện ảnh có quyền để hay với thế giới.

    Chúng ta cũng tiếc cho những cánh đồng mênh mông của miền Tây không được vào phim. “Cánh đồng hoang” của Hồng Sến, “Mùa len trâu” của Nguyễn Võ Nghiêm Minh đi trước đã rõ là những cánh đồng mênh mông của người hận đời muốn xa lánh con người, thế nhưng ở đây thì chúng ta đã không được nhìn thấy cách đồng nào thực sự mênh mông không bóng người đó. Chiếc thuyền dường như cũng không phải là chiếc thuyền của những người nuôi vịt chạy đồng mà là thuyền của những thương hồ buôn hàng trên những kênh rạch miền tây. Phải chăng cần phải có con thuyền đủ chỗ cho diễn viên và đoàn quay phim hoạt động nên nó mới to đến thế. Sao những cảnh nội trong thuyền không vào phim trường thì mọi chuyện sẽ thật hơn không ?

    Chưa nói phim đã có quá nhiều những hạt sạn đến … mẻ răng. Hải Yến ngồi mà lúc nào bàn chân cũng duỗi ra như các người mẫu tạo để ảo giác cho cặp chân thêm dài; tay vuốt tóc đi dọc thân như một diễn viên múa thực sự; Út Vũ ngồi co một chân chưa thực sự giống như người nông dân ngồi; Tăng Thanh Hà vào vai người mẹ “như một clip ca nhạc” (bloger) .

    Từ trường đoạn cảnh chôn vịt không khác gì phóng sự truyền hình trên VTV (bloger) chúng ta sẽ nhận ra phim quá nhiều khung hình trung cảnh. Phim hiện đại rất ít trung cảnh. Để nói không gian thì trung cảnh không chuyển tài được gì, để đặc tả nội tâm thì trung cảnh càng không. Ở phim CĐBT thì trung cảnh chiếm số lượng quá lớn, đã thế, tất cả góc máy được đặt trên chân, khuôn hình bất động , diễn viên xuất hiện hoặc bước vào bước ra để nói. Cụ thể nhất của phương pháp làm phim này là cảnh Điền bắt cá, khung hình bất động, Nương ở ngoài vừa chạy vào vừa gọi Điền ơi Điền hỡi, đến sát bên Điền và nói “Chị đi đến nhà bọn kiểm dịch rồi”. Thực tế cuộc sống đâu có vậy, Nương cách mấy bước chân sao còn gọi Điền ơi ! Nương vẫn có thể đứng trên bờ ruộng nói cũng được chứ đầu cần phải chạy đến nơi !

    Máy quay đặt trên chân, rồi pan, rồi lia, nhân vật bước vào, bước ra khung hình là cách làm của phim video và cả phim nhựa Việt Nam lâu quá rồi mà chưa có thuốc chữa. Hãy mở tivi vào kênh HBO mà xem có phim nào máy quay đặt trên chân hay không ?

    Góc quay chính là góc nhìn của khác giả, muốn tạo cảm giác cho khán giả rằng họ cùng chính là người trong cuộc thì không thể “bắt” họ ngồi im như xem sân khấu, diễn viên bước ra bước vô khunh hình và diễn được. Cái bệnh này trầm kha lắm trong điện ảnh Việt Nam ! Không hoà nhập với thế giới ngay trong điều cơ bản nhất của điện ảnh là khuôn hình thì có lẽ điện ảnh Việt Nam đừng nghĩ đến chuyện giật những giải thưởng lớn của thế giới làm gì cho hy vọng nó thêm mỏi mệt. Hay nói cách khác, các đạo diễn Việt Nam hãy khăn gói đi học trở lại ở những trung tâm điện ảnh lớn của thế giới trước khi nuôi hy vọng về chuyện mang phim đi dự thi.

    Ừ nhỉ, qua “Cánh đồng bất tận” mới thấy, tại sao ta hoàn toàn chưa có bất cứ một đạo diễn nào khăn gói sang Hollywood để học một cách tử tế các bài cơ bản nhất của ngôn ngữ điện ảnh, hoặc gần hơn như Hồng Kông để bắt chước những pha hành động sạch nước cản cho bà con xem đỡ xấu hổ. Tại sao vậy nhỉ ?

    Nguồn: quechoablog.worldpress.com

  10. Có 6 thành viên cám ơn bài của Triplec:

    Đông Quân (20-11-2010),Lão K (20-11-2010),OA _ NỮ (20-11-2010),Phương Lê (22-11-2010),SunWild (19-11-2010),TeacherABC (19-11-2010)

  11. #6
    Gold Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket OA _ NỮ's Avatar
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    4.994
    Thanks
    4.403
    Thanked 9.333 Times in 1.852 Posts

    Default Re: Hành trình mênh mang của 'Cánh đồng bất tận'

    OA NỮ chưa được coi phim, xong nghe mọi người bình luận sôi nổi như vậy thấy háo hức ghê đi. Nội dung truyện OA đọc lâu rồi cũng quên chút xong cảm giác vô cùng sửng sốt khi đọc cuốn sách khi đó thì mãi ko bao giờ quên.
    Cuốn sách cánh đồng bất tận mà có thể gọi là cánh đồng nóng bỏng thì mọi người vẫn có thể chấp nhận được
    Que Sera, Sera. Whatever will be, will be
    The future's not ours, to see
    Que Sera, Sera

Chủ đề tương tự

  1. Tấn trò đời mang tên V-League !
    By Hàm Long in forum Tin tức thể thao
    Trả lời: 14
    Bài cuối: 16-09-2011, 09:21 AM
  2. Cú lừa văn chương mang tên Phạm Thị Lan
    By thuphong in forum Tin Tức, Báo Chí
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 10-03-2010, 01:51 PM
  3. Người mang tâm sự
    By Sheiran in forum Nhạc Việt Online
    Trả lời: 1
    Bài cuối: 15-09-2009, 08:54 AM
  4. Những ca khúc mang âm hưởng ca trù
    By SunWild in forum Nhạc Việt Online
    Trả lời: 14
    Bài cuối: 24-07-2009, 01:41 PM
  5. Trả lời: 1
    Bài cuối: 26-06-2009, 07:04 PM

Posting Permissions

  • Bạn không thể tạo chủ đề mới
  • Bạn không thể trả lời
  • Bạn không thể dùng tập tin đính kèm
  • Bạn không thể hiệu chỉnh bài
  •