Như chúng ta đã biết. Thơ Đường là một thể loại thơ đặc biệt với nhiều quy tắc ràng buộc. Những nghiên cứu từ cổ nhân đã tạo cho thơ Đường một bản sắc độc đáo, hoàn chỉnh về nhiều góc độ. Tuy có những gò bó, hạn chế nhưng nếu người làm thơ thể hiện được sự thanh thoát, thi vị của thơ thì đó mới gọi là sự tài tình. Nhân tiện đọc bài viết của Hoàng Thứ Lang, KHT xin mạn phép lấy làm tài liệu tham khảo cho các bạn yêu thích thể loại này nghiên cứu thêm.

Thơ Đường luật (Luật thi)

Tiền Mộc Yêm, tác giả sách Ðường Ẩm Thẩm Thể nói rằng: “Luật đây là sáu luật, là luật hòa hợp âm thanh. Luật thơ cũng giống như kỷ luật dụng binh, pháp luật hình án, nghiêm ngặt chặt chẽ, không được vi phạm”. Có thể giải thích thêm về thể cách của luật thi như sau:

a. Trong một câu, bằng trắc cần phải điều tiết.
b. Trong khoảng hai câu liền nhau, sự đối ngẫu cần phải khéo.
c. Trong một bài, âm thanh cần phải chọn sao cho có sự cao thấp, bổng trầm.
Tóm lại, ba điều kiện cần thiết của luật thi là niêm, luật và đối.

Về đối ngẫu, Lưu Hiệp đời Lục Triều, tác giả sách Văn Tâm Ðiêu Long, đã phân biệt bốn cách là: Ngôn đối, Sự đối, Chính đối và Phản đối. Ngôn đối là đối bằng lời suông. Sự đối là đối bằng điển cố. Hai câu mỗi câu trình bày một sự việc nhưng nói lên cùng một ý, là chính đối. Nếu hai sự việc đó trái ngược nhau, thì gọi là phản đối. Sự đối và phản đối khó làm hơn và có giá trị hơn là ngôn đối và chính đối.

Ðến thời Sơ Ðường, Thượng Quan Nghi phân biệt sáu cách đối là:

1. Chính danh đối, như càn khôn đối với nhật nguyệt.
2. Ðồng loại đối, như hoa diệp đối với thảo mao.
3. Liên châu đối, như tiêu tiêu đối với hách hách.
4. Song thanh đối, như hoàng hòe đối với lục liễu.
5. Ðiệp vận đối, như bàng hoàng đối với phóng khoáng.
6. Song nghĩ đối, như xuân thụ đối với thu trì.
(theo sách Thi uyển loại cách)

Một bài luật thi hoàn chỉnh dùng vào việc ứng chế, ứng thí, có thể định nghĩa là một bài thơ tám câu hoặc năm chữ ngũ ngôn luật thi hoặc bảy chữ thất ngôn luật thi, phải theo những qui tắc nhất định về niêm, luật; bốn câu 3,4 và 5,6 phải đối nhau từng đôi một.

Ngoài những bài có bốn câu giữa đối nhau, cũng có những bài hoặc sáu câu toàn đối, hoặc tám câu toàn đối.

Về vận, bài luật thi bắt buộc phải dùng vận chính (không được dùng vận thông, vận chuyển), căn cứ vào cuốn qui định vận bộ do triều đình ban hành. Ðời Ðường Huyền Tông có cuốn “Vận Anh”, cải biên theo cuốn “Thiết Vận” của Lục Pháp Ngôn đời Tùy, rồi cuốn “Ðường Vận” của Tôn Miễn, bổ khuyết sách trên.

Về việc dàn ý, bài luật thi vốn có bố cục như sau: các câu 1, 2 là khởi (khai), các câu 3, 4 là thừa, các câu 5, 6 là chuyển, các câu 7, 8 là hợp (hạp). Ngoài các câu đầu và kết ra, trong những câu giữa, muốn nói gì cũng được, không có lệ nhất định. Chỉ trong những khoa thi về sau, bài luật thi mới có bố cục chật hẹp (phá, thừa, thực, luận, kết).