Có anh hết giờ làm sợ về nhà vì vợ "đòi". Có anh tìm bìm bịp, tắc kè ngâm rượu bồi bổ vẫn không "trụ" nổi. Chả lẽ lại xin "đình chiến" với vợ thì hóa ra mình yếu kém!
Ngồi trước mặt tôi là một chị 29 tuổi, đã có 2 con. Chị bẽn lẽn tâm sự: “Không hiểu sao em rất mạnh trong chuyện ấy. Hôm nào mà ảnh kêu mệt, chẳng chịu rớ tới em là em không thể ngủ được. Người bứt rứt khó chịu, có lúc em phải “tự sướng” để cho qua cơn.

Tuy nhiên đã có chồng lù lù ra đấy mà làm ăn một mình cũng thấy sao sao chứ không thỏa mãn...”. Còn người phụ nữ thứ hai tôi gặp đã 58 tuổi, mãn kinh 8 năm. Chị khẩn khoản: “Bác sĩ có thuốc “diệt dục” cho tôi uống! Ông xã mất cách đây 3 năm, bây giờ không hiểu sao một ngày thiếu đàn ông tôi không chịu nổi!”...

Đây là nỗi niềm của 2 phụ nữ ở lứa tuổi khác nhau trong số không ít quý bà hiện nay có một điểm chung là nhu cầu tình dục quá mạnh. Các nhà khoa học gọi những phụ nữ có ham muốn mãnh liệt như vậy là A p h r o d i s i a ( tư chữ Aphrodite, tên của vị thần đam mê). Những người mắc bệnh này thường không chỉ có nhu cầu 1 lần mà họ được xếp vào hàng “đa cực khoái” tức là xong “hiệp 1” còn muốn đá tiếp “hiệp 2 và hiệp 3”.

Tại sao vậy?

Có phải do tạo hóa đã lập trình sẵn từ trong bụng mẹ? Chúng ta biết vùng dưới đồi (ở não) có trung khu sinh dục. Nơi đây sẽ bài tiết ra những yếu tố kích thích tuyến yên giải phóng kích dục tố. Những kích dục tố này tác dụng vào buồng trứng để sinh ra kích tố sinh dục (estrogen). Sự xuất hiện của estrogen ở buồng trứng cùng với một lượng testosterone ở tuyến thượng thận làm xuất hiện ham muốn (libido).

Các nhà tình dục học cho rằng testosterone ở cô gái nào được sản xuất ra nhiều thì hệ mao xôm tụ từ trên xuống dưới (lông mày rậm, có ria mép, “vi-ô-lông” ở vùng kín cũng rậm rạp lan sang cả hai bên đùi). Nếu hàm lượng testosterone tăng cao thì ham muốn cũng tăng lên. Bởi vậy ngày xưa các cụ bảo “Đa mao thì dâm” là có cơ sở khoa học. Thời đó, một số người phải dùng nhíp tỉa bớt lông mày để che giấu kẻo bị đánh giá theo “mao học” thì mang tiếng lắm.

Đàn ông có thích phụ nữ “mạnh” không?

Tôi đã từng đọc lá thư của một bạn nam kể rằng: “Bạn ấy rủ em đến nhà học chung. Người lớn đi làm vắng, bạn rủ em làm chuyện đó, em sợ quá nhưng về nhà lại tiếc vì bạn ấy tự nguyện “cho”, không nhận thấy cũng uổng...”. Một số cô gái trẻ bị bản năng thôi thúc đã sẵn sàng “Tình cho không biếu không”.

Khi hỏi họ có ân hận không thì những người sẵn sàng “biếu không” này đều trả lời “Cả hai đều được chứ có ai mất gì đâu mà hận. Chẳng qua cái số mình nó vậy...”. Tỉnh bơ như thế nghe cũng ớn! Trao đổi với mấy anh về chuyện “con mèo và cục thịt mỡ” hầu như các anh đều trả lời “Ngu gì không ăn!”. Cục thịt mỡ chờn vờn trước mắt, mèo chỉ việc há miệng mà đớp, thèm ăn là một kích thích khó cưỡng lại. Còn các ông chồng nhà mình? Lúc đầu thấy vợ hưởng ứng nhiệt tình, ông nào chả thích, coi đó là sự hòa hợp “thuận vợ thuận chồng” sao mà sướng thế!

Nhưng sau những tuần “phục vụ” bà xã đến “giập mật” đuối sức anh mới thấy rằng đam mê của vợ chả khác gì một hỏa diệm sơn, khó lòng dập tắt. Có anh đi làm hết giờ phải tranh thủ ghé qua nhà bạn bè hay nhà cha mẹ ruột ngủ một giấc lấy sức. Có anh đi tìm thuốc Đông y từ bìm bịp, bò cạp, tắc kè đến lộc nhung ngâm rượu bồi bổ vẫn không “trụ” nổi. Chả lẽ lại xin “đình chiến” với vợ thì hóa ra mình yếu kém! Một số anh đã suy kiệt vì “Tốt mái hại trống” như vậy.

Chữa bệnh bằng thực phẩm

Nếu dùng nội tiết tố để ức chế bệnh thì lợi bất cập hại, vì có thể gây teo buồng trứng, nên xu thế chung là dùng thực phẩm và những loại thuốc Đông y.

Theo Đông y, bệnh này là do can nhiệt, thận âm hư nên dục hỏa bốc quá cao. Việc đầu tiên là tâm lý trị liệu kết hợp với những vị thuốc an thần đông y như lá vông nấu canh ăn, tâm sen pha trà uống, cát căn (bột sắn) uống với chút đường. Có thể uống thuốc đại bổ âm kết hợp với tri mẫu (30g), hoàng bá (15g) sắc uống mỗi ngày.

Với thực phẩm, nên ăn những loại rau có tác dụng thanh hỏa giáng dục như mướp đắng (khổ qua), dưa leo, bí đao, củ ấu... Kiêng những thực phẩm như đậu phộng, thịt dê, thịt chó, chim sẻ. Trong thời gian điều trị, vợ chồng nên nằm riêng, mỗi tuần gần gũi 1 lần. Dần dần nhu cầu của người vợ sẽ cân bằng lại. Nếu coi tình trạng “mạnh” của người phụ nữ là một bệnh thì chúng ta nên nhìn với thái độ thông cảm, không nên dùng những từ mang tính miệt thị như “ngựa cho lắm”, tệ hơn là “đĩ thõa”. Ông chồng có bà vợ như vậy đừng ráng chịu mà nên tìm cách chữa trị bằng thực phẩm hoặc thuốc Đông y để cùng nhau giữ gìn sức khỏe.

Theo Tuổi trẻ